Trang chủ Kiến Thức Khẩu phần quân sự trong Thế chiến thứ nhất (phần 1)

Khẩu phần quân sự trong Thế chiến thứ nhất (phần 1)

(Ba lính Anh đang thưởng thức bữa ăn nóng tại Thung lũng Ancre trong Trận chiến sông Somme, tháng 10 năm 1916. Ảnh do trung úy Ernest Brooks chụp tại mặt trận)

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng nói rằng “một đạo quân diễu hành trên bao tử của nó ”. Các quốc gia tham gia Thế chiến thứ nhất đều nỗ lực đảm bảo ăn uống no đủ cho hàng triệu binh sĩ của mình, và nhiều loại khẩu phần quân sự đã được phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng trên chiến trường.

Vào cuối cuộc chiến, có 5 triệu binh sĩ đế quốc Anh trên khắp thế giới, riêng mặt trận phía Tây ở châu Âu có hơn 2,3 triệu người. Bảo đảm nhu cầu ăn uống hàng ngày của họ là một đội quân thực sự với tổng số 320.000 người và 12.000 sĩ quan chỉ huy.

Quân đội Anh tự hào tuyên bố rằng trong suốt 4 năm chiến tranh (1914-1918), không một binh sĩ nào của họ bị chết đói. Nhìn chung, thức ăn thời chiến không được đánh giá cao. Theo lời kể những người ở tuyến đầu, mối đe dọa lớn nhất với họ không phải là đạn của quân Đức mà là những khẩu phần ăn kinh khủng.

(Trang bị ăn uống cá nhân của một người lính Anh: hộp sắt đựng, viên nhiên liện để đun nấu, ca và thìa sắt, bếp cá nhân nhỏ, bánh quy cứng dạng dẹt, 2 viên chiết xuất thịt, thịt hộp. Ảnh: express.co.uk)

Bị coi thường nhất là Maconochie, được đặt theo tên của công ty ở Aberdeen, món này gồm thịt bò cả nạc lẫn mỡ và rau ngâm trong nước sốt loãng. Khi được đun nóng theo hướng dẫn trên hộp thiếc, nó được mô tả là hầu như không thể ăn được.

Tiếp theo là bánh quy cứng, làm từ bột mì, nước và muối. Thường được lính ví von như bánh quy dành cho chó, các hộp bánh được sản xuất theo hợp đồng của công ty Huntley & Palmers ký với chính phủ Anh, vào năm 1914 đây là nhà sản xuất bánh quy lớn nhất thế giới. Những chiếc bánh quy cứng nổi tiếng này có thể làm gãy răng nếu trước khi ăn nó không được ngâm trong trà hoặc nước nóng.


1. Lính chính quốc Anh


Trong điều kiện hậu cần hoàn hảo, năm 1914 mỗi người lính hàng ngày được cấp:

– 570g thịt tươi hoặc đông lạnh, có thể thay thế bằng 500g thịt bảo quản hoặc thịt muối
– 570g bánh mì, có thể thay thế bằng 453g bánh quy hoặc bột mì
– 113g thịt xông khói
– 85g pho mai
– 17.8g trà
– 113g mứt
– 85g đường
– 14g muối
– 0.78g hạt tiêu
– 1.14g mù tạc
– 227g rau tươi hoặc 56.7g rau sấy khô, có thể thay thế bằng 11.8 ml nước cốt chanh.
(đầu tuần, sĩ quan chỉ huy đơn vị sẽ duyệt định mức rượu và thuốc lá cấp phát, nhưng không quá 59 ml rượu rum và 57g thuốc lá cho cả tuần)

2. Lính Ấn Độ

Trong tổng số 8.904.467 binh sĩ đế quốc Anh được huy động tham chiến, có 1.780.000 người từ Ấn Độ. Ẩm thực tiểu lục địa ít thịt và nhiều gia vị, do vậy khẩu phần quân sự của họ khá khác biệt.

(Ba người lính Ấn Độ đang chuẩn bị bữa ăn. Ảnh do phóng viên chiến trường người Mỹ H. D. Girdwood chụp)

Trong điều kiện hậu cần hoàn hảo, mỗi lính Ấn Độ hàng ngày được cấp:

– 113g thịt tươi (không phải thịt bò với người theo đạo Hindu hay thịt lợn với người theo đạo Hồi)
– 56.7g khoai tây
– 9.4g trà
– 14g muối
– 680g bột mì nguyên cám
– 113g đậu
– 56.7g bơ béo
– 4.7g ớt khô
– 4.7g nghệ
– 9.4g gừng
– 4.7g tỏi
– 28.3g đường thốt nốt

3. Khẩu phần sắt

Được sử dụng trong tình huống khẩn cấp mà đơn vị không thể tiếp cận với các nguồn tiếp tế thông thường (đồ tươi, đồ hộp). Nó thường được đóng trong hộp kim loại kín, có giá trị dinh dưỡng cao và muốn mở ra dùng phải được sĩ quan chỉ huy cho phép.

(Bên trong một gói khẩu phần sắt của Anh. Ảnh: 17thdivision.tripod.com)

Thành phần :

– 453g thịt bảo quản
– 340g bánh quy cứng
– 17.7g trà
– 56.7g đường
– 14.2g muối
– 85g pho mai
– 28.3g tức 2 viên nén chiết xuất thịt (tiền thân của hạt nêm ngày nay)

Tình hình chiến sự khiến những con số trên trở nên hiếm khi đúng trong thực tế. Gia đình và bạn bè của binh lính thường gửi cho họ thực phẩm bổ sung, như sô cô la, cá mòi đóng hộp và bánh quy ngọt để bổ sung vào khẩu phần ăn. Tuy nhiên, khi chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, các cuộc tấn công của tàu ngầm Đức đã khiến việc nhập khẩu lương thực của Anh trở nên khó khăn hơn và tình trạng thiếu hụt quy mô lớn đã xảy ra. Lượng thịt trong khẩu phần của binh lính liên tục bị giảm xuống, và cho đến khi kết thúc chiến tranh, họ chỉ được ăn thịt 9 ngày một lần.