Trang chủ Nổi bật Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 – Kỳ 8 : Kịch...

Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 – Kỳ 8 : Kịch chiến Ô Mã Nhi, quân Nguyên thiếu lương thực

Sau thế chẻ tre ban đầu, quân Nguyên một lần nữa rơi vào thế khó giống như những lần xâm lược Đại Việt trước đó. Trong quá trình chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Nguyên triều đã cố gắng làm tất cả để khắc phục những điểm yếu cố hữu của quân Nguyên trên chiến trường Đại Việt là yếu về thủy quân và không đủ hậu cần để đánh lâu dài. Thế nhưng những toan tính của quân xâm lược đã dần đổ vỡ trước sự mưu trí, dũng cảm và sức mạnh to lớn của quân dân Đại Việt.

1. Hưng Đạo vương kiểm soát lại vùng Hải Đông, kịch chiến Ô Mã Nhi:

Thủy quân Nguyên Mông trong cuộc chiến lần này đã rất mạnh, nhưng sức cơ động vẫn kém hơn thủy quân Đại Việt rất nhiều. Chiến thuyền Đại Việt đa dạng về chủng loại, thường có tốc độ cao và dễ xoay sở trong mọi điều kiện sông nước hay trên biển. Chiến thuyền quân Nguyên thì chỉ có lợi thế ở sự to lớn, do là những thuyền dùng để vượt biển, vừa phải chở nhiều quân vừa kiêm chức năng chiến đấu. Do chậm chạp hơn, sau khi chiếm được Thăng Long quân Nguyên một lần nữa để mất dấu vua Trần. Đoàn chiến thuyền của quân ta đã luôn nắm thế chủ động về tốc độ trong những cuộc hành quân, rượt đuổi.

Mặc dù tạm thời bỏ ngỏ nhiều vùng để cho giặc chiếm đóng, quân Đại Việt vẫn có khả năng phản đòn ngay lúc mà quân Nguyên vẫn đang trong giai đoạn sung sức nhất. Hưng Đạo vương từ Thiên Trường dẫn quân đi đường biển vòng trở lại ven biển lộ Hải Đông, đóng thủy quân tại Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng). Nơi này trên là núi, dưới là biển, chư quân tựa lưng ra biển mà đóng giữ, giúp hạn chế tối đa sự kết hợp thủy bộ của quân Nguyên khi giao chiến. Lúc này, địch nếu muốn đánh thì phải đánh với ta những trận thuần thủy chiến, hoàn toàn không có sự trợ giúp của bộ binh với cung cứng ngựa khỏe.

Từ căn cứ Tháp Sơn, Hưng Đạo vương cho quân quần thảo một vùng biển rộng. Ngày 10.2.1288, Ô Mã Nhi nhận lệnh của Thoát Hoan đem thủy quân đi đón thuyền lương của Trương Văn Hổ (vốn đã bị tiêu diệt từ trước nhưng giặc chưa hay biết), đến cửa biển Đại Bàng (cửa Văn Úc, Kiến An, Hải Phòng ngày nay) thì gặp thủy quân Đại Việt dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo vương dàn trận đón đánh. Quân ta có khoảng 1.000 chiến thuyền lớn nhỏ, chia làm nhiều nhánh quân, chủ ý đánh tiêu hao địch rồi rút. Ô Mã Nhi gặp quân ta dàn trận cũng xông vào ứng chiến. Các nhánh quân Đại Việt luân phiên tấn công hạm đội quân Nguyên từ nhiều hướng. Giao chiến hồi lâu, quân Nguyên chết đuối rất nhiều, mất hơn 300 chiến thuyền về tay quân Đại Việt. Nhưng với lực lượng còn lại khá đông, Ô Mã Nhi cố gắng chỉ huy các chiến thuyền phá trận. Đánh thêm một hồi, nhận thấy sức chiến đấu của địch còn mạnh nên quân ta giãn ra, tránh những thương vong chưa thực sự cần thiết.

Ô Mã Nhi qua được cửa Đại Bàng, dẫn binh thuyền đến vùng biển Tháp Sơn thì lại gặp thủy quân của Hưng Đạo vương chờ sẵn. Ô Mã Nhi cố sức đánh trả rất vất vả, rốt cuộc cũng vượt qua được. Đoàn chiến thuyền quân Nguyên tiến thẳng đến cửa biển An Bang (thuộc Quảng Ninh ngày nay), đóng lại tại đó chờ đón đoàn thuyền lương mà giặc vẫn nghĩ là còn tồn tại. Hưng Đạo vương không đánh gấp vào hạm đội của Ô Mã Nhi nữa mà dồn sức quấy rối khối quân của Thoát Hoan trên bộ, dần nắm lại quyền chủ động khắp vùng Hải Đông. Căn cứ Vạn Kiếp của quân Nguyên bị quân ta trực tiếp uy hiếp từ phía đông.

2. Quân Nguyên thiếu lương thực, cướp bóc tàn hại nhân dân:

Trong lúc Ô Mã Nhi đem thủy quân ra biển đón thuyền lương thì Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long chờ đợi. Chính trong lúc chờ Ô Mã Nhi, quân Nguyên đã bắt đầu thiếu lương thực. Các tướng Nguyên phải chia quân đi cướp bóc lương thực trong dân. Đi đến đâu chúng cũng vấp phải sự kháng cự của nhân dân các làng xã, hoặc có khi dân chúng tản đi trốn tránh và cất giấu lương thực, khiến giặc rất khó khăn trong việc cướp lương. A Bát Xích lúc này đã thấy được nguy cơ, bàn với Thoát Hoan: “Giặc [ chỉ quân Đại Việt ] bỏ sào huyệt trốn vào núi biển là có ý đợi chúng ta [ chỉ quân Nguyên ] mệt mỏi rồi thừa cơ đánh lại. Tướng sĩ phần nhiều là người phương Bắc, lúc xuân hạ giao nhau, khi chướng lệ hoành hành, chưa bắt được giặc, ta không thể giữ lâu được. Nay chia quân bình định các nơi, chiêu hàng những người quy phụ, ngăn cấm quân lính không được cướp bóc, kíp bắt ngay Nhật Huyền [ chỉ Trần Thánh Tông ] đó là kế hay”. A Bát Xích phân tích ý định của quân Đại Việt và sự khó khăn của quân Nguyên rất chính xác. Tuy nhiên phương lược giải quyết thì hắn còn lâu mới tìm được lời giải. Kế sách của A Bát Xích nghe qua có vẻ hay nhưng rõ ràng không khả thi để thực hiện. Ngay chính hoàn cảnh trước mắt quân Nguyên đã không có đủ lương thực để ăn thì làm sao tránh khỏi việc cướp bóc. Mà đã cướp bóc tàn hại nhân dân khắp nơi, thì lấy đạo nghĩa gì để chiêu hàng nhân dân. Vả lại càng chia quân để “bình định”, giặc càng phải dàn mỏng lực lượng, trở thành mục tiêu cho các đội quân của ta cơ động tiêu diệt. Vốn dĩ cuộc chiến đã phi nghĩa từ bản chất mà A Bát Xích lại đem điều nhân nghĩa ra nói thì làm sao thi hành được.

3. Tin chiến thắng của Trần Khánh Dư về đến hành cung, Thoát Hoan nhận hung tin :

Chiến thắng Vân Đồn – Lục Thủy diễn ra trong tháng Chạp (5.1 – 2.2.1288). Trận này quân ta đã tiêu diệt hết thuyền lương của quân Trương Văn Hổ chỉ huy. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư sau đó đã cho người chạy trạm ngựa báo tin thắng trận lên vua. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự gay go nên tin tức về chiến thắng này đã bị chậm trễ rất nhiều. Lúc này, thủy quân của Trần Khánh Dư đang đóng giữ ở vùng biên thùy Vân Đồn. Trong khi đó, Thoát Hoan đã chiếm cứ Vạn Kiếp và một số vùng Hải Đông, uy hiếp Thăng Long ở phía đông. Điều này làm cho đường liên lạc của Trần Khánh Dư về kinh thành bị gián đoạn. Những diễn biến sau đó là việc Thoát Hoan tiến chiếm Thăng Long và vua Trần liên tiếp phải di chuyển trên những đoạn đường dài. Vì vậy nên quân báo tiệp mà Trần Khánh Dư phái về triều báo tin tức càng khó hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi vua và thượng hoàng vào Thanh Hóa vào đầu tháng 2.1288, quân báo tiệp của Trần Khánh Dư phái đi mới có thể tìm đến hành cung. Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhận được tin thắng trận của Trần Khánh Dư rất vui mừng, nói với mọi người: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Nói xong ngài lệnh thả vài tên tù binh Nguyên Mông bị quân ta bắt được về trại địch để báo tin. Những lỗi lầm của Trần Khánh Dư từ trước xí xóa không nhắc đến nữa.

Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long, đương lúc khốn đốn vì thiếu lương thực thì lại nhận được hung tin do đám tù binh được quân Đại Việt thả ra về báo lại. Tướng sĩ quân Nguyên hay tin, trên dưới đều sửng sốt. Thoát Hoan bèn dẫn quân quay trở lại căn cứ Vạn Kiếp mà hắn đã sai quân xây dựng kiên cố trước đó. Trước khi rút đi, giặc đã đốt phá nhiều cung điện, công trình trong kinh thành, khiến Thăng Long một lần nữa hoang tàn. Lúc này căn cứ Vạn Kiếp đã có thành gỗ vững chải, Thoát Hoan chia quân phòng giữ, chờ đợi lương thực.

Lại nói về Ô Mã Nhi cùng hạm đội của hắn chờ đợi ở An Bang ngót gần một tháng ròng rã. Đến hạ tuần tháng 3.1288, Ô Mã Nhi tuyệt vọng dẫn đoàn thuyền theo ngã sông Bạch Đằng quay trở về Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Do không đón được thuyền lương, Ô Mã Nhi cho quân thả sức cướp bóc lương thực dọc đường tiến quân đem về đại doanh quân Nguyên ở Vạn Kiếp. Hắn dẫn quân tràn vào cướp phá trại Yên Hưng (thuộc Quảng Ninh) vào ngày 22.3.1288. Với rất nhiều cố gắng, Ô Mã Nhi cướp được 4 vạn thạch gạo đem về Vạn Kiếp. Chúng ta nên biết rằng, số lương thực mà quân Nguyên cướp được cũng là minh chứng cho sự tàn phá dữ dội của quân giặc đối với nhân dân. Tuy nhiên, chừng ấy cũng chẳng đủ để quân Nguyên đảm bảo được lương thực. Trải qua gần 3 tháng tiến vào nước ta, quân Nguyên đã bắt đầu lâm vào cảnh đói khát. Mấy chục vạn quân Nguyên chỉ còn trông cậy vào số lương thực ít ỏi mà Ô Mã Nhi đã cướp được mang về.

Thực ra ngoài đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ thì Nguyên triều còn phái hai đoàn thuyền lương khác nữa với quy mô nhỏ hơn đi sau. Nhưng hai đoàn thuyền này cũng chẳng thể đến được với quân Nguyên ở Đại Việt. Một đoàn thuyền lương do Phí Củng Thìn chỉ huy chưa ra khỏi vùng biển Huệ Châu (Quảng Đông) đã bị gió bão đánh dạt vào Quỳnh Châu (đảo Hải Nam). Một đoàn thuyền lương dưới trướng Từ Khánh đang trên đường biển sang nước ta thì bị gió bão đánh dạt tận biển Chiêm Thành, bị thiệt hại nặng rồi cũng quay về Quỳnh Châu. Trong khi quân Đại Việt tung hoành trên mặt biển, thì quân Nguyên cứ mỗi lần đi biển là mỗi lần trông cậy vào sự may rủi. Qua hai lần thuyền lương nước Nguyên bị bão biển đánh dạt cũng như nhiều lần trước hành quân đánh Chiêm Thành, Nhật Bản đều bị thiệt hại do bão biển đủ cho thấy kiến thức hàng hải, thời tiết của Nguyên Mông rất kém. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đế chế Nguyên Mông không thể nào bành trướng đến những nước ở mé biển như Đại Việt, Chiêm Thành hay như Nhật Bản là nước nằm giữa biển.

(còn tiếp)

Quốc Huy/Một Thế Giới