Sự phát triển quá nhanh về quy mô trong một thời gian ngắn bên cạnh việc giúp cho quân đội Lam Sơn trở thành một đạo quân đông mạnh, cũng nảy sinh những khó khăn cho các chỉ huy tối cao ngay trong việc quản lý chính đội quân của mình. Đến năm 1427, quân Lam Sơn đã đông đến hơn 35 vạn người.
Tại mặt trận thành Đông Quan thế trận đã diễn ra đúng như kế hoạch của bộ chỉ huy quân Lam Sơn. Vương Thông sau một số cố gắng quấy rối vòng vây của quân ta, cuối cùng lại phải chịu cảnh bị vây khốn đến mức không còn đường ra khỏi cổng thành. Thế nhưng vẫn còn một những vấn đề lớn mà nghĩa quân Lam Sơn cần phải giải quyết trước khi bước vào trận đánh quyết định với viện binh từ nước Minh sang.
Một trong những vấn đề cốt yếu nhất là chỉnh đốn lại đội ngũ, tổ chức. Sự phát triển quá nhanh về quy mô trong một thời gian ngắn bên cạnh việc giúp cho quân đội Lam Sơn trở thành một đạo quân đông mạnh, cũng nảy sinh những khó khăn cho các chỉ huy tối cao ngay trong việc quản lý chính đội quân của mình. Đến năm 1427, quân Lam Sơn đã đông đến hơn 35 vạn người. Trong số này, có rất nhiều tân binh chưa nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Bình Định vương Lê Lợi đã phải tổ chức nhiều cuộc tập trận, duyệt binh để nâng cao khả năng chiến đấu cho các tân binh. Đồng thời, tổ chức quân đội cũng được xếp đặt lại một cách bài bản và quy củ. Kỷ luật được quy định rõ ràng và nghiêm ngặt. Lê Lợi cho thi hành 10 điều nghiêm cấm đối với tướng hiệu và quân nhân, hễ ai phạm phải một trong các điều này đều xử chém:
1 – Làm huyên náo trong quân.
2 – Gây kinh động hão, bịa điều họa phúc làm dao động lòng quân.
3 – Khi ra trận, nghe tiếng trống, thấy cờ hiệu mà giả cách không nghe, không thấy, dùng dằng
không tiến.
4 – Khi ra trận, trông thấy cờ dừng quân, nghe thanh la dừng quân mà không đứng lại.
5 – Nghe tiếng chiêng lui quân mà cưỡng lại không lui.
6 – Canh phòng túc trực không siêng, hoặc ngủ say bỏ canh, bỏ hàng ngũ ngầm trốn về.
7 – Đắm đuối nữ sắc,lén lút thả riêng cho người họ nhà vợ không làm quân dịch.
8 – Thả quân lính để lấy tiền và che dấu không biên vào sổ quân.
9 – Theo thói ưa ghét của riêng mình mà đảo lộn công tội của người.
10 – Bất hoà với mọi người, gian ác, trộm cắp.
( theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )
Đối với các võ tướng thì có thêm ba điều răn :
1- Chớ thờ ơ.
2- Chớ lừa dối.
3-Chớ tham lam.( theo ĐVSKTT )
Sau đó, lại ra quân lệnh: “Hễ nghe một tiếng pháo nổ mà không có tiếng chiêng thì phải đến ngay để nghe mệnh lệnh. Khi nào có hai, ba tiếng pháo và hai ba tiếng chiêng nổi lên thì là có động gấp rút, bấy giờ chấp lệnh thì mau mau sắp xếp hàng ngũ cho chỉnh tề, thiếu úy thì tới quân doanh để nghe mệnh lệnh. Các quân khi đi trận, mà lùi chạy, hoặc bỏ không cứu quân đoạn hậu thì phải chém. Nhưng khi biết góp sức khiêng ra được bạn đồng ngũ không may chết trận thì được miễn tội chạy trốn ấy.” (theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
Những quy định rất cụ thể, rõ ràng đã giúp khả năng hiệp đồng tác chiến quy mô lớn của quân Lam Sơn được nâng cao. Đặc biệt là đầu não Lam Sơn dù trên đà thắng trận nhưng vẫn dự liệu việc ra quân bị thất thế bị rút lui, nên ra ra điều luật “bỏ không cứu quân đoạn hậu thì phải chém”. Điều này có nghĩa là chẳng may thất thế, thì đội quân chặn hậu vẫn được coi là đối tượng được các đồng đội hỗ trợ để tìm đường sinh tồn, chứ không phải mặc định là đội cảm tử, “thí mạng” như nhiều quân đội khác.
Thói kiêu binh cũng là một trong những điều quan trọng cần nói. Kiêu binh trước là khinh nhờn quân pháp, sau là chủ quan khinh địch, muốn sớm nhàn hạ. Việc Lý Triện, Đinh Lễ tử trận chính là những ví dụ điển hình về sự tai hại của sự kiêu ngạo. Lê Lợi đã cố gắng uốn nắn, khuyên răn các tướng sĩ của mình. Bấy giờ quân Thiết đột trải nhiều phen gian lao, nhiều người hy sinh. Lê Lợi cố gắng ủy lạo những chiến sĩ tinh anh này, và ra chiếu dụ rằng: “Đồng lòng liều mạng để phá giặc… Đó là công sức của các ngươi. Còn như sắp xếp quy mô kế hoạch, lo liệu áo mặc, lương ăn, ban thưởng, ban tước thì ở cả một mình ta đây. Các ngươi nên một lòng một dạ đánh giặc, đừng ngại nhọc nhằn” (theo KĐVSTGCM)
Lê Lợi thậm chí bất đắc dĩ đã phải dùng nghiêm hình đối với những người có thân tín có công cao, chức lớn để làm răn, hòng củng cố kỷ luật quân đội. Tư mã Lê Lai (tên thật là Nguyễn Thận, đổi sang tên Lê Lai, trùng tên với Lê Lai chết thay cho Lê Lợi) cậy là người theo hầu Lê Lợi từ đầu, có nhiều công lao đánh dẹp, nên ăn nói có nhiều lời khinh mạn. Lê Lợi đã xử tử Lê Lai vì vi phạm quân pháp.
Lê Lợi đồng thời cũng xuống chiếu dụ quân dân: “Giặc mạnh chưa trừ diệt hết, dân sinh chưa được thỏa thuê, các ngươi có yên tâm không? Xưa kia, họ Hồ lỗi đạo, người Minh thừa cơ kéo sang xâm lược, bắt dân ta phải chịu thuế nặng, sưu cao, hình phạt hà khắc. Các ngươi đều mắc vào vòng bạo ngược của chúng, nên mới cùng nhau đứng dậy, chống kẻ thù địch. Bây giờ công việc đã gần thành tựu, các ngươi nên cố gắng đắp tròn quả núi, đừng để thiếu một sọt đất mà núi phải dở dang! Vả, chỉ phải dùng sức khó nhọc một năm mà được hưởng vui sướng thái bình muôn thuở. Các ngươi hãy cố gắng lên!” (theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
Riêng đối với quân nhân, tướng hiệu người các xứ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa là những xứ góp công lớn giúp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua những thử thách chông gai buổi ban đầu, Lê Lợi vẫn có thái độ ưu đãi đặc biệt. Ngài dụ rằng:
“Ta khởi binh ở đất các ngươi, đã gần thành công. Mong các ngươi trước sau một lòng, vàng đá một tiết, để trọn nghĩa vua tôi, cha con. Ta biết các ngươi đều là hiền sĩ của đất nước. Trước kia, Hưng Khánh, Trùng Quang chỉ có tiếng hão, không nên công gì là bởi chính lệnh không thống nhất, đại thần không được biết gì. Bọn các ngươi chỉ uổng phí sức lực cho họ thôi. Nay thiên hạ về một mối, ta cùng các ngươi như nghĩa cha con, mong các ngươi dốc lòng khôi phục lãnh thổ nước nhà. Từ xưa các tướng văn tướng võ được phong hầu cũng chỉ như các ngươi thôi, có khác gì đâu. Các ngươi hãy chỉnh đốn đội ngũ của mình, luyện tập quân sĩ của mình, sau khi dẹp yên bọn giặc tàn bạo, sẽ chia một nửa sốngười về làm ruộng. Nay trời mượn tay ta diệt giặc, việc không đừng được. Kẻ nào theo lệnh ta thì phá được giặc, vẫn sống mà lại có công, kẻ nào không theo lệnh ta thì chết mà chẳng được việc gì! Mỗi đội đều phải chép lại một bản lệnh này, mỗi ngày đọc đi đọc lại nhiều lần cho quân lính được biết”. (theo ĐVSKTT)
Ngài cũng hứa hẹn sau khi dẹp giặc sẽ thư giãn sức dân, cho quân sĩ được nghỉ ngơi: “Giặc Minh tàn hại dân ta đã hơn hai chục năm. Buổi đầu số quân của ta có mấy trăm người. Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, mọi loại phú dịch đều tha cho 3 năm” (theo ĐVSKTT)
Những chiếu dụ của Lê Lợi ban xuống là một nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với quân dân cả nước, cũng là nhắc nhở quân dân rằng cần phải cố gắng hơn nữa mới có thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Các chiếu dụ này, hầu hết đều qua ngòi bút của Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo. Sách Lam Sơn Thực Lục đã ghi nhận công lao của Nguyễn Trãi: “Vua từ khi khởi binh cho đến khi dẹp được giặc Ngô và giành lại được nước nhà, bao nhiêu văn thư qua lại ở trong quân ngũ đều do Nguyễn Trãi làm cả”.
Quân Lam Sơn cũng đặc biệt có bước thay đổi từ chế độ tuyển mộ sang chế độ quân dịch. Sổ quân dân đã được lập ra để kiểm soát nhân khẩu trên cả nước. Căn cứ vào sổ sách, tráng đinh sẽ thực hiện nghĩa vụ tòng quân diệt giặc. Những kẻ du thủ du thực, cố tình trốn tránh cũng bị truy xét, bắt buộc sung quân để đền nợ nước. Chế độ quân dịch đã đánh dấu sự chuyển mình của quân đội Lam Sơn từ một đạo quân ứng nghĩa trở thành một quân đội chính quy của chế độ quân chủ chuyên chế. Đây là xu hướng tất yếu đi cũng như việc một hoàng triều mới sẽ hình thành sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Việc đổi sang chế độ quân dịch đã giúp quân ta chủ động được nguồn quân số, và giúp san sẻ trách nhiệm diệt giặc cứu nước một cách công bằng hơn. Lê Lợi đã cố gắng huy động ở mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước
Các biện pháp chấn chỉnh đội ngũ, củng cố sự cai trị, cổ vũ tinh thần quân dân đã đem lại cho quân Lam Sơn một sức mạnh mới, sức mạnh của một vương triều phong kiến đang hình thành. Giặc Minh vẫn chưa sạch bóng trên toàn cõi đất nước, nhưng hiệu lệnh của Bình Định vương Lê Lợi đã thực sự được thông suốt từ trên xuống dưới, cố kết cả nước thành một khối thống nhất. Chỉ có như vậy quân dân ta mới đủ sức đương đầu với lực lượng quân Minh được tổ chức bài bản, quy củ và đông mạnh. Mùa thu năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn lại trước khi viện binh giặc tiến sang. Vấn đề thứ nhất là hạ thành Xương Giang, một bàn đạp mà viện binh nước Minh có thể dùng. Vấn đề thứ hai là củng cố các cửa ải, cơ động các lực lượng hùng mạnh nhất lên biên ải để đón đánh giặc.
(còn nữa)
Quốc Huy/Một Thế Giới