Trang chủ Kiến Thức Địa vực phân bố của văn hóa Đông Sơn

Địa vực phân bố của văn hóa Đông Sơn

(Bản quyền tài liệu thuộc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam)


Các nhà khảo cổ khá thống nhất vấn đề địa vực phân bổ văn hóa Đông Sơn cơ bản trùng với địa bàn miền Bắc Việt Nam hiện nay, tại khu vực trước đây vẫn được gọi là vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. (Bản đồ 1)


Trên địa bàn phân bố vừa kể, cư dân Đông Sơn tập trung sống ở vùng đồng bằng là chủ yếu, nơi có đất đai rộng lớn thích hợp với điều kiện canh tác nông nghiệp trồng lúa. Mật độ cư dân Đông Sơn ở vùng núi thì thưa thớt hơn, đến tận ngày nay cũng vẫn còn như vậy.

Người dân Đông Sơn tụ cư tập trung vào vùng ven sông lớn để có nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp mà yêu cầu “nhất nước nhì phân” thì nguồn nước vẫn là yêu cầu số một. Nguồn nước còn phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của từng người, từng gia đình và cả cộng đồng lớn mạnh.

Một trong những quy luật cư trú trong thời Đông Sơn là các khu vực giao nhau giữa các dòng suối, dòng sông, những ngã ba sông đều là những khu vực có những trung tâm kinh tế, xã hội lớn mạnh đương thời. Chính ba lưu vực sông Hồng, sông Cá và sông Lam đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế của cộng đồng người Đông Sơn.

Các di tích làng cổ, mộ tàng cổ chi chít ở dọc các sông này, có thể kể ra những di tích nổi tiếng đều ở vùng ven sông như Làng Cả (ngã ba sông Hồng – sông Đà – sông Lô), Cổ Loa (ven sông Hoàng Giang, sông Hồng) Đông Sơn (ven sông Mã), Làng Vạc (ven sông Hiếu). Có thể nói những dòng sông đã sinh ra nền văn hóa Đông Sơn và nuôi dưỡng nó để trở thành một nền văn hóa thuộc loại rực rỡ nhất của vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Với cốt lõi là hệ thống ba con sông lớn cùng với chỉ lưu của nó như những gốc rễ và cành lá đã lan tỏa vào vùng đồng bằng mâu mỡ, điều kiện địa lý tối ưu này đã sinh thành được văn hóa Đông Sơn nổi tiếng mà đương thời không phải nơi nào cũng có được cái thể đất như vậy.

Vấn đề còn lại là liệu ranh giới của nền văn hóa này lan tỏa tới đâu, nếu lấy các vùng đồng bằng màu mỡ của 3 con sông làm trung tâm quần tụ chính của cư dân Đông Sơn?

Căn cứ vào sự phân bố di tích và di vật, có thể thấy các làng cổ và khu mộ cổ của Đông Sơn có mặt từ vùng Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh một vùng biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc hiện nay. Khi xây dựng sân bay Lào Cai, các nhà khảo cổ học Pháp từ lâu đã tìm thấy một loạt hiện vật Đông Sơn ở dọc sông Hồng gần biên giới Việt – Trung.

Cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi thành phố Lào Cai được xây dựng mới thì một loạt mộ cổ thời Đông Sơn lại được phát hiện dồn dập hơn ở quanh khu vực này. Ở vùng đông bắc của biên giới Việt – Trung hiện tại, cách vùng biên khoảng 30 km cũng tìm được một trống đồng Đông Sơn khá đẹp – trống Quảng Chính’. Vì thế, có thể nói, chính vùng biên giới Việt-Trung hiện tại đã là ranh giới của nền văn hóa Đông Sơn về phía Bắc, về mặt cơ bản.

Về phía Đông, vấn đề xác định ranh giới văn hóa Đông Sơn có lẽ dễ dàng hơn vì tiếp giáp với biển Đông, một rào cản tự nhiên trong bước đường khai hoang lập ấp của người Việt từ trước đến nay vẫn vậy.

Văn hóa Đông Sơn có dấu tích ở vùng ven biển và hải đảo thuộc vịnh Bắc Bộ ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển Thanh Hóa, Nghệ An. Một số di tích ven biển thuộc văn hóa Đông Sơn có dấu tích cư trú lâu dài ở vùng ven biển như Đầu Rằm (Yên Hưng, Quảng Ninh), Việt Khê (Hải Phòng), nhiều trống đồng tìm được ở ven biển của đồng bằng sông Mã như Quảng Xương, cây đèn đồng mang dấu tích giao lưu văn hóa với vùng đồng có Trung Á tìm được ở Lạch Trường, Thanh Hóa.

Khu vực đồng bằng ven biển Diễn Châu, Nghệ An cũng có di tích Đông Sơn nổi tiếng như Đồng Mỏm.

Cây đèn đồng hình người quỳ ở Lạch Trường, Thanh Hóa được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt 1 năm 2012. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Cây đèn đồng hình người quỳ ở Lạch Trường, Thanh Hóa được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt 1 năm 2012. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia


Về phía nam, dấu tích văn hóa Đông Sơn còn thấy ở vùng giáp giới Hà Tĩnh và Quảng Bình ở khu vực Đèo Ngang. Vượt qua Đèo Ngang, chúng ta có thể nhận thấy đây là vùng có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa là Đông Sơn và Sa Huỳnh. Cả hai khối văn hóa này đều có nhiều di vật đan xen lẫn nhau ở vùng ven biển Quảng Bình (ở di tích Cố Giang và Khương Hà) như nhận xét của nhà khảo cổ học người Pháp, bà M. Colani trước đây (M. Colani 1936). Vùng Quảng Bình còn tìm được rải rác các hiện vật Đông Sơn ở các huyện Hợp Hóa (Tuyên Hóa), Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Trạch, Đồng Hới (Viện Khảo cổ học 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội). Mới đây, việc phát hiện và khai quật di tích Bãi Cọi ven sông Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã cho thấy có khá nhiều đồ gốm, mộ chum vò, khuyên tai ba mấu là đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh có mặt trong lòng đất nơi đây, chứng minh sự lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh ra đến tận khu vực phân bố phía Nam của văn hóa Đông Sơn.

Khuyên tai ba mấu thủy tinh thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh) lần thứ nhất năm 2008. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Khuyên tai ba mấu thủy tinh thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh) lần thứ nhất năm 2008. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam


Địa bàn phân bố của nền văn hóa Đông Sơn về phía Tây có vẻ không thật rạch ròi, có thể do đây là khu vực nhiều núi non, dân cư thời đó có vẻ thưa thớt. Nhưng chúng ta cũng thấy được một số hiện vật Đông Sơn đã có mặt ở vùng miền núi phía tây của vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng núi phía tây của vùng Bắc Trung Bộ. Một ngôi mộ táng Đông Sơn tìm được ở trong hang Thầm Khương huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Một số di vật có thể thuộc văn hóa Đông Sơn đã tìm thấy ở phần đất mặt của hang Nậm Tun, huyện Phong Thổ, Lai Châu).


Vùng núi phía tây Bắc Trung Bộ cũng tìm thấy dấu tích văn hóa Đông Sơn. Thậm chí, có những địa điểm quá nhiều mộ táng và hiện vật quý như Làng Vạc, miền núi phía tây Nghệ An. Tuy nhiên, liệu địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn có trùng với địa bàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay ở phần giáp ranh với nước Lào hay không cũng là một điều còn phải điều tra khảo cổ học thêm nữa.

Một số cổ vật Đông Sơn được tìm thấy ở di tích làng Vạc (xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Nguồn: báo Văn hóa
Một số cổ vật Đông Sơn được tìm thấy ở di tích làng Vạc (xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Nguồn: báo Văn hóa


Địa vực phân bố của văn hóa Đông Sơn là một khu vực liền khoảnh, đủ đáp ứng của một cương vực của một lãnh thổ nhà nước sơ khai. Chính địa vực này lại được khẳng định khi mà sau đó, vào thời nhà Hán đã thôn tính Việt Nam, khu vực này được phân chia địa giới thành quận Giao Chỉ (lưu vực sông Hồng) Cửu Chân (lưu vực sông Mã) và Nhật Nam (lưu vực sông Lam, tức sông Cả).

Hay nói một cách khác, chúng ta cũng có thể suy luận ngược lại là dựa vào địa giới ba quận huyện của nhà Hán nói trên, ta có thể thấy được hình bóng của một cương vực lãnh thổ trước đó đã tồn tại của một nhà nước sơ khai có nền tảng vật chất là văn hóa Đông Sơn.



Nguồn: Sự hình thành nhà nước sơ khai ở Việt Nam (qua tư liệu khảo cổ học), PGS.TS. Trịnh Sinh, trang 31-34, NXB Khoa học xã hội, 2016.