Trang chủ Kiến Thức Sự thật về cướp biển vùng Caribe trong lịch sử

Sự thật về cướp biển vùng Caribe trong lịch sử

Nhắc đến “Cướp biển vùng Caribe”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loạt phim điện ảnh đình đám. Tuy nhiên, trên thực tế, châu Mỹ thế kỉ 17 là thời đại hoàng kim của cướp biển.

Họ là những kẻ phiêu lưu, những nhà buôn, những chiến binh lão luyện. Lá cờ đen với chiếc đầu lâu trắng, rượu rum, và thịt muối ăn ngày này sang tháng khác.

Đại Tây Dương thế kỉ 17 là thiên đường của nghề cướp biển. Lúc này việc khai thác châu Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ. Những chiếc tàu buôn tấp nập chở nô lệ tới Tân Thế giới, và trở về châu Âu chất đầy vàng, đường, thuốc lá cùng các hàng hóa phong phú khác. Các nước châu Âu vẫn còn là chế độ phong kiến, các hoàng gia vẫn lệ thuộc vào các nhóm lính đánh thuê chứ chưa có quân đội chính quy. Cải cách tôn giáo diễn ra, đẩy châu Âu vào những cuộc chiến liên miên giữa các tín đồ Kitô với Tin Lành. Các yếu tố đó làm cho Đại Tây Dương gần như trở nên vô chính phủ và nạn cướp biển hoành hành. Họ thậm chí còn thiết lập nhiều “thánh địa cướp biển”: những thành phố như Tortuga, Nassau là nơi các nhóm hải tặc tự do đi lại và tiêu thụ hàng hóa cướp được.

Huyền thoại hải tặc Edward Thatch, biệt hiệu "Râu đen", một trong những cướp biển cuối cùng của thời đại hoàng kim. Sau khi cướp bóc vô số tàu thuyền trong khoảng thời gian 1715-1718, "Râu đen" cuối cùng bị giết trong một cuộc chạm trán với hải quân Anh. Truyện kể lại rằng ông đã trúng 5 phát đạn và 20 nhát chém mới chịu gục ngã.
Huyền thoại hải tặc Edward Thatch, biệt hiệu “Râu đen”, một trong những cướp biển cuối cùng của thời đại hoàng kim. Sau khi cướp bóc vô số tàu thuyền trong khoảng thời gian 1715-1718, “Râu đen” cuối cùng bị giết trong một cuộc chạm trán với hải quân Anh. Truyện kể lại rằng ông đã trúng 5 phát đạn và 20 nhát chém mới chịu gục ngã.

Có 2 loại hải tặc: những tay cướp biển thông thường (pirate) và các “thủy thủ tư nhân” (privateer). Các “thủy thủ tư nhân” này hoạt động như các nhóm lính đánh thuê, nhận tiền của chính phủ một nước để đi cướp phá tàu bè của nước khác. Nạn nhân chủ yếu của lực lượng này là các thuyền buôn Tây Ban Nha, thường xuyên bị chính phủ Anh, Pháp, Hà Lan thuê người để quấy nhiễu. Henry Morgan, một tay cướp biển dân xứ Wales, đã được phong tước hiệp sĩ nhờ những chiến tích của mình.

Thời đại của hải tặc kết thúc vào thế kỉ 18, khi các nước châu Âu bắt đầu xây dựng quân đội quốc gia và hạn chế sử dụng lính đánh thuê. Cướp biển trở thành những kẻ ngoài vòng pháp luật thật sự, và thường xuyên bị săn đuổi bởi hải quân ngày càng lớn mạnh của các nước. Năm 1718, Nassau, thánh địa cuối cùng của hải tặc, bị người Anh chiếm đóng. Cho dù thời đại hoàng kim đã kết thúc, cướp biển vẫn thỉnh thoảng được sử dụng như một công cụ chính trị, cho tới năm 1856, khi các nước phương Tây thông qua hiệp ước về luật hàng hải.

Những tay cướp biển của thế kỉ 17, qua thời gian đã trở thành một hình mẫu đặc sắc trong văn hóa đại chúng, được khai thác trong nhiều sản phẩm văn hóa, từ tiểu thuyết cho tới phim ảnh và game.