Ðiều cần nói ngay là, ý kiến của giới sử gia nước ngoài về sự kiện này rất khác nhau, và sự khác nhau không chỉ thể hiện (và là kết quả) của những thế giới quan sử học (sử quan) khác nhau, của việc nghiên cứu dựa trên những nguồn sử liệu khai thác được rất khác nhau, do những phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận khác nhau, mà còn do mối quan hệ của cá nhân mỗi tác giả với đất nước và con người Việt Nam cũng khác nhau.
Ðiểm qua về lịch sử nghiên cứu vấn đề, có thể thấy cuốn sách của Ph. Devillers, Histoire du Việt Nam de 1940 – 1952 (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940 – 1952) (1) và công trình của P.Mus, Vietnam: Sociologie d’une guerre (2) (Việt Nam – Xã hội học của một cuộc chiến tranh) là hai công trình có ảnh hưởng lớn đầu tiên được công bố ở phương Tây về sự kiện này. Bản thân hai tác giả này đều trực tiếp chứng kiến một số sự kiện lịch sử trong giai đoạn trên và ít nhiều có tham gia vào những sự kiện đó (3). Tuy nhiên, các công trình của hai tác giả trên đã thể hiện hai cách tiếp cận khác nhau. Devillers, vốn là một ký giả, trình bày sự kiện trên chủ yếu theo cách của một nhà báo và dưới góc độ lịch sử chính trị, trong khi P.Mus lại tiếp cận sự kiện dưới góc độ xã hội học.
Theo cách hiểu của P.Mus thì chìa khóa giải thích toàn bộ quá trình của những sự biến đột ngột và rộng khắp ở Việt Nam chính là cách mà người nông dân Việt Nam nhận thức về “mệnh trời” và về vai trò của họ (4). Thêm nữa, chính P.Mus là người đầu tiên đã thử phân tích nguyên nhân xã hội – chính trị sâu xa của cuộc cách mạng.
Theo ông, chính người Pháp thông qua công cuộc thực dân hóa, nhất là qua các cuộc “cải lương hương chính”, đã phá vỡ toàn bộ cơ sở, cấu trúc kinh tế – xã hội ổn định của nông thôn Việt Nam, mà lại không tạo ra được cơ sở và cấu trúc mới thay thế cho cái bị phá vỡ đó. Ðiều này đã khiến cho dân tộc Việt Nam trở thành “một dân tộc mất thăng bằng” (A Nation off Balance), và do đó làm cách mạng như là một cách tìm lại thế thăng bằng đã mất (5).
Quan điểm này của P.Mus có ảnh hưởng lâu dài tới một số học giả phương Tây, mà người sùng kính Mu nhất chính là G.Mắc A-li-xtơ, học trò của Mu, tác giả của cuốn sách Việt – Nam: The Origins of Revolution (Việt Nam: Những nguồn gốc của Cách mạng), xuất bản năm 1969 ở Mỹ.
Khác với Mus, Devillers dựa chủ yếu vào các nguồn sử liệu báo chí và truyền miệng, trải nghiệm cá nhân và phân tích chính trị để tái hiện lại sự kiện. Ông chính là người đầu tiên đã đề cao quá mức vai trò của cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9-3-1945). Theo ông, chính sự kiện này đã làm đảo lộn toàn bộ diễn trình lịch sử, bởi lẽ nếu nó không xảy ra thì hệ thống cai trị thực dân của người Pháp vẫn có thể tiếp tục cai trị Việt Nam hữu hiệu như cũ, và cơ hội thắng lợi của những người cộng sản và nhân dân Việt Nam sẽ không lớn hơn cơ hội mà họ và Việt Nam Quốc dân Ðảng từng có vào năm 1930 – 1931 (6). Cách tiếp cận này của Devillers có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều học giả phương Tây, trong đó có cả D.G.Ma và S.Tonnesson (7).
Trong suốt những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, đã xuất hiện thêm hàng chục công trình có giá trị khác đề cập tới cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của các tác giả cũng ngày một trở nên phong phú hơn do khai thác được nhiều hơn các nguồn sử liệu quý, trong đó có cả nhiều tài liệu ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của giới sử gia Việt Nam cũng ngày càng được các nhà khoa học phương Tây quan tâm tham khảo nhiều hơn. Tuy nhiên, ý kiến của họ về một loạt những điểm cụ thể trong lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng rất khác nhau.
Sau chiến tranh lạnh, đặc biệt là từ khi Việt Nam tiến hành Ðổi mới, ngành Việt Nam học ở nước ngoài khởi sắc trở lại với sự xuất hiện của một loạt các công trình có giá trị về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Trong số các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại thì tác phẩm của nhà sử học Na Uy S.Tonnesson, The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War (Cách mạng Việt Nam năm 1945 – Roosevelt- Hồ Chí Minh và de Gaulle trong chiến tranh thế giới) là một trong số những công trình được đánh giá rất cao ở phương Tây.
Nét đặc sắc thứ nhất của công trình này là tác giả của nó đã cố gắng khai thác và sử dụng được một khối lượng tư liệu khổng lồ từ nhiều kho lưu trữ và thu thập được qua phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, trong đó có một số nguồn sử liệu mà trước đó giới nghiên cứu chưa từng khai thác được, thí dụ như phòng chỉ huy bản đồ của Tổng hành dinh quân đội Mỹ và của cá nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt, hồ sơ tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo của chính phủ kháng chiến de Gaulle, các tài liệu lưu trữ ở một số nước Bắc Âu… Ngay cả các nguồn tài liệu về Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thì có lẽ trước Tonnesson chưa có ai khai thác và sử dụng được nhiều đến thế.
Nét đặc sắc thứ hai của công trình nghiên cứu này chính là phương pháp tiếp cận. Tonnesson tuyên bố rõ trong lời dẫn luận rằng ông “tiếp cận vấn đề dưới góc độ của lịch sử quốc tế” (international history) (8). Cụ thể hơn, ông giải thích:
“Công trình này được xây dựng chung quanh luận đề rằng sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp vào năm 1945, và việc nó được thay thế bởi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thể hiểu được thông qua hai chuỗi nhân – quả (causal chains): một chuỗi bắt đầu từ chính sách về Ðông Dương của Roosevelt cùng với sự phát triển quân sự của cuộc chiến Thái Bình Dương và kết thúc trong một khoảng trống quyền lực (power vacuum) khi quân Nhật đầu hàng. Chuỗi thứ hai bắt đầu với việc thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương vào năm 1930 cùng với việc Ðảng này thành lập Việt Nam độc lập Ðồng Minh (Việt Minh) trong thời kỳ Thế chiến II, tới bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 năm 1945” (9).
Cách tiếp cận này chính là đóng góp nổi bật của S.Tonnesson về mặt phương pháp. Lần đầu tiên cuộc Cách mạng Tháng Tám được trình bày sáng rõ như là kết quả của sự tác động qua lại, nhuần nhuyễn, giữa nhiều yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.
Tuy nhiên, chỗ yếu nhất của công trình này cũng bắt nguồn từ chính cách tiếp cận trên đây của S.Tonnesson, mà trung tâm điểm chính là quan điểm của ông về cái gọi là “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9-3-1945) cho tới trước khi Việt Minh giành được chính quyền vào nửa sau tháng 8 năm 1945.
Mặc dù Tonnesson đã tuyên bố rõ rằng: “Trong khi góp phần chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của khoảng trống quyền lực ở thời điểm tháng 8 năm 1945 để giải thích cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuốn sách này không cho rằng cuộc cách mạng đó là “tình cờ”, “ngẫu nhiên” hoặc “ăn may”(10). Nhưng ở nhiều chỗ khác trong công trình của mình, ông luôn luôn đặt vấn đề “Ai đã đưa Việt Minh lên nắm chính quyền?” (11). thậm chí còn khẳng định: “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền” (12).
Công trình nổi tiếng thứ hai về cuộc Cách mạng Tháng Tám ở nước ngoài chính là tác phẩm của D.Marr, Vietnam 1945: the Quest for Power (Nước Việt Nam năm 1945: cuộc săn tìm quyền lực) xuất bản năm 1995 tại Mỹ. (13)
Trong giới sử gia phương Tây nghiên cứu về Việt Nam hiện nay thì D.Marr là một trong những người nổi tiếng nhất. Ông là tác giả của nhiều công trình khảo cứu đồ sộ, công phu về lịch sử Việt Nam cận đại, trong đó có uy tín nhất là cuốn Vietnamese Anticolonialism, 1885 – 1925 (Phong trào chống chủ nghĩa thực dân của Việt Nam) xuất bản năm 1971 và cuốn Vietnamese Tradition on Trial, 1920 – 1945 (Truyền thống Việt Nam trong thử thách 1920 – 1945) công bố năm 1981. Nhưng công trình nổi tiếng nhất của D.Marr chính là cuốn sách của ông viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam năm 1945. Từ sau khi được công bố đến nay, đã có nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ ở Việt Nam và nước ngoài về tác phẩm này. Tại cuộc hội thảo quốc tế lớn EURO – VIỆT III ở Amsterdam (Hà Lan) năm 1997, một diễn đàn mở (Open Forum) đã được tổ chức riêng để giới thiệu và tôn vinh cuốn sách (14). Ngoài ra, cuốn sách còn được trao một số giải thưởng quốc tế.
Ðóng góp nổi bật nhất, tạo nên uy tín học thuật cao cho công trình này trước hết là về phương diện phương pháp luận. Có thể nói cho đến trước khi cuốn sách của D.Marr được công bố thì toàn bộ lịch sử Việt Nam cận đại thường được các sử gia Việt Nam và nước ngoài nhìn nhận theo kiểu top-down (nhìn từ trên xuống dưới). Kết quả là lịch sử đó thường chỉ được trình bày chủ yếu như là lịch sử của các chính đảng, các tổ chức, các tôn giáo và lãnh tụ (15). Ngay cả trong hai công trình nổi tiếng của mình trước đây, bản thân D.Marr cũng không tránh khỏi hạn chế này.
Trong công trình đồ sộ về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 này, ông đã dũng cảm thay đổi toàn bộ phương pháp và cách tiếp cận, cố gắng tái hiện lịch sử một cách chân thực nhất theo góc nhìn “bottom-up” (nhìn từ dưới lên). Sau nhiều năm thu thập tư liệu, khảo cứu kỹ càng, cuối cùng D.Marr đã rất thành công trong việc tái hiện lại cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào mùa thu năm 1945 một cách sinh động, cụ thể và khá chân thực. Có thể nói, với công trình của ông, lần đầu tiên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được trình bày một cách sáng rõ, thực sự là sự nghiệp của quần chúng. Ðây là thành công lớn nhất của cuốn sách.
Thành công lớn thứ hai, giống như công trình của S.Tonnesson, chính là nguồn tư liệu vô cùng phong phú mà D.Marr đã khai thác được từ nhiều nguồn để viết nên công trình đồ sộ theo một phương pháp mới như đã nói ở trên. Ðây chính là một trong những yếu tố làm cho cuốn sách trở thành một tài liệu tham khảo quý giá mà không một công trình nào về Cách mạng Tháng Tám trong vòng 60 năm qua có thể so sánh được.
Tuy nhiên, có hai điểm quan trọng cần trao đổi thêm với D.Marr.
Thứ nhất, khác với S. Tonnesson khẳng định rằng: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một “cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, không chỉ có vậy mà đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế” (16). D.Marr lại cho rằng: “… Việt Nam đã trải qua một cuộc khởi nghĩa (insurrection) trên quy mô toàn quốc, nhưng chưa phải là một cuộc cách mạng (mặc dù người ta đã sớm tự hào nói về một “Cuộc Cách mạng Tháng Tám”) (17). Lý do khiến cho D.Marr không thừa nhận cuộc Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng, theo như ông giải thích, đó là: “Ở khắp mọi nơi các viên chức thực dân vẫn tiếp tục làm việc, địa chủ tiếp tục thu địa tô, chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục giao việc cho thợ; trong gia đình vợ vẫn phục tùng chồng, con cái tiếp tục tuân lời cha mẹ” (18).
Ðiều mà D.Marr mô tả có phần đúng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám chưa thể đưa lại ngay lập tức những thay đổi sâu sắc trong các quan hệ xã hội, kinh tế và văn hóa… Nhưng nếu có thể so sánh thì phải thấy rằng ngay cả những cuộc cách mạng điển hình trong lịch sử nhân loại trước đó, như Ðại Cách mạng Pháp (1789), Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) và Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) cũng đều không thể ngay lập tức dẫn tới những thay đổi sâu sắc và toàn diện như D.Marr đòi hỏi.
Thứ hai, hẳn D.Marr cũng biết rất rõ là ngay trong Hội nghị Trung ương VIII, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã quyết định rằng: “… cuộc Cách mạng Ðông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” (19). Ðiều đó có nghĩa là Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã không chủ trương hướng cuộc cách mạng do Ðảng ấy lãnh đạo vào việc thay đổi các quan hệ xã hội, kinh tế, văn hóa, gia đình…, mà trước hết chỉ chú trọng vào một mục tiêu quan trọng nhất là giành độc lập dân tộc.
Vì mục tiêu đó, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã khẳng định dứt khoát: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn dân tộc” (20). Ðây chính là bí quyết quan trọng nhất dẫn tới thành công của Ðảng Cộng sản Ðông Dương và Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám. Giả định rằng, nếu Ðảng Cộng sản Ðông Dương không thực hiện chiến lược chính trị đó mà lại hướng lực lượng vào để làm một thứ “cách mạng” như D.Marr nghĩ thì chắc chắn họ đã thất bại.
Trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu lịch sử nói riêng thì việc bất đồng ý kiến, tranh luận, trao đổi là điều rất bình thường và lành mạnh.
Cho dù còn có một số điểm cần suy ngẫm và trao đổi thêm, nhưng hai công trình trên đây của S. Tonnesson và D.Marr là những công trình khoa học rất có giá trị, là tài liệu tham khảo quý về cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Tiến tới kỷ niệm 76 năm sự kiện lịch sử vĩ đại đó, nếu hai công trình khoa học này được dịch toàn bộ sang tiếng Việt và công bố ở Việt Nam thì sẽ là một cơ hội tốt cho đông đảo bạn đọc nước ta tham khảo thêm kết quả nghiên cứu của các sử gia phương Tây về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc.
GS ÐINH XUÂN LÂM, TS PHẠM HỒNG TUNG
(Ðại học Quốc gia Hà Nội)
—————-
(1) Do NXB Seuil (Editiondu Seuil) xuất bản năm 1952 tại Paris.
(2) Cũng do NXB Seuil xuất bản năm 1952 tại Paris.
(3) P.Mus sinh ra ở Ðông Dương và trong thời kỳ 1943 – 1945 từng là sĩ quan tình báo được de Gaulle cử quay lại bí mật liên lạc với nhóm quân Pháp “kháng chiến” ở Ðông Dương do tướng Moóc-đăng chỉ huy. Còn Devillers là một nhà báo trẻ đang có mặt ở Việt Nam. Cả hai người đều chứng kiến cuộc Ðảo chính Nhật – Pháp (9-3-1945).
(4) Xem: Mus, Paul, “The role of the Village in Vietnamese Politics” (Vai trò làng xã trong chính sách chính trị của Việt Nam), trong Pacific Affairs, tập XXIII, tháng 9-1949, tr. 265-272.
(5) Xem: Mus, Paul, “Viet Nam: A Nation off Balance”, (Việt Nam: Một quốc gia mất thăng bằng) trong: Yale Review, tập XLI, 1952, tr.524-538.
(6) Xem: Devillers (P.) Histoire du Việt – Nam de 1940-1952 (Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940-1952), NXB du Seuil, Paris, 1952, tr.132.
(7) Tonnesson (S.) The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War (Cách mạng Việt Nam năm 1945 – Roosevelt, Hồ Chí Minh và de Gaulle trong một thế giới chiến tranh), PRIO, Oslo, 1991, tr.11.
(8) Tonnesson, sách đã dẫn, tr.19.
(9) Tonnesson, sách đã dẫn, tr.1.
(10) “Who brought the Viet Minh to power in the August Revolution?” (Ai đã đưa Việt Minh lên nắm quyền trong Cách mạng Tháng Tám?), Tonnesson, Sách đã dẫn, tr.412.
(11) Tonnesson, Sách đã dẫn, tr.355.
(12) Tonnesson, Sách đã dẫn, tr.415.
(13) David G.Marr, Vietnam 1945: the Quest for Power, University of California Press, Berkeley, 1995.
(14) Chủ trì diễn đàn là GS Bernhard Dahm (Ðức). Tham gia chủ tịch diễn đàn có David G.Marr, Stein Tonnesson, Charles Fenn (nhân chứng lịch sử, cựu sĩ quan OSS, người đã trực tiếp có quan hệ với Hồ Chí Minh từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945). Công chúng của diễn đàn là hơn 400 nhà khoa học, trong đó có một số học giả Việt Nam, tham dự EURO – VIỆT III.
(15) Mặc dù ở trong nước đã xuất hiện một số chuyên khảo về phong trào công nhân và nông dân, song cách nhìn như trên vẫn là cách nhìn nhận chủ yếu.
(16) Tonnesson, sách đã dẫn, tr.416.
(17) Marr (D.G) Sđd, tr.4. Tại Diễn đàn ở Amsterdam năm 1997 Tonnesson và Marr có trao đổi công khai ý kiến của hai tác giả về vấn đề này.
(18) Marr (D.G) Sách đã dẫn, tr.4.
(19 , 20) Văn kiện Ðảng toàn tập, t.7, đã dẫn, tr.119.