Tại khu tự trị Kosovo nơi có 90% là người Albani theo đạo Hồi, 10% người Serbi theo đạo Cơ đốc chính thống, mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo lên cao kể từ khi một chính phủ bí mật của người Albani thành lập tồn tại song song cùng chính phủ liên bang; và đặc biệt từ khi “ngọn cờ đòi độc lập” của người Albani rơi vào tay của phái Quân đội giải phóng Kosovo chủ trương bạo lực và chính phủ trung ương Nam Tư tăng cường hành động để đối phó với phong trào này.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố rằng người Albania ở Kosovo đang bị các lực lượng FRY (quân đội Nam Tư), cảnh sát Serbia, và cánh bán quân sự nước này bức hại, bởi thế hành động can thiệp là cần thiết để chấm dứt tình hình. Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định hành động chiến tranh chỉ được coi là hợp pháp khi đó là cuộc chiến chống xâm lược hoặc là sự can thiệp quân sự với sự đồng ý của Hội đồng Bảo an. Dự thảo nghị quyết can thiệp quân sự bị Nga bác bỏ, nhưng NATO vẫn quyết tâm dùng sức mạnh không quân và hải quân để ép Nam Tư chấp nhận Kosovo độc lập và lục quân NATO triển khai để “gìn giữ hòa bình”.
Chiến dịch vận động dư luận trên các phương tiện truyền thông được tiến hành với mật độ và tần suất cao chưa từng thấy kể từ thời chiến tranh Việt Nam. Hãng CNN trực tiếp tố cáo người Serbia đang tiền hành “thanh lọc sắc tộc” ở Kosovo giống như cuộc diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng bộ trưởng Quốc phòng William Cohen đưa ra con số 100.000 người mất tích hay bị giết (thực tế 5 tháng sau người ta chỉ đào được hơn 2100 xác chết ở 1/3 số mộ, mà lại lẫn lộn trang phục binh lính và thường dân). Báo New York Times đưa tin, “Chính quyền cho hay bằng chứng về hành vi diệt chủng của các lực lượng vũ trang Serbia xuất hiện ngày càng nhiều”. Kết quả là lưỡng viện quốc hội Mỹ phê chuẩn việc đưa 4000 quân cùng các đồng minh NATO đến Nam Tư để “thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình”. Một khoản chi khẩn cấp 13 tỷ đôla cho chiến dịch quân sự này đã được duyệt.
Đêm 24/3, thủ đô Belgrade rung chuyển bởi những loạt bom và tên lửa đầu tiên. Hệ thống không quân và phòng không Nam Tư không hề yếu nhưng đã gặp phải đối thủ quá mạnh cả về số lượng lẫn công nghệ. Tổng cộng có Nam Tư 136 máy bay chiến đấu (MIg-29 chỉ có 13 chiếc), 132 bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung, 30 máy bay hỗ trợ và 53 trực thăng. Trong khi đó, liên quân NATO do Mỹ cầm đầu gồm hơn 600 máy bay chiến đấu (tổng cộng có hơn 1.000 máy bay), trong đó có các các máy bay ném bom chiến lược tàng hình tối tân В-2А và các máy bay tiêm kích tàng hình F-117A, hơn 60 tàu các loại, trong đó có 4 tàu sân bay. Đặc điểm nổi bật của lực lượng này là trong biên chế của nó có một số lượng lớn máy bay không người lái các loại (20 chiếc của Mỹ, gần 10 chiếc Pháp và hơn 10 chiếc của Đức).
Trong chiến dịch không kích gần 3 tháng chống Nam Tư, không quân NATO đã thực hiện tổng cộng hơn 20.000 phi vụ xuất kích và phóng đi 870 tên lửa hành trình (792 tên lửa hành trình phóng từ biển và 78 tên lửa hành trình phóng từ trên không), trong đó phóng 374 tên lửa hành trình phóng từ biển vào các căn cứ của Nam Tư trên lãnh thổ Kosovo.
Thiệt hại của Nam Tư là rất nặng nề. Gần như 100% mục tiêu công nghiệp dầu mỏ, 70% mục tiêu của công nghiệp hàng không, 40-50% các nhà máy xe tăng, đạn dược, gần 70% đường ô tô và đường sắt, 20-80% hạ tầng quân sự bị loại khỏi vòng chiến. Nhiều cây cầu, nhà máy tư nhân và tòa nhà công cộng cũng bị phá hủy. Việc tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự là nỗ lực nhằm gây bất ổn cho chính quyền Nam Tư. Tổ chức Human Rights ước tính có 500 dân thường thiệt mạng, trong khi chính quyền đưa ra con số 1200-5700 người. Đại sứ quán Trung Quốc bị trúng tên lửa Mỹ khiến 3 phóng viên thiệt mạng, gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng trăm ngàn người Albania ở Kosovo đã phải di tản sang các nước láng giềng là Albania, Macedonia, và Montenegro. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 30 tỷ đô la.
Theo một số nguồn tin, trong chiến dịch này liên quân NATO đã mất 31 máy bay chiến đấu, 6 trực thăng, 11 máy bay không người lái và gần 40 tên lửa hành trình. Ngoài ra, do bị bắn bị thương, 3 máy bay NATO đã phải hạ cánh bắt buộc xuống các sân bay Sarajevo (Bosnia-Herzegovina) và Skopje (Macedonia). Tổn thất của Nam Tư là 20 máy bay (8 MiG-29 và 12 MiG-21), trong đó 12 máy bay (4 MiG-29 và 8 MiG-21) bị tiêu diệt trên mặt đất; 13 đài radar bị loại khỏi vòng chiến.
Kết quả: chính phủ Nam Tư đồng ý rút quân khỏi Kosovo để lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế triển khai tại đây. Điều Mỹ và NATO không ngờ tới là quân đội Nga đã bất ngờ hành quân và chiếm sân bay chiến lược Slatina, do thỏa thuận của chính phủ Nam Tư với Liên Hiệp Quốc không nói rõ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế gồm những quốc gia nào. Tổng thống Nam Tư Milosevic bị lật đổ trong cuộc “cách mạng Bulldozer” một năm sau. Ông bị đưa ra một tòa án quốc tế để xét xử nhưng tòa chưa kịp tuyên án thì đã qua đời trong tù. Năm 2015, tòa án Công lý Quốc tế của LHQ (ICJ) tuyên bố không thấy có tội ác diệt chủng của Croatia và Serbia, nhưng lại không đưa ra phán quyết về sự vô tội của Milosevic.
Liên bang Nam Tư tan rã thành các quốc gia mới như Kosovo, Montenegró, Serbia. Trong đó, Kosovo trở thành nước nghèo nhất châu Âu (hãy hình dung một quốc gia không đủ khả năng tài chính để tự in tiền, phải xin dùng euro làm đồng tiền chính dù không phải thành viên EU), tỉ lệ thất nghiệp lên tới 45%, lạm phát 8.3%, kiều hối từ nước ngoài gửi về chiếm 18% GDP. Thậm chí lễ kỷ niệm độc lập năm 2015 ở thủ đô Pristina của Kosovo đã không thể tiến hành, vì thị trưởng cho biết ngân sách thành phố không còn xu nào nữa.
– Muitenbac777 –