Trang chủ Kiến Thức TRẬN ALLIA NĂM 387 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN

TRẬN ALLIA NĂM 387 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN

1. Bối cảnh

Thành Roma thế kỷ IV trước Công Nguyên!

Nền Cộng Hòa non trẻ mới hơn một trăm tuổi, và dù đã lập quốc ba thế kỷ rưỡi, La Mã lúc này vẫn chỉ là một lãnh thổ nhỏ ở miền Trung bán đảo Italia, với vô số kẻ địch vây quanh (người Aequi, Latin, Etrusca…). Người Celtic khi đó, dù ở dạng bộ lạc và không có nhà nước thống nhất, đã thống trị một vùng lãnh thổ bao la từ miền Bắc Tây Ban Nha đến nước Anh, Trung Âu và Rumani hiện nay, họ bắt đầu tiến xuống Bắc Italia và đánh bại người Etruscan để chiếm quyền kiểm soát thung lũng sông Po.

(Rome năm 500 trước Công Nguyên chỉ gồm vùng màu đỏ đậm)

Mùa hè năm 387 TCN, người Senones, bộ tộc lớn nhất của Gaul (dân Celtic sống ở xứ Gaul), di chuyển dần xuống phía Nam qua dãy núi Apennines để tìm kiếm vùng định cư mới. Cuối cùng họ dựng trại bên ngoài thị trấn xứ Clusium (trong tỉnh Siena của người Etruscan, ngày nay là tỉnh Tuscany) và bắt đầu đòi hỏi quyền lợi đất đai ở đây. Cư dân thị trấn, vốn quen buôn bán hơn là đánh nhau, sợ hãi trước số lượng lớn người Senones nên đã tìm kiếm sự trợ giúp từ La Mã, mà trước đó uy thế quân sự bắt đầu lan đến các vùng đất Etruscan phía Bắc. Thành Roma mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc chiến với thành Veli 6 năm trước, nhận ra cơ hội tốt để nâng cao vị thế, liền gửi đi một phái đoàn gồm ba sứ giả (các anh em nhà Fabius) để dàn xếp tình hình.

Khi cuộc đàm phán thất bại, dân Clusium liền huy động lực lượng đánh đuổi người Senones ra khỏi đất đai của họ. Lúc này, sử gia La Mã Livy chép rằng các sứ giả “đã vi phạm luật quốc tế” (họ phải thề sẽ giữ vị thế trung lập khi là đại sứ), họ lăng mạ và cầm vũ khí chống lại người Senones. Kết quả là trong lúc giao tranh, Quintus Fabius-thành viên của một đại gia tộc, giết chết một trong những lãnh đạo Gaul tham gia đàm phán, thậm chí lột cả áo giáp ông ta làm chiến lợi phẩm. Khi tộc Senones nhận ra rằng sứ giả La Mã đã tự đánh mất sự tôn trọng, họ rút lui khỏi trận chiến và cử đại diện của mình đến Rome, yêu cầu giao nộp Fabius để xử lý. Nhiều người La Mã (đặc biệt là các tư tế) rất cảm thông với họ, và đồng ý rằng hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc ngoại giao. Tuy nhiên, là một gia tộc quyền thế, nhà Fabius đủ ảnh hưởng để khiến phần lớn dân La Mã không đồng tình, thậm chí chế giễu các tư tế, họ gây áp lực đến mức anh em Fabius được coi như những anh hùng; và như Livy đã viết “những người lẽ ra phải bị trừng phạt lại được bổ nhiệm làm tướng lĩnh chỉ huy vào năm tới, với quyền hạn của chấp chính quan tối cao”. Người Senones hết sức phẫn nộ và ngay lập tức rời đi kèm lời tuyên chiến với La Mã để trả thù cho sự xúc phạm đó.

Sau khi tập trung, người Gaul hành quân liên tục 130 km từ Clusium đến Roma, mặc dù đi qua khá nhiều làng mạc và thành phố nhưng không xảy ra đụng độ nào bởi họ tuyên bố chỉ đánh nhau với người La Mã, và coi dân Estrusca như bạn hữu. Giao tranh nổ ra cách phía bắc của Roma chừng 10 dặm (18 km), trước thành phố Crustumerium hoang phế, cạnh sông Allia, một nhánh phụ lưu sông Tiber.

2. Lực lượng và trang bị:

Theo lịch Varronian , trận chiến diễn ra vào ngày 18 tháng 7 năm 390 TCN (do chênh lệch niên đại, ngày nay tính là năm 387 TCN).


(Lính La Mã thế kỷ 5 trước Công Nguyên trang bị như mọi thành bang Hy Lạp)

Sáu quân đoàn dưới quyền chấp chính quan Quintus Sulpicius đóng ở bờ sông Allia cùng các đồng minh Latin, trên lý thuyết mỗi quân đoàn thời kỳ này gồm 4200 người, nhưng thực tế hiếm khi đầy đủ. Quân đội La Mã giai đoạn đầu Cộng Hòa vẫn còn rất nghiệp dư; mỗi khi có chiến sự, người ta mới tập trung thành các quân đoàn và giải tán ngay khi kết thúc. Thành phần chủ yếu là dân quân, trang bị như những hoplite (ảnh hưởng của 200 năm bị người Estrucan thống trị, và họ lại học từ các thuộc địa Hy Lạp ở miền Nam). Độ tuổi nhập ngũ là từ 17-60. Tương tự người Hy Lạp, các công dân La Mã phải tự túc vũ khí và giáp trụ, nên những người nghèo nhất được miễn nghĩa vụ đơn giản vì họ chẳng có gì để ra trận cả; tuy nhiên trong một vài trường hợp cần huy động quân lực lớn, tiền ngân quỹ được xuất ra để vũ trang cho số dân này. Đa số mang giáo, khiên tròn Hoplon và mũ đồng, đoản kiếm (kopis hoặc xiphos), những trang bị cơ bản nhất. Dân khá giả có thể sắm thêm áo giáp (bằng đồng hoặc da thuộc), cũng như các mảnh giáp che tay và bắp chân. Ngựa đắt đỏ nên hầu hết kỵ binh thuộc tầng lớp thượng lưu (equites). Hơn một nửa lực lượng là dân nghèo, đóng vai trò bộ binh nhẹ, lính phóng lao, ném đá…Thế trận của người La Mã mang đậm nét Hy Lạp, trung tâm là các khối Phalanx với những chiến binh giàu kinh nghiệm và được vũ trang tốt nhất đứng hàng đầu, yểm trợ hai cánh là kỵ binh và bộ binh nhẹ.

(Chiến binh Gaul với áo giáp xích và kiếm dài)

Quân đội Gaul là đông đảo (ít nhất 30.000, một số nguồn nói hơn), gây ấn tượng ban đầu giống như một băng cướp vô tổ chức. Các chiến binh Gaul cao to và khỏe mạnh hơn đối thủ, do khẩu phần ăn giàu protein (người La Mã ăn súp đặc, rau, pho mát và ít thịt hơn), tuy nhiên họ chậm và kém dai sức, hậu quả của việc thiếu carbonhydrat trong thức ăn. Bộ binh chiếm đa số, nhưng tỉ lệ kỵ binh là cao hơn hầu hết các đội quân cùng thời. Kỹ thuật luyện kim tiến bộ cho phép người Gaul sử dụng vũ khí và giáp trụ bằng sắt, tuy một số vẫn đội mũ đồng. Các thủ lĩnh thường gắn thêm sừng, hoặc biểu tượng (chim, thú) lên mũ khiến họ trông có vẻ cao lớn hơn thực tế. Quý tộc và kỵ binh Gaul đều mặc áo giáp xích, còn bộ binh thường cởi trần hoặc khỏa thân, tượng trưng cho sự dũng cảm cũng như phô bày cơ bắp của họ với đối thủ. Kiếm là vũ khí chính của một chiến binh, dài từ 30-37 inchs (76-93 cm), tuy là một loại kiếm chém nhưng cũng có thể sử dụng để đâm. Giáo thường có phần mũi dài, hẹp và cán bịt sắt, có thể đâm hoặc phóng đi như lao. Khiên của người Gaul có hình dạng thon dài hoặc chữ nhật, bằng gỗ phủ da, núm khiên bằng sắt hoặc đồng, được thiết kế để che kín người cầm. Về mặt tinh thần, mọi chiến binh Gaul đều sẵn sàng chết cho bộ tộc, và lòng dũng cảm trong văn hóa Celtic luôn được đề cao. Chiến thuật của người Gaul trong trận này cũng tương tự khi đối đầu với những bộ tộc Đức khác: họ xếp hàng mặt đối mặt, la hét và cố gắng làm kẻ thù mất tinh thần; sau đó toàn bộ xông lên, dùng ưu thế sức mạnh ép đối phương đến kiệt sức và vỡ trận ở bất cứ vị trí nào có thể.

Một cách tổng thể, đây là trận chiến giữa hai nền văn hóa và hai trường phái chiến tranh hoàn toàn khác biệt nhau. Người La Mã chiếm lợi thế về trang bị và kỷ luật, sự dẻo dai cũng như thành thạo chiến đấu theo đội hình, điều đã được chứng minh là hiệu quả trong các trận chiến khắp thế giới cổ và trung đại. Trong khi đó, quân đội Gaul, tuy mạnh mẽ hơn ở từng cá nhân, lại rời rạc và không thể duy trì thể lực nếu đánh lâu dài. Sau này trong trận Telamon, tướng chỉ huy La Mã đã kết luận rằng nếu lính của mình có thể giữ vững hàng ngũ trước các đợt tấn công của người Gaul trong khoảng 10 phút đầu, đối phương sẽ mệt mỏi và đó là thời cơ tốt để phản công. Tuy nhiên ở ven sông Allia, người La Mã không có cơ hội nhận ra điều này và phải trả giá rất đắt.

3. Diễn biến:

Bị áp đảo về số lượng nên mặc dù đã dàn mỏng tối đa, thế trận của La Mã vẫn ngắn hơn quân Gaul. Các tướng lĩnh lại chủ quan và thiếu thận trọng, Livy chỉ trích việc họ không cho xây tường và đào hào, không làm lễ hiến tế, cũng chẳng tính gì đến phương án rút lui, thậm chí còn bố trận quay lưng vào sông (một số nguồn khác cho biết trước trận người ta có tổ chức hiến tế, nhưng các bốc sư đều nhìn thấy điềm xấu). Lo sợ bị tạt sườn, cánh phải La Mã bố trí trên một ngọn đồi nhỏ, chủ yếu là lính dự bị và bộ binh nhẹ, với hy vọng lợi thế địa hình sẽ giúp họ ngăn chặn hiệu quả đối phương.

(Phalanx La Mã xếp thành các khối chữ nhật sát nhau)

Theo lời kể của Livy, người Gaul chủ động tiến lên, thổi kèn cũng như tù và inh ỏi, đồng loạt gõ kiếm vào khiên, hát vang những bài ca chiến trận, kêu gọi các vị thần chiến tranh của họ giúp đỡ…..tất cả những âm thanh đó làm cho phía La Mã bắt đầu nao núng và sợ hãi. Khi sắp đến cự ly để phát động tấn công, Brennus chợt ra lệnh dừng lại. Có lẽ ông ta lo ngại khả năng đối phương giấu một đội quân ở sau đồi, và sẽ áp đảo cánh trái rồi đánh vào sườn hoặc bọc hậu quân Gaul, trong lúc khu trung tâm đang bị các phalanx cầm chân. Hơn nữa dân Gaul đã giao chiến với người Etruscan suốt một thế kỷ, nên không khó nhận ra điểm mạnh và yếu của đội hình phalanx. Brennus quyết định đánh quỵ cánh phải La Mã trước và chiếm điểm cao để dễ quan sát. Lúc này hai đạo quân chỉ cách nhau khoảng một tầm tên, các chiến binh Celtic trên toàn tuyến bắt đầu tiến ra thách thức lính La Mã đấu tay đôi, trong lúc cánh trái tấn công lên đồi.

Trước đây, La Mã đã có hơn 350 năm chống lại các đạo quân hoplite khác của thế giới Hy Lạp hóa, và họ đã quen với cảnh hai khối phalanx húc vào nhau cho đến khi phân thắng bại. Nhưng tất cả kinh nghiệm đó giờ hoàn toàn vô dụng, người La Mã gặp phải một đối thủ không tấn công theo bất cứ một chiến thuật nào mà họ biết. Các chiến binh Gaul tràn lên như ong vỡ tổ, khiên giáp màu mè, một số khỏa thân, vẽ mình vằn vện, mặt mũi dữ tợn, miệng gầm lên những âm thanh man rợ. Lính La Mã bị dọa chết khiếp và đội ngũ của họ rối loạn trước cả khi đối phương đánh tới. Rốt cuộc bộ binh nhẹ mất hết tinh thần và trang bị kém cỏi không trụ nổi trước các kiếm sĩ Gaul. Ngọn đồi bị quét sạch và cánh phải La Mã tháo chạy tan tác.


Chiếm được lợi thế, Brennus ra lệnh tấn công trên toàn tuyến. Trong lúc cánh trái La Mã chẳng cầm cự được lâu và gần như bị kỵ binh Gaul thổi bay-có thể nói như vậy được, thì các Phalanx ở trung tâm lại chiến đấu ngoan cường. Nhiều người trong số này là lính kỳ cựu từ những cuộc chiến trước kia, họ cố gắng tận dụng ưu thế về giáp trụ và đội hình chặt chẽ để đẩy lui các chiến binh Gaul vốn xông lên rời rạc và trang bị kém hơn. Nhưng khi xáp chiến, họ nhận ra khiên tròn Hy Lạp không thể che chắn hết những cú bổ và đâm thẳng của kiếm dài xứ Gaul. Bị bao vây và đánh tạt cả hai bên sườn, Phalanx La Mã buộc phải bỏ chạy. Livy đã ghi chép lại về sự hỗn loạn, về việc chém giết lẫn nhau để mở đường, và về cuộc tàn sát bất cứ ai chậm chân. Bên bờ sông Tiber, cảnh tượng thật bi thảm: vô số vũ khí bị vứt lại, lính Gaul đứng trên bờ phóng lao xuống đám đông đang lóp ngóp dưới nước, hàng ngàn người khác chết đuối, chìm nghỉm do sức nặng của giáp trụ trên mình. Ước tính hơn một nửa quân đội La Mã tham chiến bị tiêu diệt. Tàn binh của cánh trái chạy về thành Veli, nơi có tường cao và hệ thống phòng ngự mạnh mẽ, còn cánh phải rút về Rome.

Theo Livy, chính người Gaul cũng cảm thấy ngạc nhiên vì chiến thắng đột ngột như vậy, thậm chí nghi ngờ sắp có một cuộc phục kích. Sau thời gian bối rối ngắn ngủi, họ ngừng việc truy đuổi và thực hiện truyền thống cổ xưa: các chiến binh đi lại giữa chiến trường, vung kiếm chém bay đầu cả người chết lẫn người sống. Sử gia Herodotus giải thích rằng đó là chứng cứ để phân chia chiến lợi phẩm về sau: “Nếu người lính mang đến một cái đầu kẻ thù, anh ta sẽ được trao phần thưởng tương xứng, nếu không sẽ chẳng nhận được gì hết”. Ông nhắc đến truyền thống tiếp khách của người Celtic là mang đầu của đối thủ ra giới thiệu và tự hào kể lại làm thế nào anh ta lấy được nó. Một số khác bọc da bê (lót vàng lá nếu là quý tộc) quanh hộp sọ làm thành cốc uống rượu. Đầu lâu kẻ thù cũng là 1 vật trang trí ưa thích trên cửa ra vào, và thường được các bộ tộc Celt xiên que cắm trên mái nhà để trừ tà. Nói chung, người Gaul dành nhiều thời gian để xử lý chiến trường theo cách của mình, và đến hoàng hôn ngày thứ ba sau trận Allia, những kỵ binh rợ đầu tiên mới xuất hiện trước cổng thành Rome.

4. Cuộc bao vây thành Rome

Vào thế kỷ 4 TCN, thành phố vẫn bao quanh bởi tường đất và lũy gỗ, nhiều đoạn còn chưa hoàn thiện. Khi người Gaul tiến vào, họ nhận thấy cổng thành mở toang, đường phố vắng lặng. Phần lớn dân chúng đã di tản, các trinh nữ tư tế cũng rời đi, mang theo ngọn lửa thiêng và các thánh vật của họ. Trong phòng họp của Nguyên Lão Viện, 80 vị Nguyên Lão vẫn ngồi lì tại chỗ của mình và đều bị giết chết. Đa số binh lính và quý tộc tập trung lại trên đồi Capitol, một trong bảy ngọn đồi của La Mã cổ đại, có vách đá dựng đứng và trên đỉnh là đền thờ thần Jupiter. Ước tính hơn 1000 người cố thủ trên pháo đài thiên nhiên này, dưới sự chỉ huy của chấp chính quan thứ hai, Marcus Manlius. Thiếu khí cụ công thành, những cuộc tấn công của người Gaul đều bị đẩy lui và tổn thất nặng nề, họ vây lỏng đồi Capitol và số còn lại chia thành nhiều toán đi cướp bóc, không chỉ trong thành mà còn cả các vùng nông thôn xung quanh. Trong các đám cháy khắp nơi, có cả kho lưu trữ tư liệu thành phố, biến lịch sử La Mã hàng trăm năm trước đó thành những truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Rome bị chiếm đóng và cướp phá bởi quân đội ngoại bang.

(Brennus kiểm kê chiến lợi phẩm)

Vài ngày sau, một người đưa tin tên là Pontius Cominius, lợi dụng địa hình và bóng đêm, lách qua được vòng vây mang đến cho Nguyên Lão Viện tin tức quan trọng: Marcus Furius Camillus đã rời nơi nghỉ hưu, đang tập hợp dân quân và vừa đánh thắng một cánh quân Gaul tại thành phố Adrea, cách Rome không xa về phía Nam. Chính Camillus, với cương vị Dictator (nhà cai trị chuyên chế) năm 392 TCN, đã đánh bại đối thủ lịch sử Veli vốn xung đột với Roma gần như liên tục từ khi lập quốc, giúp cho lãnh thổ La Mã mở rộng gấp đôi. Một cuộc bỏ phiếu ngắn đã chỉ định Camillus tiếp tục làm Dictator với quyền lực tối thượng trong thời hạn một năm (trước đó không một ai được giữ chức vụ này quá sáu tháng).

Khi người đưa tin mang lệnh này rời đi, có lẽ dấu chân của anh ta bị phát hiện, làm cho quân Gaul tiến hành một cuộc đột kích ban đêm lên vách đá. Theo truyền thuyết, khi quân rợ leo lên trong im lặng, toàn bộ lính gác và chó canh đều say ngủ, nhưng những con ngỗng (được dâng cúng cho nữ thần Juno – Hera trong thần thoại Hy Lạp) trên đồi Capitol đã kêu quang quác và đập cánh ầm ĩ, đánh thức tất cả. Chấp chính quan Marcus Manlius xông lên đầu tiên, hất tung những kẻ xâm nhập xuống và người Gaul bị đẩy lui.

(Những con ngỗng đã báo động cho người La Mã)

Trong lúc chờ đợi viện quân của Camillus, đồi Capitol cạn lương, Nguyên Lão Viện phải tiến hành thương lượng với Brennus, chấp chính quan Q. Sulpicius được cử làm đại diện (người Gaul đã từng kêu gọi đầu hàng nhưng bị La Mã khước từ). Phía Gaul cũng lâm vào tình thế bắt buộc, vì một trận dịch (có lẽ là sốt và kiết lỵ) đang lan rất nhanh trong thành do việc xử lý xác chết sơ sài và thiếu vệ sinh. Mọi nỗ lực tìm kiếm lương thực nơi thôn quê đều bị quân Camillus quấy phá, hơn nữa có tin người Veneti đang tiến vào các lãnh thổ phía Bắc của họ. Sau nhiều cuộc đàm phán gay go, thỏa thuận đạt được là quân đội Gaul sẽ rút lui khi nhận đủ 1000 pound (hơn 327 kg) vàng, và hai bên cam kết không động binh với nhau trong vòng 30 năm tới. Có lẽ số vàng này được huy động từ các thành phố lân cận, vì việc cân đo diễn ra bên ngoài thành. Khi phía La Mã phát hiện ra Brennus mang đến đối trọng lớn hơn bình thường. họ phàn nàn về sự gian lận đó, Brennus bèn rút thanh gươm bên hông ra và ném vào cân, kèm câu nói nổi tiếng: “Vae victis” (Khốn nạn cho kẻ bại trận). Người La Mã đã phải ngậm đắng nuốt cay bỏ thêm vàng vào đầu bên kia cho cân bằng.

(La Mã phải trả khoản tiền rất lớn cho người Gaul)

Nhưng lúc này, Marcus Furius Camillus đã tới cùng một đội quân khoảng 20.000 lính. Ông tuyên bố: “Không vàng, chỉ có sắt thép, tổ quốc sẽ được cứu nguy” và tấn công người Gaul. Hai bên không quen đánh nhau trên đường phố chật hẹp, nên giao tranh chuyển dần ra ngoài thành và hôm sau thì Brennus rút lui. Thành Rome được cứu nguy và Camillus được xưng tụng là “Người thứ hai sáng lập ra La Mã”, “Cha của dân tộc”.

(Camillus đến và ép quân Gaul rút lui)

Đó là những gì Livy và Plutarch ghi chép lại, tuy nhiên các sử gia cho rằng câu chuyện đã được chỉnh sửa để giảm bớt đi sự tủi nhục cho người La Mã. Livy là một nhà chép sử yêu nước và không muốn để hậu thế biết rằng Rome sống sót nhờ sự mủi lòng của quân rợ, và phải vét nhẵn túi để mua tự do. Camillus đã đưa quân đến, nhưng chỉ để tiếp quản và gây áp lực buộc Brennus tôn trọng thỏa thuận. Trên thực tế, người Gaul chiếm đóng thành phố suốt bảy tháng, và nguyên nhân chính của việc rút lui là do bệnh dịch, cũng như họ đã nhận đủ vàng. Khi người La Mã lấy lại quyền kiểm soát, thành Rome huy hoàng trước kia chỉ còn là một đống đổ nát.

5. Hệ quả

Là một trong những thất bại nặng nề nhất lịch sử La Mã, trận Allia được xếp ngang với nỗi ê chề ở Cannae và thảm họa tại Arausio. Rất nhiều hệ quả khác nhau đã phát sinh từ đây, làm thay đổi tận gốc La Mã và thế giới Địa Trung Hải về sau.

Tin về trận chiến này bay sang tận Hy Lạp: Aristotle biết nó và triết gia Heraclides còn cho rằng dân Celtic là người Hyperboreans (sắc dân phương Bắc lạnh giá trong thần thoại Hy Lạp).

Ngày 18 tháng 7 được ghi chép trong lịch chính thức của La Mã là “Dies nefastus” (Ngày bất hạnh), và được coi là một ngày xấu (người ta kiêng kỵ mọi hoạt động vào ngày này, dù công hay tư). Còn loài ngỗng, nhờ công báo động mà về sau đã trở thành con vật thiêng liêng (Sacred Geese), sứ giả của thần thánh, loài vật may mắn…vv.. Người La Mã tổ chức riêng cho chúng một lễ hội hằng năm vào ngày mùng 3 tháng 8, có cảnh 9 con chó bị đóng đinh trên thập giá cạnh những con ngỗng được rước và vinh danh trong các đoàn diễu hành như vị cứu tinh của đất nước. Về phần mình, Marcus Manlius được nhận tước hiệu riêng: Capitolinus. Nơi người Gaul bị đẩy lui trên đồi Capitol, một ngôi đền được xây để tạ ơn thần Juno, mẹ của các vị thần. Tương truyền đây cũng là xưởng đúc các mẻ tiền xu La Mã bằng đồng đầu tiên.

Mặc dù có ý kiến dời đô về Veli, do thành phố lúc này chẳng hơn gì một phế tích, nhưng cuối cùng Nguyên Lão Viện đã quyết định ở lại. Nhà cửa được sửa chữa và xây mới, tường thành Roma được trùng tu, người ta thuê các kỹ sư Hy Lạp thiết kế một bức tường đá rộng 3,6m, cao 10m, và dài 7 dặm (11km) với 16 cửa chính, lấy theo tên Servius Tullius, vị vua La Mã thứ sáu người Latin. Nó vững chắc suốt tám trăm năm, cho đến khi vua người Vandal là Alaric đánh chiếm thành phố năm 410 SCN.

Trận Allia cũng mở đầu cho ba thế kỷ chiến tranh có thắng có bại giữa Gaul và La Mã. Cho đến khi chấp chính quan Caesar chinh phục toàn bộ xứ Gaul và đánh bại thủ lĩnh cuối cùng là Vercingetorix ở trận Alesia năm 52 TCN, người ta vẫn còn thấy cảnh các bà mẹ đem “ngáo ộp” Gaul ra dọa trẻ con. La Mã không bao giờ quên hay tha thứ cho kẻ đã xúc phạm danh dự của nó.

Trên bình diện chính trị, trận thua này làm uy thế tích lũy trước kia của La Mã sụt hẳn đi; dân Aequi, Volsci và Etruscan bắt đầu nhìn sang Roma với con mắt thù địch, người Gaul cũng rục rịch quay lại. Nhưng rồi Camillus tiếp tục được bầu làm chấp chính quan tối cao, cũng như giữ chức độc tài, ông lần lượt đánh bại mọi đối thủ nơi chiến trường cho đến khi mất ở tuổi 81 vì bệnh dịch hạch. Tổng cộng 6 lần trở thành chấp chính quan, 5 lần làm làm độc tài, 4 lần được toàn thành Rome tổ chức lễ mừng thắng trận, Camillus là công dân vĩ đại nhất sau vua Romulus, người lập nên La Mã.

Kỷ nguyên Rome thống trị bắt nguồn từ sự kiện này, tạo nên một truyền thuyết rằng mỗi khi La Mã bị đánh bại, nó sẽ vươn dậy và mạnh mẽ hơn trước.

Thay đổi lớn nhất và được nhắc đến nhiều nhất là Cải cách quân sự, thời gian chính xác của cuộc cách mạng này không xác định được, nhưng chắc chắn nó bắt đầu ngay sau trận Allia. Bài học rút ra từ lần bại trận cay đắng này đã đóng vai trò cơ bản trong việc chuyển từ đội hình phalanx Hy Lạp sang các Legion La Mã. Các trang bị hoplite bị loại bỏ, người La Mã bắt đầu học cách luyện kim và chế giáp xích của dân Gaul, làm quen với loại lao nặng Pilum (tiếng Latin: Pila) của người Estrusca. Họ vay mượn khiên chữ nhật của người Samnite và tăng kích thước để nó che kín toàn thân. Kiếm ngắn Gladius gốc Tây Ban Nha được du nhập, cho phép đâm bung các mắt xích của áo giáp. Lính kỳ cựu giờ đây không còn đứng trên cùng nữa, mà chuyển về phía sau (gọi là Triarii), tân binh (Hastati) lên đầu và kẹp giữa họ là lính có kinh nghiệm (Principe). 3 tuyến này được sắp xếp xiên nhau như một bàn cờ, với bộ binh nhẹ (Velites) đứng trước (Velite có thể mang lao, cung hay dây ném tùy điều kiện mỗi người). Mỗi quân đoàn sẽ gồm khoảng 30 maniple (trung đoàn) như vậy cùng 300 kỵ binh hỗ trợ. Tuy vẫn là nghiệp dư, nhưng các trung đoàn thường xuyên được diễn tập để binh lính thành thạo vũ khí (loại tập luyện nặng hơn, thường là gấp đôi thực tế) và làm quen với các thế trận phức tạp, mặc dù cách thức và mật độ phụ thuộc vào từng chỉ huy. Đội hình La Mã không còn là một khối cứng nhắc nữa mà có thể vận động thành các hình dạng khác nhau tùy tình hình chiến trường; thậm chí trong một số tình huống, các đơn vị có thể tự tách ra hay nhập vào quân đoàn mà không cần chờ lệnh đến, đem lại sự linh hoạt rất lớn. Tất cả những thay đổi này, kết hợp với kỷ luật sắt và tinh thần chiến đấu ngoan cường, đã giúp các binh đoàn La Mã đánh bại mọi đối thủ quanh Địa Trung Hải để trở thành đạo quân thiện chiến nhất của thế giới cổ đại.


Nguồn tham khảo:

– Plutarch: “Cuộc đời Cammilus”
– Livy: ”Lịch sử La Mã từ khi hình thành”.
– Bách khoa lịch sử thế giới: “Nền Cộng hòa tiên khởi”.