Qua tác phẩm Lều chõng của nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) đăng tải nhiều kỳ trên Báo Thời vụ xuất bản tại Hà Nội năm 1939 (sau in thành sách, được tái bản nhiều lần), chúng ta cảm thụ sâu sắc sự khắc nghiệt vô lý phải kiêng húy khi thi cử thời phong kiến và trong ngôn ngữ văn tự xã hội.
Mở đầu tục lệ kiêng húy tên vua chúa là nghiêm lệnh của Trần Thủ Độ – tất nhiên núp dưới danh nghĩa một đạo dụ của Trần Cảnh lên ngôi vua từ lúc 8 tuổi – triều Trần mở đầu do mưu mẹo của Trần Thủ Độ, đã nhiều cách diệt trừ con cháu dòng tộc nhà Lý, trong đó có việc học đòi theo kiểu Trung Quốc kể từ đời Chu (1066-771 trước Công nguyên) bắt trăm họ con đỏ phải kiêng kỵ không được nói, không được viết tên các vua chúa. Lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử nước ta được ban hành tháng sáu năm Kiến Trung thứ tám, Trần Cảnh quyết định các chữ quốc húy và miếu húy, trong đó có trường hợp được giải thích: “Vì nguyên tổ (nhà Trần) tên húy là Lý, cho nên đổi tên triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý” (sách Toàn thư – bản kỷ 5 – 7b). Ghi rõ như thế kể cũng là thật thà, không quanh co che giấu mục đích bên trong của lệnh cấm, bất kể có thật nguyên tổ nhà Tên mang tên là Lý hay không.
Tất nhiên, bên cạnh việc bắt con cháu nhà Lý phải từ bỏ tên họ gốc gác, nhà Trần tiếp tục bắt dân chúng và quan lại phải kiêng húy tên các vua: Cảnh (Thái Tông). Hoảng (Thánh Tông), Khâm (Nhân Tông), Thuyên (Anh Tông) và Thừa (bố của Trần Cảnh); kiêng các nội húy (tức là tên các vợ vua: Phong, Diệu, Oanh, Hâm; rồi lại kiêng tên Trần Liễu (anh của Trần Cảnh), tên vợ ông Liễu là Nguyệt (là bố mẹ đẻ của Trần Quốc Tuấn và Trần Thị Hâm, người đẻ ra vua Trần Khâm – Nhân Tông) cùng kiêng tên bên họ ngoại, như. Tô, Tuấn, Anh, Tảng, Ngụy, Thấp, Nam, Kiền. Đến đời Anh Tông – Trần Thuyên không chỉ dừng ở việc cấm gọi họ Lý, mà còn mở rộng sang cấm nhắc cả đến tên cúng cơm các vua đời Lý là: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm… Ngoài ra, lại có lệnh cấm kỵ trong phạm vi hẹp, không thành văn bản, như kiêng chữ Độ trong tên Thượng phụ Trần Thủ Độ, chữ Tung trong tên ông Trần Tung, con của An Sinh vương Trần Liễu, em của Trần Quốc Tuấn.
Sang triều Lê, ông vua đầu tiên mới lên ngôi được 5 ngày đã ban bố ngay lệnh kiêng húy rộng rãi nhất lịch sử: Kiêng đến bảy loại tên người: ông nội, bà nội, cha, mẹ, bản thân, vợ cũ và anh cả của vua (tất cả – trừ chính bản thân – đều đã chết từ lâu) Các đời vua sau đặt thêm một lệ nữa là kiêng cả tên giả của vua: Nguyên do là khi trình báo giao thiệp với “thiên triều”, các vua Lê phải khai ra tên húy, nên đã có mẹo khai ra một cái tên giả; khi bắt dân kiêng tên mình mà lại không kiêng tên giả thì sẽ là tự thú rằng mình khai giả, nên các vua bắt dân kiêng cả tên thật lẫn tên giả của mình, như: Thái Tông bắt dân kiêng tên thật của ông là Long lại kiêng cả tên giả là Lân, Nhân Tông tên thật là Cơ và tên giả là Tuấn, v.v… Kể từ đời Hiến Tông, Túc Tông…, cho đến Chiêu Tông, Cung hoàng, nhất là về thời Lê Trung Hưng (riêng thời này, kiêng húy 25 chữ), lệnh kiêng húy vẫn ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, nhưng sĩ phu đi thi không bị kiểm soát quá ngặt nghèo nghiêm khắc, văn bia triều đình cũng lơi lỏng, chuông khánh nhà chùa và đền miếu cũng được chăng hay chớ, lệnh vua không còn được thi hành chặt chẽ.
Triều Mạc tồn tại 150 năm, qua 10 đời vua, trong đó có 5 vua ngồi ở Thăng Long. Chế độ nhà Lê Trung Hưng “loại trừ” nhà Mạc rất gay gắt, kể cả trên giấy tờ sách sử, ngày nay ta không thấy chính sử ghi một lệnh kiêng húy nào của các vua Mạc. Nhưng, xem trong cứ liệu lịch sử, có thể thấy có lệ kiêng húy mà đổi địa danh có chữ Dung (tên của vua Mạc đầu tiên): huyện Phù Dung phải đổi sang là Phù Hoa, đến đời Gia Long kiêng tên con dâu là Hoa, nên lại phải đổi là Phù Cừ (nay thuộc Hưng Yên); cửa biển Tư Dung phải đổi là Tư Khách, rồi lại đổi là Tư Hiền (ở Huế). Những địa danh đụng đến tên của vua Mạc thứ hai là Nguyên cũng bị đổi, như: Bình Nguyên đổi sang là Bình Tuyền, rồi Bình Xuyên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc); Phú Nguyên đổi sang là Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây); Thất Nguyên, bị đổi sang là Thất Tuyền, rồi lại đổi là Thất Khê, nay là Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Tuy nhiên, những chữ trùng tên các vua khác của nhà Mạc như Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải… (như Hải Lăng, Vọng Doanh…), thì lại được để nguyên, không hề bị đổi, phải chăng đây là dấu vết kỷ cương nhà Mạc đã bị sứt mẻ, rạn nứt từ thời đó?
Thời các chúa Trịnh, có chúa không kỵ húy tên, mà lại kỵ húy tên tước, như Tây vương Trịnh Tạc bắt kiêng chữ Tây: Huyện Tây Chân bị đổi sang là Nam Chân, rồi lại đổi là Nam Trực (tỉnh Nam Định); Sơn Tây bị đổi là Xứ Đoài; Tây Hồ bị đổi là Đoài Hồ. Nhưng cũng có chúa vẫn kiêng tên như Uy vương Trịnh Giang vẫn bắt kiêng chữ Giang: Huyện Thanh Giang bị đổi là Thanh Chương (tỉnh Nghệ An); huyện La Giang bị đổi là La Sơn, sau cắt về Đức Thọ và Can Lộc (Hà
Tĩnh); huyện Tống Giang bị đổi là Tống Sơn, nay là Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa); huyện Vũ Giang, được đặc cách không đổi, nhưng phải đọc trại thành Võ Giàng (Bắc Ninh) !
Thời Tây Sơn, có ngót 15 năm, chỉ thấy vết tích kiêng chữ Bình, tên thuở nhỏ của Nguyễn Huệ: Cao Bình bị đổi thành Cao Bằng (tỉnh); huyện Lộc Bình đổi là Lộc Bằng, đến đời Gia Long lấy lại là Lộc Bình (nhưng Cao Bằng vẫn để nguyên tên đã quen dùng). Có một việc ngoại lệ là thời Tây Sơn không hề kiêng chữ Phúc, tên giả của Nguyễn Huệ, dân vẫn được gọi thoải mái tên các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu v.v…, nhưng sang đời Gia Long trở đi, các vua Nguyễn quá căm thù Nguyễn Huệ nên triệt để cấm kỵ chữ Phúc vàâ bắt đọc chệch sang thành Phước hết: Tên đệm dòng chính nhà Nguyên là Phúc, cũng nhất loạt đọc sang là Phước, huyện Gia Phúc đổi sang là Gia Lộc (tỉnh Hải Dương); huyện Vĩnh Phúc đổi là Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa); huyện Chân Phúc đổi là Chân Lộc, đến đời Thành Thái kiêng tên Ưng Chân (tên cha của Thành Thái) lại đổi sang là huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).
Luật lệ kiêng húy tên vua chúa lên tới mức khắt khe nhất và vô nghĩa nhất là vào thời bốn ông vua đầu triều Nguyễn. Nguyễn Ánh lên làm vua năm 1802, liền cấm dân chúng cùng quan lại trăm họ không được nói đến, đọc đến tên mình, mà phải nói chệch sang là Yếng (đến nỗi hơn một trăm năm sau. Hội thánh Tin Lành xuất bản báo của mình, vẫn phải đặt trại tên báo là Yếng Sáng). Ngoài tên Ánh ra, ông còn bắt kiêng thêm bốn tên thuở bé của ông ta là Cốn, Cảo, Chủng và Noãn nữa! Con trai của vua Gia Long tên là Nguyễn Cảnh đã chết năm 1801, trước khi ông lên làm vua, thế nhưng ông vẫn ra lệnh cấm mọi người gọi đến tên Cảnh, mà phải nói trẹo sang là Kiểng, cho đến tận bây giờ nhiều nơi vẫn phải gọi cá cảnh là cá kiểng, cây cảnh là cây kiểng, và cả thời ngụy, lính cảnh (không phải ra trận, chỉ để trang trí, chạy giấy, phục dịch việc vặt…), cũng được gọi là lính kiểng. Gia Long còn bắt kiêng tên mẹ già và mẹ đẻ của ông, kiêng cả các tên của con ông đang chỉ là hoàng tử, thậm chí kiêng cả tên con dâu 15 tuổi mới cưới về tên (là Hồ Thị Hoa), do đó, chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba, cầu Hoa đổëi là cầu Bông, trấn Thanh Hoa đổi là trấn (nay là tỉnh) Thanh Hóa, thậm chí vai tuồng Phàn Lê Hoa phải đổi là Phàn Lê Huê, truyền cho đến sau này, nước có cái cờ Hoa Kỳ bị gọi là “nước Huê Kỳ”!
Không tính các lệnh ban bố truyền khẩu hoặc thất lạc, chỉ đếm trên giấy tờ của 40 lệnh kiêng, người ta đã kê ra được 531 lượt/chữ bị kiêng kỵ cấm húy dưới nhiều hình thức khác nhau. Toàn bộ lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam ghi được 40 lần ra lệnh kiêng kỵ, thì riêng triều đình Huế của mấy vua Nguyễn đã ban 22 lệnh, trong đó, người ra lệnh nhiều nhất và nhanh nhất là Thiệu Trị chỉ ngồi ngai vàng có 5 năm mà hạ đến 8 lệnh kiêng húy! Còn trong 22 lệnh nhà Nguyễn thì lệnh thứ tư của Tự Đức ban năm 1861 là nặng nhất, riêng một lệnh này, phải kiêng tới 47 chữ! Khác với các triều trước nằm trong quy luật triều sau phủ định triều trước, triều Nguyễn không bị một triều đình nào xóa bỏá các lệnh kiêng húy, và lại là triều đình phong kiến cuối cùng, có khoảng cách ngắn ngủi nhất với thời hiện tại, cho nên các luật lệnh kiêng húy triều Nguyễn để lại nhiều dấu ấn nhất trong ngôn ngữ và đời sống xã hội Việt Nam ngày nay.
Thời thế đã đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ, nhất là địa danh, đúng là do kiêng húy mà biến đổi, nay đã thành quen thuộc, như tên tỉnh Thanh Hóa, thì bất tất phải nghĩ đến chuyện chuyển trả về tên cũ làm gì! Có rất nhiều tên người và tên họ, do thời thế ngày trước xảy ra, đã được đặt theo lời kiêng húy, như các họ: Huỳnh, Võ… thì bất tất phải đổi lại làm gì.
theo MAI THANH HẢI/ ANTG