Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 21/3/1800: Lễ đăng quang với vương miện….giấy của giáo hoàng Pius...

Ngày 21/3/1800: Lễ đăng quang với vương miện….giấy của giáo hoàng Pius VII

Giáo hoàng Pius VII.
Giáo hoàng Pius VII.

Sau khi giáo hoàng Pius VI chết ở nơi lưu đày, Napoleon cho ướp xác đến 3 tháng để chờ Cơ mật viện của Giáo hội bầu ra tân giáo hoàng, mới đồng ý cho chôn cất. Thời gian này khá lâu vì cần phải tập trung các Hồng y lại, và cuộc bầu chọn giáo hoàng thường bị can thiệp bởi các cường quốc, cũng như tình hình phe phái trong nội bộ Giáo hội. Cuối cùng thì 35 Hồng y, sau nhiều phiên họp ở đảo Saint-Georges-Majeur, xứ Venice.đã bầu hồng y Chiaramonti làm giáo hoàng thứ 251, hiệu là Pius VII.

Ngày 21 tháng 3, tân giáo hoàng đăng quang ngay tại tu viện Benedictine ở Saint-Georges-Majeur, vì nước Áo từ chối không cho ông làm lễ ở Vương cung thánh đường Saint-Marc. Nghi lễ rất đơn sơ vì cơ sở vật chất thiếu thốn. Khi chiếm đóng thành Roma, quân Pháp đã vơ vét sạch đồ dùng có giá trị của giáo hoàng tiền nhiệm, tính cả hơn 30 mũ triều thiên ba tầng (sau bị tháo dỡ hết để lấy vàng, bạc, ngọc nạm….không thể phục hồi lại được). Thành ra khi chuẩn bị đăng quang, Pius VII lâm vào cảnh không có gì để đội lên đầu. Bởi vậy cấp dưới đã chế tạm một vương miện bằng giấy và keo, gắn lên đó các viên ngọc và đồ trang sức của nhiều nữ quý tộc địa phương hiến tặng. Pius VII trở thành vị giáo hoàng duy nhất trong lịch sử Thiên Chúa Giáo dùng vương miện bằng giấy khi đăng quang. Việc đại diện của Chúa trời lại phải đội lên đầu một đống giấy vụn trộn keo, bị giáo hoàng Gregory XVI (1831-1846) coi là sự sỉ nhục.

Tranh vẽ vương miện năm 1805 còn lưu lại đến nay.
Tranh vẽ vương miện năm 1805 còn lưu lại đến nay

Napoleon có lẽ cũng nhận ra điều này, nên về sau hoàng đế Pháp có gửi tặng giáo hoàng Pius VII một vương miện mới bằng vàng bạc nạm đá quý (thật ra là nhặt nhạnh lắp ghép từ mấy cái vương miện cũ bị tịch thu), chạm trổ rất đẹp. Nhưng rồi thì đồ mới này cũng nhanh chóng bị đặt trong tủ, do người ta nhận ra nó quá nặng (8kg – tương đương quả tạ nâng 1 tay) và quá nhỏ để đội lên đầu (nghiêng đầu hơi quá là….rơi). Đã thế, khi soi kỹ còn thấy mặt trong và ngoài của vương miện khắc đầy các chiến công của Napoleon (trận Kim Tự Tháp, Marengo, Austerlitz…..). Chỉ về sau khi Napoleon đã sụp đổ và bị đày đi đảo xa rồi, hồng Y Consalvi mới dám đem những dòng này xóa đi và thay thế bằng câu châm ngôn trong Kinh Thánh.

Năm 1820, một vương miện bạc được thiết kế, nhưng rồi thì Pius VII và 3 đời giáo hoàng sau vẫn thích đội cái bằng giấy vì đơn giản là nó rất nhẹ. Đến năm 1845, giáo Hoàng Gregory XVI đặt làm 1 cái mới bằng vàng bạc nhưng dễ đội và nhẹ hơn mẫu cũ, rồi cho vương miện bằng giấy vào kho. Không rõ cái còn lưu đến nay là bản gốc hay phục chế.