Ông Hoàng Hiệp Và Trận Giặc Năm 1673 (trích từ sách Nói Về Miền Nam – nhà văn Sơn Nam)
Vào hậu bán thế kỷ XVII, ở lãnh thổ Việt Nam xảy ra những trận giặc chót của cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Năm 1648, Trịnh đánh vào Nam Bố Chính và cửa Nhựt Lệ, bị thua to vì tướng Đàng Trong là Trương Phúc Phấn giữ vững lũy Trường Dục.
Năm 1655, quận Trịnh lại khuấy rối vùng Nam Bố Chính. Tướng Nguyễn Hữu Dật bày kế với Hiền Vương, xin đánh bất thình lình vào địa phận chúa Trịnh, Hiền Vương đồng ý. Cùng với Nguyễn hữu Tấn, Nguyễn hữu Dật đánh đâu thắng đấy, chiếm được bảy huyện ở tận Nghệ An. Các quan lại địa phương lần lượt đầu hàng, dân chúng tiếp đón nhưng họ đâm ra thất vọng – thuế điền, nhứt là thuế thân (sai dư tiền) đánh quá cao, mặc dầu đó là thuế biểu áp dụng thường lệ ở Đàng Trong, Nguyễn Hữu Dật phủ dụ dân chúng rằng biện pháp ấy chỉ tạm thời – nhưng không mấy ai tin tưởng lời hứa hẹn đó.
Quá hăng hái, Dật muốn tiếp tục tấn công nhưng Hiền Vương dạy Dật nên cẩn thận, mọi việc binh nhung phải bàn bạc trước với Nguyễn Hữu Tấn.
Để giải quyết tình trạng “mắc sa lầy” ở xứ lạ quê người, Dật phát triển tâm lý chiến loan tin làm hoang mang đối phương, bí mật giao thiệp với Trịnh Tạc. Mặc dầu đã cho Hiền vương biết trứơc nhưng việc tư thông của Dật gây thêm nhiều thắc mắc với Nguyễn Hữu Tấn – có lẽ Nguyễn Hữu Tấn ganh công. Vì tiểu tâm, Nguyễn Hữu Tấn rút thình lình tất cả quân số về Nam, cố ý bỏ Nguyễn hữu Dật ở lại một mình. Chừng hay được, Dật vẫn trầm tĩnh, ra lịnh cho 30 vệ sĩ – số vỏn vẹn ở bên cạnh Dật – phất cờ gióng trống trong lúc rút lui, khiến quân Trịnh không dám truy kích theo.
Thế là chiến thắng đã hóa ra chiến bại.
Cuối năm 1661, đầu 1662, Trịnh Căn và Lê Thời Hiến đánh thình lình vào tận lũy Đồng Hới. bị thất thế, Dật rút vào lũy để thủ hòa. . .
Bấy giờ, Hiền vương hiểu thực lực của mình hơn bao giờ hết. Theo lời tâu của Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tấn, Chúa quyết định xây thêm hai lũy nhỏ: Trấn Ninh và Sa Phụ để kiện tòan hệ thống sẵn có.
Khỏang thời gian hưu chiến 10 năm (1662-1672) giúp Hiền vương chỉnh đốn thuế khóa, tích trữ lương thảo, Nông Lại tư đặt ra kế họach do ký lục Võ Phi Thừa sọan thảo, nhằm mục đích đo diện tích các ruộng đất đang khẩn hoang và đã khai khẩn. Thuế đánh khá nặng: một mẫu (chừng 1/3 hecta) ruộng hai mùa phải đóng 40 thắng lúa (1 thăng –non 3 lít) và 8 hạp gạo trắng.
Năm 1667, Trịnh Tạc đuổi Mạc Kính Vũ. Vũ chạy trốn qua Tàu, mầm nội lọan gần như dứt hẳn.
Tháng 6 dương lịch 1672, Trịnh Tạc kéo binh vào Nam, quyết tiêu diệt chúa Nguyễn. việc bố trí rất khéo léo, chu đáo. Trịnh Căn làm nguyên sóai, cai quản thủy quân. Lê Thời Hiến (đã từng được tín nhiệm hồi chiến cuộc Nghệ An) thống suất bộ binh. Mỉa mai nhứt là hòang đế Lê Gia Tông, 12 tuổi, cũng được chúa Trịnh đem đi “ngự giá thân chinh”. Tất cả quân lực chừng 100.000 người nhưng loan tin là 400.000
Khi nghe viên Trân thủ Nam Bố Chính cấp báo, Hiền vương bảo với các quan: “Trịnh Tạc đã suy thời nên vào đây đánh một trận chót. Kinh nghiệm xưa nay thì kẻ liều mạng như Tạc bao giờ cũng thảm bại”.
Hiền Vương bàn qua việc lựa chọn vị nguyên sóai của đàng Trong. Các quan đồng ý giao trách nhiệm ấy cho hòang tử Tôn Thất Hiệp, con trai của Hiền Vương. Hiệp còn trẻ, chưa được 20 tuổi, đang giữ chức Chưởng cơ, chưa từng ra trận lần nào cả!
Tại sao có sự lựa chọn đó? Phải chăng dụng ý của Hiền Vương là cận thần là đối phó với chúa Trịnh về uy tín chính trị, biểu dương sự trưởng thành của Đàng Trong trên mọi địa hạt.
Đàng Ngoài, Trịnh Căn (40 tuổi, con của Chúa) làm nguyên sóai thì ở Đàng Trong, Tôn Thất Hiệp (non 20 tuổi, con của chúa) đâu kém năng lực!
Trịnh Tạc (67 tuổi) đi theo ủng hộ con; Hiền Vương (55 tuổi) cũng có mặt. Nói chung, ta thấy Đàng Trong rất trẻ trung, thiếu một hòang đế tượng trưng. Nhưng quân sĩ đôi bên dư hiểu rằng các chúa Trịnh đã nhiều lần bạc đãi, xử giảo các hòang đế họ Lê. Và phen nầy Lê Gia Tông ra trận với số phận một tù binh của chúa Trịnh, không hơn không kém.
Bộ tham mưu của nguyên sóai Hiệp gồm vệ úy Mai Phúc Lãnh và ký lục Võ Phi Thừa. Quân Đàng Trong kéo ra Quảng Bình. Chưởng cơ Trương Phúc Cang (con Trương Phúc Phấn) đi tả tiên phong, giữ lũy Trấn Ninh, đó những đòn tấn công mãnh lệt của địch. Lão tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ được giữ lũy Sa Phụ (hữu ngạn sông Nhựt Lệ), ở mặt trận thứ yếu. Hữu Dật bị đặt vào địa vị ấy, phải chẳng do sự cố ý của Hiền Vương, hoặc vì lý do chiến thuật.
Vào khỏang tháng 9-10 dương lịch 1672, Trịnh Căn và quân sĩ đến Nam Bố Chính. Lạ thay! Các tướng của Trịnh và Nguyễn nhìn nhau, dò xét, hăm dọa nhau hơn ba tháng trường rồi mới chịu đánh thật sự bằng gươm dáo và đại bác.
Mở đầu, Trịnh Căn dùng tâm lý chiến, kêu gọi Đàng Trong, tố cáo việc các chúa Nguyễn không phục tùng nhà Lê, xây thành đắp lũy, bày sưu cao thuế nặng … Đồng thời, Trịnh Căn thử tấn công vào lũy Đồng Hới, chọn nơi kém phòng thủ nhứt của đối phương để xây một chiến lũy khác đối diện, rồi đưa 1.000 chiến thuyền (?) đến vàm sông Gianh và vàm sông Nhựt Lệ, chờ đổ bộ.
Biết tình thế nguy ngập, Tôn Thất Hiệp khiến tham tướng Lễ đắp nên lũy Trấn Ninh, bố trí thêm súng thần công – mặt khác, cấp báo với Hiền Vương.
Hiền Vương dọ ý kiến. Cai cơ Tổng Đức Minh tâu: Quân Trịnh đi đường xa, sẽ gặp khó khăn về lương thảo. Ta nên cố thủ tại lũy, trì hõan thời giờ, chờ khi chúng mòn mỏi rồi hãy đánh.
Trần Đinh Ân đưa kế họach: Thực lực của quân Trịnh dưới 100.000 người, không quá hùng mạnh như chúng loan tin. Ta cứ đồn rằng quân ta đông đảo, 160.000 người, hiện đang mộ thêm 100.000 nữa, tất cả do hòang tử Hiệp chỉ huy, ắt địch quân phải xao xuyến, hoang mang.
Hiền Vương đồng ý, tuyển mộ thêm quân rồi tức khắc hạ lệnh chỉnh đốn các trạm địch, tăng cường sự phòng thủ miền duyên hải, từ Đồng Hới đến Huế.
Sứ giả của Trịnh Căn đến trước lũy Trấn Ninh. Hòang tử Hiệp sai Cai cơ Tú Minh ra tiếp kiến. Cuộc đấu khẩu diễn ra sôi nổi. Luận điệu cho rằng các chúa chống lại nhà Lê đã bị Tú Minh bác bỏ: Các Chúa Nguyễn rất trung thành với nhà Lê vì vậy cương quyết diệt họ Trịnh, kẻ lấn quyền, áp chế nhà Lê.
Dứt cuộc đàm phán ngắn ngủi ấy, Nguyễn Hữu Dật bàn với hòang tử HIệp:
– Tên sứ giả nọ trở về báo cáo thái độ cứng rắn của ta cho Trịnh Căn biết, Trịnh Căn tức giận sẽ tấn công lập tức. Quân sĩ ta phải sẵn sàng ứng phó từ giờ phút này.
Tháng 1 dương lịch 1673, phó tướng của quân Trịnh là Lê Thời Hiến xua quân, hạ trại đối diện lũy Trấn Ninh. Đợt tấn công đầu tiên của Hiến bị tan vỡ nhanh chóng. Trịnh Tạc nổi xung, nghiêm phạt các quân bại trận.
Với lực lượng cũ, tăng cường thêm 3.000 quân, Lê Thời Hiến hùng hổ mở cuộc tấn công thứ hai. Đông như kiến cỏ, quân Trịnh liều chết xung phong mãnh liệt, dùng chất “bộc phá” đặt vào lũy Trấn Ninh, đốt cháy dẫn hỏa treo vào diều giấy thả qua tận chót lũy, đào hầm ẩn núp dưới cơn mưa đạn do quân sĩ Đàng Trong từ trên lũy nã trả xuống như mưa. Chỉ trong vòng một ngày chiến đấu, lũy Trấn Ninh bị phá nhiều chỗ, bị chiếm, giải vây được rồi bị tái chiếm đến ba bốn lượt.
Hoảng sợ, Trương Phúc Cang toan bỏ lũy, qua thủ bên này sông Lê Kỳ nhưng hòang tử Hiệp không đồng ý, e tổn hại cho sĩ khí ba quân. Bấy giờ, hòang tử Hiệp nghĩ đến các giải quyết chót: Sai quân phi ngựa đến lũy Sa Phụ, truyền cho lão tướng Nguyễn Hữu Dật phải tức tốc qua lũy Trấn Ninh để cứu khốn.
Nhận lịnh ấy, Nguyễn Hữu Dật lạnh lùng trả lời: “Ta chỉ lo gìn giữ lũy Sa Phụ nầy mà thôi. Ngay từ hồi đầu chiến trận, ta không được ai chia sớt trách nhiệm nào ở lũy Trấn Ninh cả. Ta không dám đi!” Lúc vận mạng đàng Trong như chỉ mành treo chuông, tại sao Nguyễn Hữu Dật bất tùng quân lịnh? Chúng ta nên hiểu tâm trạng của Nguyễn Hữu Dật lúc ấy, tuổi quá cao, 69 tuổi. Phải chăng Nguyễn Hữu Dật bất mãn khi thấy mình bị bố trí ở cánh quân không quan trọng? Hiền Vương không còn tín nhiệm đầy đủ nơi Dật? Hai mươi bốn năm về trước, khi còn là Cai cơ, lãnh chức ký lục ở dinh Bố Chánh, Dật đã một phen bị tình nghi “thông đồng với Chúa Trịnh”, nhơn đó bị giam. Sau Hiền Vương tha tội, đuổi Dật về làm văn chức ở chánh đinh để tiếp tục theo dõi hành động tư tưởng. Hồi ấy, kẻ ám hại Dật chính là Tôn Thất Tráng, cha vợ của Tôn Thất Hiệp bây giờ. Rồi đến chiến sự Nghệ An còn nóng hổi! Dật cũng bị Tôn Thất Tráng, nhứt là Nguyễn Hữu Tấn xuyên tạc sự thật, dèm pha với Hiền Vương về tội “thông đồng với địch”. Tuy biết sự thật đen trắng ra sao nhưng Hiền Vương không hề khiển trách những kẻ đã vu khống Nguyễn Hữu Dật. Rất may là Tấn đã chết, nếu không, chưa chắc phen nầy Hiền Vương còn thu dụng Dật ở nhiệm vụ không quan trọng là giữ lũy Sa Phụ! “Nhứt chiến tài tình thiên cổ lụy”. Sách lược “liên lạc với địch để tìm hiểu rồi ly gián địch: đã được Dật áp dụng đem nhiều kết quả có lợi cho sự nghiệp Đàng Trong nhưng mấy ai chịu hiểu giùm. Dầu muốn hay không, Dật thấy sự nghiệp tinh thần của mình bị sụp đổ, sau 50 năm phò chúa, bằng xương bằng máu (từ hồi Sãi Vương còn sống).
Nhưng phút giây bất mãn ấy chỉ thỏang qua. Dật hối hận ngay, chạy nhanh lên lũy Sa Phụ, đứng quan sát thực tế của chiến trận. Bên kia sông, súng thần công nổ vang rền, khói bốc mịt trời che lấp lũy Trấn Ninh. Chắc chắn Lê Thời Hiến chiếm ưu thắng và tướng sĩ Đàng Trong đang đại bại ở ngay mặt trận chánh.
Dật dư hiểu: Nếu mình không đi cứu viện thì hòang tử Tôn Thất Hiệp phải đi cứu viện – và giờ nầy đang đi. Liệu vị nguyên sóai quá trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm ấy đủ sức ứng phó? Dật tức tốc lên yên, kéo quân đến Trấn Ninh. Dọc đường, Dật cẩn thận vạt vỏ viết vào thân cây mấy chữ tóm tắt: “Hữu Dật đã qua cứu viện lũy Trấn Ninh, xin hòang tử đến giữ lũy Sa Phụ đang bỏ trống”. Đọc tin ấy, hòang tử Hiệp qua Lũy Sa Phụ.
Để chận nẻo qua sông của quân cứu viện, Trịnh Căn khiến Tham đốc Thắng đưa 30 chiến thuyền vào tuần tiểu sông Nhựt Lệ nhưng bị hòang tử Hiệp bố trí đánh tan.
Trời tối như mực, ngửa bàn tay không thấy. Khi Nguyễn Hữu Dật đến Trấn Ninh, binh sĩ lớp chết, lớp bị thương, số còn lại chiến đấu gần như tuyệt vọng. Dật ra lịnh gom nhánh cây, cỏ khô, đốt lên sáng rực. Biết có viện binh đến, quân Trịnh hỏang hốt, không dám tiến. Suốt đêm, Dật đốc suất quân sĩ tích cực sửa chữa khỏang lũy khá dài bị phá hư (30 trượng: 120 mét). Nhưng trời vừa rạng sáng, Lê Thời Hiến lại tấn công. Quân sĩ Đàng Trong vững tinh thần, chống trả mãnh liệt. Có lẽ trong giờ phút ấy Nguyễn Hữu Dật đã khích lệ quân sĩ với câu nói: “Kẻ ở trước mặt chúng ta chính là bọn ngọai bang!”
Ngày ấy, hai bên liều chết, xung phong, bị phản xung phong, rồi liên tiếp nhiều ngày như thế . . Quân Đàng Ngòai chết quá nhiều. Quân Đàng Trong chết không kém.
Hiền Vương sai người đến trận địa để tìm hiểu, Dật đáp: “Xưa kia, quân ta đánh tận địa phận của chúng ở Nghệ An vậy mà chúng sợ ta, huống hồ hôm nay ta đã làm chủ tình hình tại đất nhà, có thành cao, hố sâu ngăn giữ”. Dật cũng viết thơ với Hiền Vương, thề sẽ đem hết tài sức đền đáp ơn chúa, nếu sơ sót thì xin chịu tội theo quân luật.
Gíó bấc thổi mạnh, mưa phùn lê thê, ray rứt, lạnh lẽo hơn bao giờ hết. Tự nhận rằng không thắng nổi Đàng Trong, Trịnh Tạc bắt đầu trở về. Tiết trời bất lợi, sau bảy tháng vắng mặt, ở Hà Nội liệu xảy ra biến cố gì trong phủ chúa chăng?
Tất cả tù binh, thường dân được Trịnh Tạc cho tiền bạc quần áo, phóng thích tại chỗ. Họ muốn đi về đâu thì cứ đi.
Sa vào kế nghi binh của hoàng tử Hiệp, Lê Thời Hiến không dám nán lại chiến đấu, bèn kéo binh rút lui sau khi hay tin các chiến thuyền của Trịnh Căn đã rời cửa Nhựt Lệ theo trận gió ngược.
Chiến trận đã tàn! Mùi thuốc súng như còn phảng phất. Nhưng khói hương bắt đầu tỏa nghi ngút từ bên trong lũy Trấn Ninh, khói hương của lễ giải oan do hòang tử Hiệp tổ chức cho oan hồn tử sĩ Đàng Trong.
Hòang tử không quên đặt đàn tràng bên kia lũy, bày cuộc lễ tương tự để cầu siêu cho tử sĩ Đàng Ngoài.
Những người chết được yên ủi phần nào khi thấy con cháu của họ bắt đầu từ đấy hưởng thanh bình – mãi 100 năm sau, mới chết chóc nữa!
Theo lịnh của hòang tử Hiệp, số tù binh ở Đàng Ngòai và già trẻ bé lớn, nạn nhân thời cuộc bấy lâu bị giam giữ có thể trở về quê, với tiền bạc, quần áo cấp phát đẩy đủ, không một ai bị giết cả.
Tháng 4 dương lịch 1673, hòang tử đến Thạch Xá. Hiền Vương mừng rỡ, khen ngợi, ban thưởng 100 lượng vàng, 1.000 lượng bạc, 50 tấm vóc gấm. Hòang tử Hiệp đáp lời lẽ chân thành: “Nhờ uy lực của cha, nhờ công lao của tướng sĩ mới có cuộc vui đại thắng này. Một mình con làm sao thắng nổi?” Hiền Vương khen: “Con hãy nhận vì con rất xứng đáng”.
Hòang tử Hiệp nhận lãnh vàng bạc nhưng liền sau đó chọn cho mình một thái độ: Phát nguyện trở thành phật tử – cà tích cực hơn – từ bỏ gia đình, thế phát xuất gia không chút do dự, tuy mới 20 tuổi.
Sử chép: Khi chỉ huy chiến trận, ông hòang Hiệp sống khắc khổ, ngồi trong trại, chỉ có hai vệ sĩ túc trực bên cạnh. Lần nọ, một lão già ở Quảng Bình tên Bật Nghĩa đến trại với ý định “tiến” cho ông hòang một thiếu nữ xinh đẹp. Ông hòang từ chối nhưng không quên cấp cho lão già 10 quan tiền, hiểu rằng người cha nọ hành động như vậy chỉ vì quá túng thiếu cơm áo, thời loạn.
Sự chọn lựa bất ngờ của hòang tử Hiệp không khó hiểu lắm. Tám tháng ở chiến trận là cả một đời người, là cả thể kỷ thứ XVII ở Việt Nam! Hẳn ông hòang Hiệp thầm đau xót cho đường họan lộ quá đắng cay của lão tướng Nguyễn Hữu Dật! Giữa cảnh máu xương lầy lội, tiếng đại bác vang rền, mùi diêm sanh nồng nặc, ông hòang dư hiểu rằng từ bấy lâu các thương gia Hòa Lan, Bồ Đào Nha cạnh tranh nhau ở Đàng Ngòai, ở Đàng Trong, để mua tơ lụa, quế, trầm hương và bán các nguyên liệu giết người. Họ lấn nhau, dùng mọi thủ đoạn tinh vi nhứt.
Ông hoàng cũng thấy tận mắt những chiếc đồng hồ kiểu Tây phương và tuy xa gia đình, ông hay tin đứa con trai của mình – Tôn Thất Lễ – sau cơn bệnh nặng mà các ngự y điều trị không nổi, đã rửa tội theo phép Công giáo (1674).
Sanh, Lão, Bịnh, Tử ông hòang Hiệp nhận rõ, thấm thía, không kém Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa khi ra bốn cửa hòang thành.
Ông “dũng mãnh, tinh tấn’, khiêm tốn nhận mình là một chúng sanh trong kiếp sát na. Vì đã từng đau khổ giữa cuộc thế, đã từng đóng vai người anh hùng, ông muốn thành tâm tìm một cõi cực lạc thực tế, sống ẩn dật như nhà hiền triết đủ can đảm, im lặng.
Ông liễu đạo năm 23 tuổi (1653 – 1675) , ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão, an táng ở làng Hiền Sĩ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, có lẽ không lưu lại một bút tích, một bài thơ truyền khẩu nào. Nhưng hậu thế tưởng còn nhận được hình bóng bất diệt của ông qua nụ tười phảng phất trên môi của các tượng Bồ Tát trong chùa, giữa tiếng kệ kinh.
Trăm năm sau, anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa (1773), đại phá quân Thanh (1789) làm rạng danh tòan đất Việt.
trích Nói Về Miền Nam – Sơn Nam