Trang chủ Quân Sự Chiến dịch “Giao – Quảng” giữa Tấn và Ngô thời Tam Quốc

Chiến dịch “Giao – Quảng” giữa Tấn và Ngô thời Tam Quốc

I.Bối Cảnh Lịch Sử

Chiến dịch “Giao-Quảng” là chiến dịch xảy ra ở Giao Châu mới và Quảng Châu (tức Giao Châu cũ) giữa nhà Ngụy sau đó là nhà Tấn với nhà Ngô trong giai đoạn “tam quốc” trong lịch sử Trung Quốc

Năm 210,sau đại chiến Xích Bích thì Giao Châu chính thức chịu sự quản lý của Đông Ngô. Năm 210 Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ Sử Giao Châu. Thái Thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp tuân phục. Giao Châu thời điểm gồm có 9 quận: Nam Hải,Uất Lâm,Thương Ngô, Hợp Phố, Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam(không quản lý được) trải dài trên 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông(TQ) và phần lớn bắc bộ Việt Nam cùng với vùng Thanh-Nghệ.

Đến năm 220 sau chiến dịch tranh giành “Kinh Châu” thắng lợi thì Đông Ngô đã nắm trong tay 3 châu lớn gồm :Dương Châu (Giang Đông), Giao Châu và Kinh Châu (phần lớn).

Dưới thời Sĩ Nhiếp còn cai quản từ năm 187-226, Giao Chỉ nói riêng và Giao Châu nói chung đều yên ổn, nhân dân không phải lầm than, tránh được họa chiến tranh đang càn quét Trung Nguyên. Tài trí đức độ của Sĩ Nhiếp trước được Hán Hiến Đế sau được Tôn Quyền hết sức khen ngợi!

Năm 226 Sĩ Nhiếp mất, lúc đó Tôn Quyền liền vội chia cắt lại Giao Châu thành Quảng Châu gồm: Uất Lâm,Thương Ngô, Nam Hải, Đạm Nhĩ, Chu Nhai và Giao Châu mới gồm: Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Quảng Châu do Lữ Đại làm Thứ Sử, Giao Châu do Đái Lương làm Thứ Sử, còn cho Trần Thì thay Sĩ Nhiếp làm Thái Thú Giao Chỉ, con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy làm Thái Thú Cửu Chân. Nhưng Huy không chịu, nổi binh chiếm đóng Giao Chỉ sau đó liền bị Lữ Đại và Đái Lương hợp sức giết. Được vài năm thì thuộc hạ cũ của Huy nổi dậy đánh Đại, bị Đại đánh lui, Đại tiến quân xuống Cửu Chân tàn sát hàng vạn người. Trước tình hình không yên ổn như vậy Tôn Quyền lại cho hợp nhất lại thành Giao Châu như cũ.

Từ khi Sĩ Nhiếp mất tình hình Giao Châu không còn được yên ổn như trước, các quan cai trị cử đến phần lớn đều là tham bạo, bị nhân dân chán ghét, dẫn đến các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Đông Ngô. Điển hình là cuộc nổi dậy của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh -Triệu Ẩu) năm 248 sau bị Thứ Sử Lục Dận dẹp tan.

Đến những năm 260-263 tình trạng quan lại vơ vét của cải, tàn bạo càng diễn ra phổ biến khiến việc chán ghét triều đình nhà Ngô càng nhiều.

* Tình hình chung của Ngô – Thục – Ngụy:

– Ngô: sau khi Tôn Quyền mất năm 252, nước Ngô không có người kế tục xứng đáng. Tôn Hựu lên nắm quyền thực chất chỉ là một ông vua bất tài, không có khả năng trị nước, quyền thần tranh giành đấu đá lẫn nhau khiến thế nước một suy yếu, điển hình của việc đấu đá nội bộ dẫn đến việc đại thần phụ chính Gia Cát Khác bị giết, cả họ hại. Tôn Hưu mất,Tôn Hạo lên thay lại là 1 vị vua tham bạo khiến cho nhân dân càng oán ghét, thế nước càng suy hơn.

– Thục:

Lãnh thổ nước Thục tương ứng bao gồm : Ích Châu và Hán Trung( nay thuộc các tỉnh Tứ Xuyên và một phần Vân Nam) phía bắc giáp Ngụy phía đông và nam giáp Ngô. Xét về mặt tài lực thì Thục là nước có tài lực thua kém nhất trong 3 nước Ngụy-Thục-Ngô, mặc dù vậy dưới thời Thừa Tướng Gia Cát Lượng và người nối chí ông Khương Duy đã thực hiện tổng cộng 14 lần bắc tiến chống Ngụy(là nước mạnh nhất về tiềm lực trong 3 nước), nhưng kết quả chung cuộc cuối cùng là đều thất bại, phải rút quân về nước. Chính những cuộc bắc phạt đó đã làm cho tài lực của nước Thục vốn đã ít nay càng bị hao mòn nhiều và dẫn tới suy yếu. (Tuy là nói vậy nhưng cũng khó lòng mà trách Gia Cát Lượng, khi cũng có cái lý của ông: tiềm lực của Thục đã thua Ngụy, thế của Thục bị kẹp vào giữa xung quanh đều là kẻ thù. Nếu không nhân lúc Thục còn mạnh tiến hành phá vây, bắc phạt thống nhất Trung Nguyên thì kiểu gì về sau Thục cũng sẽ bị diệt). Nước Thục đã suy yếu vì chiến tranh, cộng thêm việc Lưu Thiện là một vị quân vương không có tài năng trị nước, tin dùng những kẻ xu nịnh, đưa ra những chính sách sai lầm khiến nước Thục rơi vào nguy khốn.

– Ngụy:

Sau khi nhiều lần làm thất bại kế hoạch bắc tiến của quân Thục, khiến Gia Cát Lượng thân mang bệnh uất hận mà mất, uy tín và thanh thế của Tư Mã Ý ở nước Ngụy ngày càng cao trong triều đình và quân đội. Tuy vậy Tư Mã Ý vẫn tỏ ra khiêm nhường “ẩn mình” để tránh sự nghi ngờ của Ngụy Đế Tào Duệ. Sau khi Tào Duệ qua đời năm 239, quyền lực triều chính nhà Ngụy rơi vào tay Tào Sảng, Tư Mã Ý vẫn được chỉ huy quân đội nhằm đối phó với với Ngô và Thục, nhưng quyền lực thực tế luôn bị Tào Sảng hạn chế. Năm 249 nhân lúc Tào Sảng không đề phòng, Tư Mã Ý đã làm cuộc binh biến giết chết Tào Sảng. Từ đó quyền lực thực tế ở nước Ngụy rơi vào tay dòng họ Tư Mã. Ngụy là nước có tài lực vượt trội nhất trong tam quốc, khi dòng họ Tư Mã đã nắm trọn triều chính nước Ngụy thì việc đầu tiên nghĩ tới là “Thống Nhất Thiên Hạ”, và để thống nhất thiên hạ thì nước Thục sẽ là mục tiêu đầu tiên cần phải tiêu diệt.

II. Diễn Biến

  1. Lã Hưng hàng Ngụy và hành động của nhà Ngụy

Tháng 5 (1) năm 263 viên quan quận Giao Chỉ là Lã Hưng vì thấy Thái Thú Tôn Tư tham bạo,tàn hại dân chúng nên đã nổi dậy giết chết Tôn Tư và xin quy thuận vào Ngụy. Nhân thấy thời cơ đến, mùa đông tháng 10 năm 263 Tư Mã Chiêu phái Chung Hội và Đặng Ngải xuất binh tiến đánh nước Thục. Trước sự tiến công mãnh liệt của quân Ngụy cộng với sai lầm trong bố trí phòng ngự của quân Thục và sự u mê của Thục chủ Lưu Thiên đã khiến nước Thục sớm diệt vong. Những nỗ lực cuối cùng kích động Chung Hội tạo phản nhằm tìm thời cơ khôi phục Thục Hán của Khương Duy bất thành, khiến cho cả Khương Duy và Chung Hội đều chết trong đám loạn quân. Sang năm 264 nhà Ngụy hoàn tất việc diệt Thục.

Tháng 7 năm 264 Tư Mã Chiêu nhân danh Ngụy Đế phong Lã Hưng làm An Nam tướng quân chỉ huy quân sự tại Giao Châu, cho Hoắc Dặc ở Nam Trung lĩnh chức Thứ Sử Giao Châu(từ xa) cho bọn Đổng Uyên,Vương Tố dẫn quân sang Giao Chỉ giúp Lã Hưng, lại sai tướng Hồ Liệt dẫn 2 vạn quân tấn công vào Tây Lăng (đất Ngô).

Như vậy sau khi diệt Thục lãnh thổ nước Ngụy trải dài đến tận vùng Vân Nam (ngày nay) cộng với việc các quận phía nam Giao Châu như :Giao Chỉ, Cửu Chân quy thuận Ngụy, khiến cho nước Ngô đang rơi vào thế cả 3 mặt bắc, tây, nam đều bị vây kín. Với tình thế như thế này, một trận chiến sớm muộn cũng sẽ diễn ra giữa Ngụy và Ngô. Đây là sẽ là trận ảnh hưởng đến số phận của nước Ngô, nếu như thua trận này thì đó sẽ là bản cáo chung cho họ Tôn tại đây.

  1. Đông Ngô ứng phó trước tình hình bất lợi

Tháng 7 năm 264 Cảnh Đế Tôn Hưu, phái Lục Kháng rút quân về cứu Tây Lăng. Đứng trước nguy cơ có thể mất toàn bộ Giao Châu vào tay nhà Ngụy, Tôn Hựu ngay lập tức cho chia lại Giao Châu thành Quảng Châu gồm các quận :Nam Hải, Uất Lâm,Thương Ngô, Đạm Nhĩ, Chu Nhai và Giao Châu mới gồm Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (2).

Giữa lúc tình hình Ngô-Ngụy đang căng thẳng thì mùa thu tháng 9 năm 264 Cảnh Đế Tôn Hưu mất, người được lên kế vị là Tôn Hạo. Hạo là người tàn bạo lại thích ăn chơi hưởng lạc trong tình cảnh “giang sơn đang bên bờ vực” nên lòng dân căm ghét, lòng người ly tán.

Năm 265, Tư Mã Chiêu sai hàng tướng người Ngô là Từ Thiệu, Tôn Úc mang thư đến khuyên dụ Hạo. Tôn Hạo viết thư sai sứ theo Thiệu, Úc đến cảm tạ, nhưng trên đường Thiệu đến Nhu Tu thì bị Tôn Hạo gọi trở lại giết.

Tháng 8 năm 265 Tư Mã Chiêu bệnh chết, Tôn Hạo vẫn cho Đinh Trung, Trương Nhiễm đi điếu tang. Ngày 13/12 năm Nhâm Tuất (4/2/266) Tư Mã Viêm thành lập nhà Tấn. Đinh Trung khuyên Tôn Hạo nên nhân cơ hội nhà Tấn lơi lỏng phòng ngự mà tập hợp quân bắc tiến, đánh úp đất Lạc Dương. Các tướng Lục Khải, Lưu Toản khuyên thế giặc mạnh không nên vội đánh, mà nên sai người dò xét kỹ. Hạo nghe theo, sau vì điều kiện không thuận lợi nên bỏ hẳn ý định bắc tiến, từ đó cũng tuyệt giao với nhà Tấn.

(Nếu đem so sánh giữa 2 việc bắc tiến đánh lên Trung Nguyên và việc nam hạ đánh lấy Giao Châu(mới) đang trong tay nhà Tấn, thì chắc chắn việc đòi lại Giao Châu có khả năng thành công cao hơn hẳn bắc tiến).

  1. Đông Ngô xuất quân lần 1, nhà Tấn phản công

Mùa thu năm 268, Tôn Hạo phong Lưu Tuấn làm Thứ Sử Giao Châu, Tu Tắc làm tiền bộ đốc(3) cùng Cố Dung tiến đánh quận Giao Chỉ. Nhưng cả 3 lần tấn công Giao Chỉ đều bị tướng Tấn là Dương Tắc và Mao Quýnh(4) đánh bại, thừa thắng quân Tấn tiến lên đánh Quảng Châu, chiếm được quận Uất Lâm. Dương Tắc sai Mao Quýnh, Đổng Nguyên tiến đánh quận Hợp Phố. Quân Tấn và Ngô giao chiến tại Cổ Thành(thuộc Hợp Phố), quân Ngô đại bại chạy về Hợp Phố, Lưu Tuấn và Tu Tắc đều bị giết tại trận.

Nhà Tấn liền phong Mao Cảnh làm Thái Thú Uất Lâm, Đổng Nguyên làm Thái Thú Cửu Chân.

Trích ĐVSKTT:

“Mậu Tý, [268], (Tấn Thái Thủy năm thứ 4, Ngô Bảo Đỉnh năm thứ 3). Nhà Ngô lấy Lưu Tuấn làm Thứ sử. Tuấn cùng với Đại đô đốc Tu Tắc và Tướng quân Cố Dung trước sau 3 lần đánh Giao Châu. Dương Tắc đều chống cự và đánh tan được cả. Các quận Uất Lâm, Cửu Chân đều theo về Tắc. Tắc sai tướng quân là Mao Linh và Đổng Nguyên đánh quận Hợp Phố, giao chiến ở Cổ Thành , đánh tan quân Ngô, giết Lưu Tuấn và Tu Tắc, dư binh tan chạy về Hợp Phố, Dương Tắc nhân đó dâng biểu cử Mao Linh làm Thái Thú Uất Lâm, Đổng Nguyên làm Thái Thú Cửu Chân” .

  1. Đông Ngô xuất quân phục thù,tình thế giằng co

Sang năm 269, Đông Ngô chuẩn bị kỹ càng lực lượng chuẩn bị xuất quân nhằm rửa sạch nỗi nhục đại bại lần trước. Giữa lúc đang chuẩn bị tiến đánh quân Tấn lấy lại Giao Châu thì tướng quân Lục Khải chết, tháng 11 Tôn Hạo sai giám quân Ngu Tỉ(5), Uy Nam Tướng Quân Tiết Hủ, Thương Ngô Thái Thú Đào Hoàng đi từ đường Kinh Châu, Giám Quân Lý Úc(6), Đốc Quân Từ Tồn đi đường biển từ Kiến Án hợp quân tại quận Hợp Phố chuẩn bị đánh quận Giao Chỉ.

Đến tháng 2 năm 270, cánh quân của Lý Úc,Từ Tồn theo tiến theo đường biển Kiến An gặp nhiều trắc trở,không thuận lợi. Lý Úc cho chém tướng dẫn đường là Phùng Phỉ rồi thu quân trở về.Tôn Hạo biết chuyện cho bắt và giết cả nhà Lý Úc, Từ Tồn vì làm trái mệnh lệnh, tự ý chém tướng, thu quân.

Sang năm 271, tháng 4 thì cánh quân Ngô do Đào Hoàng, Ngu Tỉ, Tiết Hủ tiến vào được Giao Châu. Cánh quân của Đào Hoàng giao chiến với cánh quân Tấn do Dương Tắc chỉ huy tại sông Phần-quận Hợp Phố(7), quân Ngô bại trận, 2 tướng bị chết buộc phải rút lui về giữ thành Hợp Phố. Trước việc cánh quân của Lý Úc không đánh mà lui, cánh quân của Đào Hoàng bại ngay trận đầu còn khiến 2 tướng tử trận khiến Tiết Hủ vô cùng tức giận, trách mắng Đào Hoàng và định cho lui quân. Đào Hoàng không đồng ý, đêm hôm đó dẫn vài trăm quân lính bất ngờ tập kích Đổng Nguyên lấy được của cải đem chở về, Tiết Hủ vô cùng vui mừng thăng cho Đào Hoàng làm Tiền Bộ Đô Đốc Giao Châu chuẩn bị tiến công lần nữa.

  1. Đông Ngô tiến quân lần 3, Đào Hoàng lập đại công thu về Giao Châu

Quân Ngô dưới sự chỉ huy của Đào Hoàng tiếp tục tấn công Giao Chỉ, đại phá cánh quân Tấn của Đông Nguyên, giết Nguyên tại trận.

Trích ĐVSKTT:

“Hoàng lại theo đường biển, nhân khi bất ngờ, tiến thẳng đến châu. Nguyên chống cự. Các tướng muốn đánh, Hoàng ngờ bên trong chỗ cầu gãy có phục binh, bèn dàn riêng một đội quân giáo dài ở đằng sau. Quân hai bên vừa mới giao chiến, Nguyên giả cách lui, Hoàng đuổi theo, phục binh quả nhiên kéo ra. Quân giáo dài quay lại đánh, phá tan bọn Nguyên, giết Nguyên tại trận”

Sau khi Đổng Nguyên chết, Dương Tắc vội cho Vương Tố ra thay, cùng với Tướng là Mao Quýnh, Giả Hệ cố thủ giữ thành. Đào Hoàng bèn dùng kế bảo em của Hệ là Tượng viết thư cho Hệ và còn bắt Tượng ngồi trên xe đánh trống, thổi sáo đi trước tiên phong dẫn đường cho Hoàng, việc này khiến cho Dương Tắc và Vương Tố nghi ngờ Giả Hệ có ý phản liền bắt và giết Hệ. Nhân cơ Hội quân Tấn rối loạn, nghi kỵ lẫn nhau, Tiết Hủ và Đào Hoàng cho quân tấn công thành Giao Chỉ, nhanh chóng hạ được, cùng lúc đó các quận Uất Lâm, Hợp Phố quân Ngô cũng đã làm chủ hoàn toàn. Dương Tắc, Mao Quýnh… đều bị bắt, Đào Hoàng cho người áp giải về Đông Ngô(8). Đến lúc này quân Ngô đã làm chủ phần lớn Giao Châu, chỉ còn quận Cửu Chân vẫn còn nằm trong tay quân Tấn do tướng là Lý Tộ giữ. Đào Hoàng sai tướng đi đánh,nhưng mãi không hạ được, lại sai cậu của Lý Tộ là Lê Hoàn đến dụ hàng, Tộ kiên quyết giữ thành đến cùng: “Cậu vẫn là tướng bên Ngô, còn Tộ vẫn là tôi bên Tấn! Ta cứ trông vào sức mình mà thôi !”(ĐVSKTT).

Không thể thuyết phục được Tộ, Đào Hoàng phải cho công thành và phải mất rất lâu mới hạ được. Đến lúc này toàn bộ đất Giao Châu lại trở về vòng kiểm soát của Đông Ngô.Với chiến công này Đào Hoàng được phong làm “Thứ Sử Trì Tiết Đô Đốc Giao Châu Chư Quân Sự”(9).

III.Kết quả và ý nghĩa

Đây có thể xem là một trận thắng hiếm hoi của quân Ngô trước quân Tấn trong giai đoạn sau tam quốc, tuy vậy trận thắng này không làm thay đổi nhiều về tương quan lực lượng giữa Ngô và Tấn. Sức mạnh của Tấn vẫn đến từ Trung Nguyên cộng với đất Thục vẫn đem lại lợi thế quá lớn so với quân Ngô, cộng với việc lực lượng chủ lực quân Tấn không tham chiến khiến cho thế cục Ngô-Tấn vẫn không hề thay đổi. Sau trận này nước Ngô tuy thắng lợi nhưng bị hao binh tổn tướng và vẫn trên đà suy yếu và kết cục cuối cùng là năm 280 Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm diệt Ngô, thống nhất tam quốc.

Chú thích:

(1) Tam quốc chí ghi là tháng 5, còn ĐVSKTT ghi tháng 3

(2) Quận Nhật Nam lúc này thực tế không kiểm soát được mà nằm trong sự quản lý của quốc gia Lâm Ấp

(3) Tam quốc chí ghi là Tiền bộ đô đốc, còn ĐVSKTT ghi: đại đô đốc

(4) Tam quốc chí ghi là Mao Quýnh còn ĐVSKTT ghi là Mao Cảnh (Mao Linh)

(5) Tam quốc chí ghi là Ngu Tỉ còn ĐVSKTT ghi là Nhu Phiếm

(6) Tam quốc chí ghi là Lý Úc, còn ĐVSKTT ghi là Lý Đỉnh

(7) Sông Phần – quận Hợp Phố nay thuộc huyện Tân Hội, địa cấp thi Giang Môn, tỉnh Quảng Đông.

(8) Theo “Hán Tấn Xuân Thu” thì thành bị vây, lương thực hết Dương Tắc, Mao Quýnh buộc phải ra hàng.còn theo “Hoa dương quốc chí” thì thành hết lương, tướng Vương Ước(không rõ có phải Vương Tố ở trên không) ra hàng, quân Tấn tràn vào thành. Dương Tắc bị giải về kinh trên đường về đến Hợp Phố thì thổ máu chết.còn Mao Quýnh không chịu hàng liên tục chửi bới quân Ngô và Tôn Hạo nên bị giết.

(9) chức này có nghĩa là lãnh đạo châu đó về mọi mặt như: xã hội,chính trị, quân sự vvv vào thời tam quốc thì thường gọi là “mục” ví dụ như :Kinh Châu mục,Từ Châu Mục… ở đây có thể hiểu là Giao Châu Mục.

chú thích ảnh: sơ đồ tiến quân của quân Ngô (đỏ) và Tấn (xanh)

Nguồn: Tư Duy Lịch Sử

https://www.facebook.com/TuDuyLichSu/photos/a.1006130782853698/1025685684231541/?type=3&theater