Trang chủ Kiến Thức ĐÀNG TRONG: NHỮNG TRẬN BÃO LỤT ĐƯỢC GHI CHÉP TRONG SỬ SÁCH

ĐÀNG TRONG: NHỮNG TRẬN BÃO LỤT ĐƯỢC GHI CHÉP TRONG SỬ SÁCH

Dưới đây chỉ thống kê sơ sơ từ năm 1670-1820, ta thấy hầu như cứ vài năm lại lụt một lần, có những năm lụt liên tiếp, kinh sư cũng bị lụt, có lần gió bão thổi bay hết mái ngói trong phủ chúa.

Theo ghi chép của các Giáo sĩ Châu Âu ghé thăm xứ Đàng Trong thì lũ lụt miền này là đặc sản (nhờ vậy ruộng đồng tươi tốt), người dân chủ yếu ở nhà sàn để phòng nước ngập bất ngờ. Vì nước lũ, chuột ra khỏi hang tránh, tạo ra cảnh tượng hàng ngàn con chuột đung đưa trên cây, trông rất hãi…

Trận thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt khiếp nhất được thống kê là năm 1820 – Dịch tả Ấn Độ 1820 giết chết hàng trăm ngàn người trong đó có đại thi hào Nguyễn Du. Từ dạo đó đến nay, cứ cách 100 năm tròn là có đại họa: Dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920 giết chết hơn 50 triệu người, dịch cúm Vũ Hán 2020 vẫn đang hoành hành…).

Khoảng từ năm 1750-1800 không thấy ghi chép nhiều về bão lũ, có lẽ do mải đánh nhau.

– Năm 1673: Mùa thu, tháng 9, bão to, nhà cửa nhân dân bị đổ, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 3 thước.

– Năm 1676: Mùa xuân, tháng 2, mưa lụt, mặt đất nước sâu 4 thước. Trong kinh kỳ có nạn sâu keo, lúa má tổn hại, dân nhiều người chết đói.

– Năm 1679: Tháng 11, lụt to.1680: Mùa thu, tháng 7, hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng mưa nước mặn và mưa tro, lúa cấy khô héo. Tháng 8, gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều.

– Năm 1685: Mùa đông, tháng 10, gió to, gẫy cây tốc nhà, nước lụt mênh mông, mặt đất nước sâu 4, 5 thước.

– Năm 1688: Mùa xuân, tháng giêng, mưa gió to, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 3 thước.

– Năm 1691: Tháng 8 nhuận, mưa to nước lụt.

– Năm 1694: Ngày Quý mão, nguồn Thạch Hãn lụt, nước đỏ 3 ngày mới trong. Ngày Mậu thân, mưa to sấm dữ, mái ngói ở phủ chính tốc hết, 3 cái cột ở góc nhà bên hữu đều gẫy. Huyện Quảng Điền núi lở năm chỗ.

– Năm 1698: Mùa đông, tháng 10, gió Đông Bắc thổi to, sấm mưa dữ dội suốt một ngày đêm, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 4,5 thước, nhà cửa, người và súc vật bị trôi chết rất nhiều.

– Năm 1706: Mùa hạ, tháng 4, mưa dầm nước lụt, nhiều nhà trôi mất.

– Năm 1707: Mùa xuân, tháng 2, mưa dầm nước lụt.

– Năm 1708: Mùa đông, tháng 10, mưa dầm nước lụt.

– Năm 1712: Mùa đông, tháng 10, nước lụt sâu 5, 6 thước, nhà cửa dân gian bị trôi mất nhiều.

– Năm 1713: Mùa hạ, tháng 4, sâu keo. Gặp nước lụt tràn ngập, sâu chết hết.

– Năm 1730: Mùa thu, tháng 8, lụt to.

– Năm 1736: Mùa thu, tháng 8, lụt to. Tháng 9, Quảng Bình động đất.

– Năm 1744: Bấy giờ hạt Trấn Biên nước lụt, bãi Ngô Châu và bãi Tân Trào tách ra làm hai.

– Năm 1799: Trấn Biên có lụt lớn, lúa ruộng ngập hết, nhà dân trôi mất hơn nghìn nóc, có người bị chết đuối. Dinh thần báo lên. Vua sai phát gạo kho để chẩn cấp.

– Năm 1801: Quảng Bình mưa lụt, lũy Trấn Ninh bị lở mất nhiều.

– Năm 1813: Quảng Ngãi và Bình Định lụt, lúa mạ ngập mất. Sai trấn thần lấy thóc kho ra phát chẩn. Lại cấp cho thóc giống để dân gieo mạ.

– Năm 1820: Kinh sư mưa lụt to. Hoãn việc làm cầu Lý Hoà ở Quảng Bình. Cầu ở đường cái quan, lâu năm gỗ hư, vua sai dinh thần sửa sang để phòng khi tuần du. Vừa gặp mưa lụt và dịch lệ nên hoãn lại.Biên Hoà mưa lụt. Ruộng nương nhà cửa của dân đều ngập mất. Lê Văn Duyệt theo tiện nghi phát gạo kho 1.000 phương để chẩn cấp cho người đói. Vua nghe việc ấy, ra lệnh phát thêm 200 quan tiền và muối gạo, chia ra để chẩn cấp.Phú Yên bị lụt, giá gạo cao. Sai bán thóc ra. Trấn thần tâu nói dân nghèo khổ lắm, xin cho vay. Vua y cho.Kinh thành mưa lụt to, thành lở hơn 300 trượng.

Nguồn: page Sử Văn Các