Trang chủ Quân Sự Chuyện phát triển, trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang...

Chuyện phát triển, trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang sau Cách mạng tháng Tám

Từ trái sang: cục phó Cục Quân giới Nguyễn Duy Thái, đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa. Ảnh chụp năm 1950.
Từ trái sang: cục phó Cục Quân giới Nguyễn Duy Thái, đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa. Ảnh chụp năm 1950.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vũ khí cho lực lượng vũ trang còn rất thiếu, chỉ có một số đơn vị được trang bị bằng vũ khí thu được của Bảo an binh và quân Nhật – Pháp. Bộ Tổng tham mưu ra đời trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước và chỉ đạo về công tác bảo đảm chiến đấu, trong đó có tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Tháng 10/1945, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị bàn việc củng cố tổ chức chỉ huy, phân chia các lực lượng vũ trang. Hội nghị thống nhất, vấn đề vũ khí là khó khăn lớn nhất của toàn quân cần tích cực tháo gỡ để các đơn vị có súng đạn chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Phòng quân giới (thành lập ngày 15/9/1945) tích cực tìm kiếm, mua đổi vũ khí, đạn dược, tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí, nhất là sản xuất loại đạn DAM (dùng cho súng trường của Pháp như Reminton, Mousqueton…) để trang bị cho quân đội.

Phòng quân giới vừa đặt gia công chi tiết, bộ phận thay thế vũ khí và sản xuất vũ khí thô sơ từ các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội như AVIA, STAI, Trường Kỹ nghệ Thực hành…, vừa dần quản lý một số cơ sở sản xuất vũ khí trang bị xung quanh Hà Nội. Một bộ phận của xưởng Làng Chè chuyển về Đông Anh lập xưởng mới do ông Ngô Gia Khảm phụ trách, chuyên sửa chữa đạn con và nghiên cứu sản xuất hạt lửa. Xưởng kim khí của hãng STAR (Hà Nội) được trưng dụng tổ chức thành Sở Công binh Việt Nam chuyên sửa chữa các loại súng, sản xuất vỏ lựu đạn bằng gang và các chi tiết cơ khí của lựu đạn.

Từ chỗ Cục quân giới chỉ có 20 cơ sở sản xuất với 2.500 công nhân, khi bước vào kháng chiến đã có 57 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, và sau một năm đã phát triển lên 89 xưởng, 13 công trường và một số tổ kíp sửa chữa lưu động, quân số lên tới 16.000 người; nguyên vật liệu dùng sản xuất vũ khí do nhân dân đóng góp.

Các xưởng chế tạo vũ khí của Việt Nam trong giai đoạn này không giống bất cứ xưởng sản xuất vũ khí nào của các nước có nền công nghiệp phát triển. Trung bình mỗi xưởng chỉ có trên dưới 100 công nhân với khoảng 10 đến 15 máy công cụ (tiện, phay, bào, khoan, dập…). Máy phát động lực của các xưởng thường là những máy hơi nước nhỏ. Việc rèn các chi tiết lớn thường dùng búa tay. Lò đúc gang gọi là lò chõ, lượng đúc mỗi mẻ từ 30 đến 50 kg. Quạt gió bằng động cơ với máy quạt tự tạo, không có thì dùng guồng quay tay, đạp chân.

Việc đặt máy công cụ thường không đổ móng cố định mà chỉ bắt bulông trên khung gỗ để có thể nhanh chóng tháo lắp, di chuyển khi cần thiết. Nhà xưởng thường bằng gỗ, tre, nứa, lá. Ở đồng bằng Nam Bộ, nhiều xưởng đặt trên ghe thuyền.

Đến cuối năm 1947, hệ thống xưởng quân giới, xưởng vũ khí dân quân, xưởng vũ khí Tổng liên đoàn… đã lên đến 200 xưởng và 20.000 cán bộ, công nhân đã có mặt trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam từng bước ổn định, lần lượt đi vào sản xuất, kịp thời đáp ứng cho yêu cầu toàn dân đánh giặc, đẩy mạnh chiến tranh du kích, sớm tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước.

Súng hỏng được sửa chữa kịp thời, đạn nhồi xong được cung cấp ngay cho đơn vị. Cùng với súng kíp, mìn, lựu đạn được sản xuất hàng loạt, mìn lõm, bazoka, súng cối 60mm, 80mm, 120mm và bệ phóng bom 175mm bắt đầu được sản xuất ở các binh công xưởng. Chỉ tính từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, quân giới đã sản xuất trên 2 triệu vũ khí các loại cung cấp cho chiến trường cả nước.

Nguồn: Thượng tá Ngô Nhật Dương – Thiếu tá Nguyễn Song Hoài, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.