Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân nước Đại Việt khép lại với chiến thắng vẻ vang. Ngày 18.04.1288, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần, quân đội đem bọn tù binh Tích Lệ Cơ Ngọc, Ô Mã Nhi, các thiên hộ, vạn hộ quân Nguyên bị bắt về phủ Long Hưng, làm lễ mừng công trước Chiêu lăng (lăng mộ vua Trần Thái Tông). Trong chiến tranh quân Nguyên tiến vào lăng muốn đào mộ vua Trần Thái Tông nhưng tìm mãi không thấy quan tài. Đến khi bái yết, vua Trần Nhân Tông thấy chân ngựa đá trong lăng đều lấm bùn, cho rằng thần linh đã ngầm giúp. Cảm khái vì sự bi tráng của chiến tranh và chiến công của quân dân Đại Việt, vua Trần Nhân Tông đã làm đôi dòng thơ:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
Dịch thơ :
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thưở vững âu vàng
Khi triều đình về lại Thăng Long, cung điện đã bị quân Nguyên đốt phá. Đến nỗi Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ngự ở hàng lang Thị Vệ để làm việc. Triều đình ra lệnh đại xá cả nước, những nơi chịu thiệt hại do chiến tranh đều xem xét miễn giảm thuế khóa, phu dịch tùy theo mức độ.
Khi định công lao dẹp giặc, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lĩnh công đầu. Vì ngài đã tột bực vinh hiển, nên vua phong thêm tước Đại vương. Con trai Hưng Đạo vương là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn có công lớn được phong làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được phong Tiết độ sứ. Đỗ Khắc Chung có công lao và dũng khí đi sứ trong lúc chiến sự cam go, được ban quốc tính, gọi là Trần Khắc Chung. Quản lĩnh quân Thánh Dực là tướng Nguyễn Khoái được phong tước Liệt hầu, được ban cho một hương (làng) làm thái ấp, sau gọi là hương Khoái Lộ. Tù trưởng Lạng Giang Lương Uất có quân công nên được phong làm Trại chủ Quy Hóa. Tù trưởng Hà Tất Năng có công chỉ huy người thiểu số đánh giặc, được phong tước Quan phục hầu.
Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện cũng có công lao rất lớn, nhưng vì cãi lệnh vua đem quân đánh bọn Thoát Hoan trong khi vua đã hạ lệnh thả cho chúng một con đường sống nên ông không được phong thưởng. Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, là lập được đại công nhưng vì không dâng lên vua mà lại dâng lên Thượng hoàng nên bị bắt tội bất kính, chỉ được phong tước Quan nội hầu.
Bấy giờ người trong nước lập được quân công rất nhiều mà chức tước, bổng lộc của triều đình thì có giới hạn. Việc thưởng công xong rồi, nhiều người vẫn cho là sơ sài. Thượng hoàng Trần Thánh Tông bèn dụ rằng:
“Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ” (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Lời dụ ban xuống, mọi người đều bằng lòng. Triều đình lại cho vẽ chân dung, ghi công trạng những người có chiến công đặc biệt trong hai cuộc chiến (kháng chiến chống Nguyên lần 2, lần 3) vào sách Trùng Hưng Thực Lục.
Đến lúc xét xử người kẻ hàng giặc, những nhân dân và quân lính được miễn tội chết nhưng bị bắt phải chịu phu dịch nặng nề, chuyên chở gỗ đá để xây dựng cung điện. Các quan viên hàng giặc thì bị nghiêm trị tùy theo tội trạng. Những hương sớm hàng giặc là Bàng Hà, Ba Điểm thì bắt dân ở đó đời đời chỉ được làm lính, làm nô, không được đi thi hay tiến cử làm quan, làm tướng.
Khi quân Nguyên rút chạy, quân ta bắt được một hòm chứ đầy văn thư ước hẹn xin hàng của các vương hầu, quan lại. Khi đem hòm ấy ra, nhiều kẻ run sợ. Thượng hoàng sai quân đem đốt hòm ấy đi để tỏ sự khoan hồng. Còn lại những kẻ phản quốc từ trước, đã lộ hình tích thì triều đình thẳng tay trừng trị. Đến như Trần Kiện đã chết rồi vẫn đem ra xử, cho đổi sang họ Mai. Trần Lộng cũng bị đổi thành Mai Lộng. Trần Ích Tắc vì là tôn thất rất gần nên không thể đội họ, bị gọi là Ả Trần (ngụ ý nhút nhát như đàn đà) … Về việc này, các ý kiến thời hiện đại thường trách vua Trần trọng nam khinh nữ. Bởi lẽ đàn bà Đại Việt cũng nghĩa khí chẳng kém đàn ông. Ý kiến của sử gia Nguyễn Khắc Thuần có thể coi là tiêu biểu cho luồng tư tưởng đương đại: “Than ôi, sử thần xưa đã nương tay không phải chỗ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc, để lại biết bao gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trấn Ích Tắc đâu!” (theo Việt Sử giai thoại).
Cận thần rất được tin dùng của vua Trần Nhân Tông là Đặng Long trước đây vua đã định phong làm Hàn Lâm học sĩ nhưng Thượng hoàng ngăn cản. Đặng Long bất mãn nên hàng giặc. Khi giặc thua, Long bị bắt, vua sai đem chém đầu làm răn. Nhìn chung, việc thưởng công phạt tội của triều đình nhà Trần sau chiến tranh tương đối xác đáng, đặc biệt là vừa thể hiện được đức khoan dung vừa giữ được tính nghiêm minh của pháp chế, giúp duy trì kỷ cương trật tự, củng cố khối đoàn kết toàn dân.
(còn tiếp)
Quốc Huy/Một Thế Giới