Trang chủ Kiến Thức “Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 1

“Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 1

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong mắt của phương Tây là một cuộc chiến được truyền thông theo dõi sát chưa từng thấy. Công chúng được theo dõi từng trận đánh qua truyền hình, các nhà báo xuất hiện ở các tuyến để săn tin với mật độ dày đặc. Trong những ngày cao điểm của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, một nhóm nhà báo Đức từ Sài Gòn đã bạo gan dùng thuyền vượt chiến tuyến để từ vùng kiểm soát của quân đội Sài Gòn sang vùng kiểm soát của quân Giải Phóng hòng tìm kiếm những tin tức mới lạ, nóng bỏng nhất. Và họ đã bị bắt vì xâm nhập bất hợp pháp. Thế nhưng trong trại giam, nhà báo Klaus Liedke ( thuộc báo Stern ) vẫn có cơ hội để ghi nhận lại những diễn biến chiến sự từ góc nhìn của một … tù nhân. Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, Diễn đàn Lịch Sử Việt Nam xin phép được đăng lại bài báo cho quý độc giả được hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc :

TRONG TRẠI GIAM CỦA VIỆT CỘNG
Klaus Liedke

Khi giờ khắc số 0 đến, tôi ngồi trại giam. Không có chuồng cọp và tra tấn như ở trại giam của chính quyền cũ, mà là trại giam có một người du kích canh chừng, và nếu tôi hay bạn tôi Hans Bollinger – cùng ngồi với tôi – một trại giam của Việt Cộng tại thành phố biển Phan Thiết, cách Sài Gòn phía đông bắc 180 km.

Khi bị bắt, họ không tước mất chiếc đài bán dẫn của chúng tôi. “Các ông có thể nghe những gì các ông muốn”. Và khi nghe được tin chiến thắng do Đài phát thanh Giải Phóng phát đi, những người chiến thắng – những người hôm qua còn là lực lượng nổi dậy đã chạy vào phòng của chúng tôi, xúm lại quanh chiếc đài và hò reo sung sướng. Họ ôm chầm lấy nhau, mạnh dạn vỗ vai chúng tôi, kéo chúng tôi ra khỏi chiếc ghế như họ muốn mời chúng tôi nhảy điệu múa mừng chiến thắng.

“Phải chi Bác Hồ kính yêu còn sống để chứng kiến giờ phút này”, anh chiến sĩ tên Sửu được lệnh làm phiên dịch cho chúng tôi thốt lên – “Có ai nghĩ rằng mọi việc lại diễn ra nhanh như thế”. Nước mắt ràn rụa trên đôi mắt anh và tự hào, gần như bối rối gương cao chiếc huy hiệu Bác Hồ về phía chúng tôi : “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu mà Bác đã giao”.

Bản tin về sự đầu hàng có tính lịch sử được các loa phóng thanh truyền đi khắp thành phố trong những ngày tiếp theo, sáng sáng đánh thức chúng tôi và tối tối đưa chúng tôi vào giấc ngủ ngon lành cho đến khi chúng tôi được thả ra.

Trước ngày thay đổi chính quyền, Sài Gòn sụp đổ đối với một số người, Sài Gòn giải phóng đối với những người khác, chúng tôi đã thay đổi trận tuyến. Vào thời gian Thiệu từ chức trong đó hình như có một khoảnh khắc dài có thể đàm phán. Với việc Thiệu ra đi, một trong những điều kiện tiên quyết của Việt Cộng cho giải pháp chính trị đã hoàn thành, trên chiến trường có được thời gian nghỉ xả hơi.

Tại thành phố có biết bao tin đồn đại. Đài của CIA đưa tin đảo chính ở Hà Nội, 3 sư đoàn quân Bắc Việt được lệnh quay trở ra bắc. Nhiều người cho rằng đình chiến đã được thỏa thuận từ lâu. Những người khác cũng như ở nước Đức ngày nào – tin vào một loại vũ khí thần kỳ mà tờ báo “12 giờ kém 5” có thể sử dụng. Trước đó mấy ngày không quân Nam Việt Nam bắt đầu ném bom, một loại bom khi nổ nó hút hết dưỡng khí trong chu vi mấy trăm mét, hủy diệt hết mọi sự sống.

Người kế tiếp Thiệu, ông Hương già yếu, đọc diễn văn trấn an. Tướng không quân Cao Kỳ, đã từng là thủ tướng một thời, hy vọng sẽ nhảy lên làm tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, nói với tôi rằng nếu cần, ông muốn biến Sài Gòn là một Stalingrad : Ông sẽ di tản tất cả phụ nữ, trẻ em ra khỏi Sài Gòn, đưa họ đến đảo Phú Quốc và bảo vệ thành phố cho đến người lính cuối cùng. Mấy ngày trước đó, ông đã nghe 300 sĩ quan quân đội tuyên thệ trung thành cho đến chết.

Lời nói sáo rỗng này vô nghĩa trước sức mạnh vượt trội của 23 sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng đang đứng trước cửa ngõ Sài Gòn. Đánh chiếm thành phố hình như chỉ còn là thời gian tính từng tuần, thậm chí có thể là từng ngày. Chúng tôi quyết định tận dụng thời gian đi theo những câu chuyện rùng rợn, rằng quân nổi dậy trên đường hành quân đã làm thịt các con của các bà mẹ Nam Việt Nam và cha là người Mỹ, rằng họ lùa tất cả mọi người trong thành phố đưa đi hành quyết tập thể, rằng họ cưỡng hiếp các nữ tu Công giáo và tra tấn đến chết các nam Phật tử. Chúng tôi phải đi về hướng bắc, đặc biệt đi đến vùng Việt Cộng đã chiếm. Chúng tôi đi taxi 3 tiếng đồng hồ đến Vũng Tàu, tìm một ngư dân và đi đường biển tránh mặt trận.

Còn đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu hai bên đang đánh nhau nhưng cũng có thể đi được. Trong các trại tị nạn cạnh đường, hàng trăm ngàn người đầu hàng số phận. Họ không còn bỏ chạy hoảng loạn trước những cuộc ném bom của không quân chính phủ và pháo binh của Việt Cộng như hồi tháng 3 vừa qua, trong cuộc chạy quy mô lớn từ phía bắc. Trận chiến đã đuổi kịp họ. Và giờ đây, họ biết chạy đi đâu. Đây là trạm cuối cùng.

Tải cảng Vũng Tàu, chúng tôi đã mua nổi sợ hãi trước Việt Cộng của một ngư dân bằng 400.000 Piaster, tức gần 1.200 mác. “VC số 10”, anh ta nói như vậy cho đến khi giá được chấp nhận. “số 10” trong tiếng Anh nhà binh của người Việt Nam là số không tốt, “số 1” mới là tốt. Giữa hai số đó không có nghĩa là cả.

Chuyến đi trên biển của chúng tôi giữa hai trận tuyến trót lọt. Tại bờ biển, nơi chiến sự diễn ra, những cột khói hình nấm đang cuồn cuộn bốc cao lên trời. Dọc theo biển phía bên kia vùng ba hải lý, hàng không mẫu hạm của hạm đội 7 của Mỹ đang neo đậu. Không thấy tàu tuần tiễu của Nam Việt Nam ngăn chúng tôi lại. “Họ đang chuẩn bị tháo chạy”, ngư dân nói với chúng tôi. Khi chúng tôi đến được phía bắc, tới vùng kiểm soát của Việt Cộng, bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều tàu thuyền treo cờ Việt Cộng trước mắt chúng tôi. Người ta cũng không ngăn chúng tôi lại. Chúng tôi về đến Phan Thiết vào buổi tối, nơi Việt Cộng chiếm được cách đây một tuần. Trước khi trời hừng sáng, ngư dân chèo thuyền đưa chúng tôi lên bờ, và ông ta cũng biến mất.

Những người đầu tiên nhìn thấy chúng tôi tại bãi biển, xúm lại quanh chúng tôi làm như chúng tôi là sinh vật từ một thế giới xa lạ nào khác. Không có ai mặc quân phục cả. Chúng tôi hỏi thăm người đại diện của Việt Cộng, không ai hiểu chúng tôi nói gì. Cuối cùng chúng tôi tự tìm đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời, gõ cửa một nhà có treo bức chân dung Hồ Chí Minh to lớn trước hành lang, phía dưới có tấm bản đồ khổ lớn chỉ các vùng giải phóng. Tất cả chính thức gây ấn tượng với chúng tôi. Một anh thanh niên xuất hiện, tay phải cầm súng tiểu liên kiểu Nga, băng đạn khoác trên vai, dọc thắt lưng là những quả lựu đạn. Giật mình khi thấy ánh mắt chúng tôi, anh ta đưa khẩu súng chìa ra song cửa quát lớn, làm như sự có mặt của chúng tôi là ma quỷ sáng sớm phải xua đuổi đi.

Tiếng hô lớn như tiếng báo động, một số người đàn ông trong bộ quân phục xanh Bắc Việt Nam từ trong nhà xông ra. Họ chăm chú nhìn vào chúng tôi, dáng vẻ nghi ngờ. Sau đó, họ mời chúng tôi vào nhà. Một người nói tiếng Pháp. Chúng tôi tự giới thiệu chúng tôi là nhà báo Đức đến từ Sài Gòn và muốn đưa tin về quân Giải Phóng và các vùng giải phóng. Người ta mời chúng tôi uống trà vị chát, và mời ăn những quả chuối bằng ngón tay. Một biên bản được hình thành. Sau nửa tiếng đồng hồ, trên một chiếc xe jeep chiến lợi phẩm của Mỹ, người ta đưa chúng tôi đến trụ sở chính của công an địa phương Việt Cộng. Trên chiếc xe vẫn còn sót lại là cờ bàn của Mỹ với dòng chữ “Ai can đảm, người đó thắng”.

Tại trụ sở chính có rào xung quanh – ngôi nhà cũ của tòa án trước đây, chúng tôi được viên tư lệnh và ba sĩ quan mang máy chụp ảnh Đông Đức nhãn hiệu “Praktica” trước ngực tiếp đón, hỏi han một lần nữa. Họ muốn biết chúng tôi đến từ nước Đức Bon hay nước Đức Berlin, chúng tôi có vũ khí không, liệu chúng tôi có phải làm gián điệp cho Mỹ không ?

Xe tăng quân Giải phóng được người dân chào đón

Lúc chúng tôi nói rõ nguyện vọng muốn cùng quân Giải phóng hành quân tiến vào Sài Gòn khi ngày ấy đến, thì các sĩ quan đều nhìn chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Sau một lúc suy nghĩ, một trong các sĩ quan giải thích cho chúng tôi :
” Điều gì khiến các anh đoán ngày ấy sẽ đến không xa ? Chúng tôi còn phải giải phóng nhiều vùng nữa, sự chống cự còn lớn”. Ở đây hình như không ai nghĩ đến sự sụp đổ nhanh chóng của Sài Gòn.

Viên tư lệnh cuối cùng nói với chúng tôi : “Các anh dũng cảm đi đến đây. Nhưng các anh vào đây một cách bất hợp pháp. Từ giờ trở đi, các anh phải tuân thủ kỷ luật của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Lời đề nghị của các anh sẽ được chính phủ chúng tôi xem xét”. Ông đưa chúng tôi qua một cái phòng 5x7m, trong đó có hai bàn làm việc và hai tủ đứng chứ không phải một xà lim bình thường trong nhà tù. Ông chỉ tay ra cái sân phía trước và nói không có gì ác ý : “Các anh được tự do đi lại trong khu vực này”.

Một sự bắt giam chúng tôi – những người châu Âu thật hiếm thấy ! Người ta bàn tán về đôi mắt tròn của chúng tôi, câu chuyện lan nhanh như gió trong Việt Cộng địa phương này. Càng có nhiều chiến sĩ du kích xuất hiện trước cửa sổ phòng của chúng tôi và nheo mắt cười thân thiện nhìn vào bên trong phòng. Hầu như mỗi người đều mang khẩu súng tiểu liên AK, nòng súng chĩa xuống đất, mang dép lốt ô tô cũ. Quân phục của họ nhàu nát, đủ màu.

Không có ai đeo cấp bậc, quân hàm cả. Không thấy ai đứng chào trước mặt sĩ quan mà có thể nhận ra nhờ có mang súng ngắn bên hông. Trong những ngày sống bên Việt Cộng, chúng tôi không nghe ai gọi thủ trưởng cả. QUan hệ giữa những người chiến đấu với nhau hiện ra trước mắt chúng tôi như trong gia đình. Một số mạnh dạn bước vào phòng chúng tôi và thông qua dấu hiệu bằng tay dạy chúng tôi một khóa học cấp tốc đúng quy định du kích. Người ta xếp chăn đắp như thế nào, giăng màn chống muỗi như thế nào cho đúng. Nhận biết qua cách cư xử của họ, chúng tôi tự biết phải cắt tóc mình phù hợp với sinh hoạt trong chiến khu, và không được quên buổi sáng và buổi tối ra giếng nước tắm rửa toàn thân. Một trong những người thăm chúng tôi đã xé một trang trong cuốn sách có tựa đề Cuốn sách cẩm nang xã hội kinh thánh Mỹ – nó là di sản của không lực Hoa Kỳ, rồi anh ta cuốn thành điếu thuốc lá để hút.

Cuối cùng người ta giới thiệu anh Sửu, thông dịch viên với chúng tôi. Anh nói tiếng Anh giọng Mỹ. Anh học trong một trường học của Việt Cộng ở chiến khu và được phép nghe đài “tiếng nói Hoa Kỳ” trong những giờ giải lao giữa các trận chiến đấu. Tiếng nói của anh nghe rõ ràng : “Các bạn phải tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Nếu không, đầu các bạn rơi”.

Buổi chiều ngày đầu tiên của chúng tôi trong tư thế bị quản chế, hai ngày trước khi Sài Gòn đầu hàng, bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng rầm rú của máy bay từ hướng Sài Gòn bay tới. Liền sau đó từ mặt đất các nòng súng vươn lên, nhả đạn liên hồi từ khắp các nóc nhà. Với những khẩu súng bình thường, người ta đã bắn đuổi theo máy bay. Những chiến sĩ phòng không khi phát hiện đã muộn : không phải phi công Nam Việt Nam định ném bom như những ngày trước đó, mà người đằng mình lái những chiếc máy bay ném bom A37 – chiến lợi phẩm của Mỹ, tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay bay ở tư thế thẳng đứng thoát được nguy hiểm từ mặt đất bắn lên. Trước đó, Việt Cộng chưa bao giờ sử dụng máy bay. “Chúng tôi không muốn làm nguy hại đến tính mạng của nhân dân”, viên tư lệnh giải thích cho chúng tôi. Sau đó, chúng tôi được biết cuộc tấn công đó là sự trả lời của Hà Nội đối với diễn văn nhậm chức của tổng thống Dương Văn Minh từ chối kêu gọi quân chính phủ bỏ súng xuống.

Trưa hôm sau, người ta đã dẫn hai người đàn ông – người Nhật Yoshihiro và người Mỹ Earl Martin bước vào trụ sở chính. Họ ở tại Đà Nẵng, cách đây mấy trăm cây số về phía bắc, bị cuốn theo cuộc tiến quân của Cộng sản. Việt Cộng đã cấp cho họ giấy thông hành đi về phía nam bằng đường bộ hay xe bus, dọc đường họ phải trình với các địa phương. Hai ông là người làm công tác xã hội, theo sự ủy thác của tổ chức Công giáo Mỹ hướng dẫn nông dân Nam Việt Nam dò tìm bom mìn chưa nổ từ những nơi Mỹ ném bom và tránh xa chúng khi cày bừa trên đồng ruộng.

Diễn đàn LSVN đánh máy và hiệu đính từ sách THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – GIỜ KHẮC SỐ 0

Kỳ tiếp theo