Trang chủ Kiến Thức Chính sách văn hóa của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa đối...

Chính sách văn hóa của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (1954-1963)

Chính sách Thượng vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa thể hiện công khai chính sách Dân tộc hóa trên tất cả các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội nhằm đưa các dân tộc thiểu số hòa nhập vào cộng đồng quốc gia dưới sự quản lý thống nhất của chính quyền Trung ương. Về văn hóa, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa dưới hình thức Kinh hóa.

Chính sách đó thể hiện qua văn bản: Phiếu tóm trình của ông Giám đốc Nha công tác xã hội miền Thượng “Kế hoạch đồng hóa Kinh Thượng” với mục đích nêu rõ:

– Giúp công cuộc cải tiến dân sinh Thượng nhanh chóng đạt kết quả
– Tiến tới chỗ xóa bỏ sự phân biệt Kinh & Thượng
– Chủ trương Kinh & Thượng bình đẳng và đoàn kết
– Chủ trương đồng tiến xã hội của chính phủ

Kế hoạch này cũng đề ra ba mục tiêu và phương thức thực hiện:

1/ Đồng hóa ngôn ngữ

– Thống nhất, phát triển, hướng dẫn và kiểm soát việc giáo dục và dùng chuyển ngữ tại các vùng Thượng.
– Chỉ thị các trường tư thục do các giáo sĩ thành lập bỏ dần việc dạy chữ Thượng và theo đúng chương trình dạy bằng chữ quốc ngữ do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định.
– Khuyến khích và phát động phong trào học tiếng Thượng trong các giới chức và cán bộ phục vụ tại vùng Thượng.
– Phát động, thúc đẩy phong trào học tiếng Kinh trong các giới chức, quân nhân và cán bộ Thượng.
– Soạn thảo các loại sách sơ cấp, trung cấp và phổ thông cho đồng bào Thượng biết đọc, biết viết quốc ngữ.
– Vận động khuyến khích việc đổi tên thôn, xóm, xã, tổng và tính danh người.


2/ Đồng hóa sinh hoạt


– Mở mang đường sá giao thông từ các thị trấn đến các buôn, xã Thượng.
– Khuyến khích và tạo hoàn cảnh để đồng bào Kinh & Thượng có nhiều dịp gặp gỡ nhau (thăm viếng, trao đổi văn hóa, thể thao, v.v…).
– Khuyến khích các gia đình Kinh đến lập nghiệp tại các làng Thượng.
– Định cư làng Kinh xen kẽ làng Thượng.
– Lập những khu dinh điền hỗn hợp Kinh Thượng.
– Khuyến khích và giúp đỡ đồng bào Thượng về sinh cơ lập nghiệp tại các vùng đồng bằng và thị trấn.
– Phân tán các công chức và quân nhân Thượng đi phục vụ ở các vùng đồng bằng. – Khuyến khích và giúp đỡ hoạt động các nhà truyền giáo.
– Vận động cải tiến phong tục tập quán

3/ Đồng hóa nhân chủng


Việc này tự nhiên sẽ đến sau việc đồng hóa ngôn ngữ và đồng hóa sinh hoạt. Tuy chậm nhưng mang lại nhiều kết quả trên đường đồng hóa dân tộc. Khi Kinh cũng như Thượng đều nói một thứ tiếng, đều có một lề lối sinh hoạt như nhau, không có sự phân biệt nữa thì sự kết hôn giữa thanh niên nam nữ Kinh & Thượng sẽ không tránh được. Nếu được theo dõi khuyến khích thì sự đồng hóa nhân chủng sẽ thực hiện nhanh chóng hơn.

Mặc dù đây chưa phải là văn kiện chính thức của nhà nước nhưng qua đó cho thấy, chính sách đồng hóa, thực chất là Kinh hóa được tiến hành trên các phương diện ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa và nhân chủng và trên thực tế chính sách này đã được triển khai trong quá trình thực hiện. Thực hiện chính sách nêu trên, Giám đốc Nha công tác xã hội miền Thượng kính gửi ông Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đề nghị ông Bộ trưởng chỉ thị cho các tỉnh:

1/Khuyến khích đồng bào Thượng ăn mặc như đồng bào Kinh.

2/Cấm dùng hẳn việc dùng y phục cổ xưa và hở hang trong các cuộc nghênh đón cũng như các dịp tiếp xúc chính thức với các quan khách trong nước và ngoại quốc…

Đồng thời bắt buộc các chủ làng và phó chủ làng khi đi họp tại tỉnh hay quận phải bận quốc phục (dù là quần áo ngắn) để làm gương cho dân làng. Song song với công tác đó, những đoàn tiếp đón lưu động của Nha công tác xã hội miền Thượng sẽ giữ nhiệm vụ bán quần áo với giá rẻ cho đồng bào Thượng. Như vậy, Nha chúng tôi tin tưởng đồng bào Thượng sẽ sớm dùng quần áo như người Kinh và dần dần bỏ hẳn lối đóng khố, quần vải hở hang.

Thực hiện chính sách trên, Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống có công văn gửi các tỉnh trưởng về việc phục sức của đồng bào Thượng trong đó nêu rõ:

“Như quý ông đã biết, đồng bào Thượng thường ăn mặc hở hang, không được lịch sự. Tổng thống đã chỉ thị cho Trưởng Mỹ thuật nghiên cứu kiểu áo xống cho người Chàm, người Thượng, lựa một vài kiểu thông dụng và đẹp rồi tổ chức một số cơ sở dệt quần áo bán rẻ cho họ dùng, đồng thời bảo tồn dấu tích của họ. Trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu này, tôi trân trọng yêu cầu quý tòa hãy khéo léo khuyên đồng bào Thượng ăn mặc chỉnh tề hơn”.

Thực hiện chỉ thị trên Đổng lý văn phòng Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống gửi ông Đổng lý văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục về việc tổ chức một số cơ sở dệt bán áo xống cho đồng bào Thượng và nhắc ông Giám đốc Trường Kỹ thuật thi hành và phúc trình Tổng thống.

Thực hiện chỉ thị của Phủ Tổng thống, các địa phương đã thi hành chủ trương trên và báo cáo kết quả thực hiện. Công văn Tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa đã gửi ông Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đã thông báo:

“… Hiện nay đồng bào Thượng tỉnh Khánh Hòa không còn ăn mặc hở hang như trước nữa: đàn ông thì mặc áo bà ba, đàn bà thì áo cụt hoặc áo dài với quần dài theo kiểu người Kinh. Có nơi thì đàn bà mặc chăn (váy) như đàn bà thôn quê miền Bắc. Cũng có nơi thanh niên cũng biết áo chemise và quần âu. Nay nghiên cứu áo quần bán cho họ thì phải làm thế nào cho rẻ, để khuyến khích họ mua dùng: ví dụ một cái áo độ 30đ và một cái quần 15đ thôi”

Ở Đắc Lắc có đa số người Ê-đê sinh sống, tỉnh trưởng đã bắt người dân muốn vào thành phố phải bận quần dài, áo sơ mi, trang phục như người Việt. Các nhân sĩ Thượng, chính quyền bắt phải mặc khăn đóng, áo dài như quan chức người Việt. Ở Pleiku, người Gia-rai phải cất nhà trệt như người Kinh, không được làm nhà sàn trên cột gỗ hay cột tre.

Đặc biệt, chính quyền Diệm bắt đổi tên địa danh Thượng thành địa danh Việt, bãi bỏ tên cũ cổ truyền của các địa phương Tây Nguyên mang những địa danh mới theo bảng dưới đây:

Bảng 17. Thống kê địa danh truyền thống và địa danh theo cách gọi mới của các địa phương ở Tây Nguyên

(Nguồn: Lê Ngọc Thắng, Chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước Việt Nam, 2005, tr. 129)

Việc chính quyền khuyến khích người Thượng tiếp xúc và cư trú gần gũi và xen kẽ với người Kinh trong các khu dinh điền, một mặt nhằm tạo điều kiện cho cho người Thượng học hỏi người Kinh cách thức làm ăn, học tiếng Kinh để tiếp thu văn hóa mới tiến bộ, mặt khác chính chính sách này trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị về mọi mặt dễ gây nên cú sốc tâm lý đối với người Thượng dẫn đến mâu thuẫn Kinh – Thượng khi mà sự khác biệt văn hóa còn khá lớn kể cả những vấn đề kinh tế-xã hội khác. Cách làm nóng vội này dẫn đến không gian sinh tồn, không gian văn hóa xã hội truyền thống của người Thượng bị phá vỡ là nguy cơ dẫn đến sự đồng hóa văn hóa và đứt đoạn văn hóa với truyền thống của người Thượng.

Về đời sống văn hóa của cộng đồng người Thượng, chính quyền chủ trương khuyến khích, giúp đỡ đồng bào Thượng cải tiến cách sống (nhà cửa, quần áo, vệ sinh phòng bệnh), cách canh tác (dùng cày, bừa, dùng phân bón, v.v…), cách chăn nuôi súc vật nhằm nâng cao đời sống văn hóa của người dân. Tuy nhiên, đây là công việc phải tiến hành lâu dài với sự vận động giáo dục, thuyết phục để người dân hiểu và làm theo, chứ không thể áp đặt, mệnh lệnh thì hậu quả lại trái với sự mong đợi.

Nhìn chung, với tham vọng là muốn thay đổi nhanh chóng đời sống văn hóa của người Thượng hội nhập với văn minh mới, chính quyền Ngô Đình Diệm đã có những biện pháp cứng rắn, nóng vội không chú ý đến những điều kiện và hoàn cảnh sống cũng như bản sắc văn hoá của đồng bào Thượng, dẫn đến những hậu quả ngược lại không được sự ủng hộ của đồng bào và trí thức nhân sĩ người Thượng nên hiệu quả của chính sách mang lại là rất thấp.

(Nguồn: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KH&CN, TR.5-8, TẬP 18, SỐ X1-2015)