Trang chủ Kiến Thức Đãi ngộ vật chất và tinh thần của quan chức triều Nguyễn

Đãi ngộ vật chất và tinh thần của quan chức triều Nguyễn

Một trong những nguyên nhân cho sự tồn tại gần một thế kỷ rưỡi của triều Nguyễn là chính sách dùng người hiệu quả. Có thể chia làm 3 phần chính: tuyển chọn nhân tài qua con đường tiến cử và khoa cử, đãi ngộ thích đáng về vật chất và tinh thần, thưởng phạt nghiêm minh.

Khi đã tạo dựng được một đội ngũ những người có tài năng trên các lĩnh vực khác nhau, để sử dụng hiệu quả và phát huy đến mức cao nhất, triều đình Nguyễn đã ban hành hàng loạt chính sách liên quan, mà trong đó quan trọng bậc nhất là chế độ đãi ngộ, xét ở cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần.

I. VẬT CHẤT

Nhìn chung các triều đại của họ Nguyễn đều có thái độ ưu đãi với bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương, nhất là quan lại cao cấp. Vào cuối thời Gia Long đến đầu thời Minh Mệnh, mức lương hàng năm của một viên quan hàm chánh nhất phẩm là 600 quan tiền và 600 phương gạo (một phương bằng 1/2 hộc, một hộc gồm 26 thăng, một thăng tương đương 2,2 kg). Quan tòng nhị phẩm (tức Thượng thư Lục Bộ) được lĩnh 156 quan tiền và 156 phương gạo. Quan tòng bát phẩm (ở các tỉnh, phủ huyện) lĩnh 18 quan tiền và 18 phương gạo mỗi năm.

1 quan là 600 đồng tiền quý-cổ tiền

Để so sánh mức sống, có thể lấy giá thóc ở nước ta khi đó làm mốc:

  • Khu vực từ Nghệ An trở ra Bắc, giá 1 hộc to thóc tính theo ba thời kỳ (Gia Long, Minh mệnh, Tự Đức) lần lượt là 1 quan; 1,6 quan; 3 quan tiền (hộc thóc to ở đây khoảng 57 kg, một hộc gồm 26 thăng, một thăng tương đương 2,2 kg thóc)
  • Khu vực từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ, giá 1 hộc thóc to tính theo ba thời kỳ nói trên lần lượt là 0,9 quan; 1,4 quan; 3 quan.
  • Khu vực Nam Bộ, giá một hộc thóc to tính theo ba thời kỳ nói trên lần lượt là 0,5 quan; 0,85 quan và 1,8 quan tiền.

Như vậy, nếu quy tiền lương ra thóc, thì thời Gia Long tính lương quan lại như sau:

  • Quan chánh nhất phẩm lĩnh 34 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), 37 tấn (nếu nhậm chức từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 68 tấn (nếu nhậm chức ở Nam Bộ).
  • Quan tòng nhị phẩm lĩnh 9 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), 9,5 tấn (từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 18 tấn (Nam Bộ).
  • Quan bát phẩm lĩnh 0,5 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), gần 0,6 tấn (từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 1 tấn (Nam Bộ).
Hộc thóc gạo loại nhỏ bằng gỗ ở Khánh Hòa, kích thước 26x 26 cm, bên ngoài đóng 2 thanh gỗ làm tay cầm. Loại hộc nhỏ 9kg này được dùng từ đầu thế kỷ 19 đến tận cuối thời kỳ bao cấp.

Đây là tiền mặt quy thóc, chưa tính số gạo họ được lĩnh. Sự chênh lệch thể hiện rất rõ ưu đãi của triều đình Nguyễn đối với quan lại cao cấp.

Ngoài tiền và gạo, quan văn và quan võ thời Nguyễn còn được hưởng lợi qua chế độ quân điền và lương điền:

  • Quân điền là chế độ phân phối ruộng đất công ở các làng xã, ban hành lần đầu tiên năm 1804. Theo đó quan văn, võ từ nhất phẩm đến tòng cửu phẩm được chia ruộng từ 18 phần đến 8 phần, binh lính các hạng từ 7-7,5 phần. Trong khi đó dân đinh cao nhất cũng chỉ được 6,5 phần mà thôi. Đến thời Minh Mệnh, do kiến nghị của nhiều quan lại, nhà vua mới giảm phần ruộng chia của tất cả xuống bằng dân đinh.
  • Lương điền (ruộng lương) ban hành lần đầu tiên năm 1806 và mở rộng năm 1809 tùy theo cấp bậc, ví dụ cấm binh được chia 1 mẫu ruộng, tòng cấm binh và tinh binh được chia 9 sào, tòng tinh binh 8 sào…..

Ngay cả người đi học cũng có lương, sinh viên Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế được cấp mỗi tháng 4 quan tiền, 3 phương gạo và 5 cân dầu. Nếu thi khảo hạch cuối kỳ mà lĩnh hạng ưu hai khóa liên tục, thì được tăng thêm 1 quan tiền và 2 phương gạo hàng tháng.

II. TINH THẦN

Năm 1807, Gia Long định lệ cấp mộ phu cho các công thần khi chết. Trước đó 1 năm, triều đình đã định lệ cấp tiền tuất như sau:

  • Chánh nhất phẩm 400 quan
  • Tòng nhất phẩm 300 quan
  • Chánh nhị phẩm 200 quan
  • Tòng nhị phẩm 100 quan
  • Chánh tòng cửu phẩm 5 quan
  • Lính và thợ ở các công sở 3 quan

Việc tang lễ của các quan lại cũng rất được chú ý. Thời Minh Mệnh, quan hàm chánh phẩm qua đời phải có 300 lính và 6 suất đội đi đưa đám; con số này giảm dần đến hàm cửu phẩm.

Không chỉ bản thân quan lại mà cha mẹ vợ con họ cũng được phong ban phẩm cấp. Năm 1826, triều đình quy định cha mẹ quan lại được phong phẩm hàm theo con cái nhưng kém con hai cấp. Từ đây, người thân quan võ hàm chánh tòng nhất phẩm được phong tặng đến ba đời, chánh tòng nhị phẩm 2 đời, chánh tòng tam phẩm phong tặng 1 đời.

Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục, quan Tổng đốc Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình năm 1907

Còn đối với quan văn, bố đẻ quan hàm chánh nhất phẩm được phong hàm thượng thư, mẹ đẻ phong chánh nhị phẩm phu nhân, ông được phong là thiên phủ sự thiêm sự, bà phong chánh tam phẩm thục nhân.

Năm 1847, vua Thiệu Trị định lệ cho con cháu quan viên được tập ấm. Năm 1847, nhà vua lại chuẩn định việc phong ấp cho các quan lại theo thứ bậc: công, hầu, bá, tử , nam. Kiểu phong ấp thời Nguyễn khác thời Lý, Trần ở chỗ nó không có ý nghĩa kinh tế (thời Lý Trần, quan có quyền thu tô thuế trên ruộng đất mà mình được phong). Thời Nguyễn, người được phong tước công thì chỉ được lấy tên phủ nơi mình được phong làm đầu tên mà thôi, cứ như thế, tước hầu thì lấy tên huyện (ví dụ ấp phong ở huyện Phù Ly thì được gọi là Phù Ly hầu), tước bá lấy tên tổng, tước tử lấy tên xã, tước nam lấy tên thôn.

Tham khảo: “Chế độ ruộng đất – kinh tế nông nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19”, Vũ Văn Quân, luận án Phó tiến sĩ sử học, 1991.