Chiến thắng Bô Cô mở ra một cơ hội lớn cho vua tôi nhà Hậu Trần khôi phục hoàn toàn chủ quyền đất nước. Sau trận này, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có thay đổi rất lớn. Số quân thiệt mạng tại Bô Cô chiếm gần chín phần mười lực lượng quân Minh trên đất nước ta. Quân Minh chỉ còn lại không quá một vạn tên, cố thủ ở thành Đông Quan. Tại các thành trì khác trên lãnh thổ Đại Việt, Minh triều chỉ còn trông cậy vào lực lượng ngụy binh. Vốn đã có tinh thần chiến đấu yếu kém, ngụy binh các thành lại càng hoang mang tột độ sau khi quân chủ lực nước Minh đại bại ở Bô Cô. Trong khi đó, quân Hậu Trần dù cũng chịu tổn thất nặng ở trận Bô Cô những lần đầu tiên đã có quân số đông vượt trội so với chủ lực quân Minh tại Đại Việt. Sĩ khí của toàn quân cũng dâng cao, nhân dân các nơi cũng nô nức chờ đợi đoàn quân của Giản Định đến để hưởng ứng.
Thế nhưng trước những điều kiện thuận lợi như vậy, nội bộ nhà Hậu Trần lại xảy ra bất đồng. Sau trận đại chiến, vua Giản Định và Quốc công Đặng Tất đã có chủ trương khác nhau về chiến lược. Giản Định mong muốn thừa thế thắng xông lên, nhanh chóng giải phóng đất nước. Vua bàn với các tướng: “Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc chắn phá được chúng”.
Trái với nhận định của vua Giản Định, Đặng Tất lại cho rằng nên triệt để đánh dẹp các thành trì khác trước khi đánh chiếm Đông Quan. Ông tâu rằng: “Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau”. Đặng Tất nói đến “mối lo về sau” là nguy cơ quân Minh sẽ điều quân tiếp viện. Trương Phụ với hàng vạn quân Minh vẫn luôn sẵn sàng vượt biên giới tiến sang. Nếu khi đó ở trong nước vẫn còn nhiều thành trì chưa bị hạ, thì quân ta dù có chiếm được Đông Quan sẽ rơi vào thế bị bao vây. Vả lại quân ta vừa hao tổn ở Bô Cô không ít, quân lính bên cạnh nhà vua chủ yếu là quân Thanh Nghệ, còn quân ở các nơi khác chưa kịp tập họp. Tại vùng kinh lộ (đồng bằng sông Hồng), đa số nhân dân vẫn còn bị giặc kìm tỏa chưa thể hưởng ứng theo quân ngay được. Còn lương thực theo quân cũng chưa tập họp được đủ dùng trong thời gian dài.
Mâu thuẫn giữa hai chiến lược của vua Giản Định và Đặng Tất chính là giữa chớp thời cơ đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chắc từng bước một. Vua tôi tranh luận hồi lâu chưa quyết được vì mỗi bên đều có lý của mình. Quân Minh ở Đông Quan tranh thủ thời gian đến thành Cổ Lộng đón được Mộc Thạnh về. Lúc này tuy uy quyền của vua Giản Định là tối cao, nhưng Đặng Tất cầm quân đã lâu, kinh nghiệm có thừa. Bởi vậy mà lời của Đặng Tất được quân tướng rất tin tưởng.
Rốt cuộc Giản Định đành theo lời của Đặng Tất. Quân Hậu Trần chia quân vây các thành trì còn lại của quân Minh tại các châu, phủ. Đặng Tất gởi hịch cho các lộ khắp cả nước, kêu gọi cùng góp quân đánh thành. Hào kiệt khắp nơi rủ nhau kéo đến cửa quân góp sức. Ngụy quân các thành khiếp vía, thấy bóng quân Hậu Trần kéo đến là nhanh chóng bỏ chạy hoặc quy hàng.Khí thế của quân ta vô cùng mạnh mẽ, tưởng như việc đánh đuổi giặc Minh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đặng Tất lúc này là linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Có thể nói, ngay từ đầu chính ông là người góp công lao nhiều nhất cho tất cả các khâu từ xây dựng hậu cần lực lượng đến điều quân đánh trận. Bên cạnh Đặng Tất còn có Nguyễn Cảnh Chân là người dự trù kế sách trong quân, xếp đặt các việc nội bộ, đóng góp tuy thầm lặng nhưng cũng rất quan trọng. Hai người một là đại tướng, một là mưu thần hàng đầu. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ánh hào quang của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã làm lu mờ vị vua của họ. Điều đó đã trở thành tai họa cho vị Quốc công nhà Hậu Trần cũng như toàn bộ phong trào khởi nghĩa.
Vua Giản Định dù theo chủ trương của Đặng Tất thực hiện tiễu trừ quân giặc ở các thành trì nhỏ trước khi tiến đánh Đông Quan, nhưng trong lòng nhà vua đã sinh lòng đối kỵ. Trong lúc đó, bọn nịnh thần bên cạnh vua Giản Định đã buông lời sàm tấu. Hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang là hai kẻ hầu cận vua Giản Định vì ghen ghét đã tâu kín với vua rằng: “Tất và Cảnh Chân chuyên quyền bổ dụng người này, cất chức người khác, nếu không liệu tính sớm đi, sau nàykhó lòng mà chế phục được”. (theo sách Cương Mục)
Lẽ thường thời bình, quan tướng trong triều đình muốn cất nhắc người nào đều phải tâu lên vua để phong chức tước. Nhưng bấy giờ là thời loạn lạc, việc quân rất gấp. Quốc công Đặng Tất cùng Đồng tri khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân mới phải dùng biện pháp thời loạn để có thể chống được giặc mạnh. Đó là do việc quân cần phải như thế. Hai ông không ngờ được rằng điều đó đã trở thành cái cớ cho bọn tiểu nhân đâm sau lưng mình. Vua Giản Định u tối và đối kỵ, đã tin theo lời tâu của bọn hầu cận. Giản Định lập mưu giết hại công thần, điều quân hộ vệ đem chiến thuyền đến đóng trên sông Hoàng Giang, rồi gởi chiếu thư triệu Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân tới. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chẳng chút nghi ngại, cùng đến thuyền ngự của vua để hầu kế sách.
Hai ông không ngờ rằng vị vua mà mình hết lòng phò tá lại nhẫn tâm ám hại mình. Tất và Cảnh Chân lên thuyền, Giản Định ra hiệu cho lực sĩ vây giết. Đặng Tất bị lực sĩ bóp cổ chết. Nguyễn Cảnh Chân cố chạy thoát lên bờ, lực sĩ đuổi theo kịp chém chết. Bấy giờ là vào khoảng tháng 3/1409, vua Giản Định vì tin lời kẻ xu nịnh mà tự tay đống đi hai cây cột chống trời của nhà Hậu Trần. Các sử gia hầu hết lên án rất kịch liệt sự u tối và độc ác này của Giản Định, và thanh danh cả đời của vị vua này cũng tiêu tan theo hành động này.
Ngô Thì Sĩ trong sách Việt Sử Tiêu Án đã có lời cảm thán, đồng thời phân tích cơ mưu tài tình của Đặng Tất mà vua Giản Định đã không bì kịp lại sinh lòng ghen ghét công thần :
“Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thủy triều, đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày, thừa trận được to ấy, mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả tiếc là thất cơ[tức bỏ lỡ cơ hội].
Nhưng mà Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi ở phía sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước, mà phá được Thế Căng, lấy lại Tân Bình, mới điều động được quân ở các trấn Thuận, Quảng, Hoan, Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô, lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô. May mà bẻ gãy được gươm giáo của quân Điền [chỉ quân Minh vùng Giang Nam] và Kiềm [chỉ Mộc Thạnh, tước Kiềm Quốc công], trương thanh thế quân Thanh Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, còn xa gì nữa mà phải dùng dằng không tiến.
Tất đã trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn Đông Đô. Bây giờ toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa dễ thủ thắng. Vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không có quân, lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không? Cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta không có người. Tiếc thay! Vua Giản Định tự phá hủy bức trường thành của mình đó !”
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cũng gay gắt không kém, và ngụ ý chỉ trích sự vong ân của Giản Định: “Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước. Được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được!
Cho nên đức của người làm vua quý ở chỗ cương quyết, sáng suốt. Cương quyết thì có thểxử đoán được, sáng suốt thì có thể xét rõ được. Ôi! nếu lúc đó vua gọi hai đại thần đến, dẫn hai đứa ấy kể rõ tội gièm pha vu hãm hại đại thần rồi chém ngay chúng đi thì uy lệnh được thi hành và bọn Tất dũng cảm càng tăng, cảm kích càng sâu, giả sử có manh tâm chuyên quyền chả lẽ không sợ uy mà phải tự bỏ, sợ gì khó kiềm chế nữa. Đã không làm được như thế thì chỉ có long đong rồi đến chết chìm mà thôi!”
Đó là hai nhận xét điển hình, sâu sắc bậc nhất trong sử sách dành cho việc giết hại đại tướng giữa lúc cao trào chiến sự của vua Giản Định. Còn những lời chê trách vị vua này thực không thể nào kể hết ra được. Cái chết của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là một trong những án oan khuất nổi tiếng nhất trong sử Việt. Nhưng sự nghiệp và tên tuổi của hai ông mãi mãi được muôn dân tưởng nhớ đến với lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Sau sự việc này, phong trào khởi nghĩa của nhà Hậu Trần xảy ra những chuyển biến lớn.
Quốc Huy/Một Thế Giới