Trang chủ Nổi bật Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 2 ) – Kỳ 14 :...

Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 2 ) – Kỳ 14 : Vừa yên mạn bắc, nước Minh lại điều viện binh đánh nhà Hậu Trần

Kỳ 13

Như đã nêu ở những kỳ trước đây, cuộc chiến dai dẳng giữa nước Minh và dân tộc Việt đầu thế kỷ 15 không chỉ là nỗi bất hạnh lớn cho nhân dân ta, mà còn đem lại những tổn thất to lớn cho chính bên gây chiến chính là nước Minh. Bất chấp những tổn thất, vua Minh Thành Tổ (hay còn gọi là Minh Thái Tông) Chu Đệ vẫn liên tiếp điều quân tiếp viện để duy trì nền đô hộ. Vì sao vua nước Minh lại không thể từ bỏ khi mà nhân tâm bất phục, lợi ích từ việc đô hộ không bù nổi thiệt hại và còn khiến vấn đề Đại Việt trở thành mối lo lâu dài tiềm ẩn nguy cơ cho cả đời vua kế nhiệm ? Ắt hẳn đó không đơn thuần đến từ lợi ích. Có một thứ còn lớn hơn mà Chu Đệ rất sợ mất đi, đó chính là uy danh. Chính chữ Danh đã khiến vị vua này bất chấp hy sinh tính mạng quân tướng của mình và sẵn sàng tiêu diệt cả giống nòi người Việt nếu cần. Từ bỏ Đại Việt để rút quân về nước, đối với Chu Đệ chính là một sự thừa nhận rằng hắn đã sai lầm và thất bại. Tên bạo chúa với tính cách cố chấp, ngông cuồng không bao giờ dám đối diện với điều đó.

Tháng 4.1411, trong lúc tại nước Minh, đội quân tăng viện dưới trướng Trương Phụ đang ráo riết chuẩn bị mọi thứ để tiến sang nước ta, Chu Đệ cho ban thưởng hậu hĩnh cho các ngụy quan và xuống chiếu khích lệ tinh thần bọn tay sai bằng những lời có cánh: “Các ngươi tài năng khôi kiệt, tư chất đôn hậu, sáng suốt nhìn xa, trước đã thành tâm gắng sức, tận trung với triều đình, nghĩ tới công lao của các ngươi, đặc ân thăng cho chức vụ vinh hiển. Nay nghe các ngươi biết làm tròn nghĩa vụ, dốc sức lập công, bắt giết bọn phản nghịch, giữ vững đất đai, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi vui mừng khen ngợi. Hiện nay, bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi hãy lập thêm nhiều công, ra sức quét sạch bọn chúng để tiếp nối công tích trước đây. Ta đặc cách sai người sang úy lạo ban thưởng. Các ngươi hãy kính cẩn phục tùng mệnh lệnh ân sủng này”. (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Qua những việc trên mà Chu Đệ đã làm cho thấy, hắn đã cùng lúc thực hiện cả hai chính sách lớn. Đó là chính sách dùng người Việt đánh người Việt để giúp duy trì sự kiểm soát trên lãnh thổ chiếm đóng, kế đến là chính sách sử dụng quân đội chính quy đông mạnh từ nước Minh tiến sang để tấn công dứt điểm nhà Hậu Trần và các phong trào khởi nghĩa khác.

Tháng 5.1411, Trương Phụ đem quân tiến vào địa phận nước ta, vào thành Đông Quan hội quân với Mộc Thạnh. Đến đây, Trương Phụ lại thay Mộc Thạnh nắm quyền chủ soái, còn Mộc Thạnh làm phó soái. Quân Minh đêm này cho người dò la tin tức và bàn bạc kế hoạch tấn công.Quân Minh lần này cũng sử dụng lực lượng lớn thủy quân. Trong các kế hoạch hành quân, giặc chủ yếu di chuyển bằng thuyền dọc các con sông. Công việc chuẩn bị của quân Minh lần này rất công phu.Các lực lượng ngụy quan, ngụy binh được lệnh đóng chiến thuyền, làm đồn điền cung cấp quân lương cho đạo quân viễn chinh nước Minh. Từ giữ năm 1411 cho đến mùa hạ năm 1412, quan tướng nước Minh ra sức bắt nhân dân vùng Kinh lộ phục dịch, góp lương thảo để nuôi quân vô cùng khổ sở.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những lời hứa trong các chiếu chỉ của vua Minh chỉ mới cách đó không lâu. Hoàn toàn không có sự tốt đẹp nào mà chính quyền đô hộ dành cho nhân dân ta, chỉ có thực tế là những việc bắt giết, đàn áp, bóc lột thậm tệ. Sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ bình luận về sự trái ngược trong lời lẽ của vua Minh và hành động của quan tướng nước Minh đối với dân ta như sau: “Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được. Nhưng từ tháng 5 năm Đinh Hợi bắt được Hồ (Quý Ly) rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, nối đến là vua Trùng Quang. Trong 5 – 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được. Bấy giờ mới cầm quyền ban chiếu sắc, nghĩ cách úy dụ dân. Nhưng mà Trương Phụ đi đến đâu, dữ hơn hổ cái. Hoàng Phúc ra mệnh lệnh rối như lông lươn. Vua Minh ở xa cách, không biết dân thuộc quốc khốn khổ đến thế, bảo sao mà dân chả nhớ nước cũ, mà coi người Minh là cừu thù”.

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ quả xác đáng với bối cảnh lúc bấy giờ. Nhưng riêng việc vua Minh không biết rằng dân ta khốn khổ thì không hẳn là đúng. Việc nhân dân ta có khốn khổ hay không, kỳ thực đó chỉ là mối quan tâm thứ yếu đối với Chu Đệ. Cái hắn quan tâm chính là nhân dân ta có phục tùng hay không.

Việc tập trung nguồn lực của Trương Phụ cũng không hề dễ dàng mà bị chậm tiến độ do các sự chống đối của nhân dân. Trước khi Trương Phụ kéo quân sang, tại các vùng trung du, rừng núi hiểm trở vẫn còn tồn tại những đội nghĩa quân tự phát thường xuyên là mối đe dọa với quân đồn trú nước Minh. Đến khi Trương Phụ sang, bóc lột nhân dân tàn tệ. Mọi người vì thế mà căm phẫn, dù bị kìm kẹp gắt gao nhưng vẫn chực chờ cơ hội vùng lên.

Tháng 7.1411, Trương Phụ mở chiến dịch lớn tiến đánh nhà Hậu Trần. Từ Đông Quan, quân Minh chia làm hai đạo thủy bộ. Đạo thủy binh là lực lượng chính dưới quyền chỉ huy của Trương Phụ. Mộc Thạnh chỉ huy cánh bộ binh. Mục tiêu của hai cánh quân Minh là tấn công đánh lấn nhanh về phía nam, giành quyền kiểm soát vùng Thanh Hóa rồi từ đó làm bàn đạp đánh xuống Nghệ An, bắt vua Trùng Quang đế.

Trương Phụ bị quân Hậu Trần dưới sự chỉ huy của hai tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đánh cầm chân ở Trường Yên. Quân Minh vừa vất vả tháo dỡ đá mà quân ta đã lấp sông, nhổ cọc khơi nguồn vừa phải chống đỡ với các đội quân mai phục, tập kích đánh tỉa. Trương Phụ tiến rất chậm, tổn thất một lực lượng đáng kể. Đến cửa Thần Phù, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị lại tung quân đánh một trận nữa, cố gắng tiêu hao lực lượng giặc trước khi cho quân rút lui về Thanh Hóa bảo toàn lực lượng, lập trận địa mới. Cánh quân bộ của Mộc Thạnh thì bị trúng mai phục của Nguyễn Súy ở đèo Tam Điệp. Quân Minh tổn thất không nhỏ, nhưng vẫn đủ lực lượng vượt qua được. Nguyễn Súy sau đó cũng lui về Thanh Hóa hội quân với các tướng khác.

Quân Minh tiến vào Thanh Hóa vào tháng 8.1411. Hai cánh quân của giặc tập kết, dồn sức tổng lực đánh vào cứ điểm phòng thủ của quân Hậu Trần tại sông Nguyệt Thường (hạ lưu sông Mã). Tại đây, các tướng Hậu Trần là Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Hồ Cụ … cũng gom hết quân để cùng nhau phòng thủ. Ban đầu, Trương Phụ dùng cánh đánh vỗ mặt, bị nghĩa quân dựa vào phòng tuyến chống trả quyết liệt. Hai bên đánh nhau liên tiếp mấy ngày trời bất phân thắng bại. Sau đó, Trương Phụ mới theo phép “đông hơn hai lần thì phân ra”, lệnh cho Đô đốc Chu Quảng, Đô chỉ huy Trương Thắng, Du Quảng cứ dẫn chiến thuyền theo dòng sông mà tiến đánh, bất chấp chướng ngại vật và thiệt hại từ cung tên, súng đạn của quân ta. Mộc Thạnh dẫn quân kỵ bộ tấn công mạnh vào một hướng khác. Còn Trương Phụ dẫn quân men theo đường rừng, đi vòng đánh vào mặt sau trận địa của quân Hậu Trần.

Quân ta đang cố sức đánh trả mặt trước, lại bị Trương Phụ bất ngờ tấn công từ mặt sau, thế trận bỗng chốc trở nên bất lợi. Thấy quân Minh ba mặt giáp công, các tướng cùng nhau gấp rút hạ lệnh rút quân, nhanh chóng thoát khỏi thế bị bao vây. Rốt cuộc quân Minh phá được tuyến phòng ngự Nguyệt Trường, với một cái giá rất đắt. Những cánh nghi binh của quân Minh bị quân phòng thủ của ta gây thiệt hại nặng,  xác giặc nằm la liệt khắp chiến trường, trôi lềnh bềnh dưới sông. Quân Hậu Trần trong trận tổn thất hơn 400 quân, mất nhiều chiến thuyền. Các tướng Hậu Trần là Đặng Tôn Mục, Lê Đức Di, Nguyễn Trung bị giặc bắt.

Thắng trận tại Nguyệt Trường, nhưng Trương Phụ chẳng thể tiếp tục cuộc tấn công. Bởi vì khi quân Minh rời Đông Quan tiến xuống phía nam, thì hào kiệt vùng Kinh lộ (trung tâm đồng bằng sông Hồng) đã thừa cơ vùng lên đánh phá khắp nơi. Lê Nhị, Phạm Khảng ở Thanh Oai, uy hiếp Đông Quan từ mặt đông nam. Nghĩa quân Ông Lão ở Thái Nguyên, trước bị quân Minh bức bách, nay lại có dịp hoạt động mạnh trở lại. Ông Lão lãnh đạo nghĩa quân tiến đánh Cổ Lũng (Lạng Sơn), Động Hỷ, Tư Nông (Thái Nguyên)… uy hiếp Đông Quan từ hướng bắc. Quan tướng Minh ở thành Đông Quan phải biên thư cáo gấp. Trương Phụ không thể dứt điểm được nhà Hậu Trần trong một sớm một chiều, mà Đông Quan lại đang nguy cấp. Sau khi cân nhắc, hắn phải cùng Mộc Thạnh đem đại quân rút nhanh về cứu thành Đông Quan. Thế trận bỗng chốc đảo chiều. Rõ ràng chiến cuộc tại Đại Việt không chỉ có quân Minh và nhà Hậu Trần. Quân giặc thực sự đã phải đương đầu với cả một dân tộc.

Tiếp theo : Kỳ 15

Quốc Huy/Một Thế Giới