Nửa cuối thế kỷ 12 chứng kiến một sự kiện chấn động ở khu vực Đông Nam Á là việc kinh thành Angkor của đế quốc Chân Lạp bị Chiêm Thành, một nước nhỏ hơn rất nhiều chiếm đóng và cướp phá tan hoang. Chiến công này là thành quả từ hơn một thập kỷ nỗ lực của vua Jaya Indravarman IV, chứng minh sức chiến đấu đáng gờm của người Chiêm Thành một khi họ có thể huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thể các xứ Chiêm dưới một sự lãnh đạo thống nhất. Tuy nhiên thắng lợi của vua Jaya Indravarman IV chỉ là nhất thời. Chẳng những vậy, chiến thắng này dẫn đến một hệ quả vô cùng tai hại cho nước Chiêm Thành là nó đã gián tiếp khiến cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ giới quý tộc Chân Lạp kết thúc. Thay vào đó, người nước Chân Lạp đã có động lực để đoàn kết lại, cùng quay mũi giáo về nước Chiêm Thành. Với tiềm lực vượt trội cả về nhân lực lẫn tài nguyên, người Chân Lạp đã quật khởi ngay sau thất bại.
Sự xuất hiện của vua Jayavarman VII nước Chân Lạp kể từ năm 1177 đã làm gió đổi chiều trong cuộc đối đầu giữa Chiêm Thành và Chân Lạp. Năm 1181, vua Jayavarman VII lên ngôi sau khi đã đánh đuổi được quân Chiêm Thành, khôi phục lại kinh đô và nhiều vùng lãnh thổ. Sự trị vì của nhà vua mới đã giúp nước Chân Lạp phục hồi mạnh mẽ, trở lại vị thế của một đế quốc đương thời. Dưới thời vua Jayavarman VII, thành Angkor Thom bắt đầu được khởi công xây dựng, là sự tiếp nối của kinh thành Angkor Wat trước đó. Ở phía đối nghịch, vua Chiêm là Jaya Indravarman IV vẫn cố gắng duy trì thế tiến công của Chiêm Thành. Nhưng cục diện dần bất lợi cho ông khi mà vua Jayavarman VII đã lãnh đạo quân Chân Lạp đứng vững, và dần chuyển sang phản công. Năm 1190, một hoàng thân người Chiêm quốc lưu vong tại Chân Lạp là Sri Vidyanandana đã được vua Jayavarman VII tin tưởng giao quyền lãnh đạo một đạo quân lớn tiến đánh nước Chiêm Thành. Sri Vidyanandana vốn là một hoàng tử Chiêm Thành nhưng từ năm 1182 đã sang sống ở Chân Lạp, được vua Jayavarman VII thu nhận làm tướng. Nhờ có công dẹp loạn xứ Malyan thuộc Chân Lạp, Vidyanandana được vua Jayavarman VII rất tin dùng, phong làm Phó vương.
Dưới sự lãnh đạo của Vidyanandana, quân Chân Lạp ồ ạt tiến sang Chiêm Thành, kinh đô Vijaya thất thủ ngay trong năm 1190 trước ưu thế vượt trội của kẻ địch. Vua huyền thoại Jaya Indravarman IV của nước Chiêm Thành bị bắt trong cuộc chiến. Vua Chân Lạp sau đó phong cho người anh rể của mình là In làm “vua Vijaya”, lấy hiệu là Surya Jayavarmadeva. Trên thực tế là một vị vua bù nhìn của đế quốc Chân Lạp.
Hoàng thân Sri Vidyanandana cùng các thuộc hạ thân tín tiến vào Panduranga, tự lập làm vua của xứ này, xưng hiệu là Sri Suryavarman. Nước Chiêm Thành bấy giờ bị chia làm hai phần. Các xứ miền bắc trên thực tế trở thành thuộc địa của nước Chân Lạp. Riêng xứ Panduranga vẫn giữ quyền tự chủ nhờ vào mối quan hệ tốt giữa Sri Suryavarman với vua Jayavarman VII, nhưng trên danh nghĩa vẫn phải nhận sắc phong và chịu phục tùng vua Chân Lạp.
Năm 1192, một hoàng tử xứ Vijaya là Rasupati phất cờ khởi nghĩa. Quân bù nhìn thân Chân Lạp của Surya Jayavarmadeva không chống nổi sự phản kháng mạnh mẽ của người Chiêm, buộc phải tháo chạy. Rasupati lên ngôi vua Chiêm Thành, xưng hiệu là Jaya Indravarman V. Khi biết tin Jaya Indravarman V lên ngôi, vua Jayavarman VII đã thả cựu vương Jaya Indravarman IV về nước, để tạo ra một cuộc tranh chấp vương quyền mới tại Chiêm Thành.
Cựu vương Jaya Indravarman IV khi trở về đã tập họp lại những người thân tín cũ và đề nghị liên minh với vua đương nhiệm của xứ này là Sri Suryavarman để chống lại vua Jaya Indravarman V. Vì kiêng nể uy tín của cựu vương, Sri Suryavarman đã chấp nhận liên minh. Chiêm Thành rơi vào cảnh một nước ba vua. Trong cuộc chiến tranh giành quyền lực này, phe của hai vua Jaya Indravarman IV và Sri Suryavarman cuối cùng đã chiến thắng. Quân Panduranga tiến vào chiếm đóng thành Vijaya. Vua Jaya Indravarman V bại trận bị giết. Khi không còn thế lực đối địch từ Vijaya, vua Sri Suryavarman và Jaya Indravarman IV lập tức trở mặt với nhau. Vua Sri Suryavarman đã chiếm luôn thành thành Vijaya, với mong muốn làm vua toàn cõi Chiêm quốc. Jaya Indravarman IV với lực lượng ít ỏi của mình cố gắng chiếm lấy thành trì nhưng thất bại. Cuối cùng, Sri Suryavarman ra tay trừ khử luôn cả cựu vương Jaya Indravarman IV để lên ngôi vua Chiêm Thành vào năm 1192. Cái giá cho sự thống nhất trở lại của nước Chiêm Thành khá đắt khi mà toàn dân phải trải qua liên tiếp hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu. Bên cạnh đó, sự chia rẽ giữa các xứ Chiêm càng thêm sâu sắc, khủng hoảng lòng tin giữa các tầng lớp nhân dân càng thêm trầm trọng.
Nắm giữ quyền lực sau thời kỳ đen tối, vua Sri Suryavarman không có nhiều thời gian hòa bình để khôi phục lại đất nước. Khi biết tin Sri Suryavarman tự lập làm vua toàn Chiêm Thành, vua Jayavarman VII tức giận cho rằng mình đã bị phản bội. Kể từ năm 1193 trở đi, quân Chân Lạp liên tiếp xâm lấn nước Chiêm Thành. Vua Sri Suryavarman một mặt lãnh đạo quân dân trường kỳ chiến đấu với địch mạnh, một mặt cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Đại Việt để làm đối trọng. Năm 1194, quân Chiêm Thành đã đánh bại một cuộc xâm lược lớn của Chân Lạp. Nhận thấy vị trí Vijaya dễ bị quân Chân Lạp tấn công, Sri Suryavarman dời đô về xứ Amaravati ( Quảng Nam ) để tránh mũi nhọn của giặc. Những năm tiếp theo, Chiêm Thành tích cực khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình thủy lợi được trú trọng thi công. Năm 1198, sứ giả Chiêm Thành đến Đại Việt để cầu phong và dâng cống phẩm. Đến năm 1199, sứ Đại Việt đã sang phong vương cho vua Sri Suryavarman. Tuy nhiên, Đại Việt dưới thời vua Lý Cao Tông đang đà suy sụp đã không có bất kỳ hành động thiết thực nào để giải cứu nước đã xưng thần khi họ gặp nguy nan. Vị vua thứ bảy của triều Lý chỉ lo vui chơi hưởng lạc, bỏ mặc chính sự. Rốt cuộc nước Chiêm Thành vẫn chỉ một mình chống đỡ sức mạnh của đế quốc Chân Lạp đang thời kỳ hưng thịnh nhất.
Năm 1203, một người chú của Sri Suryavarman là Dhanapatio Grama ( Bố Điền ) đã phản lại đất nước, dẫn quân Chân Lạp tiến đánh Amaravati, chiếm lấy ngôi vua. Dhanapatio Grama Sri sau đó trở thành “vua Chiêm Thành”, dưới quyền điều khiển của vua Jayavarman VII nước Chân Lạp. Suryavarman bại trận đã đem cả gia quyến và hạm đội của mình gồm 200 thuyền vượt biển bắc tiến, ghé vào cửa biển Cơ La để cầu cứu Đại Việt. Tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục Phạm Diên tâu bày về triều. Tại Thăng Long, vua Lý Cao Tông sai quan Thái phó Đàm Dĩ Mông cùng Đỗ An đem quân vào kinh lý. Đàm Dĩ Mông vào nam, cùng thân tín dò hỏi mọi việc. Đỗ An bàn rằng :
“Bố Trì [ chỉ Sri Suryavarman ] có đến 200 chiếc thuyền, cái thằng lang sói dã tâm ấy, ta không thể hoàn toàn tin nó được.
Ngạn ngữ có câu rằng :
Cái lỗ kiến mà làm vỡ đê,
Chút khói mà làm cháy nhà.
Nay bọn Bố Trì thì đông, chớ há có phải riêng cái lỗ kiến, cái chút khói mà ta nói ấy đâu. Xin ông hãy xét kỹ”
Đàm Dĩ Mông đem lời ấy bàn lại với bọn Đỗ Thanh, Phạm Diên và bảo nên phòng bị. Bọn Đỗ Thanh nghe qua cãi lại : “Kẻ kia gặp nạn mới sang cầu cứu ở ta, ta nên đem lòng thành thực mà cứu giúp nhau. Nay ngược lại ta ngờ vực họ hai lòng thì như vậy có đáng không?”
Đàm Dĩ Mông bấy giờ là một trong những trụ cột triều đình, công lao uy vọng rất lớn. Vì vậy mà ông cũng sinh ra tự cao. Khi nghe Đỗ Thanh, Phạm Diên nói trái ý mình, Đàm Dĩ Mông tức giận, dẫn quân bỏ về triều. Đỗ Thành và Phạm Diên bấy giờ mới sợ hãi, bàn nhau rằng : “Bọn ta đã trái ý quan Phụ quốc [ tức Đàm Dĩ Mông ], tất không thoát điều chẳng lành, chi bằng hãy bí mật đem quân đánh Bố Trì, lấy đó làm kế vẹn toàn.”
Đỗ Thanh, Phạm Diên ngoài mặt thân thiện với Sri Suryavarman nhưng tìm cơ hội đánh úp. Nhưng mưu ấy đã bị bại lộ, Sri Suryavarman nói với thuộc hạ rằng : “Bọn ta gặp nạn mới đến cầu cứu ở nước lớn. Nước lớn đã không có cái điều nghĩa thương xót mà trái lại còn muốn bắt tội làm tù nữa, đau đớn quá chừng.” Từ đó hai bên hẹn nhau liên thủ, nhưng chực đánh úp nhau. Đỗ Thanh và Phạm Diên đề nghị đem thuyền chiến Đại Việt và Chiêm Thành buộc lại với nhau làm kế liên hoàn chiến thuyền. Sri Suryavarman cũng vẫn theo lời mà buộc thuyền với quân Đại Việt. Đến đêm, lính giữ thuyền phía Đại Việt trễ nải, quân Chiêm phóng hỏa đốt thuyền rồi đánh úp quân Đại Việt. Binh lính Đại Việt thuộc châu Nghệ An tan vỡ cả đội ngũ, nhảy xuống nước chết hơn 200 người. Đỗ Thanh, Phạm Diên cũng đều bị giết chết. Vua Sri Suryavarman nhân đó cướp bóc khắp nơi ở Nghệ An, giết hại nhân dân, vơ vét của cải rồi đem đoàn quân của mình lên thuyền phiêu bạt đi đâu không rõ. Các sách sử phong kiến của người Việt viết rằng vua Sri Suryavarman đã quay về Chiêm Thành, nhưng nhiều sử liệu Chăm còn sót lại và các nghiên cứu mới bác bỏ điều này. Kể từ sự kiện này trở đi, các vùng phía nam nước Đại Việt liên tục bị các toán cướp biển người Chiêm cướp bóc.
Sự việc quân Đại Việt bất hòa để cho tàn quân vong quốc của Chiêm Thành cướp phá Nghệ An thể hiện rõ bộ mặt yếu kém của cuối đời nhà Lý. Một khi tướng sĩ không đồng lòng thì ngay cả một đạo quân lánh nạn cũng khiến cả một xứ quan trọng như Nghệ An tan tác. Xét ra Đàm Dĩ Mông toan tính phòng bị khi quân đội nước ngoài vào lãnh thổ nước mình là kế hợp tình hợp lý, nhưng khi cấp dưới không nghe lời lại tự mình đem quân bỏ về là điều dở không nên làm. Còn bọn Đỗ Thanh, Phạm Diên trước thì không có sự đề phòng của kẻ làm tướng, sau lại hành xử gian trá và thiếu cẩn trọng. Hành động bất nhất của hai nhân vật này đã khiến cõi nam của nước Đại Việt gặp họa. Việc này càng góp phần khiến xã hội Đại Việt đầu thế kỷ 13 thêm khủng hoảng.
Sự thờ ơ của Đại Việt cũng khiến cho hy vọng phục quốc của Chiêm Thành tiêu tan. Nước Chiêm Thành kể từ năm 1203 đã bị xóa sổ, chính thức trở thành một tỉnh của Chân Lạp. Mặc dù Dhanapatio Grama được phong vương nhưng thực tế chỉ là một quan cai trị của Chân Lạp. Mọi hành động của Dhanapatio Grama đều theo chỉ thị của vua Jayavarman VII và quân đội Chân Lạp đã chiếm đóng toàn cõi đất đai của Chiêm quốc.
Quốc Huy/ Một Thế Giới