Là giao tranh cuối cùng của cuộc chiến giữa các bang Thụy Sĩ và đế chế Áo kéo dài gần như suốt thế kỷ 14. Một vài tuần sau trận Sempach vào ngày 9 tháng 7 năm 1386, Liên bang Thụy Sĩ (cũ) tấn công và bao vây làng Weesen ở vùng Walensee. Sang năm, bang Glarus nổi dậy chống lại nhà Habsburgs và tấn công thị trấn Windegg gần đó. Ngày 11 tháng 3 năm 1387, hội đồng Glarus ban hành luật pháp riêng và tuyên bố họ không còn quan hệ gì với triều đình Habsburg nữa.
Người Áo phản công. Đêm 21-22 tháng 2 năm 1388, một đội quân tập kích làng Weesen và đánh bật lực lượng Thụy Sĩ ra ngoài. Đầu tháng 4, hai cánh quân Áo được huy động để đàn áp “bọn phản loạn” Glarus, lúc này đã là một thành viên liên bang Thụy Sĩ. Chủ lực khoảng 5.000 người, trang bị đầy đủ, tiến về phía thị trấn Näfels dưới sự chỉ huy của Công tước Donat von Toggenburg và Hiệp sĩ Peter Thorberg. 1.500 lính khác dưới quyền Công tước Hans von Werdenberg-Sargans, hành quân qua đèo Kerenzerberg mà không gặp trở ngại gì.
Thị trấn Näfels có nhiều nông trang nhỏ bao quanh các ngọn đồi. Khi quân Áo ùn ùn kéo đến, lực lượng phòng thủ (hơn 400 người) nhận thấy sự chênh lệch quá lớn nên sau một đợt kháng cự ngắn ở các công sự đắp bằng đất, đá có cọc nhọn cắm xung quanh, tất cả rút lên đồi. Quân Áo cho rằng đám “nông dân hèn kém” đã bỏ chạy nên chia nhau ra cướp bóc, đốt phá xung quanh thị trấn. Người Thụy Sĩ nhìn cảnh tượng đó với sự căm thù ngày càng tăng, và rồi họ phản công khi nhận ra lực lượng đối phương đã phân tán, cũng như sương mù đang dần dần phủ lên thị trấn. Hãy hình dung một lính Áo, kiếm đã cho vào bao, đang hì hục bê tấm khiên của mình (trên đặt những cuộn da cừu cướp được) ra khỏi nhà thì gặp phải một nông dân cầm Halberd (kích) lao tới từ trong màn sương. Kết quả gần như là sự tàn sát một chiều.
Kháng cự ít ỏi đến từ những hiệp sĩ, quý tộc Áo cưỡi ngựa, vốn không thèm tham gia cướp bóc. Tuy nhiên nó không kéo dài lâu. Giáo, kích, thương của người Thụy Sĩ có cự ly tác chiến xa hơn kiếm, và những kỵ sĩ ở gần chân núi được ưu tiên “chăm sóc” bằng đá tảng. Cuối cùng thì tinh thần quân Áo sụp đổ. Tất cả bỏ chạy về phía làng Weesen, nhưng do quá nhiều người ngựa chen chúc nhau, cây cầu gỗ bắc qua sông Linth bị gãy khiến lính Áo chìm nghỉm do giáp trụ nặng nề trên người. Công tước Hans von Werdenberg-Sargans đang đi dọc bờ sông đến cứu viện, nhìn thấy cảnh này cũng chẳng dám đánh tiếp và vội vã cho quân rút lui về làng Beglingen gần đó. Trận chiến kết thúc bằng một thảm kịch trong đầm lầy gần làng Weesen, khi những lính Áo không quen đường chạy lạc vào đầm lầy này và bị lún sâu dưới bùn.
Näfels là 1 trong 5 trận đánh “khai quốc” của Thụy Sĩ. Mặc dù tỉ lệ là 1 chọi 16, nhưng người Thụy Sĩ đã kết thúc nó một cách tuyệt vời chỉ với tổn thất tương đối nhỏ. 54 người hy sinh đổi lấy 1700 lính Áo thiệt mạng quả là một con số ấn tượng, đặc biệt trong thời đại vũ khí lạnh và phẩm chất lực lượng hai bên rất chênh lệch (nông dân, thợ thủ công đấu với hiệp sĩ, lính chính quy). Triều đình Habsburgs nhận thấy việc đánh nhau với đám nông dân hung bạo và cứng đầu trên núi quá ư tốn kém, nên đành tiến hành đàm phán hòa bình. Năm 1389, hiệp ước hòa bình 7 năm (sau gia hạn 20 năm) được ký kết tại kinh đô Vienna, liên bang Thụy Sĩ được công nhận độc lập và có chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ mà họ giành được trên vùng núi Alpes. Trong cùng năm đó, người ta tổ chức một cuộc hành hương đến địa điểm của trận chiến Näfels (một nhà nguyện được xây ngay sau đó tại nơi này, do quan niệm chiến thắng đó là nhờ phán quyết của Thiên Chúa).
Truyền thống hành hương vẫn duy trì đến nay, diễn ra vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 4 (đây là ngày nghỉ lễ của bang Glarus). Cư dân đi cùng đoàn rước đến nhà thờ và đài tưởng niệm, tại đó người ta tổ chức buổi ăn mừng chiến thắng với đội kèn, trống và các nhóm nghi lễ. Tham gia còn có đại diện của nhà thờ Công giáo và Tin Lành. Một nghi thức quan trọng là đại diện chính quyền bang sẽ đọc to tên từng người một trong số 54 chiến binh đã ngã xuống.