Trang chủ Kiến Thức Cơn Nghiện Trà Sữa Của Người Anh – Nguyên Nhân Gián Tiếp...

Cơn Nghiện Trà Sữa Của Người Anh – Nguyên Nhân Gián Tiếp Của Chiến Tranh

Trà là loại đồ uống xuất xứ từ Trung Quốc. Tương tuyền rằng người hầu của vua Thần Nông khi đang đun nước uống cho ông dưới gốc cây đã vô tình để lá trà rơi vào trong nước. Vua Thần Nông cảm nhận được sự khác lạ, khoan khoái khi uống thứ nước trà này và từ đó nó được phổ biến.

Ở Châu Âu, những thương nhân người Bồ Đào Nha là những người đầu tiên uống trà và giới thiệu nó với người nước mình. Đến đầu thế kỷ 17, trà lần đầu tiên du nhập vào Anh, Hà Lan. Người Hà Lan tiếp nhận thức uống nhanh chóng và rộng rãi. Trong khi đó tại Anh, công ty Đông Ấn Anh ban đầu không thành công trong việc phổ biến thói quen uống trà. Mãi cho đến năm 1662, khi vua Charles II của Anh cưới Catherine xứ Braganza, công chúa nước Bồ Đào Nha, một người nghiện trà hạn nặng.

Vừa đặt chân đến Anh, Catherine yêu cầu một tách trà. Lúc này ở Anh trà không phải là thứ dễ kiếm nên hầu cận người Anh đã dâng cho cô nàng một ly bia. Không được uống trà, ban đầu Catherine lăn ra ốm. Về sau, vua Anh phải tìm nguồn nhập trà cho bà vợ người Bồ nghiện trà của mình uống mỗi ngày thì tình hình mới ổn trở lại. Thói quen uống trà nhanh chóng lan tỏa ra khắp giới quý tộc Anh, rồi kế đến là tầng lớp trung lưu cũng bắt chước. Có cầu ắt có cung, công ty Đông Ấn Anh mở ra một đường dây độc quyền nhập khẩu trà từ Trung Quốc. Trà ban đầu rất đắt đỏ, chủ yếu dành cho giới thượng lưu. Bình dân thì thi thoảng húp trà lậu, trà đểu pha tạp chất. Dần dần, trà cũng phổ biến ra giới trung lưu và bình dân khi đầu mối nhập khẩu đã ổn định. Khi cơn nghiện trà ngày càng lan rộng, Chính phủ Anh bắt đầu nhìn nhận không mấy thiện cảm với trà nên đánh thuế rất cao, đỉnh điểm lên tới 119%. Để đối phó, gian thương nhập lậu trà, pha lá tạp, phân cừu, đồng canbonat … vào bột trà nhằm tăng lợi nhuận.

Đến năm 1784, chính phủ Anh nhận ra việc đánh thuế cao không ngăn được cơn nghiện trà của dân chúng mà chỉ làm béo cho đám buôn lậu, bán trà pha tạp chất. Thủ tướng Anh bấy giờ là William Pitt the Younger đã giảm thuế xuống còn 12,5%, trà bỗng chốt trở thành đồ uống phải chăng hơn, tuy nhiên cũng không hẳn là rẻ. Người Anh rất chuộng uống trà nóng pha với sữa.

Người Anh nghiện trà dẫn đến một hệ lụy là thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Tiền bạc của nước Anh trong thế kỷ 18 đổ vào Trung Quốc để mua trà, trong khi đó Trung Quốc bước vào thời Khang Càng thịnh thế, hầu như chẳng cần nhập khẩu thứ hàng dân dụng gì từ phương tây. Cuối cùng các thương gia người Anh tìm ra một mặc hàng khiến người Trung Quốc phải mua thường xuyên, chính là thuốc phiện. Thứ hàng hóa này du nhập vào Trung Quốc từ thời vua Ung Chính, tăng lên tỉ lệ thuận với việc xuất khẩu trà, dần dần khiến một bộ phận không nhỏ dân chúng và cả quý tộc trở thành con nghiện. Tình hình trở nên trầm trọng kể từ cuối thời vua Gia Khánh trị vì. Đến đời vua Đạo Quang, lượng thuốc phiện nhập vào Trung Quốc đã tăng 150 lần so với thời vua Ung Chính, chủ yếu có xuất xứ từ các trang trại nằm ở Ấn Độ thuộc quyền sở hữu của công ty Đông Ấn Anh. Vua Đạo Quang nhận ra vấn nạn và bắt đầu dùng các biện pháp mạnh cấm thuốc phiện, dẫn đến cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1842). Nước Anh thời kỳ này dưới sự trị vì của nữ hoàng Victoria đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp với quân đội tiên tiến, hùng mạnh đã giành chiến thắng.

Sự kiện này là một bước ngoặt lớn khiến cho các cường quốc phương tây thay đổi cách nhìn nhận của họ về Trung Quốc. Hóa ra nhà Thanh lại yếu kém, bạc nhược như thế. Họ không còn ngần ngại nhảy vào xâu xé Trung Quốc như một chiếc bánh ngọt, đánh dấu Bách Niên Quốc Sỉ của người Trung Quốc. Các nước phương đông chậm tiến khác cũng chịu ảnh hưởng từ sự kiện này do phương tây lúc bấy giờ đã tự tin hơn trong việc viễn chinh xâm lược các nước viễn đông xa xôi. Còn người Anh thì từ đó yên tâm mà uống trà. Đến ngày nay, nhân loại đã tiến bộ rất nhiều. Thật may mắn là toàn cầu hóa kiểu hiện đại giúp cho người ta không còn phải chém giết lẫn nhau để thỏa mãn một nhu cầu nào đó về vật chất nữa. Chí ít thì có rất nhiều sự lựa chọn khác thông minh hơn nhiều để thỏa mãn nhu cầu.

-nguoilytuong90-