Thành quả phát triển qua hàng trăm năm đã cho phép dân tộc Việt đầu thế kỷ 15 có được tiềm lực dồi dào hơn trong chiến tranh. Điều đó có nghĩa là quân đội Đại Ngu có thể chịu đựng những thiệt hại lớn hơn các đội quân người Việt trong quá khứ mà vẫn có được lực lượng đủ để chiến đấu và giành chiến thắng với giặc. Khi quân Minh gặp bất lợi phải lui về giữ Hàm Tử quan, Hồ Nguyên Trừng nhân đà thuận lợi tiến quân chiếm đóng trở lại căn cứ Hoàng Giang. Hai đội quân giữ thế gườm nhau, chuẩn bị cho một trận quyết chiến tiếp theo.
Tại Hàm Tử, quân Minh vẫn còn lực lượng rất mạnh với mười mấy vạn quân và nhiều chiến thuyền. Trong số các thuyền chiến có nhiều chiếc là chiến lợi phẩm thu được của quân Đại Ngu qua các trận chiến trước. Quân Minh còn bắt trai tráng nước ta bổ sung vào lực lượng đã bị thiệt hại. Ngụy binh trong hàng ngũ giặc không có lòng chiến đấu, chỉ chực chờ rút chạy hoặc đào ngũ. Tuy nhiên, tướng lĩnh nước Minh rất thạo việc cưỡng bức quân lính chiến đấu, ngụy binh do đó mà không có nhiều cơ hội thoát khỏi sự kìm kẹp của giặc, phải cầm vũ khí chống lại chính đất nước của mình.
Về phần quân Đại Ngu ở Hoàng Giang, quân số của ta ít hơn giặc rất nhiều. Hồ Nguyên Trừng hội quân các nơi về, tất cả được 7 vạn quân, nói phao lên là 21 vạn. Bù lại, quân ta có rất nhiều thuyền bè, khí giới. Hàng trăm chiến thuyền hai tầng bong có vỏ ngoài đóngđinh sắt to lớn “Tải lương cổ lâu”, cùng với thuyền đóng đinh sắt “Tải lương trung tàu” tập trung ở căn cứ Hoàng Giang. Binh lực của nhà Hồ thực sự vẫn đủ sức chống cự với giặc nếu như các tướng lĩnh biết cách dùng quân đúng đắn, quân lính dũng cảm diệt giặc.
Tháng 4.1407, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng quyết định chủ động mở cuộc phản công lớn để giành chiến thắng. Các đại tướng nhà Hồ chia quân từ Hoàng Giang đến đánh Hàm Tử. Hồ Xạ, Trần Đĩnh cầm quân bộ men theo bờ nam sông tiến lên. Bên bờ bắc, quân bộ do hai tướng Đỗ Nhân Giám, Trần Khắc Trang chỉ huy. Thủy quân tiên phong gồm 100 chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Công Chửng. Hồ Nguyên Trừng, Hồ Đỗ cùng với các tướng Đỗ Mãn, Hồ Vấn chỉ huy trung quân là các chiến thuyền chủ lực theo sau đạo thủy quân tiên phong. Quân Đại Ngu tiến rầm rộ, thuyền chiến chắn ngang dày kín cả con sông, kéo dài hơn 10 dặm, khí thế rất hùng hổ.
Quân Minh ở cửa Hàm Tử do thám biết được quân Đại Ngu tấn công, chúng bèn chia quân làm hai đạo thủy bộ mai phục chờ sẵn. Quân Đại Ngu tuy mạnh về vũ khí nhưng kỷ luật kém, hành quân được một quãng thì đâm ra trễ nải. Quân Minh thừa cơ hội, phục binh từ hai bên bờ sông nhất tề xông ra tấn công. Quân bộ Đại Ngu ở bờ bắc đụng trận với giặc trước, quân lính không chống nổi, hàng ngũ rối loạn, bị địch lùa xuống sông chết rất nhiều. Thủy quân ở dưới sông cố sức cầm cự với quân Minh, hai bên kịch chiến đẫm máu. Hồ Xạ chỉ huy quân bộ ở bờ nam tiến quân chậm ở phía sau, hay tin quân ta trúng mai phục, dùng dằn chưa dám tiến quân. Hồ Đỗ sai người trách bảo: “tướng quân sao không đánh giặc”. Hồ Xạ lúc ấy mới thúc quân tiến lên. Nhưng khi Hồ Xạ chưa kịp đến thì thế trận đã định.
Thủy quân Đại Ngu sau một hồi giao chiến cũng không cầm cự nổi, nối nhau tan vỡ. Các chiến thuyền Tải Lương đều bị đánh chìm, mang theo những đơn vị thủy quân tinh nhuệ của nhà Hồ bỏ mình nơi đáy nước. Chỉ có lực lượng thủy quân theo sau là chạy thoát được cùng với các chủ tướng. Quân của Hồ Xạ đến nơi muộn màng cũng nhanh chóng bị đánh thua, An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hi Chu bị giặc bắt sống. Bị giải đến doanh của Trương Phụ, Hi Chu không ngớt lời chửi mắng. Phụ tức giận, sai đem giết.
Chủ trương chủ động tấn công địch của Hồ Nguyên Trừng không tệ, nhưng trận Hàm Tử thất bại là do những sai lầm cơ bản. Quân nhà Hồ đã để lộ quân cơ quá sớm, khiến cho giặc có thời gian bố trí trận địa mai phục chờ sẵn. Khi hành quân, tướng giỏi sẽ biết dùng du binh đi trước do thám bốn mặt rồi đại quân mới theo sau. Hồ Nguyên Trừng hành quân rầm rộ nhưng thiếu tin tức của du binh, để toàn quân bị tấn công bất ngờ, đó là do thiếu cẩn trọng. Quân Đại Ngu gặp mai phục thì hoảng loạn nhanh, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tình cảnh thời bấy giờ “Quân bộ của nhà Hồ không thể đối địch được, cùng nhau trốn chạy, gặp phục binh nhà Minh, đều quay giáo, nhảy xuống sông chết”. Điều này một lần nữa cho thấy kỷ luật kém, tinh thần chiến đấu kém của quan quân nhà Hồ.
Việc Hồ Xạ hiệp đồng tác chiến chậm càng làm quân Đại Ngu gặp bất lợi, chứng tỏ rằng các tướng lĩnh nhà Hồ không có một đường lối chung trong phương thức tác chiến nên khi gặp các tình huống bất ngờ ngoài chiến trường thì không biết ứng biến như thế nào cho đúng. Những sự yếu kém này lỗi lầm sâu xa là do đường lối quân sự sai lầm của Thượng hoàng Hồ Quý Ly và vua Hồ Hán Thương. Họ chú trọng vũ khí, quân số mà rèn quân luyện tướng kém, các tướng soái được giao trọng trách chỉ là những người có năng lực trung bình hoặc kém, hoàn toàn không phải đối thủ của những tướng xảo quyệt của giặc Minh là Trương Phụ, Mộc Thạnh …
Trận Hàm Tử đã đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh. Quân Đại Ngu sau trận này đã mất đi những thành phần dự bị chiến lược quan trọng nhất, hầu như không còn đủ sức gượng dậy nổi. Quân Minh một mặt ra sức truy kích họ Hồ mặt khác tiến hành các bước chuẩn bị sát nhập nước ta thành quận huyện của nước Minh. Trương Phụ cùng bọn Việt gian đã phối hợp cùng nhau dựng lên một màn kịch để hợp thức hóa việc xóa sổ nước ta. Giặc Minh vờ truyền lệnh tìm con cháu họ Trần để lập làm vua. Bọn Mạc Thúy cùng đám bán nước tiếm xưng là “kỳ lão nước An Nam” dâng sớ tâu: “Họ Trần không còn người nào có thể thừa kế được. An Nam nguyên trước là Giao Châu, xin khôi phục lại chế độ quận huyện, cho dân được đổi mới” !!! Trương Phụ mới nhân đó tâu về với vua Minh, chuẩn bị hoàn tất kế hoạch cướp nước của chúng.
Quan quân nhà Hồ sau khi thua trận tan tác, chia làm nhiều hướng mà rút chạy, nhiều nhánh quân hoàn toàn tan rã. Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương theo đường sông Đáy vượt biển rút về Thanh Hóa. Giặc Minh thúc quân đuổi gấp đêm ngày, tình cảnh vô cùng khốn đốn.
Quốc Huy/Một Thế Giới