Dù rằng sử sách các đời có nhiều ý kiến trái chiều về nhà Hồ, trong đó không ít ý kiến chê trách, khinh miệt nhưng một lần nữa chúng ta cần phải công nhận rằng, triều nhà Hồ thực sự có quyết tâm bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm. Ý chí tự cường của Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương mạnh mẽ hơn hẳn các vua cuối của nhà Trần.
Như đã nói ở các kỳ trước, Hồ Quý Ly đã sớm có các biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng. Ông đã cho làm lại sổ hộ tịch để tăng thêm số quân dự bị, gom đồng đúc súng thần cơ, xây dựng các thành trì kiên cố, đánh Chiêm Thành để giải tỏa áp lực từ phía nam… Kế đến khi nhà Hồ thành lập, triều đình mới đã cho định lại các cơ ngũ mới, quân số thường trực tăng thêm, tiếp tục xây dựng các công trình lớn phục vụ cho mục đích phòng thủ. Hồ Hán Thương cho thành lập 4 kho quân khí phục vụ cho việc sản xuất vũ khí dùng trong chiến tranh.
Đích thân vua nhà Hồ đã đi khảo sát các nơi cửa biển hiểm yếu. Lệnh cho quân dân cả nước đẽo những thân gỗ to khỏe làm cọc chặn sông vùng Bạch Hạc (Phú Thọ) để ngăn đường tiến quân của giặc. Những nơi cửa biển xung yếu, các vị trí chiến lược trên sông Cái (sông Hồng) cũng được đóng cọc nhọn phòng giữ. Công trình tiêu biểu nhất là cụm cứ điểm thành Đa Bang (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Thành Đa Bang là một quân thành có mặt thành Đa Bang hướng ra sông sông Lô, sông Nhị, chắn ngang đường tiến quân dự kiến của quân Minh (từ hướng Vân Nam sang). Cùng với khu thành chính, dọc bờ sông là hàng trăm dặm chiến lũy, cọc nhọn ngăn giặc. Cho đến năm 1406, cụm cứ điểm thành Đa Bang vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Sở dĩ vua tôi nước Đại Ngu chú trọng phòng thủ tuyến đường từ Vân Nam tiến vào đất nước là bởi vì vào thời này, vùng Vân Nam đã đông đúc và thuận tiện về giao thông hơn hẳn các thời trước. Vân Nam đã đủ điều kiện làm bàn đạp cho giặc phương bắc tiến đánh nước ta bằng một đạo quân kỵ bộ quy mô lớn mà không cần sự hỗ trợ nhiều từ thủy quân. Đó là điểm bất lợi đặc trưng mà quân dân Đại Ngu thời nhà Hồ phải đối mặt so với cha ông ta các triều đại trước.
Việc xây dựng của nhà Hồ cho thấy rằng chiến lược chung nhất quán là phòng ngự. Chiến lược phòng ngự vốn không phải là một lựa chọn tồi. Tuy nhiên, việc chuẩn bị dù có quy mô rất lớn nhưng tồn tại không ít điểm yếu. Những điểm yếu đó sẽ kể sau, khi mà cuộc chiến diễn ra.
Trong lúc quân dân nước Đại Ngu tích cực chuẩn bị chống xâm lăng, thì ở Yên Kinh nước Minh, một nhân vật đã đi vào sử sách như một trong những tên Việt gian đáng nguyền rủa nhất. Trần Thiêm Bình, tên tay sai của giặc Minh nguyên có tên thật là Nguyễn Khang (có sách chép là Trần Khang) đã đề cập đến trong kỳ trước. Người này vốn là gia nô của một quý tộc tên Trần Nguyên Huy. Nguyên Huy là đồng đảng của thổ hào địa phương tên là Trần Tông. Khi Chiêm Thành thắng thế trước Đại Việt, Trần Tông ngả theo phe Chiêm Thành. Đến khi Đại Việt đánh đuổi được quân Chiêm khởi bờ cõi, bắt tội những kẻ đầu mục đã hàng giặc. Trần Tông nằm trong số đó, không còn đường nào khác bèn khởi binh chống lại triều đình. Chẳng được bao lâu, đám quân phản loạn bị đánh tan, Trần Nguyên Huy và Trần Tông đều chết. Nguyễn Khang chạy thoát được, theo đường xứ Ai Lao trốn sang nước Minh, đổi tên là Trần Thiêm Bình, mạo xưng là con của vua Trần Nghệ Tông. Thiêm Bình được vua Minh Thành Tổ Chu Đệ thu nhận, dùng làm chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ” hòng dễ dàng thôn tính nước Đại Ngu.
Trần Thiêm Bình ở cạnh Chu Đệ, thường xuyên kêu xin vua Minh xuất quân đánh Đại Ngu, để cho hắn có thể trả thù cho chủ và lên làm vua nhờ sức ngoại bang. Thiêm Bình đã nói với vua Minh: “Dòng dõi họ Trần chỉ còn một mình tôi, tôi cùng giặc nhà Hồ không đội trời chung được. Dám xin nhà vua xuất phát ngay sáu quân đánh kẻ có tội để tỏ rõ oai trời”.
Vua Minh vốn đã sẵn ý muốn xâm lăng, nhân đó phái sứ sang nước ta mượn tiếng là “điều tra” thật giả. Đó là đòn tâm lý chiến sâu hiểm, đánh thẳng vào điểm yếu chính trị của triều nhà Hồ là lên ngôi không chính danh. Sứ nước Minh phái sang ta, thực chất chỉ nhằm do thám và ly gián, việc truy xét thân phận thực sự của Trần Thiêm Bình tuyệt nhiên không động đến. Vốn đã biết rằng nước Minh muốn mượn cớ “phù Trần” để cất quân sang đánh, vua Hồ Hán Thương dùng kế đối phó. Vua nhà Hồ biện bạch rằng vì họ Trần không còn ai, nên cháu ngoại (Hồ Hán Thương là cháu ngoại vua Trần Minh Tông) phải đảm đương việc nước.
Đến khi vua Minh dùng Trần Thiêm Bình mạo xưng con cháu nhà Trần, Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân soạn tờ biểu “tạ tội” đưa sang cho Chu Đệ. Trong đó xin được đoán Trần Thiêm Bình về nước làm vua. Vua Minh nhân đó cho người thư trả lời: “Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm chúa, thì sẽ ban cho khanh tước thượng công và phong cho một quận lớn”. Trong việc này, mỗi bên đều có toan tính riêng. Vua Hồ Hán Thương muốn lừa người nước Minh đem Trần Thiêm Bình về nước mà giết đi, qua đó khiến lòng dân khỏi bị lung lạc. Vua Chu Đệ thì mong rằng có thể “không đánh mà thắng”, biến nước Đại Ngu thành nước lệ thuộc với vua bù nhìn do nước Minh dựng lên.
Đến mùa hạ năm 1406, Minh Thành Tổ Chu Đệ bắt đầu động binh. Tướng Hàn Quan được phong làm “Chinh Nam tướng quân Hữu quân đô đốc đồng tri”, Hoàng Trung được phong làm “Tham tướng đô đốc đồng tri”, điều động 10 vạn quân ở lộ Quảng Tây tiến sát biên giới nước Đại Ngu, dẫn theo Trần Thiêm Bình. Đại quân nước Minh dừng lại ở biên giới làm thanh thế, còn Hoàng Trung dẫn 5.000 tinh binh để hộ tống Trần Thiêm Bình về nước. Vì theo lời của Trần Thiêm Bình nói, quân Minh chỉ cần tiến sang, trăm họ sẽ hưởng ứng theo để cùng lật đổ họ Hồ. Đó là lời nói lấy được của tên phản quốc. Đến khi quân Minh tiến sang, tuyệt không thấy người dân nào hưởng ứng theo chúng. Chỉ thấy dọc đường tiến quân, nhân dân điều phá bỏ lúa gạo và di tản, làm kế “Vườn không nhà trống” theo lệnh của triều đình nhà Hồ.
Quân đội Đại Ngu đóng ở ải Chi Lăng ẩn mình tránh giặc, mở đường cho chúng tiến sâu vào nội địa. Đại quân do Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chỉ huy dàn binh thuyền ở vùng Bắc Giang (Bắc Ninh ngày nay) đợi giặc. Quan quân nhà Hồ dự tính sẽ phải đối đầu với 10 vạn quân Minh, chủ động chọn vùng đồng bằng sông nước để giao chiến, hạn chế được thế mạnh kỵ bộ của giặc, phát huy được sức mạnh thủy quân. Nhưng rốt cuộc, các tướng Đại Ngu chỉ thấy quân Minh có vài ngàn quân Minh tiến đến, vì thế mà có ý khinh địch.
Kỳ thực, 5.000 quân mà Hoàng Trung dẫn theo đều là quân tinh nhuệ của nước Minh. Hoàng Trung thấy quân Đại Ngu lơ là, tung quân đánh gấp vào ải Lãng Kinh. Hồ Nguyên Trừng không sẵn sàng nên điều quân lúng túng, các tướng không hiệp đồng kịp, quân lính chết rất nhiều. Quân Minh ít nhưng có nhiều kỵ binh, đánh rất hăng hái. Quân Đại Ngu trái lại chỉ có số lượng chứ huấn luyện kém, tinh thần chiến đấu kém Nhị vệ đại tướng Phạm Nguyên Khôi, Quản lĩnh quân Chấn Cương Chu Bỉnh Trung, Quản lĩnh quân Tam Phụ Trần Huyên Huyên, Tả Thần Dực quân Trần Thái Bộc đều nối nhau thua chết ngay tại trận tiền. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng trực tiếp cầm thủy quân, sai quân đổ bộ lên bờ để đánh. Nhưng bấy giờ trận thế quân ta đã hỗn loạn, quân Minh thấy Hồ Nguyên Trừng thì tập trung đánh vào chỗ của ông. Hồ Nguyên Trừng suýt bị bao vây, may có thuộc hạ hộ tống được xuống thuyền thoát được.
Quản lĩnh quân Thánh Dực là Hồ Vấn đóng quân ở Vũ Cao gần đó, thấy động mới điều quân tới tiếp viện. Quân Đại Ngu chỉ tránh khỏi một trận thua điên rồ khi mà những binh sĩ thuộc quân Thánh Dực, đội cấm quân tinh nhuệ bậc nhất của triều đình kịp đến cứu. Hồ Vấn chia quân Thánh Dực đánh úp quân Minh. Gặp phải đội quân tinh nhuệ của Đại Ngu, Hoàng Trung đành chịu bại trận, thúc quân chạy thẳng về nước, quân lính bị truy kích chết rơi rớt dọc đường, nhiều tên bị bắt làm tù binh.
Hoàng Trung dẫn theo Trần Thiêm Bình cố gắng đào thoát, đến ải Chi Lăng thì gặp phải quân của hai tướng Hồ Xạ, Trần Đĩnh chặn đánh. Hoàng Trung lúc này chỉ cầu thoát thân, bèn sai người đưa thư cho Hồ Xạ: “Theo lời Thiêm Bình, hắn chính là con vua An Nam. Nếu đưa hắn về nước, thì đi đến đâu không ai là không hưởng ứng. Thế mà từ khi đưa hắn về nước đến nay, trong nước không một người nào theo cả, như thế tỏ ra là gian dối. Nay đưa Thiêm Bình trả lại, xin để cho quân lính được ra khỏi quan ải”.
Hồ Xạ nhận lời, thả bọn Hoàng Trung về nước, đem Trần Thiêm Bình về kinh dâng công lên vua Hồ Hán Thương cùng Thượng hoàng Hồ Quý Ly. Vua nhà Hồ sau khi làm lễ dâng công và tra hỏi rồi, đem Trần Thiêm Bình ra xử tội lăng trì. Tên phản quốc rước giặc về nước nay phải đền tội. Tuy nhiên, sóng gió đối với nước Đại Ngu mới chỉ là bước mở đầu. Vua Hồ Hán Thương biết rõ điều đó, từ chối tất cả các biểu mừng thắng trận của quần thần dâng lên.
Quốc Huy/Một Thế Giới