Trang chủ Nổi bật Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 3 ) – Kỳ 25 :...

Kháng Minh Truyền Kỳ ( Phần 3 ) – Kỳ 25 : Đại phá thành Xương Giang

Xem kỳ 24

Nói về tình hình thành Xương Giang, trước hết phải kể qua chính sách di dân của nước Minh. Bên cạnh việc bắt người Việt đưa sang nước Minh làm nô lệ, Minh triều còn cho người nước Minh sang ở trong các thành thị trên lãnh thổ Đại Việt. Đây là một trong những chính sách nhằm mục đích đồng hóa người Việt. Người nước Minh sang đất Việt ở trước tiên phải kể đến là vợ con, gia quyến của các binh lính, quan lại người Minh. Kế đến là giới thị dân, thương gia. Hiện chưa có con số thống kê, nhưng ước tính có đến hàng vạn người Minh đã sinh sống trên lãnh thổ nước ta, chủ yếu tại các thành lớn hoặc gần biên giới nước Minh như Đông Quan, Tam Giang, Tây Đô, Khâu Ôn… Thường dân người Minh bị bắt làm tù binh đông đúc đến mức Bình Định vương Lê Lợi phải hạ lệnh các xứ chia nhau chu cấp cho họ. Bốn xứ Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng phải chia nhau nuôi ăn 6.000 thường dân người Minh bị bắt. Điều này thể hiện thiện chí rất lớn của nghĩa quân Lam Sơn, ngay khi mà chiến tranh còn đang gay cấn.

Riêng tại thành Xương Giang, quân Minh chính quy vốn chỉ có vài ngàn, do các tướng Lý Nhậm, Kim Dận, Cố Phúc, Phùng Trí, Lưu Thuận, Lưu Tử Phụ chỉ huy. Các tướng Minh đã dùng lời và đe dọa vừa cổ vũ các dân chúng trong thành (chủ yếu là người Minh), cả nam lẫn nữ, già trẻ đều cùng tham gia thủ thành. Cùng với ưu thế vượt trội về hỏa lực, thêm thành cao, hào sâu, thành Xương Giang trở thành một con nhím vô cùng khó công phá. Xưa kia Lý Thường Kiệt đánh thành Ung Châu, quân tướng đều tinh nhuệ nhưng cũng phải đến hơn một tháng rưỡi mới hạ nổi, thiệt hại lên đến hơn một vạn quân. Ung Châu và Xương Giang đều có điểm chung là quân và dân đều tự đặt mình vào thế cùng mà đồng lòng tử thủ, và đều là thành trì kiên cố, vũ khí dồi dào. Riêng thành Xương Giang còn có ưu thế của thời đại, khi mà hỏa lực trên thành hoàn toàn vượt trội nghĩa quân Lam Sơn. Ngoài ra còn có một điểm bất lợi là quân lính mà Bình Định vương Lê Lợi dùng để đánh thành vốn không phải quân lính tinh nhuệ mà là tân binh mới tuyển ở các lộ Khoái Châu, Lạng Giang khi quân Lam Sơn tiến ra bắc.

Vì có nhiều điều bất lợi nên mặc dù các tướng Lê Sát, Lê Thụ, Nguyễn Đình Lý (tức Lê Lý), Lê Lĩnh, Lý Triện, Lê Hốt đều là tướng tài ba với hàng vạn quân trong tay nhưng đánh với giặc hàng mấy tháng trời vẫn không hạ nổi. Quân Lam Sơn cố gắng tiếp cận tường thành trước hết phải vượt qua hỏa lực của các loại súng đại bác, hỏa tiễn trên thành bắn xuống. Thành cao, quân ta trèo lên thì địch trên thành giương cờ hò hét, chống cự rất mãnh liệt. Đánh nhau ngày đêm, quân ta thiệt hại nhiều vẫn không hạ được thành.

Quân Lam Sơn phải chuyển sang kế hoạch lâu dài hơn. Lê Lợi điều động nhân dân các xứ tích cực rèn vũ khí, đúc súng lớn, tải lương thực tiếp tế cho đội quân đánh thành Xương Giang. Lê Sát cùng các tướng lại ở ngoài thành dựng thêm nhiều chiến cụ công thành, lại đắp núi đất, đặt súng bắn vào thành. Quân dân nước Minh trong thành thiệt hại nặng, nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu. Nhân một đêm tối trời, Lý Nhậm dẫn cảm tử quân ra ngoài thành đánh phá, đốt các chiến cụ mà quân ta dày công chế tạo. Quân Lam Sơn bị bất ngờ nên để mất mát các chiến cụ quan trọng và để xổng mất quân địch. Mất đi các chiến cụ, việc công phá thành lại thêm cam go. Quân Lam Sơn dùng kế đào địa đạo vào trong thành. Bọn Lý Nhậm, Cố Phúc phát hiện được, cho đào hào cắt ngang địa đạo, ném đá xuống như mưa, quân ta lại bị thiệt hại. Suốt hơn sáu tháng trời, quân Lam Sơn vừa chế tạo lại chiến cụ công thành vừa đánh giằng co với địch.

Đến tháng 9.1427, mặc dù cục diện thành Xương Giang vẫn không ngã ngũ, tình hình trên cả nước lại có những biến chuyển tích cực. Vòng vây quanh thành Đông Quan đã được củng cố chặt chẽ như kế hoạch của Bình Định vương Lê Lợi. Các hậu phương được củng cố, hệ thống cai trị dần hoàn thiện, lực lượng quân Lam Sơn được bổ sung, quân lính được huấn luyện và trang bị tốt hơn. Thêm nhiều thành trì khác của quân Minh đã bị đánh hạ hoặc xếp giáo quy hàng. Thành Xương Giang càng trở nên trơ trọi. Tình hình mới cho xếp Lê Lợi có thêm nhiều lực lượng cơ động mạnh để tung vào các điểm nóng trên chiến trường. Thái úy Trần Nguyên Hãn được lên đem quân tăng cường cho mặt trận thành Xương Giang, hội binh với Lê Sát và các tướng lên đến 8 vạn quân, nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải sớm hạ được thành trước khi bọn Liễu Thăng, Mộc Thạnh tiến sang.

Đáp lại lòng tin tưởng của Bình Định vương, Trần Nguyên Hãn cùng các tướng đã dùng kế hợp nhiều phương pháp công phá thành. Các núi đất được tăng cường đắp lên quanh bốn mặt thành, từ đó súng đạn, cung nỏ của quân Lam Sơn bắn vào thành tới tấp. Trần Nguyên Hãn lại cho quân một lần nữa đào địa đạo xuyên vào trong thành, đồng thời tung quân với sự yểm trợ của tượng binh tràn lên tấn công khắp bốn mặt thành. Quân Minh nhiều tháng đánh nhau, lực lượng cũng đã hao hụt nhiều. Đến khi quân ta tổng tiến công như thế, chúng đã bị phân tán làm nhiều hướng, không còn phòng bị được kín kẽ. Quân Lam Sơn từ địa đạo chui lên, đánh tỏa ra, cùng với quân từ bên ngoài, toàn thành bị tắm máu. Bấy giờ là ngày 28.09.1427, thành Xương Giang bị hạ sau 6 tháng bị vây đánh. Bọn tướng Minh từ Lý Nhậm trở xuống đều tự sát. Quân Lam Sơn phóng hỏa đốt thành, bắt sống hết những người còn sống sót. Trần Nguyên Hãn đem hết những chiến lợi phẩm, ngọc lụa, con gái người Minh chia cho sĩ tốt làm quà khích lệ (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Chiến thắng Xương Giang có ý nghĩa lớn về chiến lược. Một điểm nóng đóng vai trò làm bàn đạp cho quân Minh từ trong nước đánh xuống đã bị tiêu diệt sau nhiều tháng khó nhọc. Xương Giang giờ đây lại trở thành một cứ điểm phòng ngự lợi hại của quân Lam Sơn, chắn ngang con đường tiến quân mà giặc dự kiến. Thắng trận không lâu thì thám binh cũng báo về, viện binh nước Minh dưới trướng Liễu Thăng, Mộc Thạnh sau nhiều tháng chuẩn bị, gom quân, hành quân đã tiến đến gần biên giới, chuẩn bị tập kết vượt biên tiến vào lãnh thổ nước ta.

Bấy giờ sau khi thành Xương Giang bị hạ thì trên nước ta chỉ còn bốn thành mà quân Minh còn chiếm giữ là Đông Quan, Chí Linh, Cổ Lộng, Tây Đô. Cả bốn thành đều bị vây chặt không thể cự quậy. Tại mặt trận Đông Quan, quân Lam Sơn lại vừa phá được thành phụ của giặc ở đê Vạn Xuân, từ chỗ ấy đắp lên một chiến lũy dọc đê, chỉ trong một đêm hoàn toàn cắt đứt đường ra thành chăn ngựa, cắt cỏ của quân Minh.Các tướng thấy quân trong thành đã khốn cùng mà viện binh giặc sắp sang, phần nhiều khuyên Bình Định vương đánh gấp để hạ thành Đông Quan, tiệt nguồn nội ứng của giặc. Lê Lợi đáp: “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, là mưu chước vẹn toàn” ( Đại Việt Sử ký toàn thư).

Chư tướng nghe lời bàn, đều phục là cao luận. Rõ ràng các trận đánh thành Khâu Ôn, Xương Giang là minh chứng rõ nét cho sự khó khăn của việc công phá những thành trì quân Minh. Trong khi quân ta hoàn toàn có khả năng thực hiện chiến lược “Vây thành diệt viện”. Theo chiến lược chung, Lê Lợi tiếp tục thực hiện những bước chuẩn bị đón đánh viện binh giặc. Đồng thời, ngài vẫn không quên tiếp tục việc chiêu hiền đãi sĩ. Chiếu cầu hiền đã truyền xuống quân dân, lời lẽ rất khiêm nhường :

“Các thành đã phá được rồi, chỉ còn thành Đông Quan chưa hạ được. Ta vì thế mà nằm không yên chiếu, ăn không ngon miệng, sớm khuya suy nghĩ, khô héo ruột gan. Thế mà bên cạnh ta, vẫn chưa có được người giúp đỡ. Ta tuy là chủ tướng, nhưng xét lại bản thân mình một là già ốm, bất tài, hai là học thức nông cạn, ba là trách nhiệm nặng nề khó bề kham nổi, mà các đại thần như tả, hữu tướng quốc, thái phó, thái bảo vẫn chưa đặt, thái úy, đô nguyên soái vẫn còn khuyết, hành khiển và các quan, mười phần mới được một, hai phần. Cho nên, ta nhún mình thành thực khuyên bảo các hào kiệt cùng nhau dốc sức, cứu giúp muôn dân, chớ có mai danh ẩn tích, để thiên hạ phải lầm than mãi mãi. Nếu có ai khí tiết thanh cao như Tứ Hạo, lánh đời ẩn tích như Tử Phòng cũng hãy ra cứu nạn cho dân đã, đợi khi thành công, muốn thoả chí xưa thì lại trở về rừng núi, không hề cấm giữ”. (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

(còn nữa)

Quốc Huy/Một Thế Giới