1. Nhà Hồ diệt vong:
Do mắc phải liên tiếp nhiều sai lầm về chiến thuật, chiến lược mà sau trận Hàm Tử kết thúc, triều nhà Hồ hầu như không còn cơ sở để lật ngược tình thế. Chẳng những các lực lượng tinh nhuệ, đông đảo nhất đã bị đánh tan, thuyền bè vũ khí mất mát lớn mà điều nguy hiểm không kém là tinh thần quân đội đã tụt dốc nghiêm trọng. Thêm vào đó, lòng dân lại không ủng hộ triều đình nhà Hồ do những việc làm mất lòng dân trước đó.
Hồ Quý Ly cùng các tướng vượt biển về lại Tây Đô, cố gắng gượng chống đỡ. Vua tôi nhà Hồ chỉ còn hy vọng vào sự kiên cố của thành Tây Đô và các đồn trại ở Thanh Hóa mà toan cố thủ. Hồ Quý Ly lại sai người mang thư báo cho An phủ sứ lộ Thăng Hoa là Hoàng Hối Khanh ở biên thùy phía nam, lệnh cho Hoàng Hối Khanh đem những di dân khi trước đã phái vào nam khai khẩn đất đai cùng với binh lính địa phương gộm lại, giao cho Tả châu phán Nguyễn Rỗ ở Thăng Hoa chỉ huy để làm quân Cần vương (tức quân giúp vua lúc nguy nan), phong Cổ Lũy huyện thượng hầu Chế Ma Nô Đà Nan (vua cũ của Chiêm Thành, bị lật đổ và theo hàng Đại Ngu) làm Thăng Hoa quận vương để kêu gọi dân Chăm quy phục triều đình nhà Hồ.
Quân dân biên thùy phía nam ít ỏi, vốn không so bì được với lực lượng mạnh mà nhà Hồ đã để tổn thất trước đó. Tuy nhiên đây là sự lực lượng cuối cùng mà Hồ Quý Ly có thể trông cậy vào. Nhưng rốt cuộc việc này cũng không thành. Hoàng Hối Khanh trước lo việc biên giới lỡ cắt nhượng cho giặc quá nhiều đất, bị Hồ Quý Ly nhục mạ không tiếc lời, nhưng sau lại giao cho trọng chức ở phương nam. Hoàng Hối Khanh còn nhớ mối nhục cũ, vốn trong lòng không phục Hồ Quý Ly mà chỉ muốn tự mình tìm minh chủ khác đảm đương việc chống giặc nên giấu thư đi, không cho các quan chức khác biết. Đó thực là đã cố ý đẩy hai vua họ Hồ vào đường chết.
Một khi lòng người đã ly tán thì mọi kế hoạch đều khó lòng thực hiện được. Tháng 5.1407, sau khi ổn định lại lực lượng và tiến hành mua chuộc các tầng lớp nhân dân ở vùng đồng bằng trung châu (vùng quanh Thăng Long), Trương Phụ dốc toàn lực tấn công vào Thanh Hóa. Thuyền quân Minh vượt biển đánh vào Lỗi Giang (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Quân Đại Ngu nhác trông thấy bóng quân Minh đã sợ hãi, không đánh mà tự tan. Quân Minh đánh vào cửa biển Điền Canh, quân tướng Đại Ngu cũng nhanh chóng bỏ thuyền chạy. Đến đây thì có thể thấy, đại đa số lực lượng thuộc quân đội của nhà Hồ đã không còn tinh thần chiến đấu nữa, hễ gặp giặc là bỏ chạy. Thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương dẫn lực lượng nhỏ bé còn lại lánh ra Thâm Giang (sông Ngàn Sâu, Hà Tĩnh), thấy địa thế bất lợi không thể phòng thủ, định chạy vào Nghệ An.
Lúc này tướng nhà Hồ là Ngụy Thức cùng kế, thấy không còn hy vọng nên xin vua và Thượng hoàng nên tự thiêu. Ngụy Thức nói với Hồ Quý Ly: “Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác”. Căm giận vì lời nói của Ngụy Thức, Hồ Quý Ly sai chém chết. Sau đó, Hồ Quý Ly lại dẫn quân chạy vào Nghệ An. Binh lính, quan lại rơi rớt dọc đường, nhiều người đầu hàng giặc, một số khác thất lạc nhau trên đường hành quân. Càng gần cuối cuộc chiến, quân đội nhà Hồ càng tỏ rõ là một đội quân yếu kém về tổ chức. Một số kẻ vì tham công, tiếc mạng lại tình nguyện dẫn đường cho giặc lùng bắt hoàng tộc nhà Hồ.
Về phía quân Minh, bọn tướng lĩnh rất hăng máu và quyết tâm cao độ để lập “kỳ công”. Trương Phụ sau khi chiếm được thành Tây Đô và kiểm soát được Thanh Hóa, bèn mở một cuộc hành quân lớn đánh vào Nghệ An, quyết vây bắt bằng được vua tôi nhà Hồ. Trương Phụ cùng Mộc Thạnh dẫn bộ binh tiến vào Nghệ An, Liễu Thăng chỉ huy binh thuyền tiến theo đường thủy. Quần thần trong triều gồm Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ MãnThượng… thế bức bách đều phải đầu hàng quân Minh. Thượng hoàng Hồ Quý Ly chạy đến cửa biển Kỳ La (thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) thì bị giặc đuổi theo kịp. Quân nhà Hồ chẳng mấy chốc tan vỡ, Hồ Quý Ly bị giặc bắt. Vua Hồ Hán Thương dẫn Thái tử Hồ Nhuế chạy đến núi Cao Vọng (thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì cũng sa lưới quân giặc. Các quan tướng cao cấp là Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, Hữu tướng quốc Quý Tì, Phán trung đô Vô Cửu, tướng quân Hồ Đỗ, Nguyễn Lục Tài, Nguyễn Nghiện Quang, Đoàn Bồng… đều lần lượt bị bắt cả. Hành khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, Trực trưởng Kiều Biểu nhảy sông tự sát. Triều đình nhà Hồ đến đây coi như bị diệt. Tuy nhiên ở các vùng phía nam vẫn còn các lực lượng Đại Ngu tiếp tục chiến đấu một thời gian.
2. Các lực lượng cuối cùng của nước Đại Ngu:
Trong khi quân Minh đánh diệt nhà Hồ từ phía bắc thì ở các châu phía nam, một số tướng lĩnh Đại Ngu đang phải đối phó với quân Chiêm Thành thừa cơ hội đánh ra lấn đất. An phủ sứ Hoàng Hối Khanh bấy giờ là viên quan có quyền hành cao nhất, phục trách mọi việc ở lộ Thăng Hoa (Quảng Nam ngày nay) và trấn Tân Ninh (thuộc Quảng Nam). Đặng Tất làm Đại tri châu, cùng với Phạm Thế Căng làm tâm phúc cho Hoàng Hối Khanh. Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ trấn Tân Ninh phụ trách vùng rừng núi. Nguyễn Rỗ cũng là một tướng có thực lực trong vùng, nhưng hay tị hiềm với Đặng Tất vì ghen ghét công trạng của nhau. Chế Ma Nô Đà Nan đóng quân trấn giữ tại châu Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay), là nơi cực nam của nước Đại Ngu thời kỳ này.
Vua Chiêm là Ba Đích Lại đem quân tấn công vào châu Tư Nghĩa thuộc lộ Thăng Hoa, do Chế Ma Nô Đà Nan trấn thủ. Hoàng Hối Khanh cùng Đặng Tất, Nguyễn Rỗ đem quân vào cứu viện. Sau thế quân Chiêm quá mạnh, dân Việt vào khai khẩn từ trước phần nhiều bỏ chạy về bắc. Hoàng Hối Khanh, Đặng Tất, Nguyễn Rỗ cũng rút lui bỏ mặc Chế Ma Nô Đà Nan bị vây khốn. Quân Chiêm chiếm được châu Tư Nghĩa, Chế Ma Nô Đà Nam cô thế bị giết. Chiêm Thành thừa thế chiếm luôn Thăng Hoa, các lực lượng cuối cùng của nước Đại Ngu phải kéo nhau rút dồn về Hóa Châu, Tân Bình, bị kẹp giữa quân Minh và quân Chiêm Thành.
Tại thành Hóa Châu (Huế ngày nay), tướng trấn thủ là Nguyễn Phong thấy đoàn thuyền chở quân của Đặng Tất bỏ biên cương chạy về nên đóng cửa thành không cho vào. Đặng Tất thúc quân đánh chiếm luôn thành trì, giết chết Nguyễn Phong. Vì ở xa triều đình trung ương, tin tức không thông, lại trong tình thế hỗn loạn nên các tướng lĩnh vùng phía nam đã trở thành các thế lực cát cứ vô tổ chức, mạnh ai người nấy giữ lấy quân của mình. Nguyễn Rỗ cùng các di dân đi đường bộ nên đến chậm, không chịu sát nhập lực lượng với Đặng Tất mà cùng nhau tranh cướp thành trì. Đặng Tất ở trong thành cố thủ, đánh nhau với Nguyễn Rỗ hơn 1 tháng. Nguyễn Rỗ ở ngoài thành không có tiếp viện, phải đem gia quyến đầu hàng Chiêm Thành.
Phạm Thế Căng đem quân về Tân Bình thì hay tin cha con Hồ Quý Ly đều đã bị bắt, bèn ra Nghệ An đầu hàng quân Minh, chỉ điểm cho Trương Phụ, Mộc Thạnh vào đánh Hóa Châu. Đặng Tất ở Hóa Châu, nam thì Chiêm Thành đánh lên, bắc thì quân Minh đánh xuống, liệu thế không chống cự nổi cũng đành chịu đầu hàng quân Minh, xin với Trương Phụ được làm quan cai quản Hóa Châu, thực ra là ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ về sau. Trương Phụ lúc này cũng muốn tranh thủ mua chuộc các thế lực tướng lĩnh, quan lại nên đã đồng ý. Đặng Tất hàng Minh rồi, cho người đem Hoàng Hối Khanh giải về Đông Đô làm tin. Hoàng Hối Khanh đến cửa biển Đan Thai (cửa Hội, Nghệ An) thì nhảy xuống biển tự vẫn. Trương Phụ vẫn không chịu buông tha ông, sai người vớt xác chặt đầu bêu ở chợ Đông Đô.Việc Đặng Tất đầu hàng Trương Phụ chỉ là khổ nhục kế, là bước nhẫn nhịn nhất thời. Trên thực tế ông vẫn nắm giữ lực lượng của mình, về sau là nòng cốt quan trọng để tiếp tục chống lại quân Minh. Về phần Nguyễn Cảnh Chân lúc này cũng phải cho hàng ngũ tan rã, sống ẩn dật chờ đợi thời cơ, tìm bạn đồng chí để cùng mưu sự về sau.
Như vậy là các lực lượng cuối cùng của nước Đại Ngu trước sức ép của quân Minh và quân Chiêm Thành cũng đều phải tan rã hoặc theo hàng giặc. Tuy nhiên, tình hình sẽ hoàn toàn không như ý định của quân Minh xâm lược. Việc tiêu diệt được triều đình nhà Hồ không có nghĩa là chúng đã bình định được nước ta. Quân giặc không đủ khả năng dập tắt được các sự kháng cự ở rải rác khắp cả nước và không thể bóp chết được các mầm yêu nước trong nhân dân. Nước Đại Ngu không còn, nhưng dân tộc Việt vẫn còn. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc Việt vẫn chỉ mới ở giai đoạn đầu.
Quốc Huy/Một Thế Giới