Quân Nguyên lần thứ 3 tiến đánh Đại Việt, lao tâm bày kế, huy động thủy bộ rầm rộ nhưng hiệu quả chiến đấu lại càng kém cỏi hơn lần xâm lược trước. Thật đúng như phán đoán của Hưng Đạo vương khi bước vào cuộc chiến “Năm nay đánh giặc nhàn”.
Quân ta với sự phối hợp nhịp nhàng của quân đội triều đình cùng các đạo nghĩa binh, dân binh đã đánh giặc ở khắp nơi mà chúng đóng quân. Lần lượt những đồn trại mà quân Nguyên rải rác khắp nơi đều thất thủ. Thoát Hoan đã không diệt liệu thế nguy khốn, cho dời đại doanh từ Thăng Long trở về Vạn Kiếp. Trên đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp quân Nguyên vấp phải sức tấn công mạnh của các đạo quân tác chiến độc lập của Đại Việt. A Bát Xích dẫn quân đi tiên phong, đánh nhau với quân ta hơn 30 trận.
Quân Nguyên đụng trận với quân ta ở Tam Giang khẩu (ngã ba sông Lục Đầu, sông Cầu, sông Thương giao nhau), Vạn hộ Đường Tông bỏ mạng, A Bát Xích rất vất vả đánh thông được đường cho đại quân của Thoát Hoan đi về Vạn Kiếp. Đoạn đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp không dài, lại là vùng mà quân Nguyên đã đi qua mà quân ta còn hoạt động mạnh như thế, đủ cho thấy quân Nguyên đã bất lực trong việc kiểm soát lãnh thổ. Quân ta thừa thế dần chiếm lại được hầu hết đất đai trong nước, trong đó có các vị trí quan trọng như phủ Thiên Trường, phủ Long Hưng, kinh đô Thăng Long…
Trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, A Bát Xích dẫn quân cướp bóc khắp nơi, gom lại được 1 vạn 3 ngàn thạch gạo để nuôi quân. Cộng thêm số gạo 4 vạn thạch mà Ô Mã Nhi cướp phá được, tạm thời quân Nguyên không bị cạn lương, nhưng cũng đã bắt đầu chịu cảnh đói khát cơ cực. Cho đến cuối tháng 3.1288, tức gần 4 tháng tính từ khi Thoát Hoan dẫn quân đặt chân vào lãnh thổ nước ta, thủy bộ quân Nguyên đã dần co cụm lại ở Vạn Kiếp và phụ cận, lương thực ít ỏi, vùng chiếm đóng liên tục bị thu hẹp do sức tấn công của quân Đại Việt,bệnh dịch đã bùng phát trong quân do thời tiết chuyển từ xuân sang hè.
Bấy giờ Hưng Đạo vương đóng đại doanh ở Tháp Sơn, với lực lượng hơn 1.000 chiến thuyền hoạt động khắp vùng Hải Đông, gần như hoàn toàn làm chủ mặt biển. Quân Đại Việt đã sẵn sàng đối đầu những trận chiến lớn với quân Nguyên. Thấy thế lực ta đã mạnh, vua Trần và thượng hoàng từ Thanh Hóa đem quân trở ra bắc hội quân với Hưng Đạo vương, cổ vũ tinh thần quân dân cả nước. Đại doanh của vua Trần đóng ở Trúc Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) để điều động quân dân.
Biết tin vua Trần đóng ở Trúc Động, Thoát Hoan bèn sai A Bát Xích đem quân đến đánh để quyết giành lại thế chủ động. Quân Nguyên kéo đến gần Trúc Động như lạc vào mê cung với chằn chịt các sông ngòi. Quân Đại Việt dựa vào địa hình sông nước mà chống trả mãnh liệt. A Bát Xích đánh không được phải rút lui.
Để kéo dài thêm thời gian cho quân Nguyên thêm xuống sức và khiến chúng lơ là cảnh giác, vua Trần dùng kế trá hàng để lừa giặc. Hưng Ninh vương Trần Tung được phái sang trại quân Nguyên, hẹn ngày “xin hàng”. Thoát Hoan như vớ được phao, tưởng là thật. Bọn giặc hy vọng triều đình Đại Việt sẽ cho chúng một lối thoát danh dự, dù là lời “đầu hàng suông” cũng được, miễn sao mở đường cho đoàn quân xâm lược về nước mà không mang bị là quân bại trận. Thoát Hoan bèn án binh bất động, sửa sang thành lũy mà chờ đợi vua Trần đến. Đương lúc quân Nguyên mất cảnh giác, quân Đại Việt thình lình tấn công vào ban đêm, hạ liền mấy trại. Thoát Hoan biết mình mắc mưu, vô cùng tức giận. Hắn hạ lệnh cho Vạn hộ Giải Chấn đốt thành lũy, muốn dẫn toàn quân ra tử chiến với quân ta một phen. Các tướng Nguyên dưới quyền phải hết sức can ngăn, Thoát Hoan mới bình tâm trở lại mà hủy lệnh. Bấy giờ bốn bề trại giặc đều cóquân Đại Việt chực chờ đánh phá, quân Nguyên chỉ còn tạm yên ổn trong hệ thống thành lũy Vạn Kiếp, Phả Lại, Chí Linh.
Tướng lĩnh quân Nguyên hoang mang tột độ, cùng nhau bàn bạc kế tiến thủ. Thần Nỗ Tổng Quản của quân Nguyên là Giả Nhược Ngu bàn rằng: “Quân có thể về, không thể giữ” (theo Tân Nguyên sử).
Các tướng Nguyên khác cùng tiếp lời: “Giao Chỉ chẳng có thành trì nào có thể giữ được, không có kho lương tiếp tế lương thực. Vả lại thời tiết đã nóng, sợ rằng hết lương binh mỏi, không thể ở lâu, làm xấu mặt triều đình, nên cho toàn quân quay về”(theo Nguyên sử).
Thoát Hoan sau khi nghe các tướng của mình phân tích cũng nói: “Xứ đất nóng nực, ẩm ướt, lương thảo thiếu, quân lính mệt mỏi”( theo An Nam Chí Lược – Lê Tắc).
Cũng như nhiều lần xâm lược của các quốc gia, triều đại phương bắc, quân xâm lược khi đánh không lợi đều đâm ra chê đất nước ta “nóng nực, lam chướng”. Thoát Hoan nói xong, đồng ý cho toàn quân rút lui. Nhưng rút bằng cách nào khi mà các ngã đường đã dày đặc quân dân Đại Việt chực chờ tiêu diệt chúng lại là cả một vấn đề lớn. Đám tướng lĩnh chỉ huy thủy quân đã quá ngao ngán việc phải đối đầu với thủy quân tinh nhuệ Đại Việt và sóng gió nơi biển cả nên hiến kế : “Hai lần thuyền vận tải tới mà đều bị chìm, bây giờ kéo quân về, không chi bằng phá huỷ hết thuyền bè, theo đường bộ là tiện hơn cả”(theo An Nam Chí Lược).
Thoát Hoan muốn nghe theo kế ấy nhưng đám thuộc hạ thân tín hết mực ngăn cản, xin chia quân làm hai đạo thủy bộ cùng rút lui theo hai hướng khác nhau. Bởi vì việc đốt thuyền rút chạy được coi là nhục nhã đối với quân đội của một đế quốc lớn như Nguyên Mông. Một nguyên do khác nữa là nếu chia quân hai đường thì đạo quân đường thủy sẽ giúp thu hút lực lượng quân Đại Việt truy kích, tạo điều kiện cho đạo quân rút theo đường bộ có thể rút lui an toàn hơn. Thoát Hoan cuối cùng quyết định chia quân rút lui theo hai đường thủy và bộ. Theo kế hoạch, Thoát Hoan sẽ dẫn bộ binh rút theo đường cũ mà trước hắn đã tiến sang, theo đườngLạng Châu về châu Tư Minh nước Nguyên. Thủy quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy sẽ rút theo ngã sông Bạch Đằng, vượt biển về nước. Thoát Hoan còn phái thêm Trịnh Bằng Phi, Đạt Truật dẫn bộ binh đi dọc sông để hộ tống hạm thuyền của Ô Mã Nhi.
Vậy là sau những cố gắng để đánh bại nước Đại Việt không thành, đến đây Thoát Hoan cùng đám tướng lĩnh Nguyên Mông đã phải chấp nhận thất bại một lần nữa. Tuy nhiên, tham vọng của quân Nguyên vẫn còn đó và hơn ai hết, quân dân Đại Việt biết rõ điều này. Quân Nguyên nếu có thể rút lui mà bảo toàn được lực lượng, chúng sẽ tìm cách quay trở lại tái thực hiện mưu đồ thôn tín Đại Việt. Bởi vậy, Hưng Đạo vương đã bày sẵn muôn trùng cạm bẫy để tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược, đánh cho Nguyên Mông những đòn đau để chúng không còn đủ ý chí và tiềm lực cần thiết để xâm lược nước ta nữa. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân Đại Việt chuyển sang giai đoạn cuối – truy kích tiêu diệt quân Nguyên xâm lược.
(còn tiếp)
Quốc Huy/Một Thế Giới