Trang chủ Nổi bật Trận Bô Cô 1408

Trận Bô Cô 1408

Quốc sĩ vô song song quốc sĩ
Anh hùng vô nhị nhị anh hùng

( Thơ Lê Thánh Tông viết về Đặng Dung và Đặng Tất )

1. Bối cảnh :
Sau khi nước Minh đánh bại lực lượng quân đội nhà Hồ vào năm 1407, nước ta bị biến thành quận huyện của nước Minh trên phương diện hành chính. Quân Minh ngay sau đó nhanh chóng sắp xếp bộ máy cai trị.
Nhưng gần như cùng lúc và ngay sau cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổi ra trên phạm vi cả nước. Thực tế quân Minh chỉ yên ổn kiểm soát được thành Đông Quan và vùng ngoại vi.
Tháng 11/1407 một vài lực lượng nghĩa quân mà đáng kể nhất và nghĩa quân Trần Triệu Cơ tôn phò Trần Ngỗi ( hay Trần Quỹ ) làm Giản Định đế tại Yên Mô, tiến đánh quân Minh ở một vài nơi. Quân Minh lập tức dồn quân tiến đánh Giản Định, nghĩa quân thế yếu rút vào Nghệ An.
Khi biết được Giản Định vào Nghệ An, hàng loạt tướng lĩnh tạm thời theo về quân Minh quay giáo đánh úp quân Minh để về họp quân, cùng với nhiều lực lượng nghĩa quân cũng tụ họp về. Tiêu biểu nhất có Đặng Tất là hàng tướng ở Hóa Châu đã đánh úp chiếm được cả vùng Thuận Hóa và đem cả gia quyến cùng quân bản bộ đông đảo đến quy phục. Nguyễn Cảnh Chân là An phủ sứ lộ Thăng Hoa cũng kéo quân đến gia nhập. Ngoài ra, còn có nhiều tướng quân khởi nghĩa khác như Phạm Chấn, Trần Nguyên Tôn, Trần Ngạn Chiêu … đến hội quân. Thế của quân Giản Định đế lại mạnh lên.
Năm 1408 nghĩa quân đánh ra chiếm Diễn Châu, Nghệ An, giết chết nhiều ngụy quan như Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Dao. Tướng Trương Phụ, các tướng nhà Minh cùng các ngụy quan Mạc Thúy, Phạm Thế Căng dùng lực lượng lớn phản công. Nghĩa quân rút lui về Nghệ An rồi từ Nghệ An về Hóa Châu.
Ngay lúc đó, chiến tranh giữa nước Minh và các bộ tộc Bắc Nguyên lại bùng phát dữ dội. Trương Phụ đã nhận được lệnh triệu hồi từ trước nhưng vẫn nấn ná đánh nhau với Giản Định. Nay, nhận thấy không thể dứt điểm được, Trương Phụ, Mộc Thạnh đành phải mang một bộ phận lớn rút về nước theo lệnh, giao quyền đánh dẹp lại cho các tướng Minh dưới quyền cùng các ngụy quan.
Nắm bắt thời cơ, nghĩa quân mở đợt tấn công mới đánh thẳng ra Nghệ An, chiêu hàng ngụy quan Phan Quý Hữu, giết chết ngụy quan Phạm Thế Căng và thừa thắng tiến chiếm toàn bộ các vùng Thăng Hoa, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Châu …
Quân Minh cố thủ vùng ngoại vi Đông Quan và quân tiếp viện của Mộc Thạnh lại kéo sang nước ta họp cùng số quân ở thành Đông Quan tiến về hướng nam. Quân Giản Định đế sau khi giải phóng được một vùng rộng lớn thì cũng ra sức dưỡng quân, tuyển quân, trữ lương, rèn khí cụ, đóng chiến thuyền.
Nghĩa quân lựa chọn bến đò Bô Cô và vùng lân cận làm nơi quyết chiến và khẩn trương tổ chức chuẩn bị thế trận. Cuối năm 1408, hai đội quân gặp nhau tại chiến trường.
2. Chiến địa :
Bô Cô thời bấy giờ là một bến đò ở bờ bắc sông Đáy nằm trên trục đường thủy chính Bắc – Nam, thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Vọng Doanh, là điểm tiếp giáp giữa phủ Kiến Bình và châu Trường Yên ( nay thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ). Đối diện bến Bô Cô phía bên kia sông là Phúc Thành, nơi vua Giản Định đóng đại doanh. Gần đó có núi Dục Thúy, là một ngọn núi cao thuận tiện để ém quân và đặt đài quan sát. Cả một vùng này khi xưa là hệ thống sông ngòi phức tạp, với lau sập, bùn lầy bao quanh hai trục đường lớn thủy bộ là đường Thiên lý và sông Đáy, sông Vân. Không gian thoảng đản nhất ở khu vực này chỉ là hai bên bến đò nằm ngay trục đướng lớn, còn lại là vùng cây cỏ, lau sậy bùn lầy khó đi lại. Lòng sông ở khu vực này tương đối sâu và rộng nhưng hai bên bờ sông cũng vắng vẻ và lau sậy mọc dày đặc che khuất bờ, thủy triều lên xuống khác chênh lệch. Ngoài ra, dọc theo sông lớn còn có nhiều kênh rạch nhỏ.
Đây là địa hình đặc biệt thích hợp cho chiến thuật dùng bộ binh nhẹ và thủy quân với thuyền chiến nhỏ để mai phục chống lại kỵ binh và thuyền chiến lớn.

3. Tướng lĩnh chỉ huy :
a) Phía quân Minh :
– Tổng chỉ huy : Mộc Thạch, tước Kiềm quốc công nhà Minh.
– Các tướng chủ chốt : Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị, tham chính Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông …
b) Phía quân Hậu Trần :
– Tổng chỉ huy : Quốc công Đặng Tất ( thực chất là người tập họp lên kế hoạch và chỉ huy chính ), vua Giản Định ( ông này đánh trống là chính )
– Các tướng chủ chốt : Trần quốc tướng Đặng Dung là tổng chỉ huy thủy quân, tham mưu có Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Biều. Ngoài ra, còn các tướng khác là Nguyễn Cảnh Dị, Đặng A Noãn, Đặng A Thiết …

4. Lực lượng :
a) Quân Minh :
– Tổng quân số : Khoảng 10 vạn quân. Bao gồm phần lớn quân ở thành Đông Quan và số quân tiếp viện sang cùng Mộc Thạnh.
– Lực lượng gồm có 8 vạn quân kỵ bộ, 2 vạn thủy quân, có trang bị đại pháo.
b) Quân Hậu Trần :
– Tổng cả quân thủy và bộ chừng hơn 3 vạn quân. Tượng binh có 20 thớt voi.
– Lực lượng chính là bộ binh và thủy quân hạng nhẹ, có kỵ binh ở tiền quân, có trang bị đại pháo.

5. Toan tính và chuẩn bị :
a) Phía quân Minh :
Ý định của quân Minh là dựa vào số đông, trang bị mạnh và sự tinh nhuệ của quân tướng đánh đòn tổng lực để trong một trận diệt gọn toàn bộ lực lượng quân đội và đầu não chỉ huy nghĩa quân nhà Hậu Trần. Quân bộ theo đường lớn đi thẳng tới gần bến Bô Cô. Thủy quân theo sông Hồng đi vào sông Đào, sông Đáy, dự định là khi thủy quân tới gần Bô Cô thì thủy bộ sẽ phối hợp đánh tan tiền quân và thủy quân của nhà Hậu Trần, rồi thuyền sẽ cập bến Bô Cô ở bờ bắc đưa đại quân kỵ bộ sang sông đuổi bắt vua Giản Định, tiêu diệt bộ phận còn lại ở bờ nam.
Cánh quân bộ của quân Minh có lực lượng phiêu kỵ thám báo luôn đi trước để dò xét địa thế, quan sát đề phòng mai phục, kế tiếp là đội kỵ binh tiên phong đánh chiếm các vị trí quan trọng làm bàn đạp.
b) Phía quân nhà Hậu Trần :
Quân Hậu Trần là bên phòng thủ, chiếm lĩnh trước trận địa nên có thời gian chuẩn bị chiến trường. Cọc nhọn được đóng ở bên dưới lòng sông để ngăn đường tiến của thủy quân địch và bãi cọc chìm còn là một cái bẫy lớn được đóng sẵn để chờ thủy quân địch lúc trận chiến cao trào. Hai bên bờ sông đều được đóng chiến lũy dài để chặn thủy quân địch đánh lên bờ. Ở bến Bô Cô và bờ bắc nơi trục đường lớn còn được nghĩa quân làm nhiều chiến lũy bằng tre, đất để chặn kỵ binh địch, làm chỗ ẩn nấp cho cung thủ và quân phòng ngự của ta.
Về lực lượng dàn trận, đội tiên phong trên bộ nhận trách nhiệm làm chậm bước tiến và đánh nhử quân bộ của địch đi vào trận địa chính đúng thời gian dự kiến. Đội tiền quân phòng ngự đóng sau các chiến lũy trên bộ nằm sát bờ bắc, ngay tại bến Bô Cô. Một lực lượng lớn, chủ chốt mai phục cách xa trục đường, dọc theo đường tiến quân của địch. Thủy quân cũng chia làm chính binh và kỳ binh. Chính binh dàn trận ngay trên lòng sông, các đội nhỏ dùng thuyền nhẹ mai phục trong các luồng lạch nhỏ, được ngụy trang bởi lau sậy hai bên bờ sông lớn. Lực lượng phối hợp thủy quân đóng ở dọc hai bờ sông. Lực lượng trù bị đóng sau lưng núi Dục Thúy. Bộ chỉ huy nghĩa quân đóng trên núi Dục Thúy để quan sát và ra hiệu lệnh.

6. Diễn biến chính : ( dựa vào một số sử liệu có chi tiết phỏng đoán )
-Hừng sáng ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý ( 30 – 12 – 1408 ) , đội hình hành quân của cánh quân bộ của quân Minh tiến đến gần các chiến lũy bờ bắc bến Bô Cô, tiền quân tấn công thẳng vào bộ binh phòng ngự quân Hậu Trần. Vài ngàn nghĩa quân đứng sau các chiến lũy bằng tre và bùn đất dùng cung tên và gươm giáo chống trả lại. Pháo của quân Minh từ phía sau được đưa tới bắn phá các chiến lũy phối hợp với bộ binh dùng thang leo qua chiến lũy. Chiến lũy bị thủng nhiều chỗ nhưng nhiều lớp, quân Hậu Trần tổn thất nhất định nhưng vẫn kiên trì bám trụ, quân Minh không thể vượt qua được.
Lúc đó, cánh quân thủy của quân Minh cũng vừa tới khu vực chiến trường dự định đánh bọc hậu vào chiến lũy rồi đưa bộ binh qua sông. Thủy quân Hậu Trần cũng đã bày trận sẵn, nhân lúc gió mạnh và nước thủy triều lên cao liều chết đánh cầm cự với thủy quân địch.
Cuộc chiến giằng co gần đến trưa, trận địa của quân Hậu Trần vẫn giữ vững nhưng quân số ở bờ bắc hao hụt dần trước sức tấn công dữ dội của quân Minh. Khi phần lớn bộ binh nhà Minh đã kéo đến Bô Cô mà không thể dàn trận theo hàng ngang, phải dồn lại trên trục đường dài, quân mai phục từ xa hai bên đường được lệnh âm thầm di chuyển đến gần tâm đường.

Xế trưa, khi toàn bộ đại quân bộ của nhà Minh đã bị dồn ứa lại, cũng là lúc đội hình phòng ngự của bộ binh Hậu Trần sắp thủng thì hiệu lệnh tiến công của Đặng Tất phát xuống, quân mai phục khá đông từ hai bên đường nhất loạt liều chết xông thẳng vào hai bên mạn sườn đội hình địch tiến đánh dữ dội, cùng với bộ binh từ chiến lũy xông ra tử chiến. Bị ba mặt giáp công quá bất ngờ và mãnh liệt, đội hình quân Minh rối loạn, kỵ binh không di chuyển được, không thể sử dụng cung tên và đại pháo vì cự ly quá gần. Quân Minh chết vô số.

Cùng lúc quân mai phục tiến đánh, thủy quân do Đặng Dung chỉ huy cũng quay đầu rút lui theo hiệu lệnh. Thủy quân giặc lập tức đuổi theo. Lúc này nước triều đã lên đỉnh và bắt đầu rút. Khi thủy quân giặc lọt vào bãi cọc ngầm, số súng pháo ít ỏi của quân Hậu Trần từ hai bờ sông đồng loạt nổ súng bắn vào đội thuyền địch, đồng thời làm hiệu lệnh tấn công. Từ hai bên bờ sông và các luồng lạch nhỏ, phục binh dùng tên bắn vào thuyền giặc và dùng thuyền nhỏ xông vào giáp chiến, cánh thủy quân chính diện của Đặng Dung đánh rút lui cùng quay lại tấn công. Thủy binh giặc bị bao vây tấn công dữ dội từ mọi phía. Nước nước triều lúc đó cũng rút nhanh lộ ra bãi cọc ngầm, thuyền lớn của quân Minh bị vướng cọc chìm rất nhiều, số còn lại cũng không di chuyển được. Quân Hậu Trần dùng thuyền nhỏ dễ dàng luồng lách bao vây diệt gọn từng thuyền địch. Đến chiều, thủy binh của quân Minh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đến chiều, lực lượng quân dự bị cuối cùng của bộ binh quân Minh đến nơi hòng cứu nguy cho trận chiến. Lúc đó đại quân của quân Minh đang bị bao vây tấn công dữ dội gần như đã vỡ trận. Khi có quân đến cứu tưởng chừng có thể vớt vát được một thất bại thê thảm. Nhưng khi đó thì đội trù bị của quân Hậu Trần ém sau núi Dục Thúy cũng gấp rút dùng thuyền nhẹ và bắt cầu phao vượt sông tiếp chiến. Vua Giản Định từ trên cao, oai vệ đánh trống trận thúc quân. Cánh quân bờ bắc chiến đấu cả ngày đã mệt mỏi, được những hồi trống cổ vũ tinh thần lại càng hăng máu chém giết địch. Quân Minh thấy viện binh tới nhưng viện binh Hậu Trần cũng kéo sang, lại càng bị tấn công và uy hiếp tinh thần dữ dội hơn nên trận thế hoàn toàn tan vỡ. Toàn bộ quân Minh cánh trước cánh sau đều tan tác và bị quân Hậu Trần mặc sức chém giết. Mộc Thạnh cùng vài quân kỵ giẫm bừa lên xác đồng đội lợi dụng trời chậm tối mở đường máu chạy về thành Cổ Lộng.

7. Kết quả trận chiến :
– Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, toàn bộ 10 vạn quân Minh tham chiến bao gồm thủy bộ bị tiêu diệt và bắt sống gần hết, các tướng chủ chốt đều tử trận trừ Mộc Thạnh chạy thoát.
– Về phía quân Hậu Trần hiện không có sử liệu chính xác để thống kê thiệt hại. Dựa vào những diễn biến trận chiến và tình hình sau trận chiến, ước chừng thiệt hại khoảng từ 5000 đến 1 vạn người. Các tướng chủ chốt đều còn sống.
Tài liệu tham khảo :
– Đặng Dung – Đặng Tất ( Đặng Duy Phúc )
– Đại Việt sử ký toàn thư ( Ngô Sĩ Liên )
– Khâm định Việt sử Thông giám cương mục ( sử quán nhà Nguyễn )
– Việt Nam sử lược ( Trần Trọng Kim )
– vietgle.com, wikipedia …
– Đại cương lịch sử Việt Nam ( NXB Giáo dục )