Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày này năm xưa (4/6/1942): Hải chiến Midway, người Mỹ đảo ngược...

Ngày này năm xưa (4/6/1942): Hải chiến Midway, người Mỹ đảo ngược thế cờ

Tàu chiến Mỹ tham chiến trong trận Midway. Ảnh: REUTERS
Tàu chiến Mỹ tham chiến trong trận Midway. Ảnh: REUTERS

Midway là trận chiến có tính quyết định của Mỹ với đế quốc Nhật tại chiến trường Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau bốn ngày giao tranh ác liệt trên không và trên biển (từ ngày 4 đến 7-6-1942), trận chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về phía Mỹ, từ đó đảo ngược thế cờ trước hải quân Nhật, vốn được coi là “bất khả chiến bại”. Trận chiến này được tái hiện toàn cảnh lại qua bộ phim “Midway” của đạo diễn Đức Roland Emmerich cuối năm 2019. 

Giăng bẫy

Đảo Midway nằm cách bờ biển San Francisco (Mỹ) khoảng 5.200 km, cách Tokyo (Nhật) khoảng 4.100 km. Diện tích chỉ 6,2 km2 và được bao quanh bằng những rạn san hô, nhưng trong thế chiến hai, Midway có vị trí quân sự quan trọng với Mỹ, vì là nơi tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương, là tiền đồn bảo vệ vùng duyên hải phía tây của Mỹ. 

Theo trang History.com, từ bức điện của một sĩ quan hải quân thuộc Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ gửi đi ngày 20-5-1942 được tình báo Nhật Bản ở Tokyo thu thập và giải mã, với nội dung “Chúng tôi chỉ còn đủ nước trong hai tuần nữa, vui lòng bổ sung lập tức”, Nhật Bản lên kế hoạch tiến công Midway, hy vọng tiêu diệt Hạm đội Mỹ Thái Bình Dương, đồng thời sử dụng hòn đảo làm bàn đạp nhằm mở rộng tiến công Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tin nhắn trên là một cái bẫy được tình báo Mỹ giăng ra. Thực tế, Midway không thiếu nước ngọt. Cuộc chiến tình báo này đã giúp Mỹ có một khởi đầu chủ động trong trận chiến, tạo bước ngoặt ở chiến trường Thái Bình Dương. Như lời Frank Brazi, chuyên gia lịch sử quân sự tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Smithsonian (Mỹ), trận chiến một lần nữa điều chỉnh sự cân bằng lực lượng, mang lại cho quân Mỹ không gian và thời gian chuẩn bị thêm lực lượng.

Chỉ huy Hạm đội Liên quân Nhật Bản, Đô đốc Yamamoto Isoroku tin rằng cuộc tiến công vào Midway sẽ buộc Mỹ phải điều binh hỗ trợ từ Trân Châu Cảng, qua đó có thể lôi kéo Hạm đội Mỹ vào một cuộc phục kích. Nếu kế hoạch tác chiến của Nhật Bản thành công, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mất hiệu quả chiến đấu trong ít nhất một năm, trong khi Nhật Bản cũng sẽ có thêm một tiền đồn để cảnh báo bất kỳ mối đe dọa nào có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc chiếm Midway sẽ là bước chuẩn bị cho các chiến dịch kế tiếp ở Fiji và Samoa, đồng thời thúc đẩy chiến dịch đánh chiếm Hawaii. Nếu người Nhật thành công trong mục tiêu Midway, vùng phía đông bắc của vành đai Thái Bình Dương sẽ là vùng không có nguy cơ đối với Hải quân Nhật Bản. Nhờ vậy, chiến dịch Midway, cũng như cuộc tiến công Trân Châu Cảng sẽ mở ra con đường tạo sức mạnh chiến lược ở Thái Bình Dương, để người Nhật có thể rảnh tay thành lập vùng bá chủ của họ, được gọi là khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. 
 
Tuy nhiên, kế hoạch của quân Nhật có những sai lầm chết người, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ hiểu cách Nhật sẽ hành động. Người Nhật cho rằng, tàu sân bay Mỹ Yorktown bị hư hại trước đó không còn sử dụng được, song con tàu khổng lồ này đã ở lại Trân Châu Cảng trong hai ngày để hoàn thành sửa chữa, sau đã âm thầm trở lại chiến đấu. Chuyên gia Frank Brazi chỉ ra, Hạm đội Nhật Bản “công mạnh nhưng thủ yếu”. Ông ví Hải quân Nhật như một “võ sĩ có chiếc cằm thủy tinh, có thể tạo ra những cú đấm nặng nề nhưng không thể chịu được những cú đánh trả”, và các sĩ quan cấp cao của Nhật Bản thường tuân theo chiến thuật chính xác đã được thử và kiểm tra một cách cứng nhắc, không biết cách học hỏi kinh nghiệm từ các trận chiến gần đây.

The Wall Street Journal cho biết, tháng 11-2019, trận hải chiến nổi tiếng Midway đã được tái hiện trong bộ phim cùng tên. Bối cảnh trận chiến trong phim được bắt đầu ngày 4-6-1942, nhưng các ghi chép lịch sử cho thấy chiến sự giữa Mỹ và Nhật Bản diễn ra vào chiều 3-6, khi một số máy bay ném bom hạng nặng B17 Flying Fortress tiến hành các cuộc không kích không thành công vào hạm đội chủ lực của Nhật Bản. Sáng sớm hôm sau, bốn tàu sân bay của Nhật gồm Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu đã phóng đi 108 máy bay chiến đấu để tiến công đảo Midway. Gần như cùng lúc, cuộc phản công của quân đội Mỹ bắt đầu với việc điều 41 máy bay tiến công ngư lôi từ ba tàu sân bay lớn. 

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, quân đội Mỹ đã mất 35 máy bay, trở thành mục tiêu của hỏa lực pháo binh và chiến đấu cơ hộ tống nhanh trên tàu Nhật Bản. Chiến sự tiếp diễn ác liệt và có lợi cho Hải quân Mỹ vào những giờ sau đó, khi hàng chục máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless trên tàu sân bay USS Enterprise (CV-6) của Mỹ đã giáng một đòn quyết định vào Hạm đội Nhật Bản. Là chiến đấu cơ độc đáo trong Chiến tranh thế giới thứ 2, không giống như máy bay tiến công ngư lôi tầm thấp, máy bay ném bom bổ nhào thường xuất hiện từ độ cao 6.000 m và ném bom vào mục tiêu với tốc độ từ 400 – 500 km/h. Máy bay ném bom đã phá hủy tàu sân bay Kaga, sau đó là tàu Akagi. Máy bay ném bom từ tàu sân bay Yorktown cũng đánh trúng tàu Soryu. Đến trưa 4-6, tàu sân bay cuối cùng còn sót lại của Nhật Bản là Hiryu liên tiếp điều máy bay tiến công gây thiệt hại nặng cho tàu sân bay Yorktown, buộc quân đội Mỹ phải từ bỏ con tàu này.

Đến khoảng 3 giờ chiều 4-6, Hải quân Mỹ tiêu diệt tàu sân bay Hiryu cuối cùng của Nhật. Vài ngày sau đó, tàu ngầm và máy bay Mỹ tiếp tục truy kích quân Nhật. Tính đến thời điểm kết thúc trận chiến ngày 7-6-1942, Hải quân Nhật mất tổng cộng 3.057 người, bốn tàu sân bay, một tàu tuần dương, hàng trăm máy bay. Phía Mỹ mất 362 người, một tàu sân bay, một khu trục hạm, 144 máy bay. Cuộc tiến công của Nhật Bản ở Thái Bình Dương đã bị “trật bánh”, kế hoạch tiến đến New Caledonia, Fiji và Samoa bị phá sản, cán cân sức mạnh trên biển tại Thái Bình Dương bắt đầu thay đổi.

Bước ngoặt ở Thái Bình Dương

Trận chiến Midway làm suy yếu đáng kể khả năng tiến công của Nhật và mở đường cho cuộc phản công của Mỹ. Sau chiến dịch Guadalcanal vào tháng 8-1942, tình hình trên chiến trường Thái Bình Dương bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi cho bên đồng minh. Tuy nhiên, một cách khách quan thì chiến thắng của quân Mỹ không kỳ diệu như nhiều người nghĩ. Sử học Gordon Prange viết trong cuốn sách “Miracle at Midway” (tạm dịch: “Phép mầu ở Midway”) rằng, mặc dù quân Mỹ không áp đảo về số lượng như phía Nhật, nhưng các loại máy bay Mỹ lại hoàn thiện hơn, chỉ dựa vào lợi thế của tàu sân bay và căn cứ trên đảo cũng giúp Mỹ có lợi thế. Về phần mình, quân đội Nhật mắc phải bẫy phục kích do Mỹ giăng ra và không có sự chuẩn bị tốt nhất.

Sử học Laura Auer tại Bảo tàng Hải quân Hampton (Mỹ) chỉ ra rằng, quá trình huấn luyện và sự kiên trì, cùng tính chủ động của các phi công Mỹ đóng một vai trò tiên quyết trong chiến thắng Midway. Thêm vào đó, công tác tình báo hiệu quả của Mỹ, sự yếu kém và bị động của Hải quân Nhật Bản, thiếu sót về công nghệ cùng các yếu tố khác như môi trường, kỹ năng… đều góp phần tạo ra kết cục thua trận cho Hải quân Nhật. Sau đó, Hải quân Mỹ đã cân bằng lực lượng với đối phương trên phương diện về tàu sân bay và lần đầu có được thế có thể công kích trong cuộc chiến. Không lâu sau, Mỹ đánh đảo Guadalcanal, mở đầu cuộc chiến ác liệt tại quần đảo Solomon, cuối cùng đánh tan hải quân và các đơn vị không quân thiện chiến Nhật cuối năm 1944.