Trang chủ Kiến Thức Bài trả lời phỏng vấn tại Genève của cựu hoàng Bảo Đại...

Bài trả lời phỏng vấn tại Genève của cựu hoàng Bảo Đại năm 1948

Geneve tháng giêng dương lịch.  – Sáng nay tôi (tức đặc phái viên tờ Le Journae de Saigon) đã đến khách sạn Richemond, nơi tạm trú của Hoàng đế Bảo Đại và những vị cố vấn tùy tùng. Cựu hoàng hậu từ Cannes đến hôm qua để gặp Hoàng đế.

Cao lớn, khỏe mạnh và hãy còn trẻ giống một người Trung Hoa miền Nam hơn là một người Việt Nam, Cựu hoàng đế mặc một bộ quần áo rét màu ghi, thắt “ca vát” tam tài (cố ý vì mục đích ngoại giao hay vô tình), chìa tay cho tôi bắt một cách niềm nở và mời tôi ngồi cạnh Ngài.

Sau khi tôi đã hỏi Ngài về mục đích cuộc Âu du, Cựu Hoàng đế nói rằng ngài sang đây để chữa mắt. Ngài đã được gặp Hoàng hậu và tiếp tục những cuộc đàm phán khởi thủy trên chiến hạm Duguay Trouin với Cao ủy Bollaer ở vịnh Hạ Long một tháng trước đây.

– “Hoàng đế nhân danh gì mà phát biểu ý kiến về số phận dân tộc Việt Nam?” (phóng viên hỏi)

+ “Tôi nói chuyện ở Geneve với người đại diện chính phủ Pháp, với tư cách là người được dân tộc tôi ủy quyền ở Hương Cảng cách đây một năm vì đô đốc Argenlieu, hồi đó làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương yêu cầu, nay tôi lại tiếp xúc với nước Pháp.

Hồi đó, tôi nghĩ rằng thí nghiệm của chính phủ Hồ Chí Minh đã thất bại đối với dân chúng Việt Nam thì tư tưởng lập một nền quân chủ Việt Nam tự do, có thể là một lực lượng khả dĩ khôi phục lại cuộc hòa bình trong xã hội và chấm dứt cuộc chiến tranh Việt-Pháp.

Nhiều bản quyết nghị do nhiều người Việt Nam ký tên đã đến tay tôi và khẩn cầu tôi trở lại Việt Nam để chấp chính. Nhiều quan lại họp thành phái đoàn để sang thăm tôi và đã bày tỏ cùng tôi những nỗi thống khổ của dân chúng trong cuộc chiến tranh giữa đảng Việt Minh và nước Pháp. Từ bốn phương lại, tôi đã nhận được những lời thỉnh cầu cảm động có mục đích mời tôi nhận nhiệm vụ trọng tài giữa Việt Nam và Pháp, và đặt Việt Minh dưới quy luật chung của Việt Nam.

Mặc dầu những bằng chứng luyến ái ấy, tôi chưa tự coi như có thể trở lại Ngôi vàng mà tôi đã từ bỏ trước sự nài ép của Mặt trận Việt Minh. Sự thoái vị của tôi hồi đó có một ý nghĩa. Một muốn rằng nền quân chủ không là một trở lực cho cuộc tranh đấu giải phóng nước Việt Nam chủ trương bởi những chính đảng ở bản quốc, mà đảng hoạt động nhất nhưng ít thành viên nhất là đảng của ông Hồ Chí Minh.

Tôi sẵn sang thể ý dân nước tôi và tôi chỉ thuận điều khiển vận mệnh nước Việt Nam sau một cuộc trưng cầu dân ý thành công.”

Và, với một nụ cười vui vẻ, Hoàng đế Bảo Đại nói tiếp:

+ “Trong 20 năm trường, tôi đã từng trải nếm những cái vinh nhục của một ông vua, trong 20 năm trường, tôi chưa từng biết cái gì là quý giá nhất của con người, tôi muốn nói: SỰ TỰ DO. Như vậy, hãy hiểu tôi ông ạ, nếu không phải vì quyền lợi của đa số dân tộc Việt Nam, tôi thích sống như một người thường hơn là trở lại ngôi Cửu Ngũ.”

– “Ủng hộ một quyền lực mà dân chúng mong muốn, phải chăng đó là mục đích của nước Pháp?”

+ “Vâng, tôi sẵn lòng thừa nhận như vậy và để thực hiện nguyên tắc ấy, tôi trở lại Việt Nam. Chính để thực hiện nguyên tắc ấy, một nguyên tắc mà tôi cần phải có để có thể trở về nước mà Cao ủy Bollaer và tôi đang nghiên cứu vấn đề một cách thận trọng vô cùng.

Quyền quân chủ sau khi tái lập trong một vương chế đại nghị đặt trên những giáo lý Khổng Tử và “tinh thần Pháp” của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu) – cuốn này cũng rút ý ở Khổng giáo – dân tộc Việt Nam có thể khôi phục lại trật tự và thịnh vượng, và nếu cần có thể khởi cuộc chiến tranh với Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta”

Và Hoàng đế Bảo Đại mạnh dạn nói câu sau này:

+ “Nhắc đi nhắc lại mãi rằng dân Việt Nam không có khuynh hướng Cộng Sản không phải là thừa. Nông dân Việt Nam trung hậu, không thiết gì đến chính trị, vả lại chính sách xã hội ở nước tôi dập theo khuôn chính sách xã hội cổ truyền Trung Hoa, lấy gia đình làm nền tảng. Trên đất Việt Nam, chế độ ở các làng xã chia ruộng đất 3 năm một lần.

Đứng đầu mỗi làng có một ông quan chia ruộng đất cho mỗi người dân và điều hòa đời sống làng mình. Nếu (Hoàng đế hóm hỉnh thêm) ta gọi những ông quan ấy là những lãnh tụ nông dân Sô Viết thì cần phải cầu cứu đến những hành vi bạo động cách mạng, các ông sẽ đặt nước tôi dưới một hiện tình Sô Viết.

Tôi không tự coi như một nhà điều đình, như một ủy viên ngoại giao được toàn quyền. Tôi vừa thành thực nói với Cao ủy Pháp ở Đông Dương những những căn bản chế độ tương lai nước Việt Nam trong khuôn khổ khối “Liên Hiệp Pháp”: độc lập chính trị hoàn toàn, triệt để tôn trọng quyền lợi Pháp, cả những quyền lợi thương mại. Chúng tôi muốn nước tôi ít ra cũng được hưởng một chế độ ngang với chế độ mà nước Pháp đã thuận cho những dân Trung Hoa thuộc quyền Pháp từ trước tới nay.

Ông còn muốn tôi nói gì hơn nữa? Việt Nam và Pháp sinh ra để chung sống với nhau. Nếu người ta muốn cuộc tương sát này kết thúc, cần phải cùng nhau gắng sức. Chúng tôi không có ý muốn và lòng tự phụ của Việt Minh là đuổi khỏi Việt Nam những người Pháp hiện nay còn ở lại nước tôi”

Chúng ta có bổn phận thỏa thuận với nhau bằng cách tạo nên một thứ phối hợp khiến nước Việt Nam trở thành một “dominion” Pháp và không có một trở lực chính nào cho công cuộc cần thiết này.”

Bảo Đại ký chứng nhận Hiệp Ước vịnh Hạ Long với cao ủy Pháp Bollaert trên chiến hạm Duguay Trouin, 5 tháng sau cuộc phỏng vấn này.



– “Nếu ông Hồ Chí Minh không thuận chính quyền Ngài và xác nhận những bản thỏa hiệp của Ngài với Pháp, ông ta có thể làm phiền lớn cho Ngài. Cho phép tôi thán phục lòng dũng cảm của Ngài trong trường hợp hiện tại.”

Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng đáp:

+ “Thưa ông, tôi xin nhắc lại để ông rõ rằng dân Việt Nam không biết dùng làm gì cho những tư tưởng triết lý do ông Hồ Chí Minh mang lại. Dân Việt Nam chỉ muốn sống và làm việc yên ổn. Vậy mà 14 tháng nay, dân đó đã chịu cơ cực vì chiến tranh và sốt sắng muốn trở lại cày cấy, giồng giọt yên ổn. Với nước Pháp, tôi mong sẽ đạt được mục đích này”

– “Trước khi kết thúc cuộc hầu chuyện này, Hoàng Đế có thể tuyên bố riêng một câu cho dân tộc Pháp được không?”

+ “Sẵn lòng lắm, ông hãy viết như sau: tôi ước mong rằng những triển vọng thống nhất và độc lập của dân tộc Việt Nam được công nhận để dân tộc này có thể lấy lại được sự thăng bằng và bước trên con đường tiến bộ, trong khuôn khổ những lễ nghi Khổng giáo và sự thỏa thuận hoàn toàn với nước Pháp”