Trang chủ Kiến Thức Sự ra đời của quy định bảo vệ quyền tác giả

Sự ra đời của quy định bảo vệ quyền tác giả

Quy định bảo vệ quyền tác giả chỉ xuất hiện sau những giằng co bảo vệ độc quyền in ấn ở châu Âu thế kỷ XV – XVII

Châu Âu là nơi đầu tiên xuất hiện những quy định bảo vệ quyền tác giả đối với các phát minh khoa học kỹ thuật và sách vở. Cuối thế kỷ XV, ảnh hưởng của phong trào Phục Hưng tại châu Âu thúc đẩy thị trường sách phát triển rất nhanh, đặt ra nhu cầu bảo vệ nhà xuất bản và các cửa hiệu bán sách.

Thoạt tiên những nhà xuất bản còn rất nhỏ và hầu hết vốn liếng của họ đều đầu tư vào một đợt xuất bản quyển sách nào đó. Kỹ thuật bảo mật thời bấy giờ còn kém nên tình trạng sao chép bản thảo quyển sách rồi tung bản lậu này ra thị trường diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà xuất bản và hiệu sách. Nhà xuất bản tìm giải pháp bằng cách thỉnh cầu chính quyền cho phép họ được độc quyền xuất bản một hay một số ấn phẩm nào đó trong thời hạn nhất định. Ví dụ như thành phố Venice (Ý) cho phép một nhà xuất bản Đức độc quyền in ấn các lá thư của Cicero và Pliny trong 5 năm.

Trong số nhà xuất bản được độc quyền in ấn, công ty Stationers ở nước Anh được hưởng nhiều ưu đãi nhất vì giữ thế độc quyền in ấn đối với tất cả các sách xuất bản ở Anh suốt thế kỷ XVI – XVII. Bất kỳ ai muốn xuất bản sách phải đăng ký với Stationers. Công ty công nhận người đó là chủ sở hữu văn bản này và không ai được phép sửa đổi nó nếu không có sự đồng ý của tác giả. Quy định bảo vệ quyền tác giả bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên nhà nước Anh lợi dụng vị trí độc quyền của công ty Stationers để kiểm duyệt toàn bộ ngành xuất bản. Rất nhiều người phản đối điều này, trong đó có John Locke. Ông lập luận rằng liệu có công bằng và ích lợi không nếu không được phép sửa đổi cho chính xác, hay bình luận về các văn bản thời La Mã và trước đó, vì các tác giả thời đấy đã qua đời rất lâu và không ai được phép thay đổi những văn bản do công ty Stationer tuyên bố độc quyền in ấn?

Trang đầu của đạo luật Anne – đạo luật nhằm khuyến khích học tập

Nhờ vận động của John Locke và những trí thức khác, nghị viện Anh quốc từ chối đề nghị gia hạn độc quyền của công ty Stationers năm 1710. Thay vào đó, nghị viện ban hành đạo luật về quyền tác giả đầu tiên trên thế giới: Đạo luật Anne hay còn gọi là Đạo luật khuyến khích học tập. Luật này cho phép tác giả được độc quyền in và tái bản tác phẩm của mình, xóa bỏ thế độc quyền xuất bản của công ty Stationers. Bất cứ ai xâm phạm quyền tác giả bằng cách in lậu hay phát hành sách in lậu đều bị xử phạt. Tiền bồi thường sẽ trả cho người giữ quyền tác giả và chính quyền. Thời hạn độc quyền của tác giả là 14 năm nếu xuất bản lần đầu sau ngày 10/4/1710, và 21 năm nếu xuất bản lần đầu sau ngày này.

Mặc dù có một số hạn chế như quy định mức giá tối đa của sách hay cấm nhập khẩu sách nước ngoài vào Anh (trừ sách tiếng Latin và Hy Lạp). Song nước Anh đã trở thành nước tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tác giả, một cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn đến ngày nay.

Trường Minh