Trang chủ Nhân vật lịch sử Spartacus – Kẻ nổi loạn vĩ đại nhất lịch sử La Mã...

Spartacus – Kẻ nổi loạn vĩ đại nhất lịch sử La Mã (phần 1)

Tư liệu về Spartacus không còn nhiều, người La Mã nhắc đến nó theo dạng một kỷ niệm đau buồn cần phải quên đi. Hai sử gia Hy Lạp đã giúp hậu thế biết về con người vĩ đại này là Appian (95-165) và Plutarch (46-120), khi ghi chép về Spartacus cùng cuộc khởi nghĩa nô lệ trong các tác phẩm của họ. Ngoài ra còn phải kể đến nhà văn Julius Florus thời kỳ vương triều Tiberius (14-37), khi nhắc đến Spartacus trong tập thơ của mình. Nhìn chung, dù vẫn ghi nguồn gốc nô lệ và đấu sĩ, hai địa vị bị coi là hèn hạ, tất cả sử liệu La Mã đều thể hiện sự tôn trọng và khâm phục đối với người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đã làm đế chế nộ lệ hùng mạnh nhất phải rung chuyển.

Các nguồn đều thống nhất rằng Spartacus là dân Thracian. Theo sử gia Plutarch, Spartacus nhìn giống người Hy Lạp hơn người Thracia, là thành viên bộ tộc Maedi của Thracia cổ đại, có kinh đô Iamphorynna ở phía Tây Nam của Bulgaria ngày nay. Mặc dù xuất thân từ vùng đất bị La Mã coi là mọi rợ, Spartacus được Plutarch mô tả là “rất thông minh và có học vấn cao”, những ghi chép khác nhắc đến một người đàn ông to lớn và có sức mạnh phi thường. Nhận thức chung tiếp theo là Spartacus từng phục vụ trong quân đội La Mã, có lẽ là ở các đơn vị trợ chiến hoặc đồng minh vì rõ ràng ông không phải công dân La Mã; nhưng rồi về sau bị bắt làm tù binh và bán như một nô lệ. Sự thay đổi vị thế này chưa được giải thích rõ ràng, tuy nhiên xét theo ghi chép của Plutarch là vợ Spartacus cũng bị bắt và bán ở Rome cùng chồng, thì có lẽ tộc Maedi đã có xung đột nào đó với Rome và bị đánh bại.

Vẫn theo Plutarch, khi Spartacus bị đưa đến thành Rome để rao bán ở chợ nô lệ, một con rắn đã quấn quanh khuôn mặt của ông khi ngủ. Chứng kiến điều này, vợ Spartacus – nữ tiên tri của tộc Maedi và được biết là sùng bái thần Dionysiac (vị thần của rượu nho và sự giải phóng) – tuyên bố đó là dấu hiệu của một sức mạnh vô cùng to lớn sẽ khiến chồng mình kết thúc trong bất hạnh. Nữ tiên tri này đã đồng hành cùng Spartacus trong suốt cuộc chiến và có lẽ kết cục của cô cũng như mọi nô lệ khác tham gia khởi nghĩa.

Erin Cummings trong vai vợ Spartacus (TV Series 2010–2013)

Spartacus được huấn luyện như một đấu sĩ ở trường đào tạo (gần thành phố Capua) của Lentulus Batiatus, một công dân La Mã giàu có. Ông thuộc lớp đấu sĩ Murmillo (trang bị khiên chữ nhật, mũ sắt có che mặt, giáp bảo vệ tay và kiếm ngắn Gladius).

Năm 73 trước Công Nguyên, Spatacus và khoảng 70 đấu sĩ khác trốn khỏi trường đào tạo. Họ tấn công vào nhà bếp, lấy dao và que xiên thịt (que sắt dài mài nhọn 1 đầu) làm vũ khí, giết những người bảo vệ và cả Lentulus Batiatus. Cướp lấy một xe chở vũ khí, áo giáp khác và vét sạch nhà kho, cả nhóm di chuyển lên ngọn núi Vesuvius, gần Naples ngày nay sau đi đánh bại một đơn vị dân quân truy đuổi. Họ giải phóng nô lệ ở các vùng nông thôn đi ngang qua, do đó số lượng tăng lên rất nhanh. Spartacus và hai nô lệ người xứ Gaul – Crixus và Oenomaus – được bầu chọn làm lãnh đạo quân khởi nghĩa, trong đó Spartacus là lãnh tụ tối cao. Tin tức về cuộc nổi dậy lan truyền nhanh chóng và nhiều nô lệ từ các trang trại, xưởng thủ công xung quanh bắt đầu bỏ trốn hàng loạt để gia nhập hàng ngũ Spartacus.

Nguyên Lão Viện ở Rome không đánh giá cao cuộc khởi nghĩa, chỉ cho rằng đây là vấn đề trị an. Ở Capua người ta ra sắc lệnh treo thưởng cho đầu Spatacus, và cấm người tự do cũng như nô lệ giao tiếp với “bọn cướp”. Tin rằng các nô lệ thiếu vũ khí và kinh nghiệm quân sự, người ta phái pháp quan Gaius Claudius Glaber đem theo 3.000 dân binh vũ trang đầy đủ đi đánh khoảng 1.000 quân khởi nghĩa. Đây là chiến thắng nổi tiếng và được ghi chép tường tận nhất của Spatacus.

Glaber từng phục vụ ở vùng này trong thời kỳ Nội chiến, nên biết rõ rằng núi Vesuvius chỉ có một đường độc đạo lên và xuống. Do đó ông ta chia quân ra và xây tường bịt kín lối đi ở cả 2 đầu, và ngồi chờ đối phương đến tấn công hoặc đầu hàng vì hết lương thực. Tường ở đây là một bức tường cao đắp bằng đất, trên cắm cọc nhọn, dưới có hào sâu và cách quãng lại có một tháp canh kiêm tiễn tháp. Tuy nhiên Spartacus đã cùng các nô lệ chế tạo một thang dây dài hàng trăm mét từ những cành cây, dây leo kiếm được trên núi. Họ âm thầm leo xuống vách núi dựng đứng bên sườn (mất vài ngày), và tấn công mặt sau hai doanh trại Glaber vốn không được phòng thủ. Về cơ bản, đây là một cuộc tàn sát ban đêm khi các nô lệ và đấu sĩ xông vào các lều bạt, đâm chết và bóp chết những người lính còn đang say ngủ. Doanh trại La Mã bị chiếm và quân khởi nghĩa có được số vũ khí và trang bị đáng kể, cũng như danh tiếng lan xa khiến cho toàn Italia đều biết đến họ.

Đạo quân La Mã thứ hai kéo đến do pháp quan Publius Varinius chỉ huy, gồm 6.000 binh sĩ và dân binh. Varinius chia lực lượng ra để bao vây quân khởi nghĩa, nhưng bị Spartacus (lúc này có 5.000 người) quét sạch sau hai trận chiến. Các sĩ quan La Mã bị giết gần hết còn Varinius suýt bị bắt sống (ông này bỏ ngựa để chạy lẫn vào tàn quân).

Quân đội của Spartacus (bên phải) được vũ trang và tổ chức theo mô hình các Legion (binh đoàn) La Mã. Minh họa trong sách “Spartacus and the Slave War 73–71 BC” – Osprey Publishing

Tin thảm bại khiến Nguyên Lão Viện bắt đầu cảm thấy áp lực đè nặng. Tuy nhiên, lúc này Cộng hòa La Mã đang phải tiến hành chiến tranh với những đối thủ còn nguy hiểm hơn. Gần như toàn bộ các tỉnh ở Tây Ban Nha, đứng đầu là Quintus Sertorius đã nổi dậy tự trị, tinh thần anh dũng của Pompey Vĩ đại cùng kinh nghiệm của cựu chấp chính quan Metellus đều chịu thua trước trí thông minh và đầu óc táo bạo của anh ta. Còn ở phương Đông xa xôi, vua Mithridates VI xứ Pontus lại trỗi dậy, ông này đã buộc chấp chính quan Cotta đóng cửa thành cố thủ sau khi nướng sạch 64 tàu và 3.000 thủy binh La Mã. Do 2 đạo quân chủ lực đều đã rời đất Italia, cuộc khởi nghĩa (với 70.000 nô lệ tính cả phụ nữ và trẻ em) bắt đầu được xem là một vấn đề nghiêm trọng với thành Rome.

Mùa xuân năm 72 trước Công Nguyên, quân khởi nghĩa đã hoàn tất việc huấn luyện và bắt đầu di chuyển lên phía Bắc. Tổn thất lớn đầu tiên: thủ lĩnh thứ hai là Oenomaus thiệt mạng trong khi tấn công và cướp bóc một thành phố ở Nam Italia. Cùng lúc đó, Nguyên Lão Viện La Mã, kinh ngạc với sự thất bại của các pháp quan, quyết định cử 2 quân đoàn (khoảng 10.000 lính chính quy, chưa tính quân trợ chiến) dưới sự chỉ huy của hai chấp chính quan Lucius Gellius Publicola và Gnaeus Cornelius Lentulus Clodianus. Dù diễn biến chi tiết được các nguồn mô tả khác nhau, họ đã đánh bại một nhóm 30.000 nô lệ do Crixus chỉ huy gần núi Garganus, ý định khép chặt Spartacus từ hai phía. Tuy nhiên Spartacus đã đưa quân đến gần như ngay sau khi Crixus bị đánh bại, đè bẹp một quân đoàn rồi quay sang nghiền nát nốt quân đoàn còn lại. Thất bại này đã khiến hai vị chấp chính quan (trốn thoát) phải về hưu.

Năng lực quân sự của Spartacus được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, khi huấn luyện được các đấu sĩ và nô lệ thuộc đủ các sắc tộc, tôn giáo….thành một đội quân nguy hiểm và đáng sợ, cũng như cách ông điều động lực lượng trên chiến trường. Để so sánh, nữ hoàng Boudica ở Anh gần một trăm năm sau, có đến 100.000 lính mà vẫn bị 10.000 quân La Mã đánh bại hoàn toàn chỉ trong một ngày.

Để vinh danh thủ lĩnh Crixus (người hi sinh trong chiến đấu), Spartacus – theo sử gia Appian – đã chọn ra 300 tù binh La Mã thuộc những dòng dõi quý tộc cao quý nhất và ra lệnh cho họ chém giết lẫn nhau để giải trí cho các nô lệ, theo mô hình đấu sĩ ở đấu trường. Theo một số đánh giá, đây là sự kiện nhục nhã nhất lịch sử La Mã. Đoạn này được tái hiện không chính xác lắm trong bộ phim truyền hình Spartacus (2010-2013) của Mỹ, trong đó tù binh bị các đấu sĩ giết chết.