Trang chủ Văn Hóa Nhà thiên văn học lỗi lạc ĐẶNG LỘ – Ông tổ của...

Nhà thiên văn học lỗi lạc ĐẶNG LỘ – Ông tổ của nền thiên văn Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam, tuy có rất nhiều danh nhân nhưng phần lớn là trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và khoa học xã hội. Đặng Lộ xuất hiện trong sử Việt như một ngôi sao sáng về khoa học tự nhiên.

Nhà thiên văn học Đặng Lộ sống vào thế kỷ 14 dười triều nhà Trần. Ông quê ở làng Mạc Xá, huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên ( thuộc Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay ). Đặng Lộ làm quan trải ba triều vua Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông.Thuở nhỏ Đặng Lộ có sở thích ngắm trăng sao và mặt trời, đến nổi bị đau mắt nặng vì ngắm mặt trời.

Lớn lên, Đặng Lộ được học ở Quốc tử giám và thi đậu Thái học sinh, được phong làm Liêm phòng sứ hai lộ Đại Hoàng, An Tiêm ( vùng Hà Nam, Nam Định ngày nay ). Sang thời Trần Hiến Tông, tài năng thiên văn của Đặng Lộ được vua và triều thần phát hiện nên ông được phong làm Hậu Nghi lang thái sử cục lệnh, đứng đầu đài Hậu Nghi, thuộc Khâm Thiên giám là cơ quan chuyên trách về thiên văn thời Trần.

Trong thời gian này, Đặng Lộ đã phát minh ra một loại máy dùng quan sát, đo đếm thiên tượng gọi là Lung Linh Nghi. Đây là phát minh quan trọng bậc nhất về lĩnh vực thiên văn của nước ta. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đánh giá : ” Lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng, không việc gì là không đúng”.

Với vốn kiến thức tích lũy và qua nghiên cứu từ Lung linh nghi, Đặng Lộ đã biên soạn một bộ lịch pháp mới gọi là Hiệp Kỷ Lịch và dâng lên vua Trần Hiến Tông. Bộ lịch này đã được dùng để thay thế Lịch Thụ Thời, là thứ lịch mà nước ta đã dùng dựa trên lịch của nhà Tống. Thời thượng cổ, nước ta vốn dĩ đã có lịch pháp cho riêng mình nhưng đã bị thất truyền. Sau thời Bắc thuộc, đành tạm dùng lịch của Trung Quốc. Tuy nhiên khí hậu nam bắc vốn khác biệt và bản thân lịch pháp Trung Quốc thời kỳ này cũng đã có nhiều bất cập nên dẫn đến lịch không khớp với chu kỳ thời tiết, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Việc áp dụng lịch Hiệp kỷ, một thứ lịch mới chính xác hơn là bước tiến lớn về văn minh của Đại Việt, giúp cho sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn. Công lao này của Đặng Lộ rất lớn.

Về sau, dựa vào các nghiên cứu này mà Trần Nguyên Đán viết sách Bách thế thông khảo, ghi rõ những sự kiện thiên văn trải dài nhiều thế kỷ đến tận thế kỷ 14. Đáng tiếc là thời nhà Hồ mất nước, các sách vở của Đặng Lộ và Trần Nguyên Đán đều bị giặc Minh cướp phá hoặc hủy hoại, công trình của họ bị thất truyền. Sang đến thời nhà Nguyễn, Khâm Thiên giám nhà Nguyễn mới soạn lại được Hiệp kỷ lịch, dựa trên sự tham khảo lịch pháp nhà Thanh.

Nguồn : FB Văn Hóa Lịch Sử