Trang chủ Kiến Thức Mối liên hệ nào giữa người Hun ở châu Âu với người...

Mối liên hệ nào giữa người Hun ở châu Âu với người Hung Nô ở phía Bắc Trung Quốc?

Đây là một cuộc tranh luận thú vị về sự liên hệ giữa 2 nhóm dân du mục đã từng gây khốn đốn cho 2 đế quốc ở 2 đầu thế giới: nhà Tần ở Trung Hoa và La Mã ở châu Âu.

Hãy nói về người Hung Nô trước: sử sách Trung Quốc kể về người Hung Nô ( 匈奴), một giống dân du mục ở phương Bắc thường xuyên cướp phá Trung Hoa.

Sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng đã xây Vạn Lý Trường Thành để chống lại mối đe dọa từ những tay kị binh thiện chiến này. Truyền thuyết Việt Nam cũng kể chuyện Lý Ông Trọng, một tướng tài của An Dương Vương, đã giúp Tần Thủy Hoàng đẩy lui người Hung Nô. Mối đe dọa này chỉ chấm dứt vào năm 156, khi nhà Hán đánh bại người Hung Nô, một bộ phận của nhóm người này ở lại dần bị đồng hóa, một bộ phận khác bỏ chạy về phía Tây.

Theo sử sách La Mã, người Hun xuất hiện ở phía Bắc biển Đen vào năm 370. Họ nhanh chóng chinh phục một vùng đất rộng lớn và thành lập một đế quốc hùng mạnh ở Trung Âu.

Năm 440, bạo chúa Attila bắt đầu tấn công vào La Mã, gieo rắc kinh hoàng khắp xứ Gaul (nước Pháp ngày nay). Những tàn phá mà người Hun gây ra đã góp phần lớn vào sự sụp đổ của La Mã. Sau khi Attila chết, người Hun định cư dọc theo sông Danube, vùng đất này về sau được gọi là nước Hungary.

Vào thế kỉ 18, một số học giả phương Tây bắt đầu nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Họ khám phá ra dân Hung Nô thời Tần với những đặc điểm khá giống dân Hun của họ: tên gọi gần giống nhau, sống du mục, thiện chiến trên lưng ngựa, sử dụng cung composite …

Một câu chuyện hấp dẫn được vẽ ra: dân Hung Nô sau khi bị nhà Hán đánh bại đã thiên di sang phương Tây và xâm lược châu Âu dưới thời Attila. Quan điểm này được các học giả châu Á đón nhận. Học giả Nguyễn Hiến Lê thậm chí đã gọi Attila là “Thiền Vu của xứ sở Hung Nô” (thiền vu nghĩa là thiên tử trong tiếng Hung Nô). Cách gọi này vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong truyền thông ngày nay. Ví dụ:
http://blog.zing.vn/jb/dt/nguyengiangmyuyen/19576976?from=my
http://news.go.vn/…/vi-hoang-de-lam-bao-dan-toc-kinh…

Tuy nhiên cách gán ghép Hung Nô = Huns này gần đây đang bị “xét lại”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả nhà nước Hung Nô lẫn đế chế Hun đều không phải là một dân tộc đồng nhất, mà là tập hợp của nhiều bộ lạc du mục. Trong một không gian Trung Á rộng lớn, các liên minh bộ lạc tan rã rồi hình thành, có thể chúng có một số liên hệ với nhau nhưng không thể đánh đồng lẫn nhau.

Văn hóa du mục là đặc điểm chung của các dân tộc sống trên thảo nguyên, chứ không phải đặc quyền của dân Hung Nô. Trong các miêu tả về quân đội của Attila, ngoài các chiến binh da vàng còn có rất nhiều chiến binh da trắng. Tóm lại không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy sự liên hệ của hai nhóm người này, ngoại trừ … cái tên gần giống.

Quan điểm sử học dân tộc chủ nghĩa của thế kỉ 19-20 thường tìm cách đơn giản hóa sự phát triển của các dân tộc: họ cố gán cho mỗi tập hợp người một tổ tiên cụ thể nào đó đã tồn tại từ xa xưa, mà không tính đến sự giao lưu văn hóa, sự hòa huyết diễn ra mạnh mẽ. Quan điểm mới thừa nhận rằng các nhóm người cũ có thể mất đi, thông qua hòa huyết và đồng hóa mà các nhóm người mới có thể hình thành với bản sắc và danh tính hoàn toàn khác.

Tóm lại, quan điểm của sử học hiện đại cho rằng những người Hung Nô xưa bỏ chạy sang phía Tây có thể là một bộ phận hình thành nên đế chế Hun của Attila, tuy nhiên không thể kết luận là họ được giữ vai trò lãnh đạo hoặc làm nên nòng cốt của đế chế mới này.