Trang chủ Nổi bật Kì 1: Thiết Mộc Chân thống nhất Mông Cổ

Kì 1: Thiết Mộc Chân thống nhất Mông Cổ

13558906_1453612751322913_2327542464863856837_o

Vào cuối thế kỷ 12, các bộ lạc du mục ở khu vực thảo nguyên Trung Á, phía bắc Trung Quốc bước vào giai đoạn hình thành một quốc gia thống nhất. Thời kỳ này người Mông Cổ có các liên minh bộ lạc lớn là Khiết Liệt, Mông Cổ, Nãi Man, Thát Đát … Do sự chia rẽ về lợi ích và chịu ảnh hưởng chính sách chia để trị của đế quốc Kim, các bộ lạc Mông Cổ vẫn thường xuyên đánh lẫn nhau.

Bấy giờ, một nhân vật kiệt xuất của người Mông Cổ nổi lên, đó là Thiết Mộc Chân (Temujin), thuộc bộ lạc Khất Nhan. Người này từng bước lập nên một liên minh lớn, tung quân đánh dẹp các bộ lạc thù địch, thống nhất được Mông Cổ. Năm 1206, hội nghị các quý tộc Mông Cổ đã tôn xưng Thiết Mộc Chân làm Thành Cát Tư Hãn ( Genghis Khan ), nghĩa là Vua của thiên hạ. Từ đây, Mông Cổ liên tục có những chiến dịch xâm lược quy mô lớn trên khắp các hướng. Tiến độ bành trướng của đế quốc Mông Cổ là chưa từng thấy trong lịch sử. Ban đầu, Mông Cổ thu phục nhanh chóng các bộ tộc lân cận người Khiết Đan, Đột Quyết. Sau đó lần lượt các đế chế hùng mạnh hàng đầu xung quanh bị đánh bại.

Năm 1206 Thành Cát Tư Hãn dẫn quân xâm lược nước Tây Hạ. Đến năm 1227 thì Tây Hạ vong quốc.

Năm 1219 quốc gia bá chủ Trung Á là Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm) có xung đột với Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tàn phá nước này. Đến năm 1221 thì hầu hết lãnh thổ nước này đã bị Mông Cổ chiếm.

Năm 1211 Mông Cổ tấn công đế quốc Kim, quốc gia của người Nữ Chân lập nên đang thống trị vùng Hoa Bắc. Đến năm 1215 thì chiếm được Trung Đô nước Kim. Nước Kim liên tiếp phải dời đô trốn tránh. Mông Cổ kết liên minh với Nam Tống cùng hội quân diệt Kim. Đến năm 1234 thì nước Kim hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.

Trong khoảng thời gian từ 1229 đến 1242, một nhánh quân Mông Cổ do cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Bạt Đô (Batu) chỉ huy tiến quân về hướng tây bắc, tàn phá Đông Âu và Trung Âu. Quân Mông Cổ chiếm thành Moscow, tiêu diệt nước Nga Kiev (Kiev Rus), đánh bại quân Ba Lan, Hungari, Áo… Cả Châu Âu kinh hoàng trước sức mạnh quân Mông Cổ. Ở Đức xuất hiện bài cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi sự cuồng bạo của Tatar”.

Quân Mông Cổ thời kỳ này đa phần là những kỵ binh cực kỳ tinh nhuệ và tàn bạo. Người Mông Cổ vốn là dân du mục lớn lên trên lưng ngựa, từ nhỏ đã tập tành cưỡi ngựa bắn cung và các kỹ thuật chiến đấu trên ngựa. Những trang bị vượt trội của quân Mông Cổ là cung tên bắn xa và mạnh, áo giáp độn da thú nhẹ và bền chắc, loan đao và gươm, giáo … Mỗi người lính Mông Cổ được trang bị đến bốn ngựa thay phiên nhau. Ngựa Mông Cổ dai sức, chạy nhanh, thích nghi được nhiều điều kiện thời tiết là thứ lợi khí quan trọng của người Mông Cổ. Khi tấn công vào vùng Trung Đông, người Mông Cổ tiếp thu kỹ thuật hỏa pháo và máy bắn đá loại Trebuchet. Những vũ khí này dùng để công phá thành trì cực kỳ lợi hại. Sau những cuộc chiến với người Châu Âu, người Mông Cổ bắt đầu xây dựng những đội Thiết kỵ binh với trang bị áo giáp hạng nặng bằng kim loại cho cả người và ngựa. Chúng ta thấy rằng, quân đội Mông Cổ không chỉ thiện chiến và trang bị tốt, mà còn biết tích cực tiếp thu kỹ thuật quân sự của những nền văn minh khác. Ngoài việc tiếp thu kỹ thuật, đế quốc Mông Cổ còn biết tận dụng nhân lực của những quốc gia bị thôn tính để bổ sung quân số. Do đó quân đội của đế quốc Mông Cổ vừa có chất lượng vừa đảm bảo số lượng.