Do vấp phải sự phản kháng của nhân dân cả nước ta, quân Minh đã có quãng thời gian vất vả, buộc phải tạm ngưng các chiến dịch quyết định để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng vẫn lượng quân thường trực đông đảo, chính quyền đô hộ lại một lần nữa giành lại được quyền kiểm soát toàn lãnh thổ. Phong trào khởi nghĩa bùng phát mạnh trong năm 1419 nhưng manh mún không có điểm tựa chung, dần đi đến chỗ tàn lụi. Cho đến nửa cuối năm 1420, Tổng binh Lý Bân vừa rảnh tay sau những cuộc hành quân đánh dẹp liên tục các cuộc khởi nghĩa, đã bắt đầu chiến dịch tấn công đội quân của Bình Định vương Lê Lợi.
Tháng 11.1420, Lý Bân sai Chỉ huy sứ Phương Chính đem quân tiến vào rừng núi tìm diệt quân Lam Sơn. Lúc này quân ta đã đông mạnh hơn hẳn thời gian đầu, nhân dân trong vùng đã chủ động cho con em mình vào rừng tìm đến chỗ Lê Lợi để xin gia nhập nghĩa quân. Ước chừng thời điểm này, quân Lam Sơn đã có số lượng lên đến hơn 1 vạn người. Tất nhiên là quân ta vẫn không thể so sánh với quân Minh về số lượng và trang bị, nên phải lựa chọn cách đánh thích hợp theo phương châm lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Lê Lợi cho quân mai phục ở bến Bổng Tân, thượng lưu sông Chu đợi giặc.
Phương Chính vẫn ỷ rằng quân mình đông mạnh, cứ men theo dọc sông Chu tiến quân, nhằm hướng căn cứ của quân Lam Sơn mà chúng mới do thám được tin tức. Ngày 30.11.1420, Phương Chính dẫn quân lọt vào đúng trận địa mai phục của quân ta. Lê Lợi chờ cho giặc tiến sâu vào giữa trận địa mai phục rồi mới phát lệnh tấn công. Quân mai phục từ bốn phía vùng dậy vây lấy giặc mà đánh giết. Quân Minh bị bất ngờ không kịp trở tay, phút chốc đã bị tổn thất nặng nề, số quân còn lại mặc dù còn đông nhưng nhanh chóng vỡ trận bỏ chạy tứ tán trước khí thế tấn công của nghĩa quân Lam Sơn. Quân ta toàn thắng, thu được hơn trăm con ngựa chiến.
Sau trận đại thắng, thanh thế nghĩa quân Lam Sơn rất lớn, nhân dân trong vùng nô nức đến tòng quân. Phương Chính thua trận lại rút về tuyến sau, đóng trại phòng thủ. Lê Lợi thắng được một trận quan trọng, nhưng biết rằng gian nan vẫn còn rất lớn. Ngài nói với các tướng : “Quân địch vừa mới thua trận, tất nhiên chúng để tâm đề phòng cẩn mật. Vậy ta không nên giao chiến”. Thế nhưng các tướng Lam Sơn vừa mới đại thắng, đem lòng khinh địch. Có người dẫn quân đến phá trại giặc, bị Phương Chính đánh bại, tổn thất nặng nề. Lê Lợi biết quân Minh vẫn còn rất đông, bèn dời quân đến Nang Ninh để tránh. Quân Minh lại mở đợt hành quân tiến đánh Nang Ninh, Lê Lợi dẫn quân tránh đến Mường Thôi (tây bắc Thanh Hóa, chưa rõ địa điểm cụ thể).
Lý Bân từ nhận thấy Phương Chính đánh không dứt điểm được, tự mình dẫn thêm quân đến tiếp viện. Lý Bân cùng Phương Chính dùng tên Cầm Lạn là phụ đạo Quỳ Châu (thuộc Nghệ An ngày nay) làm kẻ dẫn đường, từ hướng Quỳ Châu tiến đánh quân Lam Sơn, quân đông đến 10 vạn. Quân số lần này cho thấy được rằng quân Minh đánh giá nghĩa quân Lam Sơn rất cao và cũng rất quyết tâm tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. Lý Bân dự định rằng dẫn quân tấn công từ hướng Quỳ Châu sẽ khiến quân ta bị bất ngờ, lại thêm số lượng áp đảo hoàn toàn sẽ đảm bảo chắc chắn một chiến thắng cho quân Minh. Nhưng nhờ vào tai mắt của nhân dân trong vùng, mọi đường đi nước bước của quân Minh đều được bộ chỉ huy nghĩa quân nắm được. Dựa vào đó, Lê Lợi xếp đặt thế trậnđón đánh giặc.
Khoảng vài trăm quân tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của tướng Phạm Vấn, Lê Triệu chuẩn bị trận địa mai phục ở Bồ Mộng để đón lõng quân Minh. Quân chủ lực Lam Sơn thì chia làm nhiều hướng bố trí mai phục ở Bồ Thi Lang, nằm trên đường mà quân Minh phải đi qua để đến đại doanh của Lê Lợi đóng ở Mường Thôi. Khi giặc từ Quỳ Châu kéo đến, Lê Lợi sai hai tướng Lê Lý, Lê Hướng dẫn vài ngàn khinh binh ra đón đánh, rồi giả thua dụ địch vào trận địa mai phục ở Bồ Mộng. Quân Minh ban đầu chiếm được lợi thế, hăm hở đuổi theo quân của hai tướng Lê Lý, Lê Hướng.
Giặc đuổi đến Bồ Mộng, gặp phục binh quân ta nổi lên cùng số quân đang rút lui quay lại quyết trận sống mái với chúng. Bốn mãnh tướng Lam Sơn là Phạm Vấn, Lê Triệu, Lê Lý, Lê Hướng cùng các quân lấy ít đánh nhiều, bẻ gãy mũi tiên phong của giặc, chém được hơn ba trăm thủ cấp tại trận. Quân Minh núng thế, nhưng vẫn còn rất đông. Các tướng Minh cứ bất chấp tổn thất nhân mạng của binh lính mà tiến. Phạm Vấn cùng các tướng ít quân phải lui, mở đường cho quân Minh càng tiến sâu vào rừng núi.
Lý Bân, Phương Chính vượt qua được ải Bồ Mộng, cứ nhằm hướng đại doanh Lê Lợi hùng hổ tiến lên. Đến Bồ Thi Lang, lại trúng mai phục lớn. Lần này, quân giặc không còn đối mặt với vài trăm quân, mà là hàng vạn quân mai phục, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bình Định vương Lê Lợi. Giặc lấy tốc chiến làm lợi thế, cứ tiến gấp mà thiếu dò xét, trong khi quân tướng Lam Sơn đều lấy chiến thuật mai phục làm sở trường. Chờ cho phần đông quân Minh lọt vào trận địa đã chuẩn bị sẵn, Lê Lợi phát lệnh tấn công. Tên đạn như mưa trút vào quân Minh, kế đến là lớp lớp quân Lam Sơn từ các hướng xông thẳng vào chia cắt đội hình giặc mà giáp chiến.
Quân Minh ban đầu cố sức chống trả, nhưng trước tinh thần chiến đấu xả thân của quân ta, giặc nhanh chóng chịu tổn thất nặng đến hơn 3.000 quân, dẫn đến vỡ trận, quân tướng tranh nhau chạy dài. Lê Lợi thừa thắng thúc toàn quân đuổi gấp, không cho quân Minh có thời gian tái tổ chức lại lực lượng. Quân ta đuổi liên tục 3 ngày đêm không ngừng nghỉ, dọc đường chém giết quân Minh nhiều vô kể. Chủ tướng quân Minh là Lý Bân, Phương Chính hoảng hốt không đoái hoài đến sĩ tốt, mạnh ai nấy chạy thoát thân.
Đến sách Ba Lẫm, huyện Lỗi Giang (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), Lê Lợi cho dừng quân nghỉ ngơi, sửa sang khí giới, chỉnh đốn lại hàng ngũ. Quân Minh tại các đồn vốn đóng quanh vùng rừng núi tây Thanh Hóa để kìm kẹp quân dân ta, nay trước thế mạnh của quân Lam Sơn đều phải bỏ đồn rút lui. Các tướng giặc là Tạ Phượng, Hoàng Thành dồn quân về đóng giữ trại Quan Du (thuộc huyện Quan Hóa, Thanh Hóa), che chắn cho thành Tây Đô bấy giờ là thủ phủ Thanh Hóa, cũng là một thành trì tối quan trọng trong hệ thống quân sự của giặc Minh tại vùng lãnh thổ phía nam Đại Việt.
Lê Lợi sai quân khiêu chiến, quân Minh cố thủ trong trại không ra đánh. Quân ta bèn chia quân làm nhiều toán, luân phiên nhau đánh phá trại Quan Du bất kể đêm ngày. Hễ toán quân này đánh giặc, thì các toán quân khác ở trong trại nghỉ ngơi dưỡng sức. Cứ thế ngày qua ngày, quân ta càng đánh càng hăng, mà giặc ở trại Quan Du thì luôn căng thẳng chống đỡ rất mệt mỏi. Thấy thế giặc đã mệt mỏi, Lê Lợi một mặt vẫn cho quân tấn công hướng chính diện, đồng thời sai hai tướng Lê Sát, Lê Hào cầm kỳ binh đánh úp vào trại giặc ở một hướng khác. Quân Minh thế đã suy, lại bị bất ngờ nên không thể chống nổi. Trại Quan Du vỡ, quân Lam Sơn tràn vào tàn sát quân Minh, chém giặc hơn 1 vạn tên, khí giới thu được rất nhiều.
Sau những trận đại thắng liên tiếp, oai danh của Bình Định vương Lê Lợi lừng lẫy khắp cả nước. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bấy giờ vẫn chưa ra khỏi địa phương Thanh Hóa, nhưng sức hút của nó thực sự đã mang tính toàn quốc. Quân Minh từ sau trận Quan Du, thế ngày một suy. Còn nghĩa quân Lam Sơn càng đánh càng mạnh, nhân dân khắp nơi luôn chực chờ giúp sức cùng đoàn quân dưới trướng Lê Lợi giải phóng non sông.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới