Trang chủ Kiến Thức Những vũ khí bộ binh Mỹ được phát triển từ chiến tranh...

Những vũ khí bộ binh Mỹ được phát triển từ chiến tranh Việt Nam (phần 1)

Theo thông tin tạp chí Times đăng tải ngày 1/5/1975 – một ngày sau khi Việt Nam thống nhất, tổng cộng Mỹ đã đổ vào cuộc chiến này 141 tỷ USD, quy đổi ra khoảng 839 tỷ USD năm 2019. Với các khoản chi cho nghiên cứu quân sự dường như vô tận, nhiều vũ khí bộ binh mới đã được phát minh hoặc nâng cấp, cải tiến để phục vụ nhu cầu của hơn nửa triệu quân viễn chinh, một số vẫn còn dùng đến này nay.

Phòng thí nghiệm Chiến tranh Hạn chế (LWL) được thành lập vào năm 1962 tại Aberdeen Proving Ground ở bang Maryland. Các hoạt động phát triển khác của Quân đội Mỹ chủ yếu tập trung vào tiềm năng một cuộc chiến toàn diện với Liên Xô. Nhưng ở Việt Nam, du kích và quân Giải phóng đã trở thành một đối thủ gần như hoàn toàn khác biệt quân đội Xô Viết, buộc người Mỹ phải phát triển các vũ khí mới để đối phó.

I. Súng phóng lựu  

Được phát triển thay thế súng phóng lựu M79 sau khi người Mỹ nhận thấy rằng khẩu M79 khiến đơn vị giảm đi 1 tay súng, và khó tự vệ ở cự ly gần. Năm 1967, một cuộc thi thiết kế cấp quốc gia được tổ chức và nhà thiết kế súng Karl R. Lewis đã giành chiến thắng với mẫu Colt XM148, được thiết kế để kẹp dưới nòng súng trường M16, nhưng cũng có thể gắn vào nòng các loại súng khác như súng trường M1 hay carbine M1.

Đến tháng 7 năm 1966, Chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với công ty Colt để cung cấp gần 20.000 khẩu XM148 cho chiến trường miền Nam Việt Nam, hoàn tất vào tháng 12 năm 1966. Khẩu này được đánh giá là không hiệu quả và đã được trả về vào mùa thu năm 1967. Tuy nhiên thiết kế khẩu phóng lựu kẹp nòng M203 về sau đã kế thừa rất nhiều từ nguyên mẫu XM148.

Ngoài ra còn phải kể đến một mẫu phóng lựu M79 nòng rất ngắn và tay cầm có gờ chống trượt, nhưng không được quân đội xét duyệt.

II. Đạn 40 mm

Năm 1965, LWL phát triển một mẫu đạn mới cho súng phóng lựu 40mm, chứa 18 viên đạn 5.6×15mm. Nó được cho là sẽ giúp xạ thủ M-79 tại Việt Nam chiến đấu hiệu quả ở cự ly 18-27 m mà không phải đổi sang vũ khí khác.

Dự án này đã bị xếp kho và kết quả thí nghiệm không được công bố. Trước đó, dự án “M-79 bắn đạn shotgun” cũng chịu số phận tương tự, với 5 cơ số chiến đấu được gửi sang Việt Nam để thực chiến và sau này người ta còn chẳng buồn nhắc đến nó nữa. Rốt cuộc thì cho đến khi rút quân năm 1973, súng ngắn M1911A1 vẫn là lựa chọn duy nhất để lính Mỹ mang M-79 tự vệ trong cự ly gần.

Tuy nhiên, sau chiến tranh Việt Nam, ý tưởng về 1 viên lựu phóng 40 mm có thể nổ ngay cự ly gần đã giúp thiết kế đạn M576 thử nghiệm thành công. Bên trong nó chứa 20 viên bi thép với tổng trọng lượng là 24 g. Khi rời nòng, ít nhất 13 trong số 20 viên này sẽ bắn ra theo một hình nón với đường kính đáy 1,5 mét ở cự ly 40 mét. Vận tốc rời nòng là 268 m/giây. M576 hiện là đạn cận chiến chính thức cho các dòng súng phóng lựu M79 , M203 , M320 và M32 của quân đội Mỹ.

III. Băng đạn nhựa

Từ năm 1966 đến 1969, LWL cũng đã nghiên cứu phát triển một băng đạn nhựa nhẹ cho súng trường M16A1. Mặc dù các băng đạn bằng nhôm thời điểm đó được dự định là dùng một lần, nhưng vẫn có giá thành tương đối cao. Người ta hy vọng rằng loại băng đạn nhựa sản xuất hàng loạt sẽ giúp giảm chi phí xuống. Quân đội Mỹ cũng xác định các lợi ích tiềm năng khác của băng đạn M16 bằng nhựa. 

Đầu tiên, băng đạn kim loại trong túi đeo thường va chạm nhau, tạo ra tiếng ồn có thể khiến một đơn vị lộ diện, đặc biệt là vào ban đêm. Môi trường rừng rậm ẩm ướt ở Việt Nam cũng gây ra sự hoen gỉ. Cuối cùng, khi người lính tháo băng đạn rỗng ra bỏ đi, nó sẽ cung cấp cho quân du kích một nguồn nhôm để chế tạo mọi thứ, bao gồm cả mìn và bẫy. Tuy nhiên công nghệ thập niên 1960 chưa thể tạo ra loại nhựa bền và giá rẻ đủ thay thế nhôm, nên dự án này bị đình chỉ. Phải đến thập niên 1980 mới có băng đạn nhựa trong giá rẻ, cho phép người lính quan sát được số đạn trong băng.

IV. Vũ khí Liên Xô giảm thanh

MACV-SOG (Millitary Assistance Command, Vietnam – Studies and Observation Group – Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam) là một đơn vị bán quân sự bí mật, 4 nhiệm vụ cơ bản của nhóm là: cài cắm gián điệp và biệt kích xuống miền Bắc Việt Nam; tiến hành chiến tranh tâm lý; tiến hành các hoạt động ngăn chặn và quấy rối trên biển; và hoạt động thám báo chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.

Để phục vụ các hoạt động này, nhân viên MACV-SOG sử dụng các loại vũ khí giống của Liên Xô và khối XHCN viện trợ cho Việt Nam. Chương trình “Súng ngắn và súng trường giảm thanh” (SPAR) ra đời năm 1970 nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ bí mật đó.

Súng AK47 chỉ có một mẫu ống giảm thanh, còn súng ngắn Walther PPKS có 2 mẫu tương ứng với 2 cỡ nòng khác nhau. Sản phẩm đã được chuyển đến Việt Nam năm 1971 để thực chiến. Tuy nhiên kết quả cuối cùng của Dự án vẫn chưa được giải mật.