Trang chủ Kiến Thức Khẩu phần quân sự trong Thế chiến thứ nhất (phần 2)

Khẩu phần quân sự trong Thế chiến thứ nhất (phần 2)

Khi những viên đạn đầu tiên được bắn ra, Bộ Chiến tranh Pháp cũng như mọi quốc gia ở châu Âu không hề tính đến một cuộc chiến dằng dai. Kế hoạch hậu cần vẫn y như cũ. Các đơn vị quân đội Pháp vốn được đào tạo để chiến đấu và tự túc mọi thứ ở cấp đại đội hoặc tiểu đoàn, ngay lập tức bị choáng ngợp.

Cơ cấu tổ chức khi đó dựa trên sự vận động linh hoạt. Một lính bộ binh cũng có thể là đầu bếp, lao công, hậu cần và bảo trì, mọi người tự phân công để luân phiên thay thế nhau trong những lĩnh vực không yêu cầu chuyên gia. Với các khu đồn trú hoặc trong các cuộc thao diễn, cơ cấu này tỏ ra hoạt động hiệu quả. Có một khẩu phần ăn khẩn cấp nhưng hầu như chẳng ai đụng đến nó trừ binh đoàn Lê dương ở những nơi hẻo lánh xa xôi, mà thường bị lính tráng coi là chuyện cổ tích.

Và rồi, Pháp tăng 823.000 quân thời bình lên con số khổng lồ 3.723.000 lính và sĩ quan khi chiến tranh bắt đầu. Hệ thống hậu cần cũ kỹ với chủ yếu các nhà cung cấp nước ngoài, phần nhỏ sản xuất trong nước và nhập khẩu thuộc địa, lập tức bị quá tải. Để tình hình thêm trầm trọng, các lực lượng bên ngoài ùn ùn kéo vào đất Pháp như Đức (700.000 lính thời bình đã tăng lên 2.8 triệu thời chiến), quân các thuộc địa Pháp, lính Bỉ chạy sang tị nạn, quân Anh và các đồng minh, lực lượng tình nguyện quốc tế.

Phản ứng một cách chậm chạp với vô số than phiền về thiếu hụt thực phẩm, Bộ Chiến Tranh Pháp đến đầu năm 1915 mới ban hành các quy định về một hệ thống cung cấp, định mức calo hàng ngày, khái niệm mới về bếp dã chiến, chuỗi cung ứng và nấu nướng ở tuyến sau, thực phẩm chín sau đó sẽ được đưa đến chiến hào trong các hộp thiếc vận chuyển lớn có khung đeo tương tự ba lô. Trước thời điểm này, việc có bữa ăn nóng ở tiền tuyến khá xa xỉ với các bếp xây tạm thời ở cấp trung đội. Lính Pháp chủ yếu sống bằng bánh mì tươi, trái cây, rượu và xúc xích, và cũng không có tiêu chuẩn cao hơn cho những người đang chiến đấu.

Vận chuyển thực phẩm nóng, tranh vẽ khoảng năm 1916

Đến năm 1916, khẩu phần của quân Pháp đã được chia hoàn toàn thành ba loại riêng.

1. Trong căn cứ

Trong điều kiện hậu cần hoàn hảo, hàng ngày mỗi lính ở tuyến sau được cấp:
– 750g bánh mì tươi

– 400g thịt tươi hoặc thịt chế biến

– 50g thịt xông khói

– 60 g bột mì hoặc gạo
– 24g cà phê

– 32g đường

– 24g muối

– 500 ml rượu vang đỏ chất lượng thấp (có thể thay bằng bia, rượu táo hoặc rượu cognac)

– 14g thuốc lá (tự cuốn)

Mỗi đơn vị đồn trú sẽ nhận được số thực phẩm đủ dùng cho 14 ngày. Thức ăn nhìn chung là chấp nhận được, đặc biệt nóng sốt là yếu tố gần như quyết định. Lính Pháp phục vụ ngoài chiến hào thời gian dài có thể sẽ được luân chuyển về tuyến sau nghỉ ngơi.

2. Khi chiến đấu

Trong điều kiện hậu cần hoàn hảo, hàng ngày mỗi lính ở tuyến đầu được cấp:
– 750g bánh mì tươi

– 450g thịt tươi hoặc thịt chế biến

– 50g thịt xông khói

– 100 g bột mì hoặc gạo
– 36g cà phê

– 48g đường

– 24g muối

– 500 ml rượu vang đỏ chất lượng thấp (rượu mạnh có thể được cung cấp trước khi xung phong)

– 14g thuốc lá (tự cuốn)

Súp dù được nấu ở các khu bếp dã chiến gần chiến hào nhất có thể, thường đã nguội khi vận chuyển đến nơi. Việc đeo hay xách các ca súp rất nguy hiểm, đôi khi hơn cả bộ binh chiến đấu, do người vận chuyển phải chạy trên khu vực bằng phẳng nằm trong tầm bắn của pháo binh đối phương. Bánh mì không có giấy gói nên thường phải cạo bụi bẩn mới ăn được, và cá muối thường bị kêu ca là quá mặn.

3. Dự trữ

Có thể coi như “khẩu phần Sắt” của Pháp, đóng hộp kín và có thời hạn bảo quản lâu, sử dụng khi đơn vị không thể tiếp cận với nguồn cung thông thường. Dù thỉnh thoảng bị đánh giá là chất lượng kém, nhưng nhìn chung khẩu phần dự trữ của Pháp được đánh giá là ngon và nguồn cung dồi dào hơn của Anh.

– 500g bánh mì hoặc bánh quy cứng

– 300g thịt hộp

– 50g bột súp khô

– 160g trái cây sấy khô

– 36g cà phê

– 80g đường

– 15g sôcôla
– 60 ml rượu mạnh hoặc rượu rum

– 14g thuốc lá (tự cuốn)

Như vậy, mỗi ngày, khoảng 10 tấn thịt và 14 tấn bánh mì sẽ được vận chuyển đến cho 20.000 người. Rượu hàng ngày từ 250 ml thời điểm 1914 đã tăng lên 500 ml năm 1916 và ổn định cho đến đầu năm 1918, khi các chỉ huy cho rằng lính nên được uống nhiều hơn nữa và tăng lên 750 ml. Trừ khẩu phần dự trữ, không thấy định mức rau, có lẽ linh hoạt tùy theo điều kiện hậu cần. Thông thường, một người lính có thể mang theo khẩu phần chiến đấu và khẩu phần dự trữ, mỗi loại đủ cho 2 ngày. Tuy nhiên, trong trận Verdun, không hiếm người mang theo khẩu phần tổng đủ cho 8 ngày và đeo thêm vài lít nước.

(Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: ca đựng súp bằng sắt có nắp đậy, nắp ca, thìa và nĩa, bếp cá nhân đun bằng viên nhiên liệu – có thể đun sôi cốc nước trong 5 phút, bát cá nhân có nắp buộc xích, bình đựng nước cá nhân, cối xay cà phê hiệu Klepper mẫu 1896, dao khui đồ hộp, cốc nước tự chế trong chiến hào, bình pha cà phê dã chiến) 

Bình nước có trọng lượng rỗng 550g và chứa được tối đa 2 lít nước. Có viên lọc nước để phòng trường hợp không có điều kiện đun sôi.

Điều đáng chú ý là không có dao. Điều này thực tế không gây bất tiện lắm vì hầu hết lính Pháp xuất thân từ vùng nông thôn và đã có sẵn một con dao cá nhân không bao giờ rời khỏi người. Hơn nữa, các cửa hàng quân đội hoặc những đội buôn thường xuyên ghé qua căn cứ, cung cấp nhiều mẫu vật dụng khác nhau để chọn lựa.

4. Khẩu phần ngoài định mức

Dĩ nhiên, như tất cả các đội quân tại bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ cuộc chiến nào, lính Pháp cũng có những nguồn cung thực phẩm khác.

Một lính Pháp với 2 ổ bánh mì nướng hình tròn, ảnh trong một tấm bưu thiếp in tháng 5 năm 1915 từ vùng Seine-Maritime



Họ có thể nhận đồ tiếp tế từ gia đình, bạn bè, hội nhóm, nhà máy, trường học và các quỹ hỗ trợ chiến tranh. Dù ít hỏi, những gói tiếp tế có xu hướng chứa những món ngon hiếm thấy ở chiến trường, chẳng hạn như cà phê hảo hạng, sôcôla và rượu, các loại thịt và cá đóng hộp chất lượng cao hơn hàng quân sự, và thuốc lá gói.

Các đoàn buôn cũng thường chở hàng đến các khu vực thuộc tuyến sau, với các mặt hàng rất được ưa thích như đồ hộp, thuốc lá thơm, kẹo cứng, bánh mì tươi và bánh ngọt.

Thú nhỏ thỉnh thoảng có thể săn là chuột và mèo. Trong cuốn tự truyện có tên “La Main coupée”, nhà văn Blaise Cendrars (1887-1961) kể lại: “Garnero là một thợ săn khéo léo và một đầu bếp giỏi. Anh ấy không thể nhìn một con mèo chạy qua mà không gửi tặng một viên đạn súng Lebel, và anh ấy đã chuẩn bị nó cho chúng tôi như một món súp hầm. Chúng tôi ăn món đó hai, ba lần một tuần! Tất cả mèo đi lang thang trong những tàn tích bỏ hoang của các ngôi làng tiền tuyến đều có kết thúc trong nồi của Garnéro, và mọi người rất thích điều này.”

Đáng chú ý, gần như không có ghi nhận trường hợp lính Pháp trộm cắp thực phẩm của dân thường. Thứ nhất, họ đang chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương mình, cố gắng bảo vệ dân khỏi sự cướp bóc của quân Đức. Thứ hai là người dân đã ủng hộ bằng cách chia sẻ tất cả những gì có thể với quân đội. Thứ ba, kỷ luật hà khắc và các tòa án quân sự bảo đảm mọi hành vi “suy đồi đạo đức” bị xử phạt nghiêm khắc, nên nói chung rất hiếm người dám làm liều để rồi sau phải đứng đối mặt với đội xử bắn.

Các đồng minh đánh giá cao ẩm thực Pháp. Lính Anh mô tả thức ăn của đồng nghiệp với sự kỳ lạ và phong phú. Nhiều quán ăn New York ngày nay có lịch sử từ thời Thế chiến I, do lính Mỹ từ châu Âu về lập ra, với thực đơn vẫn ghi nguyên công thức súp, bánh mì và cà phê Pháp của 100 năm trước.