Sau 20 năm xung đột Afghanistan, hàng nghìn người chết và Mỹ tiêu tốn ít nhất 1 nghìn tỉ USD, Taliban đã quay lại, lật đổ chính phủ một cách chóng vánh vào ngày 15.8.2021.
Cùng nhìn lại toàn cảnh xung đột ở Afghanistan từ 2001 tới nay, theo tóm tắt của báo nước ngoài:
Chiến dịch quân sự sau ngày 11.9.2001 ở Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và tiêu diệt al-Qaeda đã thành công lớn.
Ngày 7.10.2001, Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu. Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu không kích vào các mục tiêu của Taliban và al Qaeda ở Afghanistan.
Ngày 13.11.2001, Kabul của Taliban thất thủ. Ngày 7.12, Taliban để mất thành trì cuối cùng là Kandahar.
Ngày 22.12.2001, ông Hamid Karzai tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.
Giai đoạn đầu từ 2002 tới 2005 tỏ ra sáng sủa.
Tổng thống Karzai dường như đã làm việc được với các nhóm sắc tộc, các trường học được mở cửa cho trẻ em gái, phụ nữ bắt đầu tham gia vào cả quá trình kinh doanh và chính trị, truyền thông mở cửa.
Tình hình đất nước được cải thiện đến mức hàng triệu người tị nạn trở về nhà.
Trong thời kỳ này, không bao giờ có hơn 15.000 lính Mỹ đồn trú tại đây.
Ngày 28.6.2005, cuộc chạm trán của Mỹ với Taliban hồi sinh diễn ra ở miền Đông Afghanistan, khiến 19 lính Mỹ thiệt mạng.
Đến cuối năm 2006, quân số Mỹ đã phải tăng lên khoảng 21.000 người, sau đó lên 31.000 vào cuối năm 2007.
Sau khi tân Tổng thống Barack Obama kiểm tra tình hình từ tháng 2 đến tháng 3.2009, tổng thống đã chấp thuận gửi thêm 17.000 quân và thêm 4.000 cố vấn, nâng mức quân số của Mỹ tại Afghanistan lên 68.000 người.
Sau đó, ông Obama đồng ý gửi thêm 30.000 lính Mỹ và yêu cầu các đối tác liên minh cung cấp thêm 7.000-8.000 quân.
Chỉ trong ba năm, 2006-2009, số lượng quân nhân Mỹ ở Afghanistan đã tăng gấp 4 lần lên gần 100.000 người.
Vào ngày 9.10.2009, giám đốc CIA Leon Panetta nhận xét: “Chúng ta không thể rời đi, và cũng không thể chấp nhận hiện trạng”.
Tổng thống Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.
Ngày 2.5.2011, trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt.
Thủ lĩnh của al-Qaeda bị giết trong một cuộc tấn công của đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ vào một khu nhà ở Abbottabad, Pakistan. Thi thể của Osama bin Laden được chuyển đi và hải táng trên biển. Hoạt động này kết thúc cuộc săn lùng kéo dài 10 năm do CIA dẫn đầu. Việc Bin Laden được xác nhận đã sống trên đất Pakistan càng làm dấy lên những cáo buộc ở Mỹ rằng Pakistan là đồng minh không đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngày 23.4.2013: Người sáng lập Taliban, Mullah Mohammed Omar, chết. Cái chết của thủ lĩnh Taliban được giữ bí mật trong hơn hai năm.
Theo tình báo Afghanistan, Mullah Omar chết vì vấn đề sức khỏe tại một bệnh viện ở thành phố Karachi của Pakistan. Pakistan phủ nhận rằng ông ta đã ở nước này.
Vào tháng 12.2018, Taliban thông báo sẽ gặp các quan chức Mỹ để cố gắng tìm ra “lộ trình tiến tới hòa bình”.
Tháng 2.2020, Mỹ và Taliban đã ký một “thỏa thuận mang lại hòa bình” cho Afghanistan sau hơn 18 năm xung đột.
Mỹ và các đồng minh NATO đồng ý rút toàn bộ quân đội trong vòng 14 tháng nếu các chiến binh duy trì thỏa thuận.
Bốn điểm chính của thỏa thuận này là:
Ngừng bắn: Tạm thời giảm bạo lực thời điểm đó, và nói rằng một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa các lực lượng Mỹ, Taliban và Afghanistan sẽ là một phần của các cuộc đàm phán giữa các phe nội bộ Afghanistan.
Rút các lực lượng nước ngoài: Mỹ đồng ý giảm quân số của mình tại quốc gia này từ khoảng 12.000 người xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày. Nếu Taliban thực hiện đúng cam kết của mình, tất cả quân đội Mỹ và các nước khác sẽ rời Afghanistan trong vòng 14 tháng.
Các phe nội bộ Afghanistan đàm phán: Taliban đồng ý bắt đầu đàm phán với chính phủ Afghanistan từ tháng 3.2020.
Đảm bảo chống khủng bố: Taliban đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không bị khủng bố lợi dụng để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh.
Theo thỏa thuận, các chiến binh đồng ý không cho phép al-Qaeda hoặc bất kỳ nhóm cực đoan nào khác hoạt động trong các khu vực mà họ kiểm soát.
Trong vòng 135 ngày đầu tiên của thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm lực lượng của mình ở Afghanistan xuống còn 8.600 người.
Động thái này sẽ cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện rằng ông đã đưa quân về nước trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2020.
Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông lên kế hoạch chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến nhưng trì hoãn việc rút quân.
Ban đầu, ông Biden cho biết ông sẽ rút toàn bộ lực lượng Mỹ trước ngày 11.9.2021, đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11.9. Sau đó, ông đổi ngày rút quân thành ngày 31.8.
Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận từ ngày 1.5.2021. Cho tới ngày đó, chính phủ Afghanistan còn đang kiểm soát toàn bộ 34 thủ phủ cấp tỉnh, và Taliban chưa chiếm được thủ phủ nào.
Từ ngày 3.5.2021, Taliban bắt đầu mở cuộc tấn công, ban đầu đánh tỉnh Helmand.
Đến ngày 6.8.2021, Zaranj là thủ phủ tỉnh đầu tiên lọt vào tay Taliban.
Sự sụp đổ nhanh chóng bắt đầu từ đó, với việc Taliban chiếm được 5 thủ phủ trong vòng 48 tiếng. Thủ phủ các tỉnh bắt đầu rơi liên tục như quân cờ domino chỉ trong vài ngày.
Hai thành phố lớn thứ ba và thứ hai, Herat và Kandahar, rơi vào tay Taliban ngày 12.8. Qalat, thủ phủ tỉnh Zabul, là thành phố thứ 18 đầu hàng ngày 13.8.
Jalalabad, thành phố lớn cuối cùng sau thủ đô, bị chiếm ngày 15.8.
Cùng ngày 15.8.2021, Taliban bao vây và tiến vào thủ đô Kabul. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, chính phủ Afghanistan sụp đổ. Taliban tuyên bố sẽ sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”.
Người phát ngôn Taliban nói với Đài Al-Jazeera rằng chiến tranh đã kết thúc ở Afghanistan và hình thức chế độ sẽ sớm được tiết lộ.