Trang chủ Kiến Thức Nguyên nhân đằng sau xung đột căng thẳng Israel và Palestine

Nguyên nhân đằng sau xung đột căng thẳng Israel và Palestine

Hình ảnh tang thương sau cuộc đối đầu Israel và Palestine. Ảnh: AP/Xinhua.

Ngày 14/5/1948: Israel tuyên bố độc lập.

Xung đột giữa Israel và Palestine đã đạt đến đỉnh điểm, khiến hai bên rơi vào tình trạng bạo lực leo thang căng thẳng và đẫm máu nhất thời gian qua.

Những ngày vừa qua, Israel và phong trào Hamas tại Palestine đang rơi vào tình trạng bạo lực tồi tệ nhất những năm qua, gây chấn động khu vực Dải Gaza. Hai bên liên tục có hành động khiêu khích lẫn nhau.

Ngày 11/5, bầu trời thành phố Tel Aviv và tại Dải Gaza đã bị “nhuộm đỏ” bởi rocket và tên lửa, khi quân đội Israel và dân quân Hamas liên tục thực hiện các cuộc không kích để trả đũa nhau.

Kể từ khi xung đột giữa 2 bên nổ ra, ít nhất 65 người đã thiệt mạng tại khu vực Dải Gaza. Trong khi đó, các quan chức y tế cho hay 6 người đã thiệt mạng tại Israel.

Tình trạng bạo lực leo thang là hậu quả của nhiều tuần đụng độ và biểu tình giữa người dân Israel và Palestine tại thành phố Jerusalem, đặc biệt là các vụ đụng độ Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa và các khu vực khác ở Thành cổ.

Israel và Palestine, dù là láng giềng nhưng trong nhiều năm qua luôn xảy ra các cuộc đụng độ cũng như tranh chấp về lãnh thổ. Liên hợp quốc cảnh báo tình hình “đang leo thang thành một cuộc chiến tổng lực”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu ngày 12/5 khẳng định nước này sẽ tiếp tục các cuộc không kích và bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Hamas. Ngày 13/5, Các lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã trình dự thảo kế hoạch triển khai bộ binh tiến vào Dải Gaza.

Sự kết hợp của các yếu tố về lịch sử, chính trị, tôn giáo và dân tộc đã góp phần vào khiến Dải Gaza “chìm” trong căng thẳng và đổ máu. Chính vì vậy, rất ít khả năng bạo lực sẽ sớm chất dứt.

  1. Giọt nước tràn ly

Ngày 10/5, hơn 300 người Palestine bị thương sau khi quân đội Israel có động thái tấn công các tín đồ đến cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở khu vực Thành cổ, thuộc thành phố Jerusalem. Quân đội Israel đã sử dụng đạn cao su, hơi cay và lựu đạn choáng. Trong suốt ngày hôm đó, các cuộc đối đầu giữa cảnh sát Israel, những người biểu tình Palestine và những người Israel Do Thái cực hữu liên tục nổ ra.

Thành phố Jerusalem tiếp tục chìm trong căng thẳng bởi động thái của những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc. Họ đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc diễu hành gây tranh cãi, nhằm kỷ niệm Ngày Jerusalem. Cuộc diễu hành sẽ đi qua khu vực Cổng Damascus, một quảng trường nổi tiếng đối với người Palestine.

Trong những tuần gần đây, người dân 2 bên nhiều lần xung đột, do lệnh hạn chế tụ tập hàng đêm tại Cổng Damascus được Israel đưa ra từ khi lễ Ramadan bắt đầu.

Ngay trước khi diễn ra, chính quyền Israel đã ra lệnh cấm các cuộc diễu hành ở khu vực nói trên. Nhưng phía tổ chức diễu hành đã phản đối và kêu gọi những người tham gia vẫn tập trung tại Bức tường phía Tây. Đây là địa điểm linh thiêng nhất trong thành phố của người Do Thái, nằm bên dưới Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa.

Cùng thời điểm đó, lực lượng Hamas tuyên bố họ sẽ phóng tên lửa nếu như những người định cư Israel tại Đông Jerusalem không rút khỏi Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa và Sheikh Jarrah.

  1. Cuộc chiến pháp lý

Xung đột quanh khu vực Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa thường xuyên bùng phát đã làm dấy lên căng thẳng ở Trung Đông. Jerusalem luôn là phần nhạy cảm nhất trong xung đột giữa Israel và Palestine. Bất cứ thay đổi nhỏ nào đối cũng có thể nhóm lên những cuộc biểu tình quy mô lớn.

Cụ thể, Sheikh Jarrah là khu dân cư của người Palestine ở Đông Jerusalem. Hiện có 7 gia đình Palestine đang phải đối mặt với việc bị trục xuất, sau nhiều năm tranh giành và đấu tranh tại tòa án.

Các gia đình này sinh sống ở khu dân cư Sheikh Jarrah, phía Bắc Thành cổ từ năm 1956, theo sự dàn xếp do Liên hợp quốc làm trung gian, nhằm tìm nhà ở khu vực Đông Jerusalem do Jordan kiểm soát cho những gia đình mất hết tài sản trong quá trình thành lập nhà nước Israel năm 1948.

Tòa án Tối cao Israel theo kế hoạch mở phiên tòa về vụ Sheikh Jarrah vào ngày 10/5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Israel đã đề nghị hoãn phiên tòa. Cuộc chiến pháp lý về nhà ở Sheikh Jarrah đã nhóm lại cuộc tranh cãi sôi sục về việc ai có quyền định đoạt với thành phố, các khu thánh địa và lịch sử của nơi này.

  1. Khía cạnh chính trị

Israel đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang nỗ lực chống lại các cáo buộc tham nhũng, “cứu vớt” hình ảnh của mình sau bốn cuộc bầu cử bế tắc gần đây. Trong khi đó các đảng đối lập lại đấu tranh để thành lập một chính phủ thay thế.

Ông Benjamin đã liên minh với các chính trị gia cực hữu. Trong số đó có ông Itamar Ben-Gvir-,người đứng đầu đảng Quyền lực Do Thái cực đoan, cũng là người đã tham gia vào các cuộc đối đầu ở Sheikh Jarrah và xung quanh Nhà thờ al-Aqsa.

Đối với người Palestine, những diễn biến gần đây dấy lên lo ngại về tương lai, cũng như quyền và chủ quyền của Palestine tại Jerusalem.

Vào cuối tháng 4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố hoãn cuộc bầu cử đầu tiên của người Palestine sau 15 năm. Về lý thuyết, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem do Israel chiếm đóng.

Nhưng ông Abbas vướng phải mâu thuẫn với Hamas, tổ chức đang quản lý Dải Gaza. Còn Israel đã cấm chính quyền Palestine hoạt động ở Đông Jerusalem bởi hầu hết người Palestine không phải là công dân Israel. Vì vậy ông Abbas đổ lỗi cho việc hủy bỏ cuộc bầu cử là do Israel đã không đồng ý với cơ chế cho phép người dân Đông Jerusalem bỏ phiếu.

Trong khi đó, Hamas, từng trải qua 3 cuộc chiến với Israel, cũng đang tìm cách lấp đầy khoảng trống chính trị tại Dải Gaza. Lực lượng dân quân này cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực khi liên tục phải đối đầu với Israel và Ai Cập.

Còn trong khu vực, quan hệ giữa Israel và Jordan, quốc gia quản lý và trông coi Nhà thờ al-Aqsa, cũng đang căng thẳng không kém. Một phần là do Israel ngày càng thân thiết hơn với các quốc gia Arab ở vùng Vịnh như UAE, Bahrain hay Morocco. Những diễn biến này cũng đã khiến người Palestine bất bình do lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi.

  1. Căng thẳng khó hạ nhiệt

Giới chuyên gia cho rằng, xung đột giữa hai bên sẽ ngày một nghiêm trọng hơn và nguy cơ về một cuộc chiến tranh diện rộng ngày một hiện rõ hơn bao giờ hết. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là chiến tranh Gaza lần thứ ba kể từ khi Hamas kiểm soát vùng lãnh thổ này.

Quân đội Israel đã triển khai 5.000 quân dự bị và tăng cường hiện diện tại biên giới Gaza. Thủ tướng Netanyahu cảnh báo rằng Israel có ý định “tăng cường cả cường độ các cuộc tấn công và tốc độ tấn công”. Trong khi đó, Hamas cũng tuyên bố sẽ trả đũa bất cứ động thái nào của Israel, kể cả khi Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp.

Trong quá khứ, các quốc gia Arab bao gồm Ai Cập và Qatar đã từng đứng ra làm trung gian. Hiện tại, Ai Cập cũng đang thể hiện vai trò của mình. Ngày 11/3, một quan chức Ai Cập phát biểu với hãng tin AP rằng Cairo đang làm việc ở “hậu trường” để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn, nhưng những động thái của Israel ở Jerusalem thời gian qua đã khiến quá trình này khó đạt được kết quả sớm.

Là một trung gian quan trọng tại Trung Đông, Mỹ cũng đang nỗ lực liên lạc với cả hai bên nhằm hạ nhiệt xung đột. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang hỗ trợ Ai Cập và dự kiến sẽ cử một phái đoàn đặc biệt tới Israel vào ngày 14/5 này.

(theo Washington Post)