Có thể bạn chưa biết, thuộc địa cuối cùng ở châu Âu hiện nay là Gibraltar. Đây là vùng lãnh thổ thuộc Bán đảo Iberia, có diện tích 6,5 km2 với khoảng 30.000 dân và nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải từ phía Đại Tây Dương.
Từ năm 1462, Gibraltar trở thành lãnh thổ ở cực nam Tây Ban Nha và còn được gọi là Peñon (mỏm đá). Đến năm 1700, cái chết của vua Carlos II Tây Ban Nha mở ra một thời kỳ chiến loạn tại châu Âu đồng thời là nguyên nhân gián tiếp khiến Gibraltar tuột khỏi tay Madrid.
Do không có con, Vua Carlos II trước khi qua đời đã trao quyền kế vị cho một người cháu bên họ ngoại của mình là Philippe, Công tước xứ Anjou.
Vấn đề ở chỗ đây cũng là cháu trai vua Pháp Louis XIV. Do Philippe có quyền kế vị ngai vàng của cả 2 nước, nên trong tương lai sẽ hình thành một quốc gia hợp nhất Pháp-Tây Ban Nha với nhiều thuộc địa rộng lớn ở châu Mỹ và châu Á.
Không nước nào ở châu Âu có thể đương đầu với siêu cường này, nên một liên minh của Áo – Anh – Hà Lan – Phổ – Bồ Đào Nha được cấp tốc lập nên để ngăn cản nó ngay từ điểm khởi đầu. Mang tên Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, đây được xem là một trong những cuộc đại chiến quy mô thế giới, lan tới cả những thuộc địa xa xôi ở châu Mỹ. Sau 13 năm đánh nhau liên miên với khoảng 700.000 người chết, liên quân đồng ý để Philippe tiếp tục làm vua Tây Ban Nha với điều kiện ông này phải bỏ tư cách kế vị ở Pháp.
Hòa ước Utrecht ký năm 1713 quy định Gibraltar chính thức trở thành thuộc địa của Anh. Suốt 300 năm qua, quan hệ song phương Anh – Tây Ban Nha không ít lần nguội lạnh vì vấn đề này. Tây Ban Nha luôn tìm dịp đòi lại Gibraltar, trong khi Anh không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khẳng định chủ quyền. Tây Ban Nha từng nhiều lần tìm cách giành lại Gibraltar bằng vũ lực nhưng đều bất thành, nổi bật là 2 cuộc tấn công lớn vào các năm 1727 và 1779.
Hai nước nhất quyết không ai nhường ai vì tuy “bé hạt tiêu” nhưng Gibraltar nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại.
Được bao quanh bởi nhiều quốc gia của châu Á, châu Phi và châu Âu, nên Địa Trung Hải là vùng biển gần như khép kín, chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất là Gibraltar. Do đó, đây là một trong những tuyến giao thông hàng hải có lưu lượng tàu bè cao nhất thế giới.
Năm 2012, trong lúc Anh tăng trưởng 0,2%, Tây Ban Nha suy thoái 1,4% thì Gibraltar thảnh thơi với GDP tăng 7,8% và hầu như không biết khái niệm thất nghiệp là gì. Bán đảo này được xem là “thiên đường thuế” nên cũng thu hút được nhiều công ty nước ngoài. Ngay chính người dân Gibraltar cũng không muốn quay về với Tây Ban Nha vì họ sợ sẽ phải đóng thêm nhiều khoản thuế. Theo kết quả trưng cầu năm 2002, gần 99% cử tri tại đây phản đối việc Tây Ban Nha chia sẻ chủ quyền với Anh tại Gibraltar.
Nước Anh luôn viện dẫn ý nguyện của dân chúng Gibraltar không chịu trở về Tây Ban Nha , giống y như lý do mà Nga lấy để sáp nhập Crimea từ Ukraine, đó là “không thể từ chối nguyện vọng của người dân sống ở đây”. Phần lớn dân Crimea có quốc tịch Nga, cũng như phần lớn dân Gibraltar có quốc tịch Anh. Thành ra dù là đồng minh quan trọng của Mỹ, nước Anh chỉ ”nói nhỏ nhẹ” khi nhắc đến vụ sáp nhập Crimea mà thôi.