Trang chủ Kiến Thức Áo giáp các dân tộc thiểu số Nam Trung Quốc

Áo giáp các dân tộc thiểu số Nam Trung Quốc

TỔNG QUAN

Khi nhắc đến áo giáp, chúng ta thường nghĩ đó là đặc quyền của các đế quốc lớn, còn các bộ tộc thiểu số thì trang bị kém cạnh hơn, thậm chí hình ảnh phổ biến trên truyền thông đại chúng về 1 tráng sĩ người thiểu số anh dũng là mình trần không manh giáp. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác xa tưởng tượng đó. Cụ thể, các sắc dân thiểu số ở biên giới phía Nam Trung Quốc như người Dao, Lô Lô, Bạch, Miêu… có nền văn hóa giáp trụ cực kỳ thịnh đạt. Chu Khứ Phi đời Tống nhận xét trong sách Lĩnh Ngoại Đại Đáp về miền biên viễn Lĩnh Nam như sau: “giáp trụ các dân man đều dùng da mà chế… giáp trụ rất thịnh”. Độ phổ biến có thể thấy qua đoạn mô tả về phong tục của dân Ung Châu (giáp biên giới Việt Nam) “Dân khê động ở Ung Châu, không ai không tập chiến đấu, đao nỏ thương mộc, dùng đều rất tinh. Lối sống của dân động rất hợp việc chiến đấu, lấy người dân tập chiến đấu, gọi là “Điền Tử giáp” (xóm người cày), nói là cày ruộng nhưng đều là giáp sĩ”. 

CẤU TẠO, CHẤT LIỆU

Áo Giáp da sơn của người Lô Lô (Vân Nam)

Loại giáp da này không giống kiểu giáp da trên phim ảnh, tức là 1 tấm áo bằng trọn vẹn 1 mảnh da thuộc, mà làm bằng “các phiến nhỏ khâu liền nhau làm miếng che cổ tay, bảo vệ gáy chế như lá giáp sắt Trung Quốc (dạng vảy chồng lên nhau)” và được sơn đen, đỏ để cho cứng cáp. Đặc biệt, các mảnh da có thể dày tới “nửa phân” (khoảng 1.5cm- 2cm), dùng da voi để chế như áo giáp của nước Đại Lý do người Bạch và Lô Lô lập nên. Bởi vậy, loại giáp da của người thiểu số phía Nam Trung Quốc được đánh giá là “cứng như loại bằng sắt thép… cung tên nhiều khi không xuyên được, giáp sắt e cũng không bằng”. Vật liệu thường dùng là da trâu, da tê giác, cá biệt có da gấu, da voi. 

BIỆT LỆ

Áo Giáp mây phỏng dựng của người Lê Hải Nam.

Ngoài giáp da, dân hải đảo như người Lê ở Hải Nam khó kiếm gia súc và thú lớn để chế giáp thì sử dụng mây tre để đan giáp. Tuy nhiên giáp mây này không thấy ghi chép trong các dân tộc ở nội địa.

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THÁCH THỨC MỚI

Áo Giáp da dạng thùng bằng thép chống đạn của người Hmong- nửa cuối thế kỷ 19

Vào thời cận đại, khi hỏa khí bắt đầu phát triển, các sắc dân như người Hmong đã phát triển ra loại giáp da cực dày, có thể chống được cả đạn súng, đổi lại áo giáp rất nặng, có thể nặng tới 30-40kg, một khi trùm lên người thì không thể làm gì khác ngoài việc đi lại, bởi vậy loại giáp này chỉ được 1 số ít dũng sĩ quả cảm mặc, đi hàng đầu để tạo nên 1 hàng “lá chắn sống” cho đồng đội phía sau. Loại áo giáp này có lẽ tiến hóa từ áo giáp hình thùng (Dũng Tử giáp) của dân biên viễn phía Nam Trung Hoa như Chu Khứ Phi ghi nhận.

KẾT LUẬN

Áo giáp da của chiến sĩ Hmong- thế kỷ 19

Như vậy có thể thấy việc sử dụng giáp trụ không phải là giải pháp “con nhà giàu” dành riêng cho các đế quốc lớn, mà tự các bộ tộc cô sức cô thế cũng chuộng giải pháp này. Không những vậy, họ còn sáng tạo ra những phương án cực kỳ hiệu quả với điều kiện và vật liệu của địa phương mình, mà khả năng chống đỡ của chúng không hề thua kém so với sản phẩm của các đế quốc lớn.

Người viết: Phần Tử Dân Tộc Cực Hữu