Trang chủ Nổi bật Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 – Kỳ 21 : Chiếm...

Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 – Kỳ 21 : Chiếm lại kinh thành, truy kích quân địch

Chiến thắng Hàm Tử – Tây Kết đã làm rúng động toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Nguyên, khiến tinh thần của chúng hoang mang tột độ. Quân Nguyên bấy giờ ở tản mác tại Thiên Trường, Thiên Mạc, Trường Yên vẫn còn đông nhưng hầu như đã như cá nằm trên thớt, hoàn toàn mất phương hướng do bị cô lập với chỉ huy và hậu cần. Quân của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long cũng đã khiếp vía và bị uy hiếp dữ dội do mất đi những lá chắn ở hạ lưu sông Hồng.

Toàn quân Đại Việt lại chia làm ba bộ phận. Khối quân thứ nhất cũng là khối quân mạnh nhất do Chiêu Minh vương Trần Quang Khải làm tổng chỉ huy, thừa thắng đánh thẳng vào khối quân của Thoát Hoan ở Thăng Long. Khối quân thứ hai do vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông chỉ huy, chốt giữ các địa bàn vừa mới chiếm lại được và đem quân tiễu trừ giặc ở các vùng Thiên Mạc, Trường Yên, Thiên Trường. Khối quân thứ ba do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm tổng chỉ huy từ Thiên Trường theo dòng sông Thái Bình – Lục Nam tiến chiếm lại Vạn Kiếp, chuẩn bị đón đánh quân Nguyên rút chạy hoặc phối hợp với quân của Trần Quang Khải hai mặt giáp công địch nếu cần. Hưng Đạo vương còn phái gia tướng Phạm Ngũ Lão dẫn tinh binh từ khối quân của mình sang chi viện cho Chiêu Minh vương để cùng hợp lực chiếm lại kinh thành.

1. Đại chiến bến Chương Dương, thu phục kinh thành :

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là vị tướng được giao trọng trách đánh chiếm lại kinh thành. Đối đầu với ông trong trận chiến sống còn lần này chính là Thoát Hoan, A Lý Hải Nha và những tướng lĩnh chủ chốt khác của đội quân xâm lược. Quân dưới trướng Thoát Hoan vẫn còn hàng chục vạn bất chấp những thất bại nặng nề liên tiếp. Các khối quân của Toa Đô, Giảo Kỳ, Ô Mã Nhi… rải rác ở các nơi trong nước dù bị đánh tan tác, bị cô lập thành từng mảnh nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị diệt. Vì vậy, trận chiến thu phục kinh thành là một trận chiến lớn, vô cùng quan trọng và không hề dễ dàng.

Yêu cầu đặt ra cho quân ta là phải tiếp tục phát triển đà thắng lợi để đi đến chiến thắng chung cuộc, tuyệt đối không cho quân Nguyên có cơ hội tụ họp lại với nhau. Biết được điều đó, vua Trần và Hưng Đạo vương đã dành những lực lượng mạnh nhất gởi đến chi viện cho vị Thượng tướng. Các chiến tướng hàng đầu bấy giờ là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trung Thành vương… đều được ưu tiên cử đến chiến đấu dưới quyền của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Triều đình lại gởi thông điệp cho các lộ kêu gọi nghĩa binh, dân binh cả nước đem quân đến hội, binh thế rất thịnh.

Trong số các đạo dân binh hùng mạnh, đáng kể nhất là quân của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền… Trải qua nhiều tháng chiến đấu với quân giặc, những nông dân Đại Việt giờ đã trở thành những chiến binh thực thụ, cùng sát cánh với quân đội triều đình đánh lớn.

Chiêu Minh vương đem các quân dùng thuyền ngược sông Hồng vây đánh mạnh vào bến Chương Dương (thuộc Thường Tín, Hà Nội), lại ngầm cho quân đi vòng mai phục trên đường từ thành Thăng Long đến Chương Dương. Quân ta khí thế đang lên, đồn Chương Dương dù là một cứ điểm đông và mạnh của quân Nguyên cũng cơ hồ không chống cự được lâu. Nhận tin cấp báo, Thoát Hoan từ Thăng Long phái quân đi tiếp viện thì bị phục binh Đại Việt chặn đánh tan dọc đường. Đồn Chương Dương cô thế, trước sau đều bị quân ta vây đánh nên cũng bị hạ không lâu sau đó. Hàng vạn quân tại Chương Dương bị tiêu diệt. Chiêu Minh vương lại phái Trung Thành vương (khuyết danh) đem một cánh quân tấn công đồn ngoại vi của địch ở Giang Khẩu (Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay), tướng Nguyên trấn giữ tại đây là Thiên hộ Mã Vinh chống không nổi phải rút chạy. Quân Nguyên rút hết vào trong thành Thăng Long cố thủ.

Chiêu Minh vương hạ lệnh cho toàn quân vây thành mấy vòng, thủy và lục quân cùng nhau phối hợp ngày đêm công phá thành. Quân Nguyên ở trong thành dùng cung tên, dựa vào thành cao hào sâu chống trả lại. Kỵ binh của quân Nguyên bị dồn ứ trong thành, ngựa chiến trở nên vô dụng trong một điều kiện chiến trường hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng thường trải qua ở các quốc gia khác. Quân Nguyên chỉ có thể trông cậy vào bộ binh để thủ thành. Cả phía quân Đại Việt và quân Nguyên đều chịu nhiều tổn thất trong trận chiến giữa công và thủ thành này. Tuy nhiên quân ta không hề nao núng, hết lớp này đến lớp khác quyết xông lên hạ thành. Quân địch đã vào thế bị vây khốn, càng đánh càng mỏi mệt, tên đạn hết, lương thực cạn.

Khi tình thế quá bi đát, Thoát Hoan cho họp các tướng, bàn nhau rút quân về nước hòng bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội về sau. Nhưng bấy giờ toàn cõi Đại Việt đã trở thành một cái bẫy lớn chờ đợi tiêu diệt quân Nguyên, quyết đánh cho địch không còn manh giáp chứ không cho phép chúng có cơ hội thực hiện một cuộc “rút lui chiến lược”.

2. Truy kích Thoát Hoan :

Thoát Hoan trong cơn nguy khốn, điều động hết binh mã phá vòng vây chạy về hướng bắc. Thoát ra được ngoài vòng vây của quân ta với thiệt hại lớn, quân Nguyên tụ lại ở Gia Lâm để rút lui. Lúc này thì tàn quân Nguyên dưới trướng của tướng Giảo Kỳ bại trận ở Hàm Tử quan mấy hôm trước vẫn chưa hay biết Thoát Hoan đã bại trận rút lui, kéo nhau về Thăng Long thì đụng độ quân ta, lại bị đánh một trận tơi tả. Giảo Kỳ cố gắng lắm mới chạy được đến Gia Lâm hội quân với Thoát Hoan.

    Lược đồ minh họa


Lược đồ toàn cuộc phản công và truy kích giặc Nguyên

Chiêu Minh vương cho quân vào chiếm lại kinh thành, mở tiệc khao quân. Lại lệnh cho Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản thống lĩnh kỵ binh truy kích Thoát Hoan. Hưng Đạo vương cũng đã đợi sẵn quân địch từ trước, phái Hưng Ninh vương Trần Tung đem 2 vạn quân tấn công phối hợp. Quân Hoài Văn hầu từ hướng Thăng Long đánh lên, cùng Hưng Ninh vương từ hướng Vạn Kiếp đánh xuống, kẹp khối quân của Thoát Hoan vào giữa. Quân Nguyên chưa kịp hoàn hồn sau trận đánh ở Thăng Long đã bị hai mặt giáp công, lại nhanh chóng thua trận. Đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã đuổi tới đánh khi quân Nguyên đang vượt sông bằng cầu phao. Đám bại binh lại phải chịu tổn thất lớn.

Đến sông Sách (sông Thương chảy qua Vạn Kiếp), quân Nguyên lại phải dừng quân bắc cầu phao qua sông. Nơi này là chỗ nhạy cảm, tất nhiên quân ta không bỏ qua. Hưng Đạo vương đã cho đặt phục binh trong rừng chờ đón giặc từ trước. Quân mai phục của Đại Việt ít hơn nhiều, chỉ dựa vào khí thế truy kích nên không đánh ngay vì sẽ ép địch vào thế cùng đường, tất chúng sẽ dựa vào sông tử chiến, sẽ gây cho ta những tổn thất không đáng có.

Chờ cho quân Nguyên bắt xong cầu phao, chuẩn bị vượt sông thì quân ta mới nhất tề xông ra đánh. Lúc này quân địch chỉ mong nhanh chóng thoát thân, không còn ý chí nào mà chiến đấu nữa, tranh nhau mà chạy. Quân ta thừa thế đánh giết. Hậu quân Nguyên dưới trướng tướng Đường Ngột Đải chưa qua sông kịp, bị kẹt bên bờ nam và bị quân ta tàn sát. Đường Ngột Đải đánh cố chết mới may mắn thoát được. Quân Nguyên sợ hãi tranh nhau vượt sông khiến cầu phao không chịu nổi nên bị gãy. Quân giặc bị rơi xuống sông chết đuối rất nhiều.

Thoát Hoan cùng đám bại binh qua được sông Sách thì thiệt hại đã quá nửa. Hắn phái Tả thừa Lý Hằng đi sau chặn hậu để cho mình cùng thuộc hạ có thể an toàn rút lui. Kỷ luật của quân Nguyên có thể gọi là khá cao nên vẫn chưa hoàn toàn tan rã. Đám thân binh luôn hết sức che chở cho chủ tướng Thoát Hoan chạy thoát. Chạy đến trại Vĩnh Bình, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đã cho quân mai phục sẵn chỗ hiểm, tên độc bắn ra như mưa. Tả thừa Lý Hằng trúng tên độc, bị thương nặng. Tỳ tướng của Lý Hằng là Lý Quán cùng quân tướng còn lại chừng 5 vạn quân, hộ tống Thoát Hoan cố chạy về phía châu Tư Minh, đất của nước Nguyên.

Quân Nguyên bắt được ống đồng trong dân, Thoát Hoan chui vào đó rồi cho quân lính đẩy đi dưới làn tên mũi đạn của quân ta. Khi đã vào địa phận châu Tư Minh rồi, đám bại binh vẫn chưa thoát nạn. Hưng Hiến vương Trần Quốc Uy cùng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn thừa thắng đuổi tràn cả qua biên giới, đánh một trận nữa ngay tại châu Tư Minh, trong đất của nước Nguyên để triệt để tiêu diệt đạo quân xâm lược, cho quân giặc một trận nhớ đời. Lý Quán trúng tên bỏ mạng trong trận này, xác của Tả thừa Lý Hằng cũng lạnh do trúng độc. Chỉ còn lại rất ít quân tướng dưới trướng Thoát Hoan thoát chết chạy đến nơi an toàn nằm sâu trong lãnh thổ đế chế Nguyên Mông.

Song song với quãng thời gian mà hai khối quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải chỉ huy đánh bại đại quân của Thoát Hoan, thu phục Thăng Long và truy kích giặc qua bên kia biên giới thì vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng quân dân các nơi trên cả nước cũng bận rộn đánh quân Nguyên ở rải rác các nơi. Bấy giờ, không tính quân của Thoát Hoan ở Thăng Long bị đánh bật về bắc thì ở đồng bằng sông Hồng vẫn còn hàng vạn quân Nguyên. Lực lượng này sẽ không hề “vô hại” nếu như quân ta không có những biện pháp đánh dẹp thích hợp.

(còn tiếp)

Quốc Huy/Một Thế Giới