Xét về thân phận, Lê Lợi tuy xuất thân nhà giàu sang, quyền thế nhưng chức tước thấp, theo quan niệm phong kiến xưa là chưa đủ danh phận để hiệu triệu quần hùng như những quý tộc Trần là vua Giản Định, vua Trùng Quang. Để có được sức hút chính trị đủ lớn phục vụ cho sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn chỉ còn cách chứng tỏ phẩm chất vượt trội của mình so với các cuộc khởi nghĩa còn lại. Họ đã làm được điều đó. Sự can trường, sự bền bỉ của nghĩa quân Lam Sơn trước sức tấn công mãnh liệt, dồn dập của quân Minh là điều mà chưa từng có một phong trào kháng Minh nào làm được trước đó.
Trong năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người. Sau hai lần phải rút lên núi Chí Linh, binh lực lại suy giảm. Lê Lai cùng 500 tử sĩ đã đánh đổi sinh mạng cứu lấy cuộc khởi nghĩa, và sự hy sinh đó đã được tận dụng triệt để. Sau khi quân Minh rút về thành Tây Đô, Lê Lợi liền âm thầm dẫn quân về Lam Sơn, đắp thành tích lương, chiêu mộ thêm quân, gửi hịch cho các phong trào yêu nước khác trong nước cùng liên kết lại chống kẻ thù chung. Trong năm 1419, quân Lam Sơn tạm ngưng các kế hoạch chiến đấu, chỉ chuyên tâm lo việc gây dựng lực lượng. Được sự đồng lòng che chở của nhân dân, nghĩa quân lớn mạnh lên từng ngày.
Tháng 5.1419, quân Minh lại đánh hơi được việc quân Lam Sơn vẫn chưa tan rã. Tướng giặc là Phương Chính, Sư Hữu liền đem lực lượng đông đúc trở lại Lam Sơn, quyết tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. Quân Lam Sơn lại phải rút lui khỏi căn cứ, Lê Lợi đem quân đến đóng ở Mường Thôi (biên giới Việt Lào ngày nay, ở tây bắc Thanh Hóa) tránh giặc. Quân Minh lần này không rút đi nữa, tướng Hoàng Thành, Chu Quảng đóng quân dựng đồn Khả Lam để kìm tỏa nhân dân, toan tách dân khỏi nghĩa quân Lam Sơn.
Lê Lợi ở Mường Thôi, dùng mưu sai Trịnh Khả, Lê Lôi đi sứ Ai Lao, đưa thư nói rằng: “Quốc gia tôi phụng tờ thông điệp của triều Đại Minh ban cho nhà vua. Vậy nhà vua hãy đem số lương thực đủ quân sĩ dùng trong 5 tháng, và khí giới cùng voi trận tới yết kiến, rồi nhận tờ điệp văn về thi hành, để khỏi phải bắt giải. Nếu không tuân mệnh, lập tức sai nước Xa Lý và Lão Qua hợp quân 6 nước tiến đánh”. Trước sự mưu trí của Trịnh Khả và Lê Lôi, vua Ai Lao tưởng thật, vội vãi đem quân nhu, lương thực, khí giới và voi chiến gửi cho Bình Định vương Lê Lợi.
Vậy là quân ta có được nguồn lực lớn trong lúc nguy khó nhờ mưu kế tài tình. Có được nguồn quân lương, khí giới dồi dào, thế quân Lam Sơn phấn chấn lên hẳn. Lê Lợi âm thầm dẫn quân về Lam Sơn, tập kích đồn Khả Lam. Quân Minh bị bất ngờ vì cuộc hành quân bí mật của quân ta, chết mất hai tướng là Vương Cục, Lương Hướng. Quân Lam Sơn sau khi gây cho địch một số thiệt hại liền nhanh chóng rút lui. Tướng giặc là Hoàng Thành muốn đem quân truy kích, nhưng ngại rừng thiêng nước độc, dâng thư lên cấp trên xin đợi đến mùa thu mới xuất quân. Chốn núi rừng tây Thanh Hóa là hiểm địa đối với quân Minh, nhưng lại là cái nôi che chở nghĩa quân Lam Sơn thời kỳ đầu. Lê Lợi lúc này giữ quan hệ tốt với Ai Lao, dựa vào rừng núi mà phát triển thực lực.
Trong khi quân Minh tại Thanh Hóa dù đã rất quyết tâm nhưng không tiêu diệt được quân Lam Sơn, thì trên khắp cả nước, quân Minh lại phải đương đầu với một làn sóng phản kháng mới. Tại Nghệ An tháng 7.1419, ngụy quan Phan Liêu nổi dậy chống lại người Minh. Trước đây, Phan Liêu cùng cha mình là Phan Quý Hữu vì muốn yên thân nên phản lại nhà Hậu Trần, nhận chức tước của giặc. Phan Liêu được quân Minh phong tước tri phủ Nghệ An. Thế nhưng sau mấy năm làm quan cho giặc, Liêu thường bị tướng Minh là Mã Kỳ hạch sách đồ cống phẩm, chèn ép đủ điều nên đã mật ước cùng ngụy quan Trần Đài làm binh biến, giết chết quan lại người Minh, dẫn quân đánh thành Nghĩa Liệt là nơi chủ lực quân Minh ở Nghệ An đóng giữ.
Tổng binh Lý Bân từ Đông Quan biết tin, tức tốc dẫn quân ứng cứu. Khi Bân đến Nghệ An, thành đã sắp vỡ, bèn sai ngụy quan Lộ Văn Luật làm tiên phong tiến đánh Liêu. Lộ Văn Luật sợ phải làm tiên phong nên bỏ cùng thuộc hạ bỏ trốn, chiếm lấy huyện Thạch Thất. Lý Bân phải tự mình dẫn quân đánh Phan Liêu, và đánh cả Lộ Văn Luật. Quân Minh mạnh vượt trội, lần lượt đánh bại cả Phan Liêu và Lộ Văn Luật dễ dàng. Liêu và Luật đều chạy sang Ai Lao nương nhờ. Mặc dù cuộc binh biến của Phan Liêu và Lộ Văn Luật là một sự kiện chống Minh nổi bật trong giai đoạn này, nhưng không xếp vào trong phong trào kháng Minh cứu nước mà chỉ được xem là một cuộc xung đột lợi ích giữa bọn tay sai và chính quyền đô hộ. Lộ Văn Luật sang Ai Lao, vẫn ghen ghét Bình Định vương Lê Lợi được hào kiệt mến mộ và được lòng vua Ai Lao nên thường dùng lời ly gián. Vua Ai Lao vì thế dần sinh lòng nghi ngại Lê Lợi, quan hệ giữa quân Lam Sơn và Ai Lao không còn tốt đẹp nữa.
Ngoài các cuộc binh biến ở Nghệ An, quân Minh còn phải vất vả đối phó với một loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra trong thời gian gian ngắn. Quân khởi nghĩa xuất hiện dày đặc ở vùng đồng bằng sông Hồng. Trịnh Công Chứng và Lê Hành nổi lên ở Hạ Hồng, Phạm Thiện ở Tân Minh, Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang… Lúc Lý Bân đem quân vào đánh Phan Liêu ở Nghệ An, các thủ lĩnh nghĩa quân đã chớp thời cơ, táo bạo hẹn nhau đem quân tiến đánh thành Đông Quan – thủ phủ của chính quyền đô hộ. Quân Minh ở đây còn rất ít ỏi, nhưng đã đóng chặt cửa thành, dựa vào thành lũy mà cố thủ. Lý Bân vừa dẹp xong Phan Liêu và Lộ Văn Luật lại phải quay trở về đánh giải vây cho Đông Quan. Quân khởi nghĩa không hạ được thành Đông Quan, khi Lý Bân kịp trở về cứu viện thì nhanh chóng bị quân Minh phản kích đánh tan.
Tại Lạng Sơn, có người nô lệ tên là Lê Ngạ xưng là cháu của Trần Duệ Tông, đổi tên là Trần Dương Cung, liên kết với thổ tù Bế Thuấn khởi binh chống Minh. Lê Ngạ xưng là Thiên Thượng hoàng đế, nhờ oai danh của nhà Trần mà chỉ trong độ hơn 1 tháng đã quy tụ được hàng vạn quân. Lê Ngạ đem quân đánh phá thành Xương Giang, rồi đánh Bình Than, thanh thế rất lớn. Bấy giờ có Trần Thiên Lại, trước là chủ nhân của Lê Ngạ, thấy gia nô cũ của mình mượn tiếng quý tộc khởi nghĩa thì sinh lòng bất phục, bèn tự xưng là Hưng Vận quốc thượng hầu, mộ binh đánh nhau cả với Lê Ngạ và quân Minh. Trần Thiên Lại rất tích cực viết hịch kể rõ xuất thân nô lệ của Lê Ngạ với mọi người, và chỉ trích việc Lê Ngạ giả danh quý tộc.
Những việc làm của Trần Thiên Lại đã khiến cho cuộc khởi nghĩa của Lê Ngạ tổn hại trầm trọng, thuộc hạ của Ngạ dần bỏ đi gần hết. Lý Bân đợi lúc Lê Ngạ và Trần Thiên Lại đánh nhau đuối sức rồi mới tung quân đánh, dẹp được cả hai. Đây là một sự kiện khá hy hữu trong lịch sử, trong khí thế chống quân Minh, Trần Thiên Lại chỉ vì việc cá nhân mà khởi binh đánh lại một phong trào kháng Minh.
Những cuộc khởi nghĩa liên tiếp diễn ra khiến cho Lý Bân phải vất vả đánh dẹp liên tục. Quân Minh vẫn tạm thời chiếm ưu thế trên các mặt trận nhờ luôn duy trì một lực lượng viễn chinh trên dưới 10 vạn quân và hàng vạn ngụy quân. Nhưng giặc không thể nào rảnh tay để triệt để giữ yên một vùng nào, chỉ giữ được trị an ở trong các thành trì lớn, các phủ huyện, đồn quân. Còn tại những nơi hẻo lánh, rừng núi, sự kiểm soát của quân Minh không ngăn được việc khai sinh các phong trào khởi nghĩa. Trong bối cảnh đó, quân Lam Sơn càng có thêm nhiều thời gian để củng cố lực lượng. Nghĩa quân Lam Sơn không đơn độc. Cuộc chiến của họ là cuộc chiến chung của cả dân tộc Việt.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới