Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 23/3/1801 – Vụ ám sát Sa hoàng

Ngày 23/3/1801 – Vụ ám sát Sa hoàng

Sa Hoàng Paul I
Sa Hoàng Paul I

Sa Hoàng Paul I vốn dĩ không được sắp xếp để kế vị, do ông xung khắc với mẹ mình, nữ hoàng Catherine II trên nhiều lĩnh vực. Thậm chí đã có lần Paul I công khai buộc tội bà có ý định ám sát mình. Ông viết hẳn một luận văn phản đối chính sách bành trướng của mẹ, bày tỏ rằng nước Nga nên củng cố các vùng đất mới chiếm đóng và duy trì vị thế phòng thủ. Vì thế nên Alexander, con trai Paul I được bà ngoại đích thân nuôi nấng cẩn thận để truyền ngôi. Nhưng ngày 17 tháng 11 năm 1796, nữ hoàng Catherine II đột quỵ và qua đời mà không kịp để lại di chúc gì, vì thế Paul I đăng quang Sa hoàng Nga không gặp sự phản đối nào (thực tế lúc nghe tin mẹ hấp hối, ông ta đã chạy vội vào phòng, lục mọi giấy tờ nghi ngờ đem ra đốt, do lo ngại có văn bản nào đó tước quyền kế vị của mình).

Tranh sơn dầu chân dung của Sa hoàng Paul I.
Tranh sơn dầu chân dung của Sa hoàng Paul I.

Về đối ngoại, Paul I rút hết lính Nga ở nước ngoài về, kể cả đạo quân tham gia liên minh chống Cách mạng Pháp, và cánh quân đang chuẩn bị đánh Ba Tư (Iran) qua ngả Caucasus. Trong suốt triều đại 5 năm ngắn ngủi của ông, nước Nga không chiếm thêm vùng đất nào mà hầu như chỉ đóng vai trò trung gian, nhằm tái lập hòa bình và cân bằng quyền lực ở châu Âu. Ông lập liên minh với Napoleon (7000 tù binh Nga được chính phủ Pháp cấp đồng phục mới và trả lại vũ khí trước khi đưa về nước), lệnh cho quân Cossack di chuyển xuống phía Nam, nhắm tới Ấn Độ thuộc Anh (Paul I gần như là đã tuyên chiến khi ra lệnh giữ mọi tàu Anh trong cảng và cấm công dân nước này rời khỏi Nga, cắt mọi nguồn hàng nhập khẩu quan trọng của Anh như gỗ, lúa mì và khoáng sản).

Về đối nội, Paul I tổ chức cải cách quân đội Nga, ra lệnh sử dụng quân phục mới giống loại của nước Phổ. Binh lính sĩ quan phản đối ầm ầm vì đồng phục cũ rẻ và dễ mặc hơn. Nguyên soái Alexander Suvorov công khai chế giễu nó ngắn ngủn, bất tiện và bị cho nghỉ hưu lập tức. Nhiều chính sách khác của ông khiến giới quý tộc khó chịu (chẳng hạn như kiên quyết khui ra những vụ bòn rút ngân khố, làm dính líu tới 1 số lớn người), dẫn tới âm mưu ám sát.

Đêm 23/3, một nhóm sĩ quan vũ trang đột nhập vào tận phòng ngủ của Sa hoàng ở lâu đài Mikhailovsky, ép ông ký vào văn bản thoái vị viết sẵn. Có vẻ như Paul I đã từ chối và kháng cự nên bị đánh chết tại chỗ. Các sử gia còn tranh luận về vai trò của thái tử Alexander, nhưng đều thống nhất là không chủ mưu thì cũng thuộc loại đồng phạm chính. Sau khi Sa hoàng chết, một trong số kẻ tham gia là Nikolay Zubov đã đến gặp Alexander (ở phòng khác của lâu đài) và nói” Đến lúc rồi, hãy đi ra và cai trị thôi”. Quan ngự y James Wylie được triệu đến, nhận chỉ thị viết báo cáo khám nghiệm rằng Paul I qua đời do đột quỵ. Nhóm sát thủ không bị trừng phạt gì, dù có chứng cứ là kế hoạch ban đầu chỉ nhằm bức hoàng đế thoái vị thôi, nhưng do nhiều kẻ nốc rượu say nên có lẽ đã làm quá tay khiến Paul I thiệt mạng. Sau đó cả bọn vẫn sống ung dung tại Saint Petersburg và thường được đón tiếp trọng thể ở Cung Điện mùa đông.

Sau cái chết của Paul I, những lệnh cấm quái đản của Paul I được bãi bỏ. Giới sử gia ghi nhận rằng “không có nước mắt” trong đám tang của Paul và mọi người “thực sự vui mừng”.

Tất nhiên, giấy không gói được lửa, châu Âu rất nhanh chóng biết tin và ngán ngẩm với cái “tai nạn” đáng phàn nàn về mặt y học đó. Napoleon sau ngồi đọc cho Bộ trưởng ngoại giao Pháp viết hẳn 1 bức thư gần như mỉa mai trực tiếp tội giết cha khiến Alexander nhục nhã ê chề. Sa hoàng bèn trả đũa bằng cách công khai chỉ trích Napoleon là tên độc tài, rằng mình cảm thấy luyến tiếc về sự tiêu vong của nền Cộng hòa Pháp (trong khi chính Alexander lại là hoàng đế chuyên chế của 1 đế quốc xây dựng trên chế độ nông nô).