Trang chủ Kiến Thức Bàn về công mở nước của các Chúa Nguyễn

Bàn về công mở nước của các Chúa Nguyễn

Năm 1470, Lê Thánh Tông mang 25 vạn quân Nam chinh đại thắng, mở đất dứt khoát đến đèo Cù Mông và chia phần còn lại của Chiêm Thành thành ba nước nhỏ. Từ đây, vương quốc kình địch một thời của chúng ta chỉ là ba cái bóng mờ đợi tan.

Việc bành trướng tiếp theo của các chúa Nguyễn cơ bản là thực hiện kế sách “tằm ăn dâu”, “dân đi trước, làng nước theo sau”, rồi quân theo vào đàn áp kháng chiến yếu ớt, chính thức hóa việc lấn đất, làm công tác bình định, chứ hoàn toàn không phải dùng đến vũ lực to lớn như các thời trước. Năm 1611, Nguyễn Hoàng cho quân chiếm nước Hoa Anh mở vùng đất bây giờ là tỉnh Phú Yên. Đến năm 1697 thì ta lấy xong toàn bộ Chiêm Thành.

Việc mở Nam bộ hoàn thành năm 1759, và diễn tiến đại khái cũng như trên, tức nặng về phát triển kinh tế hơn hẳn chinh phục quân sự. Sở dĩ tránh được dụng binh qui mô trong đợt Nam tiến chót này, ấy là nhờ ta đã gặp ba cái may mắn thật là đặc biệt.

– Cái may thứ nhất là nước Chân Lạp đang mạt vận. Hoàng tộc lủng củng nội bộ hết sức nặng nề, đua nhau rước quân Việt vào giúp giành ngôi báu, kẻ được ngôi cắt đất làm quà tạ chúa Nguyễn. Ta có thể can thiệp rất dễ dàng, bởi binh lực Chân Lạp bấy giờ vô cùng suy nhược, có lần chỉ dùng 3.000 quân cũng bắt được vua! Do quân Xiêm cũng vào can thiệp, ta nhiều lần đụng độ với Xiêm, nhưng không trên một qui mô gần so sánh được với chiến sự Đại Việt – Chiêm Thành trước kia.

– Cái may thứ hai là Thủy Chân Lạp (tức Nam bộ) là đất tương đối kém giá trị đối với Chân Lạp, do đó mới bị cắt làm quà dễ dàng. Vì một số lý do lịch sử và địa lý, tuy sau khi Phù Nam diệt vong thì chính thức thuộc về Chân Lạp nhưng đất ấy rút cuộc chưa bao giờ có nhiều người Chân Lạp ở và việc khai thác tài nguyên cũng hạn chế nên không trở thành một nguồn lợi quan trọng. Người Chân Lạp sống đông nhất ở vùng Ba Thắc (Sóc Trăng), Cần Thơ, Trà Vinh, nhưng họ chọn ở “trên đất giồng cao ráo” chứ không lao xuống sình lầy mênh mông để khai khẩn cho thành ruộng vườn, và dân số tổng cộng cũng không bao nhiêu: “Khi lưu dân Việt và vong thần người Hoa đến đây vào thế kỷ XVII (thì miền Tây) là vùng đất hoang (chỉ có) một số ít người Khmer lưu trú”. Nhờ họ “để dành” cái công khai phá vỡ hoang lại cho tổ tiên ta, mà Sơn Nam mới có nguồn để viết nên “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”!

– Cái may thứ ba. Nhờ một số quan nhà Minh không chấp nhận triều Thanh, bỏ Trung Quốc chạy xa xuống phía Nam lập nghiệp, mà kinh tế ở một số địa phương thuộc Thủy Chân Lạp đã sớm phát triển. Những địa phương này rồi được dâng cả cho chúa Nguyễn. Tự dưng có người bên Tàu chạy qua đất của Chân Lạp bỏ công của ra mở mang, xong đem hiến cho Việt Nam, chẳng tuyệt vời sao!

* Tổng kết: 9 đời chúa Nguyễn có công mở mang bờ cõi nước ta từ Phú Yên tới mũi Cà Mau trong một thời gian tương đối ngắn, ấy là nhờ tận dụng tối đa những điều kiện chủ quan và khách quan thời đó, nhất là nền móng các triều đại trước để lại và tình hình rối ren ở Chân Lạp.

Theo TuanbaoVanngheTPHCM