Trang chủ Kiến Thức “Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 3

“Trong trại giam của Việt Cộng” – Phần 3

Xem phần 2

TRONG TRẠI GIAM VIỆT CỘNG – Klaus Liedke – Phần 3

Có ba câu hỏi cần được giải đáp :

1. Vì sao người Mỹ thua cuộc chiến tranh ở Việt Nam ?

Trước tất cả là sự tự lừa dối mình của người Mỹ. Rằng cuộc chiến này khác với việc tiến hành một cuộc chiến thực dân chống lại một phong trào giải phóng dân tộc, mà là bảo vệ “tự do phương Tây” chống lại “nô dịch Cộng sản”. Nhưng những nhà Cộng sản lãnh đạo phong trào giải phóng đã nhìn thấy một con đường đúng đắn trong việc kế thừa cuộc đấu tranh cả ngàn năm chống ách thống trị của Trung Quốc, Pháp và Nhật.

Chính Lyndon B.Johnson, trước khi leo thang chiến tranh đã cảnh tỉnh rằng “gửi lính Mỹ vào vùng đầm lầy bẩn thỉu ở Đông Dương để vĩnh viễn hóa chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của người da trắng tại châu Á”. Và chính Dwright D.Eisenhower là người chống lại việc thống nhất Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do như trong hiệp định Giơnevơ đã thỏa thuận bởi vì, như sau này trong hồi ký ông ta đã viết : “hình như 80% dân chúng sẽ bầu ông Hồ Chí Minh làm người lãnh đạo mình”.

Sự can thiệp của Mỹ như vậy là một hành động xâm lược cổ điển, tương tự sự can thiệp của Liên Xô tại Tiệp Khắc và sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Cộng hòa Dominic. Tất cả với một mục đích duy nhất : loại trừ lực lượng cách mạng dân tộc. “Cộng sản hay không Cộng sản, tư tưởng yêu nước là một sức mạnh mà không có một đẳng cấp nào đương đầu nổi” – tướng Marcel Bigeard, người đã chỉ huy đội quân lính nhảy dù của Pháp tại Điện Biên Phủ đã bình luận tại Paris, sau khi Sài Gòn thất thủ.

Người Mỹ đã đương đầu với chủ nghĩa yêu nước này bằng thứ gì ? Đó là những con người tham nhũng, trấn áp của một giuộc như Kỳ và Thiệu, những chính khách không có dân hậu thuẫn. Họ hô hào bảo vệ “tự do phương Tây” mà chưa hề thiết lập nó bao giờ. Họ cản ngăn cải cách xã hội mà CIA cho rằng rất cần thiết để tranh thủ “trái tim và khối óc” của người dân ở Việt Nam. Họ sáng chế ra chuồng cọp, và với “chiến dịch Phượng Hoàng” của họ được vạch ra ở Washington, họ đã thủ tiêu 20.000 người Nam Việt Nam bị nghi vấn có cảm tình với Việt Cộng.

Cuối cùng, trong tiến hành chiến tranh Việt Nam không những về mặt đạo lý, mà cả trong chiến thuật người Mỹ đã thất thế. Những nơi nào họ xuất hiện bằng những đội quân đông đảo, ở đó đối phương chiến đấu như người du kích, cơ động, lẫn tránh từ nơi phục kích. Ở đâu họ nhường chỗ cho pháo binh Nam Việt Nam hoạt động, thì ở đó đối phương hình thành những đơn vị chiến đấu thông thường và chiến thắng.

Người Mỹ nói về mặt quân sự họ “dè dặt”, họ có thể đánh thắng nếu người ta cho các nhà quân sự của họ được tự do hành động. Những con số sau đây nói lên điều ngược lại : năm 1954 khi ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles chào mời bom nguyên tử cho cuộc chiến cuối cùng với thủ tướng Pháp Bidault, thì người Mỹ đã chi cho cuộc chiến tranh thực dân Pháp 80% rồi. Trong những năm 60, thượng viện Mỹ hầu như thông qua tất cả các khoản tiền mà lầu Năm Góc đã yêu cầu cho việc tiến hành chiến tranh. Người Mỹ đã gửi 500.000 quân và 150 tỷ đô la cho cuộc chiến tranh, trong khi đó người đồng minh của Việt Cộng và Bắc Việt Nam – người Trung Quốc và người Nga không có gửi quân đội, chỉ chi 10 tỷ đô la.

Phải chăng là “dè dặt’, rằng Mỹ không ném bom Bắc Việt Nam để trở về “thời kỳ đồ đá” như một tướng của Hoa Kỳ đã đề nghị ? Phải chăng là “dè dặt”, rằng không có một thành phố nào ở Nam Việt Nam như Bến Tre, đồng bằng sông Mêkong, mà một sĩ quan Mỹ đã nói hồi tháng 2/1968 : “Chúng tôi hủy diệt nó để cứu lấy nó”. Thật đáng nghi vấn. Giả sử liệu người Mỹ thống nhất được đất nước này. Nhưng chắc chắn, không bao giờ họ giành được thắng lợi.

2. Người Mỹ rút ra được bài học nào từ Việt Nam ?

“Chúng tôi đã học được bài học Việt Nam”, tổng thống Ford đã tuyên bố sau khi đầu hàng. Nói thẳng ra, bài học nào ? Kissinger, người nhận giải thưởng Nobel, vẫn làm ngoại trưởng. Người thiết kế “chiến dịch Phượng Hoàng” ngày ngày là chef của CIA. Và khi vụ tai tiếng Mayaguez đưa tới thời cơ cho ông, thì tổng thống Ford bất ngờ tấn công, nói rằng để chứng minh cho thế giới thấy “tinh thần quân sự lành mạnh” của Mỹ sau thất bại ở Đông Dương không bị bẻ gãy. Hành động của Ford cố làm cho dân tộc mình quên đi sự nhục nhã hôm qua đã đem đến cho ông 15 điểm cộng trong biểu đồ uy tín của ông. “Hãy cứu lấy sinh mạng người Mỹ”, là sự ngụy biện đối với người Mỹ đủ dành cho những cuộc phiêu lưu quân sự đại chúng, hoang dã.

Tất nhiên đối với người Mỹ tin vào đức Chúa Trời và tổng thống của họ cũng không thể không nhận thức được rằng những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của họ ngay từ đầu đã lừa dối họ : Johnson, người không muốn để “các chàng trai Mỹ” chiến đấu thay cho “các chàng trai châu Á” và để trở thành kẻ giết hại trẻ con đâu. Nixon với cuộc chiến tranh bí mật của ông tại Campuchia và những lời hứa bí mật của ông với Thiệu ( nhưng cuối cùng đã không thực hiện ). Kissinger, người trước bầu cử 1972 đã nhìn thấy “hòa bình trong tầm tay” và sau bầu cử đã thừa nhận rằng ông ta nhầm lẫn. CIA, kẻ được cho là triệt phá được lực lượng đối phương. Bộ tổng tham mưu cứ mỗi mùa thu lại nêu lên triển vọng thắng lợi mới trong năm tiếp theo. Đối với người Mỹ, một mẫu của Orwell 1984 đã trở thành hiện thực một bộ nói sự thật chịu trách nhiệm về những lời nói dối của chính phủ.

Có một quan niệm khác mà người Mỹ không thể bỏ qua. Trước sự kiện Mỹ Lai, binh lính của họ là những người phân phát kẹo cho trẻ em, binh lính nước khác gây ra những vụ thảm sát. Bây giờ, lính Mỹ là những kẻ gây tội ác chiến tranh, những người lính xấu trong chương trình truyền hình về lịch sử chiến tranh. Sự tổn thương về vật lý trên chiến trường dẫn đến tổn thương về tâm lý tại quê nhà. Với trường hợp tội lỗi tại Đông Dương, nước Mỹ đã mất đi sự vô tội về chính trị toàn cầu trong nhận thức của công dân nước họ.

Và nếu nước Mỹ đã học được điều gì, thì đó có thể là nhận thức rằng Mỹ không phải là bậc thang văn minh cao nhất mà mỗi dân tộc phải vươn tới, rằng Nam Việt Nam khi nó sụp đổ có thể chỉ là xa lìa “con đường sống của Mỹ” mà thôi.

3. Tình hình ở Việt Nam sẽ tiếp tục như thế nào ?

Đê điều bị ném bom, đồng ruộng bị rải mìn, rừng xanh trụi lá, làng mạc và đô thị bị tàn phá đòi hỏi một công cuộc xây dựng lại đắt giá, lâu dài. Phải chăm sóc cho hàng triệu người thất nghiệp, đưa những người di tản trở về quê cũ. Năm 1960, chỉ có 15% dân số Nam Việt Nam sống trong các đô thị, những năm gần đây đã tăng lên 50%. Mùa màng bị đe dọa.

Thắng lợi của phong trào giải phóng không phải là sự bành trướng tự động không gian quyền lực của Liên Xô hay Trung QUốc. Nó có ý nghĩa không gì hơn là sự mở rộng của một nhà nước Cộng sản dân tộc xuất phát từ những động cơ dân tộc, và thậm chí còn muốn có sự viện trợ của Hoa Kỳ để độc lập hơn với Matxcơva và Bắc Kinh. Có thể người Việt Nam làm được điều đó, trong vòng 5 năm tổ chức lại miền Nam, “cải tạo lại”, để nó cùng với miền Bắc được lãnh đạo chặt chẽ có thể tiến đến tái thống nhất.

Dù có thể có gì xảy ra trong nội bộ những người Bắc Việt Nam và những người anh em cách mạng của họ ở miền Nam – những người đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhưng dân tộc này đã là thống nhất. Một dân tộc 43 triệu dân có một trong những quân đội giỏi nhất thế giới. Và trước hết, đây là một cường quốc về đạo lý

( Hết )

Diễn đàn Lịch Sử Việt Nam đánh máy và hiệu đính từ sách THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – GIỜ KHẮC SỐ 0