Trang chủ Kiến Thức Những vũ khí bộ binh Mỹ được phát triển từ chiến tranh...

Những vũ khí bộ binh Mỹ được phát triển từ chiến tranh Việt Nam (phần 3)

1. Băng đạn súng phóng lựu

Khẩu M79 cung cấp hỏa lực tầm gần và đến nay vẫn còn được sử dụng, tuy nhiên nhược điểm của nó là chỉ bắn được một phát, gây nguy hiểm cho người sử dụng trong các tình huống đọ súng khi mất thời gian gập nòng nạp đạn. Do đó, băng đạn 3 viên kiểu kèn harmonica đã được nghiên cứu giúp cung cấp hỏa lực nhanh và mạnh hơn.

Đại úy Roe với khẩu M79 băng 3 viên trong khu thử nghiệm của Springfield Armory

Mẫu T148E1 này được gọi là “Bloop Tube”, có 3 viên trong một băng đạn trượt, tự động sau mỗi phát bắn nhờ một cơ chế kép bằng lò xo. Khoảng 300 khẩu đã được chế tạo và thậm chí đưa sang Việt Nam để thực chiến. Tuy nhiên, quân đội Mỹ từ chối do súng dễ bị kẹt, bám bụi và cơ chế lên đạn thiếu tin cậy.

2. Súng phóng lựu bơm tay

Vẫn là tìm cách nạp đạn nhanh cho súng phóng lựu, mẫu “China Lake” được khu phức hợp California RDT & E phát triển cho lực lượng biệt kích hải quân SEAL từ năm 1968. Súng có thể chứa 4 viên 40×46 mm, một viên lên nòng và 3 viên trong ống, nạp đạn bằng cơ chế bơm tay kiểu shotgun. Súng dài 875 mm, rất nhẹ (4,63 kg) vì phần lớn linh kiện làm bằng nhôm, có tầm bắn hiệu quả đến 375 m. Thước ngắm dạng gập như M79.

Một lính được đào tạo có thể bắn hết đạn khi viên đầu tiên còn chưa chạm mục tiêu. Tuy nhiên các thử nghiệm và cả kết quả thực chiến lại không khả quan, súng tỏ ra thiếu tin cậy khi bắn đạn cận chiến M576 vốn rất cần thiết khi giao tranh tầm gần. Các nỗ lực hiện đại hóa thất bại cho đến tận năm 2009, hiện chỉ còn 4 khẩu được trưng bày trong các viện bảo tàng.

3. Súng phóng đạn cháy 4 nòng

Năm 1968, Thủy quân lục chiến yêu cầu một vũ khí có thể đốt cháy lô cốt đối phương từ khoảng cách trên 100m. Do đó, mẫu XM191/M202 ra đời thay thế cho súng phun lửa bộ binh dùng trong thế chiến II. Nó được bộ phận hóa học thiết kế dựa trên cỡ nòng 66 mm của tên lửa chống tăng vác vai M72. Tổng trọng lượng 12,7 kg khi lắp đầy đạn.

Ảnh chụp tháng 4 năm 1970 ở Việt Nam. Trung sĩ Davenport (xạ thủ) và Trung sĩ Sorensen cùng khẩu M202. Rào thép gai sau lưng cho thấy đây là một bãi tập bắn.

Vũ khí thường được bắn từ vai phải và có thể bắn từ tư thế đứng, ngồi hoặc nằm sấp. Mỗi quả đạn có cò bắn riêng. Đạn M74 có đuôi định hướng xòe ra khi bắn, mang 0.61 kg chất cháy TPA (hợp chất nhôm pyrophoric). Chất này bốc cháy khi tiếp xúc với không khí, nhiệt độ 1.600 độ C vượt xa cả xăng lẫn napalm, thậm chí gây bỏng chỉ bằng bức xạ nhiệt dù không tiếp xúc với ngọn lửa.

Tầm bắn tối thiểu là 20 m và tối đa là 750 m. Các thử nghiệm và thực chiến cho thấy mẫu M202A1 có 50% cơ hội bắn trúng các mục tiêu sau:
– Lô cốt ở cự ly 50 m
– Cửa sổ ở cự ly 125 m
– Hệ thống vũ khí hoặc phương tiện đứng yên ở cự ly 200 m
– Đội hình bộ binh ở cự ly 500 m

Dù được cho là đạn phóng có vấn đề, súng vẫn được đưa vào biên chế chính thức năm 1978 nhưng thường lưu kho. Nó vẫn được liệt kê trong danh sách vũ khí bộ binh Mỹ ở cuộc chiến Afghanistan năm 2001.

4. Súng phóng lựu liên thanh

Được phát triển trong thập niên 1960-1970 và thường thấy nhất trên các tàu tuần tiễu sông của Mỹ ở Việt Nam, khẩu MK18 có thể bắn hết 32-48 viên đạn lựu 40×46 mm (tùy sức chứa hộp) trong 3-4 giây. Tầm bắn tối đa 2 km.

Ảnh chụp ngày 22 tháng 3 năm 1968 tại Cần Thơ. Chuẩn úy Bernard Buono là người đứng điều khiển khẩu MK 18

Đây là vũ khí cuối cùng của quân đội Mỹ sử dụng cơ chế quay tay cầm để bắn chứ không dùng cò, tương tự súng nòng xoay Gatling thời Nội chiến. Các tàu tuần tiễu bọc thép (ATC) Mỹ sử dụng trên sông ngòi miền Nam Việt Nam đều lắp 2 khẩu MK18 ở mũi.

Các kết quả thực chiến ở Việt Nam cho thấy nhiều vấn đề: tốc độ bắn phụ thuộc vào tốc độ quay tay cầm, phải có giá treo mới bắn được tức là thiếu tính cơ động, chớp lửa lớn ảnh hưởng đến thị giác người bắn. Do vậy, cuối năm 1968, Saco Defense Industries giới thiệu mẫu nâng cấp MK19. Đây là khẩu phóng lựu liên thanh thành công nhất của Mỹ và đến nay vẫn được quân đội tin cậy.

Súng phóng lựu MK19 vẫn còn phục vụ ở đầu thế kỷ 21

MK19 bắn đạn 40×53 mm với tốc độ 325 đến 375 viên/phút, lên đạn tự động, tầm bắn tối đa 2.200 m (thực tế điểm ngắm chỉ để ở 1.500 m). Đầu nòng súng có một bộ triệt tiêu chớp lửa bảo vệ thị giác xạ thủ, nhưng không thể giấu vị trí bắn. Súng có thể bắn trên giá treo hoặc giá ba chân, cho phép 2 người vận chuyển vì trọng lượng chỉ có 35,2 kg. Các ray trên súng có thể lắp kính hồng ngoại hoặc nhìn đêm.

Đạn phóng M430 có uy lực lớn. Nó có thể giết bất kỳ ai trong bán kính 5 mét và gây thương tích trong bán kính 15 mét quanh mục tiêu. Ở góc chạm 90 độ, đạn này xuyên được 51 mm thép cán tức lớp giáp tiêu chuẩn của hầu hết xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh. Tháng 11 năm 2014, một bản nâng cấp khác được tiến hành với đạn nổ lập trình thông minh. Xạ thủ đo khoảng cách đến mục tiêu bằng laser, đặt hẹn giờ và bắn, đạn sẽ nổ khi hết thời gian đếm ngược, giúp tăng khả năng sát thương và hiệu quả chiến đấu với các mục tiêu được che chắn.

5. Kính ngắm nhìn đêm

Ảnh chụp ở căn cứ Bearcat ngày 23/10/1967 gần Biên Hòa. Hạ sĩ Michael Longo thuộc sư đoàn 9 bộ binh với khẩu M16A1 gắn thiết bị nhìn đêm AN/PVS-1

Các thiết bị nhìn đêm thời Thế chiến II được cho là cồng kềnh và hiệu quả thấp, AN/PVS-1 là mẫu đầu tiên đưa vào sử dụng ở Đông Nam Á. Các điện cực quang ảnh S-20 của nó phóng đại ánh sáng lên gấp 1.000 lần. Chỉ cần một chút ánh trăng, xạ thủ có thể nhìn rõ mục tiêu ở cự ly ít nhất 365 m để khai hỏa.

Sau chiến tranh Việt Nam, mẫu AN/PVS-4 ra đời và sản xuất hàng loạt năm 1976 với đơn hàng đầu tiên 47.074 chiếc. Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 chứng kiến hiệu quả của các bản nâng cấp AN/PVS-4, với nó lính Mỹ tác chiến đêm không khác gì ban ngày. Thiết bị có thể điều chỉnh cho phù hợp với các mức ánh sáng khác nhau, tự động tắt khi gặp ánh sáng chói mắt và kích hoạt lại bắng cách bắn 1 viên đạn (được lập trình để nhận biết lửa đầu nòng). Nó chỉ có một nhược điểm là rất dễ bị phát hiện nếu đối phương sử dụng thiết bị hồng ngoại do hiện tượng phản xạ vật kính.