Trang chủ Kiến Thức Ngày 2/8/1964 – “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”: Sự dối trá khơi...

Ngày 2/8/1964 – “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”: Sự dối trá khơi mào cho một cuộc chiến

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Hình chụp từ tàu USS “Maddox” trong vụ việc, hiển thị ba tàu ngư lôi miền Bắc Việt Nam

Năm 1963, Tổng thống Mỹ John Kennedy từng có kế hoạch rút cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam, bắt đầu với 1.000 người từ ngày 31-12-1963 và hoàn thành rút toàn bộ vào đầu năm 1965. Tuy nhiên, viễn cảnh ngừng xung đột tại Việt Nam đã biến mất sau vụ ám sát John Kennedy tháng 11-1963…

Những vụ đảo chính liên miên khiến chính quyền Sài Gòn rơi vào vòng xoáy tranh chấp nội bộ, bước đến bờ vực sụp đổ. Chính quyền mới ở Mỹ do tổng thống Lyndon B.Johnson lãnh đạo rốt ráo chuẩn bị can thiệp hòng cứu “con cưng” của mình. Trước hết, Mỹ cần tìm một lý do để “danh chính ngôn thuận” phát động chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

Một kế hoạch gây sức ép quân sự được vạch ra, theo đó, không quân Mỹ sẽ trinh sát có hộ tống trên lãnh thổ Lào. Tàu chiến Mỹ tuần tra cách bờ biển miền Bắc chỉ 4 hải lý, gọi là các cuộc tuần tra “DESOTO”, do thám các cơ sở ven biển của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Phần quan trọng nhất của kế hoạch nằm ở chiến dịch bí mật “OPLAN-34A” nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng miền Bắc, tổ chức chiến tranh tâm lý và ngăn chặn dòng cán bộ miền Nam tập kết quay trở lại chiến đấu. Trước khi tiến hành chiến dịch, Mỹ cử Blair Seaborn, nhà ngoại giao người Canada tới Hà Nội, chuyển lời đe dọa từ Washington rằng trong trường hợp leo thang căng thẳng, Việt Nam Dân chủ cộng hòa “sẽ phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề nhất”.

Tổ chức bán quân sự bí mật có tên “Nhóm Nghiên cứu và Quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam” (MACV-SOG) đảm nhiệm tổ chức và chỉ huy chiến dịch. Để chối bỏ mọi liên quan, họ tuyển chọn và huấn luyện biệt kích người Việt, trang bị xuồng cao tốc có xuất xứ từ Na Uy và máy bay do phi công Đài Loan điều khiển. Những lính biệt kích này cũng không sử dụng vũ khí có xuất xứ từ Mỹ.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đột nhập miền Bắc bằng đường không và đường biển đều thất bại, chịu tổn thất nặng nề. MACV-SOG sau đó chuyển hướng sang lắp súng cối, ống phóng rocket và súng không giật lên xuồng cao tốc. Hằng ngày, các xuồng này liên tục bắn phá các cơ sở ven biển miền Bắc, khiêu khích tàu hải quân Việt Nam Dân chủ cộng hòa truy đuổi, tạo cớ gây chiến.

Đêm 30, rạng sáng 31-7-1964, xuồng cao tốc của biệt kích bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An). Cùng lúc đó, tàu khu trục Mỹ USS Maddox tiến vào vịnh Bắc Bộ để do thám. Thông tin tình báo tàu Maddox cung cấp sẽ được dùng để chỉ định mục tiêu cho biệt kích tấn công. Nước đi này cũng đưa hai chiến dịch DESOTO và OPLAN-34A vào cùng một khu vực, âm mưu khiêu khích phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa nổ súng vào tàu Mỹ khi truy đuổi.

Đến ngày 2-8, ba tàu phóng lôi Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp cận tàu Maddox ở vị trí gần đảo Hòn Mê. Theo ghi chép của hải quân Mỹ, tàu chiến Việt Nam Dân chủ cộng hòa phóng ngư lôi từ khoảng cách 9000 yard (8,2km). Nhưng điểm vô lý nằm ở chỗ, ngư lôi do Liên Xô viện trợ khi đó không thể đánh trúng mục tiêu di động ở khoảng cách xa như vậy.

Thực tế, tàu Maddox đã khai hỏa trước từ khoảng cách 8,2km. Các tàu phóng lôi Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ đáp trả khi tàu Mỹ vào tầm bắn của súng máy 14,5mm. Biên đội tàu này khi đang rút lui cũng đánh trả máy bay Mỹ truy đuổi và vẫn ở trong lãnh hải của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tàu Maddox chỉ bị trúng một vết đạn 14,5mm, lại là bên khai hỏa trước. Do đó, Mỹ chỉ có thể phản đối qua kênh ngoại giao. Lầu Năm Góc quyết định điều thêm tàu khu trục USS Turner Joy đến hỗ trợ tàu Maddox, nhưng chỉ di chuyển ngoài lãnh hải Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đến tối 4-8-1964, thời tiết khu vực xuất hiện sóng lớn và mây mù. Radar trên tàu Maddox phát hiện nhiều “tàu phóng lôi Bắc Việt” và cả “máy bay không xác định” tiếp cận. Suốt một giờ sau đó, hai tàu khu trục liên tục cơ động tránh né, bắn hàng trăm phát đạn pháo về phía “kẻ tấn công”. 7 máy bay hải quân Mỹ xuất phát từ tàu USS Ticonderoga liên tục quần thảo bắn rocket. Họ cố tìm kiếm mục tiêu nhưng không thấy gì trong đêm tối, chỉ dựa vào những tọa độ được chỉ định.

Báo cáo ngay lập tức được gửi về Washington, lúc này đang là đầu giờ chiều 4-8-1964 theo giờ Washington. Do rất cần một cuộc chiến, Lầu Năm Góc đã phớt lờ việc xác thực thông tin và cáo buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Johnson ra lệnh tiến hành chiến dịch “Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), mở đầu chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam. Động thái này diễn ra trước cả khi Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Bộ ngày 7-8, trao quyền cho tổng thống sử dụng quân đội, dọn đường triển khai trực tiếp xâm lược Việt Nam.

Sự thực là một trận chiến “ma” đã diễn ra vào tối 4-8. Ra-đa trên tàu Maddox và Turner Joy đã xác định những con sóng cao là tàu phóng lôi. Mỗi khi hai tàu đột ngột chuyển hướng, trắc thủ sonar trên tàu lại thông báo có ngư lôi lao tới. Họ đã nhầm chính tiếng chân vịt tàu thành tiếng ngư lôi. Ngay sau vụ việc, James Stockdale, chỉ huy biên đội máy bay hỗ trợ hai tàu khu trục quả quyết: “Chẳng có tàu phóng lôi nào cả. Chỉ có làn nước đen và hỏa lực Mỹ”. Herbert Ogier, thuyền trưởng tàu Maddox nói: “Càng đánh giá tình hình, tôi càng cảm thấy khó tin rằng có đối phương tại đó”.

Các bằng chứng đều cho thấy Lầu Năm Góc đã che giấu và bóp méo thông tin tình báo liên quan đến vụ việc, sau này được gọi  là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, để đánh lừa Quốc hội Mỹ. Vài ngày sau khi Nghị quyết vịnh Bắc Bộ đi vào hiệu lực, chính Tổng thống Johnson đã bày tỏ nghi hoặc về vụ việc và nhận xét các thủy thủ Mỹ chỉ “bắn cá”. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) John McCone khẳng định: “Bắc Việt chỉ tự vệ trước các cuộc tấn công của ta lên các đảo thuộc chủ quyền của họ”.

Nhưng sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam lúc này như một “mũi tên xuyên” đã rời dây cung, không thể đảo ngược. Bằng một lời nói dối, Lầu Năm Góc đã có cuộc chiến như mong muốn. Vài năm sau, nó biến thành thất bại tốn kém đầy hổ thẹn.